Quy định mới của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư

Ngày 29/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2012/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư.

Nghị định gồm 7 Chương, 19 Điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Kiểm ngư; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm ngư viên, thuyền viên tàu Kiểm ngư; điều kiện bảo đảm hoạt động của Kiểm ngư; mối quan hệ giữa Kiểm ngư với các lực lượng chức năng khác và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Kiểm ngư.

Theo đó, Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. Cơ cấu tổ chức của cơ quan Kiểm ngư bao gồm: (1) Cục Kiểm ngư - cơ quan thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (2) Các Chi cục Kiểm ngư Vùng, các phòng chuyên môn và đơn vị sự nghiệp. Cục Kiểm ngư và các Chi cục Kiểm ngư Vùng có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Kiểm ngư viên là công chức được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm ngư viên để thực hiện nhiệm vụ kiểm ngư. Thuyền viên tàu Kiểm ngư bao gồm các công chức được bổ nhiệm ngạch Thuyền viên tàu Kiểm ngư và những người khác làm việc trên tàu Kiểm ngư theo chế độ hợp đồng lao động.

Tàu Kiểm ngư là tàu công vụ của cơ quan Kiểm ngư, phục vụ nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên biển; hỗ trợ ngư dân; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển và các nhiệm vụ khác của Kiểm ngư.

Cũng theo quy định của Nghị định này thì quan hệ phối hợp giữa Kiểm ngư và các lực lượng liên quan được thực hiện theo nguyên tắc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, lực lượng được pháp luật quy định, không chồng chéo và bảo đảm tính thống nhất của quản lý Nhà nước theo chuyên ngành; bảo đảm sự chủ động, kịp thời, sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên các vùng biển, bảo vệ ngư dân, nguồn lợi thủy sản.

Nội dung phối hợp bao gồm trao đổi thông tin, tài liệu; xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật về Kiểm ngư; tuần tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản….

Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 25/01/2013.