Sáu năm thi hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại: Nhiều bất cập

Sau 6 năm thi hành Pháp lệnh trọng tài thương mại, đến nay theo thống kê của Hội Luật gia Việt Nam, tổng số trọng tài viên của các trung tâm trọng tài là 207 người, trong đó Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đã có đến 118 trọng tài viên. Theo khảo sát của Bộ Tư pháp thì có đến 30% số trọng tài viên được hỏi cho biết họ chưa bao giờ tham gia giải quyết một vụ tranh chấp thương mại nào, hơn 11% khác trả lời họ từng tham gia một vụ tranh chấp, số còn lại chủ yếu được tham gia từ 2 đến 5 vụ.

Trọng tài viên ít việc do việc sử dụng trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam thời gian qua là rất ít. Ngoại trừ Trung tâm trọng tài quốc tế VN là tổ chức có số vụ tranh chấp được thụ lý nhiều nhất, tuy nhiên cũng chỉ khoảng 20 vụ/năm (tức khoảng 0,5 vụ /trọng tài viên/năm). Nhiều trung tâm trọng tài từ ngày thành lập tới nay chưa giải quyết một vụ tranh chấp nào. Trong khi đó, thực tế xét xử của ngành tòa án thì ngày càng quá tải, đặc biệt tại một số thành phố lớn.

Có nhiều nguyên nhân trọng tài ít được sử dụng trong giải quyết tranh chấp. Theo ông Phạm Quốc Anh, chủ tịch Hội Luật gia VN thì 3 lý do được nói đến nhiều nhất là hiệu lực thi hành quyết định trọng tài thấp; nhiều người chưa tin tưởng và chưa biết đến phương thức này. Tuy nhiên, trọng tài ít việc cũng vì một nguyên nhân khác, đó là những bất cập trong cơ chế pháp luật hiện hành.

Phạm vi hẹp, chủ thể ít

Thuật ngữ “thương mại” lần đầu tiên được giải thích tương đối đầy đủ tại Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều cách hiểu về khái niệm dẫn đến tranh cãi trong việc xác định phạm vi giải quyết tranh chấp của trọng tài. Đó là những tranh chấp nội bộ phát sinh trong nội bộ doanh nghiệp, tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu có được giải quyết bằng trọng tài không? Có quan điểm cho rằng các tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài, tuy nhiên quan điểm khác lại cho rằng nó thuộc thẩm quyền của Tòa án. Do có nhiều cách hiểu nên các tranh chấp đưa ra trọng tài không được chắc chắn và nhiều bất an do các quyết định của trọng tài có nguy cơ không được tòa án công nhận và cho thi hành.

Cũng theo quy định tại Điều 3, Pháp lệnh trọng tài thương mại, chỉ có chủ thể là “tổ chức, cá nhân kinh doanh” mới được quyền lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Tuy nhiên, Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành lại không giải thích khái niệm này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng bất kỳ một cá nhân nào bỏ vốn ra đầu tư, kinh doanh không phân biệt phạm vi và quy mô kinh doanh đều được gọi là cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng cá nhân kinh doanh buộc phải có đăng ký kinh doanh.

Mặt khác, quá trình thi hành Pháp lệnh trọng tài thương mại cũng cho thấy, thực tế rất nhiều tổ chức không phải là tổ chức kinh doanh như các ban quản lý dự án, cơ quan hành chính sự nghiệp tham gia đấu thầu hoặc giao kết hợp đồng, kể cả hợp đồng mua sắm chính phủ, trong đó sử dụng trọng tài theo khuyến nghị của các nhà tài trợ, định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á… và trên thế giới các chủ thể này hoàn toàn có quyền lựa chọn trọng tài dể giải quyết tranh chấp nhưng tại VN thì không được phép.

Ngoài ra, theo quy định của luật Đầu tư 2005, xác định trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà một bên là chủ thể cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, các quy định của Pháp lệnh đã không còn phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh những quy định đã trở nên bất cập, Pháp lệnh trọng tài còn thiếu những quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Điển hình là cách tính thời hiệu khởi kiện. Theo quy định hiện hành là 2 năm kể từ ngày xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, trong trường hợp tranh chấp phát sinh, một bên đã khởi kiện ra trọng tài trong thời hạn quy định và việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài đã được quyết định bằng quyết định của Hội đồng trọng tài. Nhưng sau đó quyết định này lại bị tòa tuyên hủy. Như vậy thời hiệu khởi kiện được tính từ khi nào? Thời gian giải quyết tranh chấp tại trọng tài có được trừ vào thời hiệu khởi kiện không? Pháp lệnh chưa quy định rõ.

Kết

Hiện nay, Hội luật gia VN đang xây dựng Luật trọng tài. Theo đó, sẽ mở rộng phạm vi thẩm quyền hoạt động của trọng tài cho tất cả các tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp đồng giữa các chủ thể dân sự, không phân biệt tranh chấp thương mại với dân sự. Cùng với việc mở rộng phạm vi, nhiều quy định khác được sửa đổi bổ sung. Với lần “nâng cấp” này, hy vọng cơ chế trọng tài ở VN sẽ có một giai đoạn mới để phát triển đúng tầm.

Thu Hằng

Theo ông Phạm Quốc Anh, chủ tịch Hội Luật gia VN thì 3 lý do được nói đến nhiều nhất khiến trọng tài ít được sử dụng trong giải quyết tranh chấp đó là hiệu lực thi hành quyết định trọng tài thấp; nhiều người chưa tin tưởng và chưa biết đến phương thức này. Tuy nhiên, trọng tài ít việc cũng vì một nguyên nhân khác, đó là những bất cập trong cơ chế pháp luật hiện hành.