Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 13/11/2012 về việc tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về giao dịch bảo đảm

Nhằm thúc đẩy việc ký kết, thực hiện hợp đồng bảo đảm đúng pháp luật, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp về một môi trường tín dụng, môi trường pháp lý thực sự an toàn, hỗ trợ tích cực quá trình luân chuyển nguồn vốn, khai thác tốt giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm, ngày 13/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về việc tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Chỉ thị gồm 7 điểm trong đó nêu rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cụ thể như sau:

1. Nhiệm vụ của Bộ Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành hữu quan để thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm; nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng Dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, Luật Đăng ký bất động sản nhằm minh bạch hóa tình trạng pháp lý của giao dịch, tài sản.

- Tổ chức Diễn đàn đối thoại về đăng ký giao dịch bảo đảm giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm và cộng đồng doanh nghiệp theo định kỳ hàng năm;

- Nghiên cứu, xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai và việc chuyển tiếp thời điểm đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai với thời điểm đăng ký thế chấp nhà ở được hình thành.

- Nghiên cứu, xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm.

- Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm đăng ký tập trung các giao dịch bảo đảm, Đề án tổ chức, quản lý vận hành hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm.

b) Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, khẩn trương hướng dẫn việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người khác và thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để bảo đảm nghĩa vụ bảo lãnh nhằm tạo điều kiện cho Tòa án nhân dân các cấp, các tổ chức và cá nhân áp dụng thống nhất pháp luật.

2. Nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương

2.1. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.

2.2. Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường hướng dẫn, kiểm tra hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai trong việc quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất nhằm tránh thất thoát phôi Giấy chứng nhận

2.3. Bộ Công an chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất để lừa đảo, chiếm đoạt tín dụng.

2.4. UBND tỉnh. thành phồ trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương trong phạm vi quản lý của mình tích cực phối hợp, hỗ trợ bên nhận bảo đảm thực hiện việc thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm nhanh chóng, đúng pháp luật.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan sẽ khẩn trương tổ chức thực thi các giải pháp trước mắt, cũng như lâu dài đã được nêu trong Chỉ thị.

Nguyễn Hoàng Hà - Cục Đăng ký