Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở

Trong thực tiễn cuộc sống, với những mối quan hệ đa dạng và phức tạp dễ phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ từ gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư, nếu không giải quyết kịp thời dễ nảy sinh những căng thẳng, rạn nứt, gây mất đoàn kết dẫn đến các tranh chấp, khiếu kiện kéo dài gây mất trật tự, an toàn xã hội ở khu dân cư. Hòa giải ở cơ sở đem lại những lợi ích rất thiết thực như tiết kiệm thời gian, nếu vấn đề được giải quyết kịp thời, các tranh chấp được giải quyết ổn thỏa, không bị kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng.

Tính đến nay, trên cả nước có 87.964 tổ hòa giải cơ sở với 551.328 hòa giải viên, năm 2021 tỷ lệ hòa giải thành trên cả nước đạt 80,6%. Kết quả này cho thấy, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần giải quyết kịp thời tại cơ sở các mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp trong Nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục, trong đó đáng chú ý là chất lượng hòa giải viên ở cơ sở. Theo đó, hiện nay một số hòa giải viên còn bị hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải dẫn đến chất lượng hòa giải nhiều việc chưa cao. Theo thống kê năm 2021, cả nước có 551.328 hòa giải viên, trong đó có 534.239 hòa giải viên chưa qua đào tạo chuyên môn Luật (chiếm 96.9%). Có thể thấy hầu hết hòa giải viên chưa qua đào tạo chuyên môn Luật. Hạn chế này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến vị trí, hiệu quả của công tác này trong xã hội. Bởi lẽ, tính chất, mức độ của các tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở ngày càng phức tạp, khó giải quyết, ngay cả đối với Tòa án. Việc hòa giải hiện nay không thể chỉ dựa vào các chuẩn mực đạo đức, kinh nghiệm thực tiễn mà còn phải căn cứ vào các quy định pháp luật. Vì vậy, cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hòa giải viên để họ đủ khả năng giải quyết các tranh chấp phức tạp hơn trong thực tiễn. Một trong các giải pháp cần thiết là cần thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, việc bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở chưa thực sự đều đặn và đồng đều giữa các địa phương.
Hiện nay, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đã tạo ra những biến đổi lớn trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Xu hướng chuyển đổi sang “công nghệ số” đang được đẩy mạnh trên toàn thế giới bởi tính nhanh chóng, tiện dụng, linh hoạt, mang lại hiệu quả cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên là một trong những vấn đề cấp thiết.
Hàng năm, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố và các quận, huyện đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nâng cao kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên ở cơ sở. Tuy nhiên, việc tập huấn chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục và đồng đều giữa các vùng miền. Trong bối cảnh “công nghệ số” như ngày nay việc ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường hiệu quả tập huấn, mở rộng số lượng hòa giải viên được tham gia tập huấn, cũng như tổ chức bồi dưỡng thường xuyên hơn, tạo môi trường cho hòa giải viên được học tập, trao đổi kinh nghiệm mọi lúc mọi nơi là hết sức cần thiết, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp như thời gian qua.
Một số hình thức tập huấn, bồi dưỡng thông qua ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay
Thứ nhất, tổ chức tập huấn trực tuyến
Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, việc đào tạo, tập huấn bằng hình thức trực tuyến được áp dụng nhiều trên thực tiễn. Theo đó, các giảng viên/tập huấn viên và các học viên kết nối, tương tác với nhau thông qua các phần mềm trực tuyến như zoom, teams, google classroom, facebook group,… Hình thức này có thể áp dụng để tổ chức các khóa bồi dưỡng cho các hòa giải viên ở cơ sở. Việc sử dụng hình thức này giúp cho việc tổ chức tập huấn cho hòa giải viên trên mọi miền tổ quốc thuận tiện, linh hoạt, rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm về thời gian và chi phí tổ chức; nhiều hòa giải viên có thể cùng tham gia tập huấn.
Thứ hai, xây dựng bài giảng điện tử
Để đáp ứng tình hình thực tiễn, Bộ Tư pháp và nhiều địa phương đã tiến hành xây dựng các bài giảng điện tử theo chủ đề và cập nhật trên Cổng/Trang thông tin điện tử của Bộ/ Sở để các hòa giải viên có thể tiếp cận, nghe một cách dễ dàng, thuận tiện. Việc xây dựng và phát hành các bài giảng điện tử tạo cơ hội cho hòa giải viên có thể lựa chọn những vấn đề mà mình mong muốn tìm hiểu, phù hợp với từng vụ, việc hòa giải, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
Đồng thời, khi tổ chức bồi dưỡng, tập huấn bằng các hình thức trên, nội dung bài giảng được giảng viên, ban tổ chức đầu tư xây dựng, sử dụng công nghệ thông tin kết hợp hình ảnh, âm thanh, video, văn bản, biểu đồ, trò chơi, liên kết dữ liệu kiến thức trong nhiều lĩnh vực… tạo ra sự sống động, dễ tiếp thu, dễ nhớ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Tồn tại, hạn chế
Cơ sở vật chất, kỹ thuật còn chưa đảm bảo, do đó, ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của học viên. Bên cạnh đó, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số hòa giải viên còn kém. Không ít hòa giải viên ở cơ sở, đặc biệt là những người lớn tuổi không biết hoặc chưa thành thạo trong việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… Ngoài ra, một số hình thức tập huấn thiếu sự tương tác giữa học viên và giảng viên, giữa các học viên với nhau. Thêm nữa, hiện nay ban tổ chức, giảng viên vẫn chưa khai thác triệt để việc ứng dụng công nghệ thông tin, chưa có nhiều đổi mới trong xây dựng nội dung bài giảng, đa dạng hình thức trong bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên.
Giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hiện nay là rất cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Để nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng tin học, ứng dụng công nghệ thông tin cho hòa giải viên ở cơ sở.
Thứ hai, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở.
Thứ ba, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng bài giảng trực tuyến có sự tương tác giữa giảng viên và học viên và có cách thức đánh giá sự tiếp thu của học viên. Tiếp tục đổi mới trong xây dựng bài giảng nhằm thu hút người nghe, học viên.
Thứ ba, tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa nhằm hỗ trợ việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật