Quản lý nhà nước về công tác bồi thường: Sẽ thành lập một đơn vị mới?

“Cục quản lý bồi thường nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi cả nước”. Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam chiều qua, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp đã cho biết về một trong những điểm mới cơ bản của Dự thảo quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Giao trách nhiệm cụ thể đến từng ngành

Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN) được thông qua, nhiều ý kiến tỏ rõ sự băn khoăn về tính khả thi của luật trong thực tiễn. Hoàn toàn có cơ sở khi đây là một vấn đề hết sức mới, khó, mà trước đây ngay việc triển khai bồi thường trong lĩnh vực tố tụng hình sự (Nghị quyết 388) cũng đã có nhiều tranh cãi.

Trước đó, trả lời phỏng vấn Báo PLVN, ông Tịnh cho rằng, người dân sẽ bị “chông chênh” nếu không có cơ quan nhà nước về bồi thường đứng sau họ. Dự thảo Nghị định mới đã quy định rõ vấn đề này. Ngay cả trong trường hợp người dân không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì nhà nước sẽ làm việc đó thay họ.

“Tất cả là vì quyền lợi hợp pháp của dân”, ông Tịnh cho biết. Trên tinh thần này, Dự thảo đã quy trách nhiệm quản lý nhà nước về bồi thường đến từng đơn vị, cụ thể là các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện. “Quy định như vậy để bảo đảm cho việc quản lý nhà nước về công tác bồi thường được thực hiện một cách đồng bộ, thông suốt ở tất cả các cấp, các ngành, tránh sự đùn đẩy hoặc bỏ sót, bảo đảm thực hiện tốt việc bảo hộ quyền được bồi thường của người dân cũng như lợi ích của nhà nước”, ông Tịnh khẳng định.

Sẽ thành lập Cục quản lý bồi thường nhà nước?

Đây là một điểm rất mới trong Dự thảo Nghị định, cùng với Cục Quản lý bồi thường nhà nước thuộc Bộ Tư pháp, ở cơ sở sẽ thành lập Phòng Quản lý bồi thường nhà nước là đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi địa phương;

Trong quá trình soạn thảo Nghị định, có nhiều quan điểm về nội dung này. Luồng ý kiến đồng tình cho rằng đó là việc làm cần thiết. Luật TNBTCNN thừa nhận quyền yêu cầu của người bị thiệt hại và thiết lập trách nhiệm bồi thường của các cơ quan trong bộ máy nhà nước ở cả bốn cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã), do đó, đặt ra yêu phải có cơ quan thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp có đủ năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ và tổ chức, biên chế để giúp giải quyết một cách kịp thời, đúng pháp luật mọi vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động giải quyết bồi thường ở tất cả các ngành, các địa phương, bảo đảm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được thực hiện có hiệu quả.

Mặt khác, hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường rất đa dạng và phức tạp. Theo quy định của Luật TNBTCNN thì ngoài việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường thuộc thẩm quyền như các Bộ, ngành khác, Bộ Tư pháp còn phải thực hiện các nhiệm vụ về thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án và phối hợp với TANDTC, VKSNDTC quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng. Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương. Vì vậy, cần phải có một đơn vị độc lập trong cơ cấu của Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp để giúp thực hiện tốt các nhiệm vụ này, đảm bảo sự tập trung, chuyên sâu.

Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến không đồng tình với lý do thành lập thêm các đơn vị mới sẽ làm tăng bộ máy, biên chế. Công việc này nên giao cho một đơn vị thuộc cơ cấu hiện có của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thực hiện như đối với các Bộ, cơ quan ngang bộ và Sở, ngành khác.

Thu Hằng

1. Cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường:

a) Cục Quản lý bồi thường nhà nước là đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi cả nước theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này;

...

d) Phòng quản lý bồi thường nhà nước là đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi địa phương;

....

e) Phòng Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại Điều 26 của Nghị định này;

(trích Điều 27 Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)