Trong lĩnh vực tư pháp, Luật Công chứng được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2007 đã đánh dấu một bước phát triển mới, theo đó hoạt động công chứng không chỉ còn là một hoạt động bổ trợ tư pháp mà là một nghề như mọi nghề khác trong xã hội. Việc xã hội hóa hoạt động công chứng đã kéo theo sự phát triển của nghề công chứng, và do vậy các quy định để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động công chứng cũng cần phải được hoàn thiện.
Khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Công chứng là một bước tiến mới, một khâu cải cách thủ tục hành chính so với các quy định trước đây. Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước chỉ có duy nhất một điều luật (Điều 35) quy định về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng, theo đó việc giải quyết khiếu nại tố cáo “được giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo”. Như vậy, việc giải quyết về khiếu nại, tố cáo về cơ bản vẫn chưa có quy định riêng.
Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực, tại Điều 67 quy định về thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Phòng Công chứng, theo đó việc khiếu nại lần đầu đối với việc từ chối công chứng sẽ do Trưởng Phòng Công chứng giải quyết trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý để giải quyết đơn khiếu nại. Giám đốc Sở Tư pháp là người giải quyết khiếu nại lần hai nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Trưởng Phòng Công chứng và có đơn khiếu nại tiếp. Giám đốc Sở Tư pháp phải giải quyết trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý để giải quyết tiếp đơn khiếu nại. Người khiếu nại có quyền khiếu nại tiếp lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp nếu vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp .Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý để giải quyết tiếp đơn khiếu nại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải giải quyết. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là quyết định cuối cùng. Đối với khiếu nại về công chứng phức tạp, thì thời hạn giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể được kéo dài nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
Nghị định số 75/2000/NĐ-CP, tại Điều 70 quy định: “việc tố cáo hành vi trái pháp luật của người thực hiện công chứng…được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố cáo”.
Luật Công chứng quy định về việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại theo hướng đơn giản hơn về thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại về hành vi từ chối công chứng rút ngắn hơn (Trưởng Phòng Công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng giải quyết khiếu nại lần đầu trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Giám đốc Sở Tư pháp giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn; theo Nghị định số 75/2000/NĐ-CP là 5 ngày và 10 ngày, trường hợp khiếu nại về công chứng phức tạp, thì thời hạn giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết). Luật Công chứng đã rút bớt một cấp khiếu nại (người khiếu nại không có quyền khiếu nại tiếp tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
Tuy nhiên chế định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Luật Công chứng vẫn còn nhiều hạn chế. Trong thực tế, khiếu nại, tố cáo diễn ra rất phức tạp, đa dạng, rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật về công chứng nhưng tại Luật Công chứng chỉ quy định tại Khoản 3 và 4 Điều 18 về bổ nhiệm công chứng viên; Khoản 2 và 3 Điều 27 về thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng; Điều 63 về khiếu nại đối với việc từ chối công chứng. Do đó, trong chuyên đề này, tác giả đã trình bày theo 02 phương pháp: đối với khiếu nại, tố cáo đã được quy định trong Luật Công chứng thì tác giả nêu cụ thể chế định của Luật Công chứng, đối với khiếu nại, tố cáo không được quy định trong Luật Công chứng thì tác giả trình bày các quan điểm giải quyết và lý giải các căn cứ lý luận và thực tiễn để lựa chọn theo quan điểm của tác giả.
A. Một số vấn đề chung về khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo
I. Khái niệm khiếu nại, tố cáo
1. Khiếu nại
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại, tố cáo).
2. Tố cáo
Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức (khoản 2 Điều 2 Luật Khiếu nại, tố cáo).
II. Phân biệt khiếu nại và tố cáo
1. Thứ nhất, xét về chủ thể
- Chủ thể của hành vi khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức hoặc người đại diện hợp pháp của những người này khi họ thực hiện quyền khiếu nại. Điều 1 Luật Khiếu nại, tố cáo quy định:
“Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Cán bộ, công chức có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật của người có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Khi thấy các quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc một quyết định kỷ luật cán bộ công chức thì những người khác không có quyền khiếu nại, họ chỉ có thể “tư vấn”, “góp ý” hoặc sử dụng các hình thức tác động khác để chính người có quyền, lợi ích liên quan thực hiện hành vi khiếu nại.Chính vì đặc điểm này của chủ thể khiếu nại mà pháp luật quy định nghĩa vụ của họ chặt chẽ hơn so với chủ thể của hành vi tố cáo.
Ví dụ: Chị B là cán bộ cơ quan X đã bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc do có nhiều sai phạm trong quá trình công tác. Chị B đã không muốn khiếu nại quyết định kỷ luật đó. Tuy nhiên các đồng nghiệp của chị B lại rất bất bình, cho rằng các sai phạm của chị B chưa đến mức phải chịu hình thức kỷ luật buộc thôi việc, chi B phải chịu hình thức kỷ luật đó là do “sếp” có “tư thù” với chị B v.v... Trong trường hợp này, chỉ có chị B mới có quyền khiếu nại quyết định đó; các đồng nghiệp của chị B không có quyền khiếu nại mà chỉ có thể “tác động” tới chị B để chị B khiếu nại.
- Chủ thể của hành vi tố cáo chỉ là công dân. Công dân có quyền thực hiện việc tố cáo cho dù đối hành vi vi phạm pháp luật là đối tượng của việc tố cáo có liên quan hay không có liên quan tới công dân đó.
Ví dụ: Ông X là công dân sinh sống trên địa bàn phường X. Ông X biết được ông H là thẩm phán TAND quận CG đã nhận hối lộ của nhiều người. Tuy ông X hoàn toàn không có quyền lợi, nghĩa vụ gì liên quan gì nhưng là một cán bộ Đảng viên đã nghỉ hưu, ông rất bất bình nên đã làm đơn tố cáo ông H tới Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân quận CG và Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố HN. Đơn tố cáo của Ông X trong trường hợp này được chấp nhận và phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
2. Thứ hai, xét về quyền và nghĩa vụ
- Người tố cáo có quyền “gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền” (điểm a khoản 1 Điều 57 Luật Khiếu nại, tố cáo). Theo đó, người tố cáo không có nghĩa vụ phải tố cáo tại đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà họ có thể tố cáo tại bất kỳ cơ quan, tổ chức nhà nước nào. Khác với khiếu nại, khi nhận được đơn tố cáo của công dân, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét giải quyết và “trong trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển đơn cho cơ quan, tổ chức, có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo khi họ yêu cầu”. (Điều 66 Luật Khiếu nại, tố cáo).
- Người khiếu nại phải “khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết” (điểm a khoản 2 Điều 17 Luật Khiếu nại, tố cáo). Nếu người khiếu nại khiếu nại đến những cơ quan không có thẩm quyền giải quyết thì các cơ quan, tổ chức này không có trách nhiệm phải chuyển đơn khiếu nại mà chỉ có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn một lần bằng văn bản cho người khiếu nại gửi đơn đúng cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Khoản 5 Điều 6 Nghị định 136/2006/NĐ-CP quy định: “Đối với đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, ... thì cơ quan nhận được đơn không có trách nhiệm thụ lý nhưng có văn bản chỉ dẫn, trả lời người khiếu nại. Việc chỉ dẫn, trả lời chỉ thực hiện một lần đối với vụ việc khiếu nại...”.
Người khiếu nại và người tố cáo đều có nghĩa vụ trình bày trung thực về nội dung sự việc (điểm b khoản 2 Điều 17, điểm a khoản 2 Điều 58 Luật Khiếu nại, tố cáo), song đối với người khiếu nại họ không phải chịu trách nhiệm khi họ khiếu nại không đúng.
Ví dụ: Ông A (bên chuyển nhượng) đến phòng Công chứng số 1 thành phố HN yêu cầu Công chứng viên B công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì diện tích đất ông A được sử dụng là 52m2, nhưng trong quá trình sử dụng đất, ông A đã lấn chiếm được thêm 15m2 . Ông A yêu cầu công chứng viên chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng với tổng diện tích là 67m2 (bao gồm 52m2 được giao theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 15m2 đất lấn chiếm). Công chứng đã giải thích và từ chối chứng nhận việc chuyển nhượng phần diện tích 15m2 đất ông A lấn chiếm. Cho rằng công chứng viên gây khó dễ cho mình, ông A đã khiếu nại việc từ chối công chứng của công chứng viên B đến Trưởng Phòng công chứng số 1. Sau khi xem xét, Trưởng Phòng công chứng số 1 kết luận quyết định từ chối công chứng của công chứng viên B là hoàn toàn chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật, khiếu nại của ông A không được chấp nhận. Khi đó, ông A không phải chịu trách nhiệm về việc khiếu nại không đúng của mình.
Còn đối với người tố cáo, do có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín, quyền lợi chính đáng của cán bộ công chức nhà nước nên người tố cáo phải “chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật” (điểm c khoản 2 Điều 57 Luật Khiếu nại, tố cáo). Do vậy, khi công dân làm đơn tố cáo phải cân nhắc, suy nghĩ cẩn trọng và đặc biệt không thể vì động cơ cá nhân trả thù người có mâu thuẫn với mình hay vì một sự cạnh tranh không lành mạnh... mà làm đơn tố cáo, vu khống làm mất uy tín, danh dự, thậm chí gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của người bị tố cáo. Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 57 Luật Khiếu nại, tố cáo, nếu người tố cáo làm đơn tố cáo sai sự thật thì họ sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý. Tuy nhiên pháp luật hiện hành chưa có nhiều hình thức chế tài để có thể xử lý linh hoạt những trường hợp tố cáo sai sự thật gây ra. Trong thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất Bộ luật Hình sự, tại Điều 122 quy định về Tội vu khống, nhưng điều luật này chỉ áp dụng đối với những người có hành vi “bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”, còn đối với các trường hợp khác ở mức độ nhẹ hơn thì chưa có hình thức để xử lý.
3. Thứ ba, xét về đối tượng
- Đối tượng của khiếu nại là quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bị người khiếu nại cho là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khiếu nại. Như đã nêu ở phần chủ thể, những quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền dù có biểu hiện trái pháp luật và và có thể xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của một số người nhưng không ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chủ thể khiếu nại thì cũng không trở thành đối tượng của hành vi khiếu nại xét trong mối quan hệ với chủ thể khiếu nại đang để cập tới.
+ Quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính.
+ Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy đinh của pháp luật
+ Quyết định kỷ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
- Đối tượng của tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; có nghĩa là hành vi vi phạm pháp luật là đối tượng của tố cáo có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo.
4. Thứ tư, xét về nội dung
- Nội dung khiếu nại là những quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
- Nội dung tố cáo là người bị tố cáo đã thực hiện những hành vi mà bị pháp luật cấm không được làm.
Như vậy, xét về cấp độ sai phạm thì nội dung tố cáo ở cấp độ cao hơn, mức độ vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn so với nội dung khiếu nại. Đây là đặc điểm thuộc về bản chất, cốt lõi để phân biệt giữa khiếu nại và tố cáo đồng thời cho thấy thái độ của nhà nước luôn khuyến khích, động viên, thậm chí khen thưởng những người có hành vi tố cáo đúng, góp phần làm rõ, điều tra, truy tố, xét xử những vụ án lớn, coi họ như có thành tích trong sản xuất, chiến đấu, thậm chí như một người có công trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.
5. Thứ năm, xét về thẩm quyền
- Khiếu nại được giải quyết lần đầu tại chính nơi có thẩm quyền ra quyết định hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật là đối tượng của hành vi khiếu nại. Trong trường hợp đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu sẽ tiếp tục thực hiện quyền khiếu nại của mình lên cấp trên trực tiếp của cấp đã có thẩm quyền giải quyết hoặc khởi kiện tại Toà án. Pháp luật về khiếu nại, tố cáo có quy định cụ thể từng cấp giải quyết khiếu nại bao gồm: Chủ tịch UIBND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; Giám đốc các Sở và các cấp tương đương thuộc UBND tỉnh; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang Bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ; Tổng Thanh tra.
Việc giải quyết khiếu nại chỉ được giải quyết ở 2 cấp, nếu đương sự còn khiếu nại thì phải khởi kiện tại Toà án. Nhưng theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì nhiều nội dung khiếu nại không thuộc thẩm quyền của Toà hành chính (Ví dụ: khiếu nại về thi hành án dân sự).
- Đối với giải quyết tố cáo thì pháp luật không quy định quyết định giải quyết tố cáo nào được xác định là quyết định giải quyết tố cáo cuối cùng. Hơn nữa, thẩm quyền giải quyết tố cáo cũng có những điểm được quy định khác so với thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Điều 59 Luật Khiếu, nại tố cáo có quy định “...Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết”. Như vậy, khác với thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nào đó là chủ thể giải quyết là chủ thể giải quyết tố cáo không có thẩm quyền giải quyết đối với đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của chính bản thân mình, họ chỉ có quyền giải quyết những hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người thuộc cơ quan, tổ chức mình quản lý trực tiếp.
6. Thứ sáu, xét về trình tự thủ tục giải quyết
Thủ tục giải quyết khiếu nại và tố cáo được tiến hành theo hai trình tự hoàn toàn khác nhau, được quy định cụ thể trong Luật Khiếu nại, tố cáo 1998, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 136/2006/NĐ-CP. Một điều đáng lưu ý nhất là vấn đề về thời hiện. Thời hiệu: đối với khiếu nại, thời hiệu được tính là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính; đối với khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, thời hiệu được tính là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật, trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. Trong khi đó, pháp luật không quy định thời hiệu tố cáo.
III. Một số lưu ý khi giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Trường hợp đơn vừa có nội dung khiếu nại vừa có nội dung tố cáo thì ta áp dung khoản 3, Điều 6 của Nghị định 136/2006/NĐ-CP: “Đối với đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì cơ quan nhận được có trách nhiệm xử lý nội dung khiếu nại theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 5 Điều này, còn nội dung tố cáo thì xử lý theo quy định tại Điều 38 Nghị định này.”. Theo đó, nếu đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì ta phải tách nội dung khiếu nại để giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và nội dung tố cáo phải giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo.
- Trường hợp tiêu đề của đơn không thống nhất với nội dung của đơn: Nếu tiêu đề của đơn là “Đơn tố cáo” nhưng thực chất nội dung là khiếu nại thì ta giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và nếu tiêu đề của đơn là “Đơn khiếu nại” nhưng nội dung thực chất là tố cáo thì giải quyết theo trình tự, thủ tục của giải quyết tố cáo.
- Khiếu nại, tố cáo có thể chuyển hoá linh hoạt cho nhau trong quá trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết chúng. Người khiếu nại có thể trở thành người tố cáo, người giải quyết khiếu nại có thể trở thành người bị tố cáo, người bị tố cáo có thể trở thành người đi khiếu nại, khiếu nại thông thường có thể trở thành khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ công chức...
Ví dụ: Công dân A là người phải thi hành án trong bản án X đã có hiệu lực pháp luật. Trong quá trình thi hành án, Chấp hành viên B ra một quyết định cưỡng chế kê biên bán đấu giá tài sản để thực hiện thi hành án.
A cho rằng quyết định đó là trái pháp luật và đã có đơn khiếu nại.
C là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, vì nhiều nguyên nhân đã không xem xét sự việc để trả lời cho đương sự theo quy định của pháp luật, vì vậy, A đã làm đơn tố cáo cán bộ C. Khi này:
+ A với tư cách ban đầu là người khiếu nại nay đã trở thành người tố cáo;
+ C là người giải quyết khiếu nại đã chuyển thành người bị tố cáo.
Sau khi xác minh sự việc, C bị cơ quan có thẩm quyền xử lý bằng hình thức cách chức. Không đồng ý với quyết định kỷ luật đó, C làm đơn khiếu nại. Như vậy, trường hợp này:
+ Từ khiếu nại thông thường ban đầu đã chuyển hóa thành khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức;
+ C là người bị tố cáo đã trở thành người đi khiếu nại.
IV. Thụ lý đơn khiếu nại
- Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và đủ các điều kiện quy định thì thụ lý để giải quyết; trong trường hợp có nhiều người đến khiếu nại cùng một vấn đề thì hướng dẫn họ cử một đại diện đứng đơn khiếu nại.
- Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình nhưng không đủ các điều kiện thụ lý để giải quyết thì trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại biết rõ lý do.
- Đối với đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì tách nội dung khiếu nại và tố cáo ra để giải quyết theo 02 thủ thục khác nhau.
- Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới nhưng quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì cơ quan cấp trên trực tiếp nhận được có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc cấp dưới giải quyết hoặc xử lý người cố tình không giải quyết giải quyết.
Các trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết:
Theo Điều 32 của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 thì :
“Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải quyết:
1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
2. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;
3. Người đại diện không hợp pháp;
4. Thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại đã hết;
5. Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
6. Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của Tòa án.”
V. Nguyên tắc giải quyết tố cáo và thủ tục giải quyết tố cáo
1. Nguyên tắc giải quyết tố cáo
- Không xem xét, giải quyết những tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký;
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết;
- Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người thuộc cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết;
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết;
- Tố cáo hành vi phạm tội do các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
2.Thủ tục giải quyết tố cáo
Phân loại và xử lý đơn tố cáo: trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết thì thụ lý, tiến hành các việc sau đây:
- Thành lập đoàn thanh tra hoặc thành lập đoàn xác minh, kết luận, kiến nghị để tiến hành xác minh nội dung tố cáo.
- Trưng cầu giám định, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật khi thấy cần thiết.
- Ra kết luận về nội dung tố cáo.
- Xác định trách nhiệm của người có hành vi vi phạm.
- Quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền.
- Lưu trữ hồ sơ tố cáo.
B. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng
I. Giải quyết khiếu nại trong hoạt động công chứng
Khiếu nại trong hoạt động công chứng mang tính đặc thù vì các tổ chức hành nghề công chứng được thành lập dưới hai hình thức là Phòng Công chứng và Văn phòng công chứng.
Phòng Công chứng là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.
Văn phòng công chứng do Công chứng viên thành lập. Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; văn phòng công chứng do hai công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt đông theo loại hình công ty hợp danh.
1. Công chứng - một lĩnh vực đặc thù
* Tính chất công
- Công chứng viên được nhà nước (Bộ trưởng Bộ Tư pháp) bổ nhiệm để thực hiện chức năng công đó là bảo đảm tính xác thực, tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch.
- Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ và có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan (như văn bản của cơ quan nhà nước có thảm quyền, bản án có hiệu lực của Toà án).
* Tính chất của một nghề tự do
- Công chứng viên thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng do mình thực hiện.
- Công chứng viên được lựa chọn nơi để hành nghề công chứng, lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề công chứng, tự do tổ chức hoạt động trong nội bộ tổ chức hành nghề công chứng do mình thành lập; không hưởng lương từ ngân sách mà từ hoạt động nghề nghiệp của mình.
2. Các quan hệ phát sinh trong hoạt động công chứng
- Quan hệ giữa công dân và cơ quan nhà nước
- Quan hệ giữa cơ quan nhà nước và cơ quan nhà nước
- Quan hệ giữa công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng
- Quan hệ giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên…
3. Các quy định về khiếu nại trong Luật Công chứng
Khoản 3 và 4 Điều 18 về bổ nhiệm công chứng viên;
Khoản 2 và 3 Điều 27 về thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng;
Điều 63 về khiếu nại đối với việc công chứng viên từ chối công chứng.
4. Giải quyết khiếu nại trong hoạt động công chứng
4.1. Khiếu nại hành vi từ chối công chứng
Công chứng viên được từ chối công chứng trong các trường hợp sau:
- Việc không thuộc thẩm quyền công chứng;
- Mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với thực tế;
- Việc yêu cầu công chứng liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân công chứng viên giải quyết yêu cầu công chứng hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của công chứng viên, của vợ hoặc chồng, cháu là con trai, con gái, con nuôi;
- Có văn bản yêu cầu tạm dừng việc công chứng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Việc liên quan đến yêu cầu công chứng đang có tranh chấp;
- Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Giải quyết khiếu nại việc từ chối công chứng của công chứng viên thực hiện theo quy định tại Điều 63 của Luật Công chứng, theo đó:
“Người yêu cầu công chứng có quyền khiếu nại về việc từ chối công chứng khi có căn cứ cho rằng việc từ chối đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với việc từ chối công chứng trong thời hạn không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Giám đốc Sở Tư pháp. Trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết.”
4.2. Giải quyết khiếu nại đối với việc thu phí, lệ phí
- Quan điểm 1: Người yêu cầu công chứng từ chối công chứng tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng.
- Quan điểm 2: Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng có trách nhiệm giải quyết khiếu nại trong thời hạn không quá ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Giám đốc Sở Tư pháp. Trong thời hạn không quá bốn mươi lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết.
Trong thực tế, có những giao dịch do ngân hàng chỉ định cho khách hàng phải công chứng tại một Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng nhất định, do đó, theo tác giả thì nên chọn quan điểm thứ hai.
4.3. Giải quyết khiếu nại đối với hành vi công chứng trái pháp luật:
- Quan điểm 1: Người yêu cầu công chứng khởi kiện ra Toà án giải quyết.
- Quan điểm 2: Người yêu cầu công chứng đề nghị Toà án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.
- Quan điểm 3: Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng có trách nhiệm giải quyết khiếu nại trong thời hạn không quá ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Giám đốc Sở Tư pháp. Trong thời hạn không quá bốn mươi lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết.
Vì Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính không quy định thẩm quyền của Toà án xét xử đối với các hành vi công chứng trái pháp luật nên theo tác giả thì nên chọn quan điểm thứ 3 để giải quyết. Khi nhận được đơn khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có thể giao Thanh tra Sở tiến hành thanh tra chuyên ngành đột xuất để xác minh hành vi vi phạm. Nếu có hành vi vi phạm thuộc Nghị định 60/NĐ-CP/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp thì Chánh Thanh tra Sở ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền.
4.4. Giải quyết khiếu nại đối với hành vi từ chối bổ nhiệm Công chứng viên
Trong thời hạn không quá 90 ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì người khiếu nại có quyền khởi kiện ra Toà án (Khoản 3 và 4 Điều 18 về bổ nhiệm công chứng viên).
4.5. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định miễn nhiệm công chứng viên
- Quan điểm 1: Vì không được quy định trong Luật Công chứng nên không có quyền khiếu nại quyết định miễn nhiệm Công chứng viên của Bộ trưởng Bộ Tư pháp
- Quan điểm 2: Áp dụng Luật Khiếu nại, tố cáo
Trong thời hạn không quá 90 ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì người khiếu nại có quyền khởi kiện ra Toà án.
Vì quyết định miễn nhiệm công chứng viên là một quyết định hành chính nên người bị miễn nhiệm công chứng viên nếu xét thấy lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại (trừ trường hợp miễn nhiệm công chứng viên để gio công việc khác hoặc bổ nhiệm vào vị trí khác) thì vẫn có quyền khiếu nại đên Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Do đó, theo tác giả nên lựa chọn quan điểm thứ 2.
4.6. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định tạm đình chỉ hành nghề công chứng
- Quan điểm 1: Vì không được quy định trong Luật Công chứng nên không có quyền khiếu nại quyết định tạm đình chỉ hành nghề Công chứng của Giám đốc Sở Tư pháp
- Quan điểm 2: Áp dụng Luật Khiếu nại, tố cáo
Trong thời hạn không quá 90 ngày, Giám đốc Sở Tư pháp phải ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc khởi kiện ra Toà án.
Vì quyết định tạm đình chỉ hành nghề công chứng là một quyết định hành chính nên người bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng nếu xét thấy lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại thì vẫn có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết .
Do đó, theo tác giả nên lựa chọn quan điểm thứ 2.
4.7. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật
* Đối với Phòng công chứng:
- Giải quyết theo Điều 48 đến Điều 56 của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998.
- Cán bộ, công chức khiếu nại quyết định kỷ luật buộc thôi việc, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết lần đầu, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì trong thời hạn quy định tại Điều 39 của Luật này có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về tố tụng hành chính (theo Điều 55 của Luật Khiếu nại, tố cáo).
- Một hành vi vi phạm không được xử lý kỷ luật 02 lần.
- Việc miễn nhiệm Công chứng viên không phải là 01 hình thức kỷ luật.
* Đối với Văn phòng công chứng:
Vì người lao động tại Văn phòng công chứng không phải là cán bộ, công chức do đó người lao động phải khởi kiện tại Toà án để giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động.
4.8. Giải quyết khiếu nại đối với hành vi từ chối cho phép thành lập Văn phòng công chứng
- Trong thời hạn không quá 90 ngày, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì người khiếu nại có quyền khởi kiện ra Toà án (Khoản 2, Điều 27 về thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng)
5.9. Giải quyết khiếu nại đối với hành vi từ chối cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng
- Trong thời hạn không quá 90 ngày, Giám đốc Sở Tư pháp phải ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc SởTư pháp thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc khởi kiện ra Toà án (Khoản 3, Điều 27 về thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng)
II. Giải quyết tố cáo trong hoạt động công chứng
Đối với việc tố cáo trong công chứng được áp dụng theo các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành như đã nêu trên.
Trong thực tế, nội dung tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật về công chứng rất đa dạng, phức tạp, đối tượng bị tố cáo có thể là công chứng viên, Trưởng phòng công chứng, Trưởng văn phòng công chứng, người yêu cầu công chứng, nhưng chủ yếu tập trung vào tố cáo các hành vi sau:
- Thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có một trong số bất động sản mà tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở;
- Thực hiện không đúng quy định về công chứng đối với bất động sản đã được thế chấp để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ và hợp đồng thế chấp đã được công chứng mà sau đó được tiếp tục công chứng để thế chấp bảo đảm cho một nghĩa vụ khác.
- Thực hiện công chứng di chúc cho cá nhân không phải là người lập di chúc hoặc người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc khi có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;
- Thực hiện công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản không kiểm tra tính xác thực về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản hoặc không kiểm tra để xác định người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản hoặc khi có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật;
- Công chứng viên nhận lưu giữ di chúc không niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc, không ghi giấy nhận lưu giữ và không giao cho người lập di chúc;
- Tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ di chúc trước khi giải thể hoặc chấm dứt hoạt động không thoả thuận với người lập di chúc về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc hoặc không trả lại di chúc và phí lưu giữ di chúc cho người lập di chúc trong trường hợp không thỏa thuận được.
- Tiết lộ thông tin các tài liệu công chứng mà không được sự đồng ý của chủ giấy tờ bằng văn bản trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Sử dụng thông tin, tài liệu công chứng để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
- Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;
- Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đã được xác định, thoả thuận;
- Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội;
- Thực hiện công chứng trong trường hợp công chứng liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của mình, của vợ hoặc chồng, cháu là con của con trai, con gái, con nuôi;
1. Giải quyết tố cáo đối với hành vi công chứng trái pháp luật của Công chứng viên:
- Quan điểm 1: Người yêu cầu công chứng khởi kiện ra Toà án giải quyết.
- Quan điểm 2: Người yêu cầu công chứng đề nghị Toà án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.
- Quan điểm 3: Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng có trách nhiệm giải quyết tố cáo trong thời hạn không quá chín mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tố cáo. Trường hợp không đồng ý với quyết định xử lý tố cáo của Trưởng Phòng công chứng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng người tố cáo có quyền tố cáo đến Giám đốc Sở Tư pháp. Trong thời hạn không quá chín mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết...
Vì Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính không quy định thẩm quyền của Toà án xét xử đối với các hành vi công chứng trái pháp luật nên theo tác giả thì nên chọn quan điểm thứ 3 để giải quyết. Khi nhận được đơn khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có thể giao Thanh tra Sở tiến hành thanh tra chuyên ngành đột xuất để xác minh hành vi vi phạm. Nếu có hành vi vi phạm thuộc Nghị định 60/NĐ-CP/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp thì Chánh Thanh tra Sở ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền.
2. Giải quyết tố cáo đối với hành vi công chứng trái pháp luật của Trưởng Phòng Công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng:
- Quan điểm 1: Người yêu cầu công chứng khởi kiện ra Tòa án giải quyết.
- Quan điểm 2: Người yêu cầu công chứng đề nghị Toà án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.
- Quan điểm 3: Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết tố cáo trong thời hạn không quá chín mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tố cáo. Trường hợp không đồng ý với quyết định xử lý tố cáo của Giám đốc Sở Tư pháp, người tố cáo có quyền tố cáo đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trong thời hạn không quá chín mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết...
Vì Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính không quy định thẩm quyền của Toà án xét xử đối với các hành vi công chứng trái pháp luật nên theo tác giả thì nên chọn quan điểm thứ 3 để giải quyết. Khi nhận được đơn khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có thể giao Thanh tra Sở tiến hành thanh tra chuyên ngành đột xuất để xác minh hành vi vi phạm. Nếu có hành vi vi phạm thuộc Nghị định 60/NĐ-CP/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp thì Chánh Thanh tra Sở ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền.
3. Giải quyết tố cáo đối với hành vi tiêu cực, tham nhũng của nhân viên hoặc của công chứng viên:
Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng có trách nhiệm giải quyết tố cáo trong thời hạn không quá chín mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tố cáo. Trường hợp không đồng ý với quyết định xử lý tố cáo của Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng, người tố cáo có quyền tố cáo đến Giám đốc Sở Tư pháp. Trong thời hạn không quá chín mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo , Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết. Trường hợp không đồng ý với quyết định xử lý tố cáo của Giám đốc Sở Tư pháp, người tố cáo có quyền tố cáo đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trong thời hạn không quá chín mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết...
4. Giải quyết tố cáo đối với hành vi tiêu cực, tham nhũng của Trưởng Phòng Công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng:
Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết tố cáo trong thời hạn không quá chín mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tố cáo. Trường hợp không đồng ý với quyết định xử lý tố cáo của Giám đốc Sở Tư pháp, người tố cáo có quyền tố cáo đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trong thời hạn không quá chín mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết...
Hoàng Quốc Hùng - Thanh tra Bộ Tư pháp