Quốc hội giám sát tối cao nhưng chưa… đủ!
Căn cứ vào khoản 2 Điều 84 Hiến pháp năm 1992 và khoản 2 Điều 2 Luật tổ chức Quốc hội, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của Quốc hội nước ta là “thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội”. Ngoài ra, cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở nước ta còn được cấu thành bởi giám sát của các cơ quan của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước và bởi hoạt động của hệ thống các cơ quan hành pháp. Đồng thời, Hiến pháp hiện hành cũng chỉ ra nội dung giám sát tối cao Hiến pháp bao gồm giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC và giám sát tối cao các hoạt động của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ở tầng cao nhất trong bộ máy nhà nước.
GS.TS. Trần Ngọc Đường (Văn phòng Quốc hội) nhận xét, cơ chế bảo vệ Hiến pháp nói trên có khá nhiều bất cập. Ông Đường dẫn chứng, trong thực tiễn từ ngày ra đời đến nay đã hơn 60 năm, chưa có kỳ họp nào Quốc hội phán quyết một văn bản pháp quy vi phạm Hiến pháp cần phải đình chỉ hay hủy bỏ. Xét về phương diện tổ chức và phân công quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước, việc giao cho Quốc hội phán quyết vi phạm Hiến pháp đối với các văn bản pháp quy thuộc đối tượng giám sát của Quốc hội là không hợp lý, lẫn lộn giữa quyền lập pháp và quyền xét xử trong hoạt động của Quốc hội.
Ông Đường cũng phân tích, do giám sát Hiến pháp và phán quyết vi phạm Hiến pháp không được tổ chức dưới hình thức một cơ quan chuyên trách mà theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp đều có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp nên đã dẫn đến tình trạng dựa dẫm, ỷ lại, đùn đẩy, né tránh hoặc mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình vận hành cơ chế bảo vệ đó. Không những thế, trong cơ chế bảo hiến hiện nay, vai trò của công dân chưa được phát huy khi chưa quy định công dân có quyền và nghĩa vụ bảo vệ Hiến pháp bằng việc kiện ra tòa cơ quan hay cá nhân có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước đã có hành vi vi phạm Hiến pháp hoặc áp dụng một điều luật trái Hiến pháp hoặc ban hành một văn bản không phù hợp với nội dung và tinh thần của Hiến pháp…
PGS-TS Nguyễn Như Phát (Viện Nhà nước và Pháp luật) đánh giá, việc bảo hiến trong cơ chế thực thi quyền lực ở nước ta đã được thực hiện thông qua sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, cơ chế giám sát tối cao của Quốc hội, cơ chế thẩm định, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế thanh tra và giải quyết các khiếu nại tố cáo của công dân. Tuy nhiên, hiệu quả của việc bảo vệ trật tự Hiến pháp thông qua các cơ chế này còn rất nhiều hạn chế. Nguyên nhân cơ bản là chưa có sự nhận thức đúng, đầy đủ và nhất quán về các yêu cầu của Hiến pháp do thiếu vắng sự giải thích chính thức Hiến pháp một cách thường xuyên.
Bảo hiến bằng Tòa Hiến pháp?
Không ít chuyên gia khẳng định, việc xây dựng mô hình cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp đang trở thành nhu cầu bức thiết ở nước ta. Nhưng lựa chọn mô hình bảo hiến nào lại là vấn đề cần được nghiên cứu quy mô, nghiêm túc và cẩn trọng. Ông Phát nhận định, Tòa Hiến pháp được coi là “vương miện của Nhà nước pháp quyền” trong khi Đảng ta không có sức mạnh của Nhà nước pháp quyền mặc dù với phương thức hoạt động của mình và theo Điều lệ, Đảng luôn là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đảng chỉ có thể và cần thiết có thể tiếp tục “lãnh đạo” Tòa Hiến pháp chứ không thể làm thay chức năng của Tòa Hiến pháp, bởi lẽ nghị quyết của Đảng không có được các thuộc tính của pháp luật. “Trong bối cảnh chưa lựa chọn được mô hình bảo hiến thích hợp hơn cho Việt Nam thì việc cần làm ngay là xây dựng quy trình giải thích chính thức Hiến pháp cho UBTVQH và xem nó là một công việc thường xuyên của UBTVQH”, ông Phát kiến nghị.
Theo PGS.TS Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật), nếu như cơ quan bảo hiến mà chúng ta chủ trương xây dựng thuộc về dạng cơ quan tư pháp, hoạt động theo thủ tục tư pháp thì có một điều kiện mà chúng ta cần quan tâm, đó là vị trí, vai trò của tòa án, của các thẩm phán trong đời sống xã hội nước ta. Xét từ góc độ này, hiện nay, vị trí, vai trò của tòa án, của các thẩm phán trong xã hội Việt Nam còn khá thấp. Vì vậy, việc bắt tay vào thành lập Tòa Hiến pháp trong bối cảnh hiện nay thì chưa “thuận” lắm. Muốn vậy, có 3 loại công việc cần thực hiện. Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam phải thực sự coi trọng và đề cao vai trò của tòa án, của các thẩm phán thông qua các chính sách đúng đắn về xây dựng một nền tư pháp trong sạch, phát triển, về xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án với chính sách đãi ngộ đúng đắn. Thứ 2, cần tạo ra trong nhận thức xã hội, dư luận xã hội quan niệm đúng về vai trò, vị trí của quyền tư pháp, của tòa án và nghề thẩm phán. Thứ 3, tòa án các cấp, các thẩm phán cần quan tâm nâng cao năng lực và trau dồi phẩm chất, đạo đức để xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân đối với cơ quan bảo vệ công lý.
Cẩm Vân
“Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền” (trích trang 126 Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam) |