14 và 16 – biết chọn “lối” nào?
Nói về vấn đề này, hơn ai hết bà Trịnh Minh Hiền – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải là người rất thấm thía. Bởi, khi xây dựng Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Ban soạn thảo luật đã không ít lần phải ngồi lại với nhau để cân nhắc giữa hai con số 14 và 16. Luật Giao thông đường bộ chứa đựng nhiều quy định liên quan tới trẻ em, trong đó có hai quy định rất được quan tâm vì phạm vi điều chỉnh quan trọng của nó. Đó là vấn đề trẻ em đội mũ bảo hiểm và trẻ em được đèo sau xe máy.
Nếu chiếu theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì trẻ em được hiểu là người có độ tuổi dưới 16. Còn, nếu chiếu theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính với quy định không xử phạt trẻ em dưới 14 tuổi thì độ tuổi của một người để được coi là trẻ em đã khác – 14 thay vì 16. Mở rộng thêm một vài luật khác nữa như Bộ luật Lao động, Luật Hình sự..., Ban soạn thảo Luật GTĐB đã thực sự...không biết đâu mà lần. Tuy nhiên, mọi việc cuối cùng cũng được giải quyết ổn thỏa, nhưng điều còn đọng lại với các nhà làm luật là khái niệm thế nào là trẻ em trong hệ thống pháp luật Việt Nam quá...đa dạng (!), không biết phải áp dụng theo luật nào cho phải.
Trẻ em với quốc tế, người lớn với Việt Nam
Chuyện của Ban soạn thảo Luật GTĐB không phải là trường hợp duy nhất trong hoạt động xây dựng luật. Mới đây, tại hội thảo về xây dựng Luật Phòng, chống buôn bán người, các nhà làm luật lại một lần nữa mang vấn đề tuổi trẻ em ra để tranh luận.
Cụ thể, theo Nghị định thư của Liên hiệp quốc về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, có hiệu lực từ ngày 25/12/2003 thì trẻ em là người dưới 18 tuổi. Tương tự, các công ước, văn kiện quốc tế liên quan đến việc bảo vệ quyền con người, quyền của phụ nữ và trẻ em mà Việt Nam đã tham gia ký kết và là thành viên như: Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước về quyền trẻ em, Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, các thỏa thuận, ghi nhớ với một số nước có chung đường biên giới với nước ta về hợp tác chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, và hiện Việt Nam đang nghiên cứu các điều kiện để phê chuẩn Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các Nghị định thư bổ sung về chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và chống đưa người di cư trái phép… đều có quy định tương tự. Trong khi đó, định nghĩa trẻ em của pháp luật Việt Nam coi trẻ em là người dưới 16 tuổi. Như vậy là sự không tương thích đã thể hiện rõ ràng.
Có cần hóa giải?
Theo ông Trần Văn Đạt - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán người, thì nạn nhân là trẻ em là một đối tượng được đặc biệt quan tâm. Trong khi đó, như đã nói ở trên, giữa pháp luật Việt Nam và các công ước, văn kiện quốc tế đang có sự không tương thích với nhau về vấn đề xác định độ tuổi của trẻ em. Trong khi đó đây lại là vấn đề rất cần thiết, liên quan đến một số chính sách của Nhà nước, của cộng đồng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán người. Vậy nên quy định vấn đề này trong Luật Phòng, chống buôn bán người như thế nào - ông Đạt đặt câu hỏi.
Còn bà Trịnh Minh Hiền - Vụ Pháp chế, Bộ GTVT thì cho rằng, đây chính là một dạng xung đột pháp luật và nhất thiết phải có sự hóa giải để đảm bảo tính khả thi của pháp luật nói chung và trong lĩnh vực an toàn giao thông nói riêng. Bởi, nếu không sẽ tồn tại tình huống một luật thì bắt buộc trẻ em thi hành còn một luật thì không xử phạt trẻ em như các quy định về trẻ em đội mũ bảo hiểm và độ tuổi trẻ em được miễn xử phạt vi phạm hành chính như hiện nay.
Hồng Minh
“Việc xác định trẻ em là những người có độ tuổi dưới 18 theo Nghị định thư quốc tế là một xu hướng tiến bộ, nếu Luật Phòng, chống buôn bán người quy định trẻ em ở độ tuổi như trên thì sẽ bảo đảm tính tương thích, đáp ứng được yêu cầu của Nghị định thư và sẽ rất thuận lợi trong hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng, chống buôn bán người...” - ông Trần Văn Đạt - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp |