Giao dịch dân sự trong Luật Dân sự các nước: Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do giao dịch

Trong chương trình xây dựng luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, Bộ luật Dân sự 2005 của Việt Nam sẽ được sửa đổi phần quy định về hợp đồng và quyền sở hữu. Trong phần hợp đồng, quy định liên quan đến giao dịch dân sự tại BLDS Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn nước ta và xu thế lập pháp quốc tế. Việc tìm hiểu và nghiên cứu pháp luật quốc tế sẽ là kinh nghiệm tốt đối với quá trình hoàn thiện pháp luật hợp đồng của Việt Nam

“Việc dân sự cốt ở hai bên”

Mặc dù có nước đòi hỏi một số các giao dịch khi giao kết phải được thể hiện bằng một hình thức nhất định, nếu vi phạm hình thức theo luật định sẽ bị vô hiệu mà đại diện tiêu biểu là CHLB Đức. Pháp luật của Đức bắt buộc khi giao kết hợp đồng phải tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiện về hình thức, nếu không tuân thủ thì hợp đồng đó bị vô hiệu tuyệt đối. Việc quy định như vậy nhằm bảo vệ những người không có kinh nghiệm đối mặt với những tình huống bất ngờ. Tuy nhiên, rất nhiều nước không coi hình thức là điều kiện xác định hiệu lực của giao dịch như Pháp, Trung Quốc… Pháp luật của Pháp tuyệt đối tôn trọng quyền tự do của các bên khi tham gia vào giao dịch. Ngay cả một số loại giao dịch pháp luật yêu cầu phải tuân thủ hình thức nhất định, nhưng khi các bên tham gia giao dịch không tuân thủ các quy định về hình thức cũng không bị coi là vô hiệu. Tương tự, Trung Quốc không coi hình thức của hợp đồng là điều kiện để tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Cụ thể, Điều 37 Luật Hợp đồng của Trung Quốc quy định: “Lập hợp đồng bằng hình thức giấy hợp đồng, nếu trước khi ký tên hoặc đóng dấu mà một bên đương sự đã thực hiện các nghĩa vụ chủ yếu, đối phương chấp thuận, thì hợp đồng đó được thành lập”.

Trong khi đó, theo Điều 134 BLDS Việt Nam, hình thức giao dịch dân sự (GDDS) là điều kiện có hiệu lực của giao dịch, trường hợp các bên không tuân theo, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn, quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu. Đây là quy định không hợp lý bởi lẽ hình thức giao dịch thực chất chỉ là sự thể hiện ý chí của các bên tham gia GDDS bằng mực đen trên giấy trắng “văn bản”. Pháp luật quy định vi phạm hình thức dẫn tới GDDS vô hiệu sẽ tạo nên một khoảng cách giữa sự thống nhất ý chí thực và hiệu lực của giao dịch.

Nhiều chuyên gia cho rằng, từ những kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể sửa đổi Điều 134 theo hướng, khi có tranh chấp mà đương sự yêu cầu TA giải quyết thì xem xét từng trường hợp để công nhận hay huỷ bỏ giao dịch. Nếu GDDS đáp ứng 3 điều kiện: người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của giao dịch không trái pháp luật, đạo đức xã hội; người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện và đã thực hiện các nghĩa vụ chủ yếu, đối phương chấp thuận, thì giao dịch đó được công nhận. Sự không tuân thủ các quy định về hình thức không phải là điều kiện dẫn tới GDDS vô hiệu.

Vừa quy định chung vừa liệt kê cụ thể về giao dịch vô hiệu

Điều 113 Chương thứ nhất BLDS và Thương mại Thái Lan tại tiêu đề IV Những hành vi pháp lý quy định, “một hành vi pháp lý bị vô hiệu nếu mục tiêu của nó rõ ràng bị pháp luật ngăn cấm hoặc không thể thực hiện được, hoặc trái với trật tự công cộng hoặc trái với đạo đức”. Không những thế, cũng theo BLDS và Thương mại Thái Lan, một hành vi pháp lý không theo đúng hình thức quy định của pháp luật thì vô hiệu (Điều 115) và một hành vi pháp lý không tuân theo những yêu cầu về khả năng của thể nhân, pháp nhân thì có thể bị vô hiệu (Điều 116). Đây là những điều luật mang tính nguyên tắc, còn những trường hợp vô hiệu cụ thể được quy định tại chương thứ hai của tiêu đề này, bao gồm các điều từ 117 đến 142. BLDS Nhật Bản cũng quy định tương tự như BLDS và Thương mại Thái Lan, từ Điều 90 đến Điều 92 là những quy định chung về hành vi pháp lý vô hiệu, những trường hợp vô hiệu được liệt kê từ Điều 93 đến Điều 98. Các quy định về GDDS như BLDS Nhật Bản và BLDS và Thương mại Thái Lan là hợp lý và linh hoạt, làm cho người vận dụng pháp luật dễ hiểu, các điều luật không bị lặp đi lặp lại hoặc mâu thuẫn với nhau.

Còn trong BLDS 2005 của Việt Nam, Điều 122 cũng là quy định mang tính nguyên tắc chung: “1. GDDS có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: a-Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; b-Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; c-Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện. 2. Hình thức của GDDS là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định”. Tuy nhiên, Điều 127 BLDS Việt Nam lại quy định: “GDDS không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này, thì vô hiệu”. Thuật ngữ “không có một trong các điều kiện” làm cho người đọc hiểu theo một cách khuôn cứng là GDDS thiếu một trong bốn điều kiện nêu trên sẽ vô hiệu. Quy định này đã làm cho người đọc lầm hiểu điều luật 127 là một điều luật độc lập hay ngoại lệ với điều khoản khác.

TS. Nguyễn Văn Cường (Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử - TANDTC) cho rằng, để áp dụng điều luật một cách mềm dẻo theo đúng nghĩa của nó, chúng ta không nên quy định Điều 127. Vấn đề xác định giao dịch có đủ điều kiện hay vô hiệu chỉ cần căn cứ vào Điều 122 BLDS và các điều luật về những trường hợp GDDS vô hiệu cụ thể. Quy định như vậy không những linh hoạt mà còn phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Phải hoàn trả nếu được lợi không chính đáng

Pháp luật của các nước theo hệ thống thông luật và luật dân sự chủ yếu giải quyết hậu quả GDDS vô hiệu bằng các lý thuyết “được lợi không chính đáng” hay “làm giàu không chính đáng” hoặc lý thuyết “thực hiện công việc không có sự uỷ quyền”. Nghĩa là, người nào được lợi về tài sản một cách không chính đáng, không công bằng thì phải hoàn trả tiền hoặc tài sản cho người bị thiệt về tiền hoặc tài sản. Tuy nhiên, sự được lợi đó được hình thành trên sự đóng góp sức lực hay tiền bạc của phía bị thiệt hại, khác với bồi thường thiệt hại một số điểm là người phải hoàn trả chỉ trả trong phạm vi những tài sản hay tiền mà họ được lợi chứ không phải toàn bộ những tổn của nguyên đơn; được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, là sự phát sinh quyền về tài sản không dựa trên cơ sở pháp luật nào, người được lợi về tài sản bao nhiêu phải trả cho chủ sở hữu bấy nhiêu mà không cần phải căn cứ vào hành vi có trái pháp luật hay không.

BLDS Việt Nam tại Điều 137 lại quy định, “…Khi GDDS vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”. Quy định trên rõ ràng là rất chung chung trong khi thực tiễn tài sản được hoàn trả không phải lúc nào cũng còn nguyên giá trị của nó tại thời điểm giao kết, nó thường bị biến đổi do tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội làm cho không còn nguyên giá trị ban đầu. Cũng theo ông Cường, nếu chúng ta áp dụng các lý thuyết này sẽ phù hợp hơn, nhất là trong tình huống ở thời điểm tuyên bố GDDS vô hiệu giá cả của đối tượng giao dịch có tăng hoặc giảm so với thời điểm giao kết và mang lại sự công bằng cho đương sự.

Cẩm Vân

TS. Nguyễn Văn Cường (Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử - TANDTC) kiến nghị, cần sửa lại Điều 137 BLDS Việt Nam như sau: “1. GDDS vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập; 2. Khi GDDS vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, bên có lỗi phải bồi thường; 3. Trong trường hợp trượt giá của đồng tiền và trượt giá tài sản là đối tượng của giao dịch thì buộc người được lợi về tài sản phải trả cho chủ sở hữu mà không cần phải căn cứ vào hành vi có trái pháp luật hay không”.

 

Luật pháp, pháp quy hành chính quy định hoặc đương sự thoả thuận lập hợp đồng bằng hình thức văn bản, nếu đương sự chưa áp dụng hình thức văn bản nhưng một bên đã thực hiện các nghĩa vụ chủ yếu, đối phương chấp thuận, thì hợp đồng đó được thành lập (Điều 36 Luật Hợp đồng của Trung Quốc).