Nghị định 60/NĐ-CP ra đời đã quy định nhiều nội dung nhằm siết lại một số kẽ hở được phát hiện trong quá trình thực hiện Nghị định 76/NĐ-CP. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến xung quanh việc cần phải có thêm hướng dẫn cụ thể để đảm bảo việc thực hiện Nghị định được thuận lợi.
Theo Nghị định 60, Luật sư sách nhiễu, lừa dối thân chủ bị phạt tối đa 5 triệu đồng, tước chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 1 năm.
Nhiều hành vi như tự ý tiết lộ thông tin của khách hàng, vòi vĩnh thêm tiền ngoài thù lao và chi phí ghi trong hợp đồng, thực hiện dịch vụ pháp lý mà không ký hợp đồng, hoặc ký nhưng nội dung không đúng quy định... sẽ bị phạt khá nặng.
Khi Nghị định 60/NĐ-CP được ban hành, có nhiều ý kiến cho rằng, với những quy định trong Nghị định 60, các luật sư thường hoạt động ở ngoại tỉnh sẽ gặp khó khăn bởi hiện nay, nhiều luật sư có văn phòng ở tỉnh này nhưng mở chi nhánh và thường xuyên hoạt động ở tỉnh, thành khác. Khi được đoàn luật sư tỉnh mình phân công trợ giúp pháp lý miễn phí trong các vụ án thì luật sư đó có thể không theo nổi và từ chối. Nếu làm vậy, sắp tới họ sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng.
Tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định này cũng quy định: Luật sư không thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của mình khi thực hiện dịch vụ pháp lý thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đến một triệu đồng. Vậy nếu trong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ghi rõ quyền, trách nhiệm của hai bên nhưng đương sự “tố” luật sư không thông báo, thông báo không đầy đủ... thì luật sư có thể bị phạt hay không ?
Theo luật sư Nguyễn Thế Phong, ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Nghị định 60 quy định những hành vi bị xử phạt trong hành nghề luật sư là cần thiết. Qua đó bảo đảm quyền lợi cho khách hàng (những người kém hiểu biết về pháp luật), giúp họ tránh bị luật sư (những người am hiểu pháp luật) chèn ép. Tuy nhiên, một số quy định phải có hướng dẫn cụ thể hơn. Chẳng hạn như việc không thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ được hiểu như thế nào? Thông báo bằng hình thức nào, thời gian nào? Hay như việc từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý phải quy định cụ thể từ chối trong trường hợp nào vì hiện những quy định này còn rải rác, luật sư khó lường hết được”.
Khách hàng cho phép mới được thông tin cho báo chí
Nghị định 60 cũng bổ sung hành vi vi phạm về bí mật thông tin của khách hàng. Nếu tiết lộ thông tin về vụ việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề mà không có văn bản đồng ý của khách hàng, luật sư sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng.
Nhiều luật sư cho rằng “Với quy định này, luật sư dễ dàng bị phạt như... cơm bữa. Bởi vì trong quá trình hành nghề, thấy vụ án có nội dung, yếu tố pháp lý hay, các luật sư vẫn thường cung cấp cho báo chí mà không yêu cầu khách hàng viết văn bản cho phép"
Như vậy, cần phải hướng dẫn rõ quy định cấm luật sư cung cấp thông tin về vụ việc của khách hàng là không cung cấp cho ai, thời hạn tối đa hay tối thiểu để được cung cấp, hoặc trong trường hợp cung cấp mà không ảnh hưởng quyền lợi khách hàng thì sao? Nếu không quy định sẽ được hiểu là luật sư nhận việc của khách hàng làm xong thì phải giữ bí mật mãi.
Ngoài ra hành vi vi phạm mà giới luật sư còn chưa rõ là móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức khác để làm trái quy định pháp luật là như thế nào (hành vi này sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng).
Tiền thù lao phát sinh: Có phạm luật?
Nghị định 60 quy định luật sư sách nhiễu, lừa dối, ép buộc khách hàng đưa thêm tiền hoặc lợi ích vật chất khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý bị phạt 3-5 triệu đồng, tước chứng chỉ hành nghề 6-12 tháng.
Tuy nhiên, trên thực tế, có những luật sư nhận việc xong, thấy có những tình huống mới, phát sinh thêm việc, nên yêu cầu thân chủ trả thêm chi phí, thù lao. Sắp tới, nếu hai bên thoả thuận được thì không sao, ngược lại thân chủ mà “tố” thì luật sư có thể bị áp dụng hình phạt "vừa mất tiền, vừa mất nghề".
Phạt "cò" hôn nhân, tha " cò công chứng"
Ngoài một số điểm nêu trên, Nghị định cũng quy định phạt từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản ngoài phạm vi tỉnh, thành nơi có một trong số bất động sản mà tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở. Câu này khá khó hiểu, cần được hướng dẫn cụ thể hơn.
Nghị định 60 đã bỏ điều khoản phạt “cò” công chứng trong Nghị định 76 trước đây. Điều này phù hợp với chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực công chứng. Theo đó, người môi giới công chứng có quyền giới thiệu cho người quen biết của mình đến bất kỳ phòng công chứng hay văn phòng công chứng nào.
Cùng hành vi vi phạm trên, người có thẩm quyền xử phạt được áp dụng cả hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là tước thẻ công chứng viên từ sáu tháng đến một năm sẽ rất khó thực hiện. Theo Luật Công chứng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền bổ nhiệm công chứng viên và có thẩm quyền thu hồi thẻ công chứng viên khi miễn nhiệm công chứng viên. Nay Nghị định 60 quy định người có thẩm quyền xử phạt hành chính được tước thẻ công chứng viên thì chưa phù hợp Luật Công chứng vì khi chưa có quyết định miễn nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì công chứng viên đó vẫn có quyền hành nghề.
Theo Điều 17 Nghị định 60, chỉ được thực hiện công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp khách hàng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác. Nếu không đúng đối tượng mà giải quyết công chứng ngoài trụ sở sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng. Về điểm này, Bộ Tư pháp cũng cần hướng dẫn rõ hơn các trường hợp có lý do chính đáng khác là gì để các công chứng viên khỏi bị phạt oan vì giải quyết công chứng ngoài trụ sở sai đối tượng.
Đặng Nam