Cùng hướng tới “tỷ lệ vàng”
Với mục tiêu thúc đẩy sự hiểu biết tin cậy lẫn nhau, cùng khắc phục những vấn đề phụ nữ của mỗi nước thành viên AIPA đang phải đối mặt hiện nay,để từ đó góp phần nâng cao hơn nữa vai trò và vị trí của các nữ nghị sĩ trong các mặt hoạt động chính trị, kinh tế-xã hội, các đại biểu tham dự hội thảo đã rất thẳng thắn trao đổi ý kiến, cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của nữ nghị sĩ trong quá trình xây dựng pháp luật. Hầu hết các bài phát biểu đều cho thấy, sau một thời gian nỗ lực, tỷ lệ nữ nghị sĩ trong Nghị viện, Quốc hội các nước đã có sự nhảy vọt vược bậc về cả số lượng và chất lượng. Ở Việt Nam, từ chỗ chỉ có 3% phụ nữ trong Quốc hội ở nhiệm kỳ đầu tiên, đến nay Quốc hội khóa XII đã có 25,8% đại biểu là nữ, xếp thứ tư trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Nhóm nữ nghị sĩ Quốc hội Việt Nam thành lập ngày 15/5/2008, đến nay đã có hơn 100 nữ ĐBQH tham gia. Tỷ lệ này ở Campuchia là 21,95%, Inđônexia là 30%, Lào là 25%, Malaixia là 31,25%...Nhìn chung, với tỷ lệ này, vai trò và tiếng nói của nữ nghị sĩ trong các hoạt động lập pháp của nghị viện, quốc hội nói riêng và trong cả tiến trình phát triển của đất nước nói chung đã có được tầm quan trọng đáng kể. Điều này được thể hiện qua việc các đạo luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em được xây dựng và thông qua, các quyết sách của Chính phủ về các vấn đề liên quan đến phụ nữ được hình thành, thực thi...
Tuy nhiên, vì đặc thù văn hóa, quan niệm của các nước Á Đông nên chưa thể nói những thành công này đã là đích đến cuối cùng của việc nâng cao vai trò của nữ nghị sĩ nói riêng AIPA và phụ nữ Đông Nam Á nói chung. Chính vì thế, mục tiêu hướng tới phải là “tỷ lệ vàng” – thành phần nghị sĩ nữ chiếm 30% trở lên trong nghị viện, quốc hội. Con số này không những khẳng định vai trò không thể thiếu của phụ nữ trong các hoạt động lập pháp, mà còn tạo điều kiện để các quyết sách của Chính phủ liên quan đến phụ nữ được dễ dàng hơn, góp phần thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên toàn thế giới theo tinh thần của Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ CEDAW.
Duy trì sự kết nối
Nhóm nữ nghị sĩ của nghị viện Malaixia được thành lập khá sớm, từ năm 2001. Từ chỗ chiếm một vị trí rất khiêm tốn trong các cơ quan dân cử, lập pháp, vai trò và số lượng của nữ nghị sĩ đã có sự phát triển đáng kể (chiếm 31,25% trong nghị viện). Theo đại diện của nhóm nữ nghị sĩ nghị viện Malaixia tham dự hội thảo, con số này đã đưa đến những thành tựu về mặt lập pháp. Cụ thể, nhiều vấn đề liên quan đến phụ nữ đã được giải quyết, các quy định về bình đẳng giữa nam và nữ được pháp điển hóa, các điều luật cản trở sự tiến bộ của phụ nư bị dỡ bỏ...Để đạt được những điều này, kinh nghiệm cho thấy, sự duy trì mạng lưới kết nối trong bản thân nghị viện và với bên ngoài về các vấn đề liên quan đến phụ nữ là rất cần thiết. Từ sự kết nối này, các nữ nghị sĩ sẽ có được cái nhìn bao quát, tổng thể các vấn đề bức thiết liên quan trên cơ sở đó tổng hợp và đưa ra bàn thảo tại nghị viện, dẫn lối cho hoạt động xây dựng luật liên quan.
Tuy mới được thành lập từ năm 2008, nhưng theo bà Nguyễn Thị Bạch Mai – ĐBQH, Phó Chủ tịch Nhóm nghị sĩ nữ Việt Nam, các nữ nghị sĩ Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao năng lực lập pháp của mình. Tới đây, cơ chế chính sách thu hút các hiệp hội, tổ chức kinh tế, xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia giỏi tham gia nghiên cứu, thẩm định, thẩm tra các dự án luật giúp các nữ nghị sĩ luận cứ khoa học, thực tiễn để quyết định lựa chọn, chính sách, mô hình pháp lý tối ưu khi xem xét, thẩm định và thông qua luật sẽ được sớm nghiên cứu, tiến hành.
Kinh nghiệm riêng là vậy, còn để hướng tới mục tiêu chung thúc đẩy mối hợp tác liên nghị viện trong AIPA, thì theo tất cả đại biểu tham dự hội thảo, sự hợp tác chặt chẽ của các nhóm nữ nghị sĩ là điều kiện quan trọng và tiên quyết.
Xuân Hoa
Lần lượt trong phiên làm việc, các đại biểu sẽ nghe báo cáo và thảo luận các vấn đề lồng ghép giới trong quy trình xây dựng pháp luật, trong hoạt động lập pháp, trong quyết định ngân sách. Tại phiên thảo luận chung các nữ nghị sĩ sẽ đưa ra khuyến nghị về việc thiết lập một cơ chế hợp tác khu vực nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các nữ nghị sĩ trong công tác xây dựng pháp luật và lồng ghép giới. |