GDP vượt 0,2% so với chỉ tiêu đề ra
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, nền kinh tế nước ta năm 2009 chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng thế giới nhưng chỉ bị suy giảm chứ không rơi vào suy thoái như nhiều quốc gia khác. Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững với mức tăng bình quân cả năm ước tính là 5,2% (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5%). Bên cạnh đó, chúng ta đã giữ ổn định các cân đối kinh tế vĩ mô như chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 7%, vượt kế hoạch thu NSNN, bội chi ngân sách cũng dưới mức Quốc hội đề ra… Đồng thời triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội về hỗ trợ nông dân, học sinh, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công, đền ơn đáp nghĩa.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền khẳng định, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành các nội dung nêu trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2009, kế hoạch năm 2010. Tuy nhiên, ông Hiền thẳng thắn chỉ ra 8 điểm hạn chế như chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, chậm giải ngân các nguồn vốn đầu tư, kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững. Theo phân tích của ông Hiền, trong những hạn chế này có điểm đã tích tụ nội tại trong nền kinh tế, có hạn chế mới phát sinh trong quá trình thực hiện các chính sách mới hoặc triển khai các giải pháp còn bất cập.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sau khi Nghị quyết của Quốc hội được điều chỉnh, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành 3 mục tiêu lớn trong chống suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối thu chi ngân sách, còn mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội chưa thực sự đáp ứng được. Trong năm 2010, ông Lưu cho rằng cần tập trung vào 3 khâu mang tính đột phá gồm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao và ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông.
Chính sách tài khóa 2009 đạt hiệu quả
Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện NSNN cho thấy, năm 2009, tổng thu ước đạt trên 390,6 nghìn tỷ đồng (vượt 750 tỷ đồng so với dự toán), còn tổng chi ước tăng 8,5% so với dự toán. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (UBTCNS) Phùng Quốc Hiển đánh giá, những kết quả trên đạt được là do một phần Chính phủ đã vận dụng linh hoạt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, trong đó bao trùm là chính sách tài khóa. Cụ thể là, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp bằng chính sách miễn, giảm, giãn thuế và hoàn thuế; tăng mức chi tiêu của Chính phủ trong và ngoài ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản, cho tăng lương và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội; kích cầu tiêu dùng trong dân cư.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, năm 2009, ước bội chi NSNN là 115.900 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP, tăng 28.600 tỷ đồng so với dự toán. Năm 2010, Chính phủ đề nghị mức bội chi NSNN là 125,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 6,5% GDP) - tăng thêm 10 nghìn tỷ đồng so với năm 2009, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản là 116.740 tỷ đồng. Ông Hà Văn Hiền nhận định, nếu bội chi ngân sách tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô khác. Còn Thường trực UBTCNS cho rằng, Chính phủ chưa thật tích cực phấn đấu giảm dần mức bội chi theo Nghị quyết của Quốc hội. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần duy trì các biện pháp tăng thu ngân sách, triệt để tiết kiệm chi và phải có kế hoạch cụ thể giảm bội chi NSNN dưới 5% trong các năm sau. Trong khi đó, UBTCNS đề nghị mức bội chi ngân sách năm 2010 không quá 6% và cùng với tăng cường quản lý thu để giảm bội chi NSNN, Chính phủ cần cân đối lại thu chi NSNN, cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết, không phù hợp.
Hoàng Thư