Tính đến nay đã có có 88 Văn phòng Công chứng được thành lập tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với 166 công chứng viên được bổ nhiệm hoạt động tại các Văn phòng công chứng. Cùng với 131 Phòng Công chứng với 410 công chứng viên, các Văn phòng Công chứng và các công chứng viên hoạt động tại đây đã dần tạo thành một mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng được mở rộng và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu công chứng của nhân dân. Bên cạnh các Phòng Công chứng vốn đã là truyền thống và có “thương hiệu”, nhiều Văn phòng Công chứng cũng đã khẳng định được niềm tin và thu hút được số lượng khách hàng khá đông đảo, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh buộc tất cả các tổ chức hành nghề công chứng nếu muốn củng cố và phát triển phải cải tiến, đổi mới, vươn lên khẳng định vị trí, thương hiệu của mình trong xã hội. Sự hài lòng của nhân dân và độ an toàn trong giao dịch chính là thước đo chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng.
Cùng với chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, việc “công chứng hóa” hoạt động chứng nhận các giao dịch, hợp đồng nhằm tăng cường bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của người dân cũng được quan tâm đặc biệt. Thực hiện Luật Công chứng, Nghị định 02/2008/NĐ-CP, nhiều Sở Tư pháp đã chủ động xây dựng, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ vào tình hình phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, từng bước chuyển giao việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch từ Uỷ ban nhân dân sang cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện theo quy định tại điểm 8 Thông tư số 03/2008/TT-BTP. Đến nay, đã có 27 địa phương trên cả nước thực hiện việc chuyển giao và nhiều địa phương khác cũng đang trong quá trình tham mưu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc chuyển giao. Công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động đối với các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn cũng được nhiều địa phương quan tâm và dần đi vào nền nếp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần thấy rằng, một trong những yếu kém cần khắc phục trong công tác công chứng là hoạt động quản lý nhà nước đối với công tác này ở nhiều địa phương còn mờ nhạt, chưa đi vào chiều sâu. Một số Sở Tư pháp còn lúng túng trong việc thực hiện vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn. Thậm chí có nơi băn khoăn không biết mình quản lý nhà nước đối với Văn phòng Công chứng như thế nào, đối với công chứng viên hoạt động tại Văn phòng công chứng ra sao; nhiều nơi chỉ tập trung chỉ đạo đối với hoạt động của Phòng Công chứng... Vai trò quản lý nhà nước không được phát huy dẫn đến việc các tổ chức hành nghề công chứng trên một số địa bàn chưa lấy cơ quan tư pháp làm chỗ dựa khi có những vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động hành nghề mà thường gửi thẳng các kiến nghị, thắc mắc lên Bộ Tư pháp, không qua Sở Tư pháp là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác tư pháp, trong đó có hoạt động công chứng ở địa phương, dẫn đến tình trạng địa phương thì không nắm được tình hình, còn Bộ lại quá tải, phải giải quyết cả các hoạt động đơn lẻ, sự vụ. Việc xã hội hóa công chứng, bên cạnh những kết quả, cũng đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tiêu cực như sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng, Văn phòng công chứng). Thậm chí, tuy chưa phải là phổ biến, nhưng đã có hiện tượng “công chứng dạo” như phản ánh của một số địa phương (tức là tình trạng công chứng viên bỏ dấu vào túi đi đến các cơ quan, tổ chức để thực hiện công chứng)… trong khi Luật công chứng đã quy định rõ việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ một số trường hợp đặc biệt. Hoặc đã có tình trạng cá nhân góp vốn vào Văn phòng công chứng yêu cầu được “quản lý”, “điều hành” Văn phòng công chứng dẫn đến xung đột, Văn phòng công chứng phải tạm dừng hoạt động như báo chí phản ánh, trong khi Luật Công chứng đã quy định rõ Văn phòng công chứng do công chứng viên thành lập và người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng công chứng, Luật không quy định việc các cá nhân “góp vốn” vào các Văn phòng công chứng. Ở đây, vai trò quản lý nhà nước rõ ràng đã bị buông lỏng, lúng túng hoặc chưa theo kịp với tình hình. Cần quán triệt một cách rõ ràng rằng, chủ trương xã hội hóa phải đi đôi với tăng cường quản lý nhà nước, xã hội hóa càng mạnh, quản lý nhà nước càng phải tăng cường. Xã hội hóa công chứng đang chập chững những bước đi đầu tiên, các tổ chức hành nghề công chứng theo mô hình mới đang hình thành, không tránh khỏi những lúng túng, bất cập trong hoạt động, quản lý. Vấn đề ở chỗ cần nhận diện rõ vấn đề và có những giải pháp thích hợp. Thiết nghĩ trong những tháng cuối năm 2009 và cả những giai đoạn tiếp theo, các địa phương cần hết sức chú ý trong việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng. Việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng cần tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Về thể chế: các Sở Tư pháp cần tăng cường tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành những quy định hướng dẫn các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên theo thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động công chứng trên địa bàn cũng như cho việc quản lý chặt chẽ hoạt động này, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Đặc biệt, cần quan tâm đến việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn để có cơ sở thành lập và phát triển các tổ chức hành nghề công chứng theo một quy hoạch hợp lý. Hiện mới chỉ có 30 địa phương ban hành Đề án, tuy nhiên, nhiều Đề án còn chung chung, chưa rõ được chủ trương phát triển và chưa vẽ được bản đồ phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương, cũng cần phải được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, để tăng cường bảo đảm an toàn cho các hợp đồng, giao dịch của người dân, đồng thời để Phòng tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã tập trung thực hiện tốt công tác chứng thực, các Sở Tư pháp cũng cần sớm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ vào tình hình phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương, từng bước chuyển giao thẩm quyền chứng nhận các giao dịch, hợp đồng sang cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Hiện nay mới chỉ có 27/63 địa phương Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định chuyển giao. Mặc dù Bộ Tư pháp đã có chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này, tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển giao theo điểm 8 Thông tư 03 ở các địa phương, bên cạnh nhiều thuận lợi, cũng vẫn còn gặp khó khăn ở một số nơi, do chưa thống nhất nhận thức về vấn đề này. Một vài nơi cũng còn băn khoăn về cơ sở pháp lý của việc chuyển giao theo quy định của điểm 8 của Thông tư 03; cho rằng quy định của điểm 8 Thông tư 03 chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, vì các luật này đã quy định đối với các giao dịch, hợp đồng về quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì họ có thể lựa chọn công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Thậm chí ở một vài nơi, Ủy ban nhân dân cấp xã có phản ứng cho rằng việc chuyển giao như vậy là "không thuận tiện cho dân" vì chứng thực ở xã thì người dân không phải đi xa, không đòi hỏi các loại giấy tờ như công chứng…v.v. Điều này cũng do nhiều nguyên nhân như nhận thức pháp luật còn có sự khác nhau, việc giải thích, hướng dẫn của các đơn vị chức năng chưa đầy đủ và thuyết phục, vai trò của cơ quan tư pháp một số nơi chưa được phát huy, thậm chí một số Ủy ban nhân dân cấp xã chưa nhận thức rõ vấn đề hoặc vì lợi ích cục bộ cũng gây sức ép đối với các cơ quan chức năng cấp trên…
Để thực hiện đúng quy định của Luật Công chứng cũng như tăng cường sự "bảo hộ" của Nhà nước đối với các hoạt động giao dịch dân sự, cần có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về tinh thần của pháp luật cũng như việc vận dụng và áp dụng pháp luật trong thực tiễn, nhận thức rõ về lợi ích lâu dài và bền vững của công chứng đối với an toàn pháp lý của các hợp đồng, giao dịch. Xin được trao đổi một số ý kiến xung quanh vấn đề này như sau để các địa phương tham khảo trong quá trình tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc chuyển giao:
- Thứ nhất về cơ sở pháp lý của việc chuyển giao:
Luật Nhà ở 2005 và Luật Đất đai 2003 ban hành khi chưa có Luật Công chứng, chưa có chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, các Phòng công chứng còn ít, làm cả công tác chứng nhận bản sao, chữ ký nên quá tải, mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng chưa phát triển, nên việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở quy định người dân có thể lựa chọn công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân là phù hợp với điều kiện lúc đó. Tuy nhiên, Luật Công chứng ban hành năm 2006 đã phân biệt rành mạch hoạt động công chứng với hoạt động chứng thực, theo đó, công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch, nên việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch, trong đó có các hợp đồng giao dịch về nhà ở, quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân là thuộc lĩnh vực công chứng. Bên cạnh đó, theo quy định của Nghị định 79/2007/NĐ-CP, hoạt động chứng thực hiện đã tập trung vào Phòng Tư pháp và UBND cấp xã, các tổ chức hành nghề công chứng không còn thực hiện chứng nhận bản sao, chứng nhận chữ ký…như trước đây. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công chứng theo quy định của Luật Công chứng thì các tổ chức hành nghề công chứng đang phát triển mạnh. Để Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã tập trung thực hiện tốt công tác chứng thực đối với bản sao, chứng thực chữ ký…v..v vốn đã hết sức nặng nề, mặt khác, để tăng cường bảo đảm an toàn trong các giao dịch pháp lý của người dân, trong đó có các giao dịch về quyền sử dụng đất, Thông tư 03 đã quy định căn cứ vào thực tiễn tình hình phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện; trong trường hợp trên địa bàn huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng thì người tham gia hợp đồng, giao dịch được lựa chọn công chứng của tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn khác hoặc chứng nhận của Uỷ ban nhân cấp xã theo quy định của pháp luật. Quy định này của Thông tư 03 là có cơ sở pháp lý, phù hợp với Luật Công chứng. Tuy có điểm khác biệt giữa Luật Công chứng, Luật Nhà ở và Luật Đất đai nhưng trong trường hợp này Luật Công chứng được ưu tiên áp dụng theo quy định tại Điều 83 của Luật Ban hành văn bản quy phạm phạm pháp luật vì là văn bản được ban hành sau[1].
- Thứ hai, việc chuyển giao rất phù hợp với chủ trương xã hội hóa công chứng theo tinh thần Luật Công chứng đã được Quốc hội thông qua, kích thích phát triển các Văn phòng công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển và ổn định công tác chứng thực, nhất là công tác chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã, để công tác chứng thực có điều kiện đi vào chiều sâu, đáp ứng đầy đủ và nhanh nhạy các nhu cầu của người dân trên địa bàn.
- Thứ ba, việc chuyển giao góp phần quan trọng tăng cường bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo niềm tin và sự yên tâm cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài vốn có yêu cầu cao về an toàn pháp lý cho các bên trong giao dịch, ký kết hợp đồng, là bước đi quan trọng trong việc tiếp tục "chuyên nghiệp hóa" hoạt động công chứng theo xu hướng hội nhập với thế giới.
Như vậy, có thể thấy, việc chuyển giao thẩm quyền theo tinh thần điểm 8 Thông tư 03 là "hợp tình", "hợp lý", phù hợp với sự vận động khách quan của các quan hệ xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, những vấn đề khúc mắc về pháp lý mang nhiều tính "kỹ thuật" giữa các văn bản như đã nêu, gây ra tâm lý chưa thực an tâm cho các cơ quan thực hiện, cũng cần thiết phải được nghiêm túc xem xét, có sự sửa đổi cho phù hợp và đồng bộ.
Trong việc chuyển giao, việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho các cơ quan, đơn vị, nhân dân để họ hiểu và ủng hộ chủ trương chuyển giao là rất quan trọng. Một bộ phận nhân dân vốn có chưa có thói quen trong việc sử dụng các dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, chưa hiểu hết và chưa thật quan tâm đến sự an toàn của các giao dịch về sau này khi có tranh chấp, nên việc họ thích ra Ủy ban nhân dân xã để “chứng”, vừa gần nhà, vừa “dễ cho qua” so với việc đến các Phòng Công chứng, Văn phòng công chứng tọa lạc xa hơn, thủ tục chặt chẽ hơn là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, cần tăng cường nhận thức chung của xã hội về lợi ích lâu dài của công chứng trong bảo đảm an toàn giao dịch. Cần tuyên truyền, phổ biến để cán bộ, nhân dân nhận thức rõ ràng rằng, chủ trương tách bạch công chứng với chứng thực chính là biện pháp để bảo đảm an toàn cho các giao dịch dân sự của người dân, theo đó, các hợp đồng, giao dịch phải được chứng nhận bởi các công chứng viên được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, chịu trách nhiệm không chỉ về hình thức mà về cả nội dung của hợp đồng, giao dịch, để phòng ngừa rủi ro, hạn chế tranh chấp xảy ra, bảo vệ quyền lợi ích lâu dài cho các bên tham gia giao dịch.
Trong việc tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc chuyển giao, cũng cần quán triệt việc chuyển giao theo hướng phải đồng bộ với việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức hành nghề công chứng “che phủ" đến đâu, chuyển giao đến đó, địa bàn cấp huyện nào có tổ chức hành nghề công chứng, ở đó cần thực hiện chuyển giao, chứ không phải chuyển giao ở cả những địa bàn cấp huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng sẽ không thuận tiện cho nhân dân. Cũng cần lưu ý đối với những huyện rộng, đi lại chưa tiện, thì nghiên cứu, đề xuất chuyển giao trong phạm vi các xã của huyện gần với địa điểm tọa lạc của tổ chức hành nghề công chứng, đồng thời có phương án phát triển tổ chức hành nghề công chứng để tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao ở các khu vực còn lại. Đây là vấn đề cần căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương để tính toán cho phù hợp.
2. Tăng cường bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, tuyên truyền phổ biến pháp luật và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động công chứng trên địa bàn
Hiện nay, các tổ chức hành nghề công chứng, nhất là các Văn phòng công chứng đang phát triển nhanh ở các địa phương, nhiều công chứng viên được bổ nhiệm là luật sư, kiểm sát viên, thẩm phán... chưa có kinh nghiệm hành nghề công chứng. Do vậy, việc tăng cường hỗ trợ bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hành nghề cần được các địa phương, các cơ quan tư pháp địa phương quan tâm, chú trọng. Cần tăng cường tổ chức giao ban định kỳ giữa các tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng, Văn phòng công chứng), tổ chức các diễn đàn trao đổi, nghiên cứu, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa các tổ chức hành nghề công chứng, nhất là những thông tin ngăn chặn để bảo đảm an toàn cho hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về hoạt động công chứng theo quy định của Nghị định 60/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Thực hiện tốt các hoạt động này, chắc chắn hoạt động công chứng sẽ đi vào nền nếp và có bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Đỗ Hoàng Yến
[1] Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật : “ Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản được ban hành sau”.