Hòa giải ở cơ sở - Thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án có hiệu quả

Hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp được hình thành từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam, xuất phát từ truyền thống giàu lòng nhân văn, tinh thần đoàn kết, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ phong kiến, hòa giải ở cơ sở được thể hiện trong các bản khoán ước, hương ước, quy ước, luật tục của làng xã . Xác định hòa giải ở cơ sở không chỉ giữ vai trò quan trọng là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả mà còn là một hình thức để hàn gắn, khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp tổ chức một xã hội đoàn kết, gắn bó, đồng thuận, là cơ sở để ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chế định hòa giải ở cơ sở ngày càng được khẳng định và có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, trong các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có những quy định về hòa giải ở cơ sở xuất phát từ yêu cầu xây dựng nền tư pháp gần dân . Tiếp đến, để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ công tác tư pháp trong các giai đoạn cách mạng, trong các bản Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật , hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng là một thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án có hiệu quả.

I. HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ ĐƯỢC HÌNH THÀNH TỪ NHỮNG YẾU TỐ SAU:
1. Truyền thống văn hóa dân tộc, đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội
Hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam hình thành từ rất sớm, gắn liền với truyền thống văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam thường xuyên bị các thế lực ngoại xâm đe dọa thôn tính, dù ở chế độ xã hội nào (chế độ phong kiến, chế độ dân chủ - xã hội chủ nghĩa) thì dân tộc Việt Nam luôn đồng lòng, đoàn kết, chung sức đánh đuổi giặc ngoại xâm. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng là truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam được củng cố, duy trì và phát triển theo suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Để dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam phải đoàn kết là một, cùng đồng thuận thực hiện những mục tiêu của sự nghiệp cách mạng đặt ra qua từng giai đoạn. Do đó những mâu thuẫn, xích mích nảy sinh trong cộng đồng cần được giải quyết kịp thời, ổn thỏa theo tinh thần hòa hợp với phương châm đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu (đây chính là biện pháp hòa giải). Có thể nói, tư tưởng hòa giải là cơ sở bền vững của khối đại đoàn kết và sự đồng thuận xã hội gắn liền với những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.
2. Xuất phát từ đặc điểm của nền kinh tế
Kinh tế Việt Nam có nguồn gốc từ nền nông nghiệp lúa nước, con người phải nương tựa nhau để sản xuất, tương trợ, giúp đỡ nhau để cùng làm ăn, cùng tồn tại và cùng sinh sống. Vì vậy, nếu nảy sinh mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày thì mâu thuẫn, hiềm kích được hóa giải trên tinh thần hòa giải nhằm duy trì và bảo vệ sự gắn kết cộng đồng. Trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, cả dân tộc Việt Nam cùng thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội cộng sản. vì vậy những mâu thuẫn, xích mích được giải quyết theo tinh thần “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Do đó, tính cộng đồng, tính đoàn kết được củng cố, duy trì và phát huy. Hiện nay, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các quan hệ kinh tế, quan hệ xã hội phát triển ngày càng phong phú, các tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột cũng đa dạng và phức tạp hơn, ngày càng nhiều. Để lành mạnh hóa các quan hệ thị trường, quan hệ kinh tế - xã hội, trước hết phải có cơ chế xử lý các mâu thuẫn, xung đột một cách nhanh chóng, triệt để và hiệu quả để các chủ thể yên tâm sản xuất, kinh doanh. Hòa giải ở cơ sở đáp ứng được yêu cầu này. Vì vậy trong nền kinh tế thị trường hòa giải ở cơ sở cần được tăng cường với tư cách là một sự lựa chọn tối ưu trong các phương thức giải quyết tranh chấp, vi phạm pháp luật.
3. Xuất phát từ bản chất nhân văn, bao dung, duy tình của người Việt Nam
Hòa giải ở cơ sở của Việt Nam được hình thành từ rất sớm, không chỉ đơn thuần là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật mà còn là một truyền thống văn hóa, phản ánh tâm lý dân tộc và trở thành thuần phong, mỹ tục đã ăn sâu trong đời sống của người Việt Nam. Truyền thông văn hóa Việt Nam gắn với gia đình, dòng tộc, làng xã, cộng đồng; trong đời sống văn hóa, người Việt Nam luôn đặt chữ “tình” lên hàng đầu, trong các quan hệ xã hội, trong giao tiếp, ứng xử đều coi trọng đạo đức, tình người hơn là theo pháp luật. Với quan niệm “vô phúc đáo tụng đình”, nên để giữ gìn hòa khí, giữ gìn sự đoàn kết, khi phát sinh mâu thuẫn tranh chấp sẽ giải quyết theo hướng “chín bỏ làm mười” và “đóng cửa bảo nhau”. Vì vậy, hòa giải ở cơ sở là một thiết chế giải quyết tranh chấp rất nhân văn, không chỉ xóa bỏ hiềm khích mà còn hàn gắn mối quan hệ bị phá vỡ giữa các bên, giúp họ tiếp tục duy trì, phát triển mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với nhau.
4. Triết lý của Phật giáo
Ở Việt Nam, công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong các tôn giáo, Phật giáo được phần lớn người Việt Nam tin theo và trở thành một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam. Phật giáo hướng con người làm điều thiện “từ bi hỷ xả”, khuyên con người với tâm đại bi, không làm điều ác, không bạo lực, không hơn thua. Hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với quan niệm của người Việt Nam, phù hợp với giáo lý đạo Phật, đó là lòng vị tha, vô ngã, tư tưởng hòa bình, hòa hợp.
5. Xuất phát từ mục tiêu “lấy dân làm gốc”
Hòa giải ở cơ sở mang bản chất của quan hệ dân sự, được thiết lập trên cơ sở tự nguyện và quyền tự định đoạt của các bên mâu thuẫn, tranh chấp. Kết quả hòa giải thể hiện ý chí, nguyện vọng của các bên. Một trong những nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở là “tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở”[1]. Do đó, hòa giải ở cơ sở là một phương thức thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, là biểu hiện của dân chủ, người dân tự quyết định vấn đề của mình phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.
II. ĐẶC ĐIỂM, VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở (Khoản 1 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013).
1. Đặc điểm của hòa giải ở cơ sở
Hòa giải ở cơ sở có những đặc điểm chung của công tác hòa giải gồm:
- Là một phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật.
- Thể hiện sự thỏa thuận ý chí, quyền tự định đoạt của các bên mâu thuẫn, tranh chấp.
- Hòa giải viên ở cơ sở là bên thứ ba làm trung gian hòa giải, giúp các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tìm ra được hướng giải quyết tranh chấp, chấm dứt bất đồng, xung đột. 
- Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên tranh chấp không được trái với quy định của pháp luật, phải phù hợp đạo đức xã hội, không xâm phạm lợi ích hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
Ngoài những đặc điểm chung của công tác hòa giải nêu trên, hòa giải ở cơ sở còn có những đặc điểm riêng như sau:
- Hòa giải ở cơ sở được điều chỉnh bởi Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.
- Tổ hòa giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của Nhân dân, hoạt động trên cơ sở tự nguyện vì mục đích xã hội, vì cộng đồng và phi lợi nhuận; việc hòa giải không thu phí.
- Hòa giải viên ở cơ sở là người thường trú tại cơ sở, khi hòa giải, hòa giải viên không chỉ dựa trên các quy định của pháp luật (giải thích, hướng dẫn các bên vận dụng pháp luật) mà còn dựa vào chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để giúp đỡ, thuyết phục các bên tự thương lượng, thỏa thuận chấm dứt mâu thuẫn, xung đột. Hòa giải viên ở cơ sở không có quyền xét xử như thẩm phán và không được ra phán quyết như trọng tài viên.
- Cách thức hòa giải ở cơ sở không phải tuân theo trình tự, thủ tục bắt buộc mà tùy thuộc từng vụ việc cụ thể, hòa giải viên linh hoạt hòa giải cho phù hợp với đối tượng, tính chất, hoàn cảnh.
2. Vị trí, vai trò của hòa giải ở cơ sở là thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án có hiệu quả
a) Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có thể nói đây là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, thể hiện trên những mặt sau:
- Là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật.
- Góp phần giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; củng cố, phát huy tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
- Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong quản lý xã hội. Công tác hòa giải ở cơ sở thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó nhân dân, xã hội trực tiếp tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội.
- Hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc giảm áp lực cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
- Hoạt động hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần trực tiếp tác động đến việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
- Công tác hòa giải ở cơ sở giúp giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, kịp thời và triệt để; ít tốn kém về thời gian, nhân lực.
- Kết quả hòa giải thành ở cơ sở phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, góp phần giảm khiếu kiện của Nhân dân.
b) So với cơ chế giải quyết tranh chấp của Tòa án, thì hòa giải ở cơ sở có những ưu điểm nổi bật sau:
- Linh hoạt về thời gian: Các bên tranh chấp có thể thống nhất với hòa giải viên thời gian tiến hành hòa giải. Do đó không ảnh hưởng đến công việc của các bên tranh chấp. Khác với việc giải quyết tại Tòa án, các bên tranh chấp phải có mặt tại Tòa theo Giấy triệu tập, Tòa án làm việc theo giờ hành chính, do đó ảnh hưởng đến công việc của các bên.
- Linh hoạt về địa điểm: Các bên tranh chấp có thể thống nhất với hòa giải viên về địa điểm tiến hành hòa giải. Địa điểm hòa giải ở cơ sở do các bên lựa chọn và đề xuất với hòa giải viên, do đó địa điểm hòa giải tạo sự thoải mái cho mỗi bên, không tạo áp lực tâm lý như khi sự việc được giải quyết tại Tòa án.
- Không tốn kém kinh phí: Hòa giải ở cơ sở là hoạt động tự nguyện, không thu phí, do đó các bên tranh chấp không mất khoản phí cho việc giải quyết tranh chấp của mình như khi đưa vụ việc yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Các bên không mất quá nhiều thời gian cho việc giải quyết vụ, việc: Hòa giải ở cơ sở đề cao quyền tự định đoạt của các bên, các bên thỏa thuận thống nhất được cách giải quyết (với điều kiện thỏa thuận đó không trái đạo đức, không vi phạm pháp luật, không xâm phạm lợi ích của người thứ ba, của Nhà nước) thì hòa giải thành. Điều này khác hẳn so với việc giải quyết tại Tòa án, sau khi xét xử sơ thẩm, vụ án có thể bị kháng cáo và đưa ra xét xử phúc thẩm; hoặc vì nhiều lý do khác nhau có thể phải xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, rồi quay lại xét xử sơ thẩm… các đương sự mệt mỏi vì theo đuổi vụ án, công việc ảnh hưởng, cuộc sống bị ảnh hưởng, tâm lý ảnh hưởng.
- Các bên không phải chấp hành theo thủ tục tố tụng nghiêm ngặt theo luật định như việc giải quyết vụ án tại Tòa. Luật hòa giải ở cơ sở không quy định trình tự, thủ tục hòa giải mà việc hòa giải do hòa giải viên linh hoạt hòa giải cho phù hợp với đối tượng, tính chất, hoàn cảnh.
- Kết quả hòa giải thành không chỉ giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên mà còn giúp khôi phục mối quan hệ đã bị phá vỡ, xây dựng sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Khác hẳn với việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án sẽ tạo tâm lý không đồng tình, không hài lòng với quyết định của Tòa án và quan niệm “một đời kiện, chín đời thù”.
- Kết quả hòa giải thành ở cơ sở cũng có thể được Tòa án ra quyết định công nhận và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Như vậy, mặc dù không phải tốn chi phí, không mất nhiều thời gian, không phải tuân thủ theo thủ tục tố tụng nghiêm ngặt nhưng hệ quả pháp lý cuối cùng của hòa giải ở cơ sở tương đương như quyết định của Tòa án nếu được công nhận theo quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Tính đến ngày 31/12/2020, toàn quốc có 87.457 tổ hòa giải ở cơ sở với 532.866 hòa giải viên. Trong 07 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở (kể từ ngày 01/01/2014 (ngày Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 có hiệu lực thi hành) đến hết ngày 31/12/2020), các hòa giải viên ở cơ sở trên cả nước đã thực hiện hòa giải 1.016.945 vụ/việc. Trong đó, hòa giải thành là 821.070 vụ/việc (đạt tỷ lệ 82,7%); hòa giải không thành: 195.875 vụ/việc (chiếm tỷ lệ 17,3%). Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước hòa giải thành 110.000 vụ, đã góp phần giảm thiểu số vụ, việc tranh chấp phải đưa lên cơ quan có thẩm quyền và Tòa án giải quyết; xây dựng đời sống văn hóa gia đình, cộng đồng, xã hội ổn định, phát triển.
Hiện nay, công tác hòa giải ở cơ sở đang đứng trước yêu cầu tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu “củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…” và một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”. Cũng tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 có đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về “Phát triển hoạt động dịch vụ pháp lý và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án - trong đó có hòa giải ở cơ sở”. 
Hòa giải ở cơ sở là một thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, là một phương thức để thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, là biểu hiện của dân chủ, thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, người dân tự quyết định vấn đề của mình phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội. Thông qua hòa giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, nhận thức pháp luật của Nhân dân được nâng cao, từ đó xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong Nhân dân, cùng đồng thuận, đoàn kết thực hiện những nhiệm vụ cách mạng do Đảng và Nhà nước đề ra.
III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Để công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án có hiệu quả, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Hoàn thiện thể chế pháp luật về hòa giải ở cơ sở bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phạm vi hòa giải ở cơ sở phù hợp với Bộ luật hình sự năm 2015; sửa đổi một số quy định về thủ tục về bầu, công nhận hòa giải viên ở cơ sở để phù hợp với thực tiễn bảo đảm tính khả thi; tăng chế độ, định mức chi trả thù lao hòa giải viên tham gia hòa giải các vụ việc; quy định trách nhiệm của Tòa án, hòa giải viên, các bên trong đề nghị công nhận kết quả hòa giải thành...)
2. Rà soát, kiện toàn, hướng tới chuyên nghiệp hóa đội ngũ hòa giải viên đáp ứng yêu cầu đất nước trong tình hình mới.
3. Tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải ở cơ sở; bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở tương xứng với vị trí, vai trò của công tác này./.
Phòng Quản lý công tác hòa giải ở cơ sở,
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
 
[1] Khoản 1 Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.