Phương thức thứ nhất, hỗ trợ thường xuyên thông qua 5 hình thức: là xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật (từ Điều 7 đến Điều 11 Nghị định số 66).
Phương thức thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bao gồm Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành và chương trình hỗ trợ pháp lý ở địa phương (Điều 12).
Tuy nhiên, theo ý kiến của các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp thì việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo phương thức thứ nhất chưa tạo được bước đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về hỗ trợ pháp lý trong giai đoạn hiện nay vì những lý do chủ yếu như sau:
Thứ nhất, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được thực hiện một cách đồng bộ và có hệ thống. Một bộ phận cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Vì vậy, cần xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp để có nguồn lực triển khai một cách mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thực thi tốt pháp luật;
Thứ hai, đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn ít về số lượng, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đa số cán bộ làm việc kiêm nhiệm, do đó, chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay chưa cao;
Thứ ba, kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu tập trung, chưa được thực hiện một cách đồng bộ trên cả nước, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện của công tác này;
Thứ tư, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ pháp lý chưa được đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả, dẫn đến bỏ trống nhiều địa bàn hoặc không đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp ở các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn khó tiếp cận với dịch vụ tư vấn pháp luật.
Đối với phương thức thứ hai, việc hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng chưa được các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm, đầu tư đúng mức. Trên thực tế, các Chương trình, Đề án đã được ban hành chủ yếu chỉ tập trung trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về lao động, sở hữu trí tuệ ...[1] mà chưa có một Đề án, Chương trình toàn diện về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc xây dựng một chương trình toàn diện về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ tập trung được nguồn lực, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Từ thực trạng nêu trên, các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp nhất trí cao về sự cần thiết xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp để ưu tiên nguồn lực thúc đẩy hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cần thiết để doanh nghiệp thực thi tốt pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống, giảm thiểu rủi ro pháp lý, giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh và sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Cụ thể, cần xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động như: bố trí, bồi dưỡng cán bộ; đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 66 và các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào việc thực hiện công tác này;
Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với thông tin pháp lý [2]; khắc phục tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận với văn bản quy phạm pháp luật;
Thứ ba, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp[3], tạo thói quen chủ động tìm hiểu và thực hiện pháp luật, sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật để áp dụng, thi hành pháp luật và phòng, chống rủi ro pháp lý trong kinh doanh của doanh nghiệp;
Thứ tư, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp thông qua việc cập nhật thường xuyên có hệ thống kiến thức pháp luật cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, bồi dưỡng các kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp cho các đối tượng này nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế doanh nghiệp có đủ trình độ, năng lực và kiến thức pháp luật để tư vấn cho người quản lý doanh nghiệp;
Thứ năm, xây dựng và hình thành mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn nhằm giúp các doanh nghiệp ở các địa phương này được tiếp cận với dịch vụ tư vấn pháp luật đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư phát triển kinh tế xã hội tại các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Trên cơ sở quy định của Nghị định số 66 [4], Bộ Tư pháp đã có Công văn số 3283/BTP- PLDSKT ngày 15/10/2008 đề nghị các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp căn cứ vào nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đề xuất các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để Bộ Tư pháp tổng hợp vào Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tính đến nay, đã có 12 Bộ, 34 Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và 02 tổ chức đại diện cho doanh nghiệp [5] có công văn về thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đề xuất các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi do mình quản lý gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp.
Tổng hợp báo cáo của các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp cho thấy, trong thời gian qua, về phía doanh nghiệp, trình độ hiểu biết luật pháp và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận chủ sở hữu và người quản lý chưa cao; nhiều doanh nghiệp còn làm ăn không trung thực, cố tình vi phạm quy định pháp luật.... Trong tổng số 413.000 doanh nghiệp hiện nay [6] thì có đến 95% trong số này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong tổng số 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa này thì có trên 50% là doanh nghiệp nhỏ và nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, vì vậy, các doanh nghiệp này thường chỉ quan tâm đến các vấn đề thuộc về sản xuất kinh doanh như doanh thu, lợi nhuận ... mà chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, rủi ro pháp lý luôn luôn là nguy cơ tiềm tàng đối với doanh nghiệp, ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Vì vậy, theo yêu cầu của các Bộ, ngành và các địa phương hiện nay, việc ban hành Chương trình sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến tích cực để thực hiện có hiệu quả các nội dung, hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang triển khai ”Đề án củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới,phát triển đất nước” (ban hành kèm theo Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 27/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Lao động - thương binh và xã hội đang triển khai ”Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 đến 2012” (ban hành kèm theo Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ), tuy nhiên, đối tượng, phạm vi và nội dung các hoạt động của các đề án này không trùng lặp với dự án này, đó là tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả của các Đề án, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp sau khi được phê duyệt, Ban Chỉ đạo sẽ phối hợp, tận dụng tối đa nguồn lực, lồng gép các hoạt động của các Đề án với các nội dung của Chương trình để đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp trong tháng 9/2009 (Theo Công văn số 667/VPCP-TH ngày 7/7/2009 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ), hiện dự thảo Chương trình đang được gấp rút hoàn thiện để lấy ý kiến Bộ, ngành trước khi trìnhThủ tướng Chính phủ.
Trần Minh Sơn
[1] Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ngày 4/4/2005 về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012); Quyết định số số 143/2004/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2004-2008, Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 đến 2012; Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 27/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước”.
[2] Theo kết quả điều tra về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức các năm 2005 và 2006 thì có khoảng 30% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng việc tiếp cận với văn bản pháp luật là khó hoặc không thể (theo báo cáo năm 2007, chỉ số này là 25%).
[3] Kết quả điều tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy trong số 1237 doanh nghiệp được khảo sát thì có khoảng 70 đến 80% số doanh nghiệp không hiểu hoặc hiểu không đầy đủ các quy định pháp luật cơ bản về kinh doanh; có nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật.
[4] Điểm b, khoản 3 Điều 12 Nghị định 66 quy định: “Các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương do mình quản lý gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành”.
[5] Các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có công văn nêu rõ thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đề xuất các hoạt động để đưa vào nội dung Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp bao gồm:
- Bộ, ngành có 12 Bộ gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban Dân tộc.
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 34 tỉnh gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Bắc Giang, Bên Tre, Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Cao Bằng, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Hải Phòng, Gia Lai, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Khánh Hoà, Kiên Giang, Kon Tum, Long An, Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc.
- Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có 2 tổ chức gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
[6] Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục phát triển doanh nghiệp) tính đến tháng 6/2009 trên cả nước có khoảng 413.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.