Nhận thức là vấn đề số một
Luật THADS có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 nhưng phải đến 01/11 tới đây, bằng Nghị định số 74/2009/NĐ-CP câu chuyện “ra ở riêng” của THADS mới chính thức được quyết định, vị thế của các cơ quan THADS sẽ được nâng cao. Việc bố trí ngạch Chấp hành viên cũng đang được tiến hành khẩn trương. Để triển khai các quy định mới này, công tác tuyên truyền đã đi trước một bước.
Các địa phương đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Luật THADS và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Đặc biệt, lấy việc tuyên truyền làm khâu đột phá vào nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, các ban ngành địa phương. Từ đó, triển khai đến từng địa bàn dân cư về các quy định mới của pháp luật về THADS.
Nhiều địa phương đã ban hành Chỉ thị, Quyết định tăng cường phối hợp về THADS, đặc biệt sau khi Nghị định số 74 được ban hành (Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định về quan hệ phối hợp giữa Văn phòng Thành ủy với các cơ quan nội chính trong đó THADS được xác định là một đầu mối quan trọng).
“Tuyên truyền, trước hết phải làm mạnh trong chính hệ thống chính trị”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo THADS thành phố Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh. Ông Khanh thừa nhận, nhiều cơ quan ban ngành còn nhận thức chưa rõ, chưa đầy đủ về công tác THADS. Do đó, sự phối kết hợp nhiều nơi chưa thực sự hiệu quả.
Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo
Lần đầu tiên ở tầm Nghị định, quy định về Ban Chỉ đạo đã rất cụ thể và rõ ràng về trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan liên quan trong công tác THADS. Trên thực tế, Ban chỉ đạo THA đã được thành lập ở cấp tỉnh và huyện (nhiều nơi là cả cấp xã). Triển khai Nghị định số 74, cơ quan THADS nhiều địa phương đã chủ động trong việc gửi văn bản giới thiệu thành phần Ban Chỉ đạo đến Trưởng Ban Chỉ đạo THA để giới thiệu và cử lãnh đạo tham gia. Trên cơ sở đó trình UBND huyện, tỉnh ra quyết định kiện toàn.
“Cái được lớn nhất của Ban Chỉ đạo (do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là trưởng ban - PV) là phát huy sức mạnh tập thể của các ngành liên quan (thành viên) trong công tác THA. Đặc biệt, với các vụ việc phức tạp, phải tổ chức cưỡng chế”, ông Nguyễn Phúc Hằng, Trưởng THADS huyện Từ Liêm (Hà Nội) cho biết.
Thực tế, nếu THA phải “độc lập” trong các vụ việc phức tạp thì rất khó khăn. Chỉ cần khi đã lên kế hoạch cưỡng chế mà ngành Công an kêu “bận” là phải hoãn. Có sự chỉ đạo, đồng thuận của các thành viên Ban Chỉ đạo thì sẽ không có việc này - một Chấp hành viên khác khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng lưu ý các địa phương, Nghị định số 74 có hiệu lực sẽ là cơ hội để kiện toàn, củng cố các Ban Chỉ đạo THA.
Chuẩn bị ra mắt các cơ quan thi hành án
Triển khai Nghị định số 74, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã có Công văn số 91 gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện ủy đề nghị phối hợp kiện toàn, củng cố cơ quan THADS địa phương; tiếp đó ngày 02/10/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Quyết định số 2235/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 74. Đến nay, nhiều địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ theo đúng tinh thần các văn bản nêu trên.
Mới đây, Bộ Tư pháp tiếp tục có công văn 3605 gửi Giám đốc Sở Tư pháp địa phương về triển khai Nghị định. Trong đó, đề cập việc lựa chọn Cục trưởng THA xứng tầm đảm đương nhiệm vụ. Công văn chỉ rõ, trên cơ sở những quy định về vị thế mới của cơ quan THADS cấp tỉnh (là Cục THADS) các địa phương (kể cả những nơi đã có ý kiến của cấp ủy địa phương về quy hoạch cán bộ) tiến hành rà soát lại lần cuối, xem xét nguồn cán bộ để đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo cơ quan THADS cấp tỉnh những cán bộ xứng tầm, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, báo cáo, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành ủy cho ý kiến bằng văn bản về quy hoạch Cục trưởng.
Không phải chờ đến khi Luật THADS có hiệu lực, việc kiện toàn bộ máy mới được tiến hành. Trước đó nhiều công việc quan trọng đã được các cơ quan THADS tiến hành như thành lập các phòng chuyên môn, rà soát để đề nghị bổ nhiệm mới đội ngũ chấp hành viên...
Được biết, đầu tháng 11 này, khi Nghị định số 74 có hiệu lực, các cơ THADS sẽ tiến hành làm Lễ ra mắt.
Đông Bình