Không vượt nổi con số 10%
Thực hiện nội dung Tiểu Đề án 3, TLĐLĐVN đã tiến hành khảo sát để đánh giá hiểu biết pháp luật của công nhân lao động (CNLĐ) tại 7 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương... Kết quả cho thấy, chỉ có 6,5% CNLĐ trong doanh nghiệp dân doanh và 5% CNLĐ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài biết rõ về Luật Công đoàn, về Luật Lao động chỉ có 7,2%CNLĐ trong doanh nghiệp dân doanh và 5,6% trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài biết rõ, về Luật Bảo hiểm xã hội chỉ có 8,3 %CNLĐ trong doanh nghiệp dân doanh và 5% trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài biết rõ... Trong khi đó, tổng số doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn 7 tỉnh, thành là 207.758 với 3.585.829 CNLĐ.
Đáng buồn hơn nữa, trong số lượng DN nói trên chỉ có hơn 12 nghìn DN có công đoàn cơ sở với số đoàn viên xấp xỉ 1,5 triệu người. Cán bộ công đoàn cơ sở thì 50.036/64.779 người là cán bộ mới, rất ít kinh nghiệm, thậm chí chưa hề được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng làm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật. Có lẽ chính vì thế nên theo ông Vũ Minh Tiến - Trưởng phòng khoa học Viện Công nhân công đoàn – TLĐLĐVN câu hỏi khó trả lời nhất hiện nay chính là về ... quyền công đoàn.
Đi tìm lời giải
Lời giải đầu tiên cho câu hỏi “Tại sao nhiều người lao động vẫn chưa biết đến quyền công đoàn?” chính là sự bất cập của pháp luật công đoàn hiện hành. Luật Công đoàn trong quá trình thực thi đã và đang bộc lộ rõ những điểm yếu nghiêm trọng như không thể “định vị” được địa vị pháp lý cho tổ chức và cán bộ công đoàn cơ sở. Đi cùng với đó là cơ chế hoạt động, tài chính, chế tài ràng buộc cũng èo uột theo.... Sự bất cập này đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung phải sớm được hoàn tất. Lý do tiếp đến như đã nói trên, mạng lưới tổ chức và cán bộ công đoàn ở cơ sở còn quá mỏng, quá mới nên không thể nào trở thành “lá chắn bảo vệ” cho người lao động trước những việc làm vi phạm luật của giới sử dụng lao động.
Một nguyên nhân nữa tuy “xưa như trái đất”, nhưng cũng rất quan trọng, đó là vấn đề kinh phí. Nói đơn cử như kinh phí để thực hiện ngay chính Tiểu Đề án 3 này, ông Hoàn Ngọc Thanh – Phó Chỉ tịch TLĐLĐVN cho biết Ban chỉ đạo Đề án đã gặp khó khăn rất lớn về tài chính. Tuy rằng nội dung, kế hoạch được xây dựng sớm nhưng phải đến cuối tháng 9/2009 kinh phí mới được duyệt, mà cũng chỉ duyệt có một nửa dự toán ban đầu. Ba trăm triệu đồng cho cả một năm kế hoạch tuyên truyền pháp luật đến hơn 2 trăm nghìn doanh nghiệp, 3 triệu người lao động thì không nói cũng hiểu khó khăn đến mức nào. Để khắc phục tình hình nghèo tiền này, để thực hiện Đề án, TLĐLĐVN đã phải huy động, vay mượn kinh phí từ các nguồn để thực hiện, rất chi là vất vả - ông Thanh cho biết.
Kinh phí ít nên số lượng tài liệu (gồm 4 sổ tay pháp luật khổ nhỏ bỏ túi và 12 mẫu tờ gấp về Luật Lao động, Công đoàn, Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế) rất hạn chế. Vì thế, bên cạnh yêu cầu các tỉnh thành nghiên cứu kỹ tài liệu, TLĐLĐVN đã phải “thòng” thêm câu khuyến cáo: sử dụng tài liệu hợp lý, tránh khai thác một cách hình thức, lãng phí và nhất cử nhất động hoạt động cấp phát, sử dụng (tài liệu) nhất thiết phải báo cáo về Ban chỉ đạo Tiểu Đề án. Tài liệu tuyên truyền mà còn phải ăn dè theo kiểu con nhà nghèo như vậy, thì thử hỏi chất dinh dưỡng – hiệu quả tuyên truyền - sẽ đến đâu?
Xuân Hoa
Mục tiêu của Đề án 31 ( theo Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án TTPBPL cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình DN từ 2009-2012) là đến hết năm 2012, 95% người sử dụng lao động và 70% người lao động được TTPBPL lao động và các quy định pháp luật có liên quan tới hoạt động của DN, quyền và nghĩa vụ của người lao động. Đề án bao gồm 5 Tiểu Đề án phân công cho các cơ quan Bộ Tư pháp, TLĐLĐVN, Liên minh HTX, VCCI, Bộ Tài chính. Theo Ban chỉ đạo Tiểu Đề án 3, trong năm 2010 mô hình tuyên truyền ở cơ sở gồm các hoạt động tuyên truyền miệng, qua hệ thống truyền thanh nội bộ, xây dựng tủ sách pháp luật, thành lập tổ tư vấn pháp luật... sẽ được chú trọng. Đặc biệt, sẽ các cuộc đối thoại giữa công đoàn, CNLĐ, người sử dụng lao động sẽ được tổ chức. Các buổi tọa đàm về pháp luật với sự tham gia của các chuyên gia pháp lý, CNLĐ trực tiếp sản xuất để giải đáp và phân tích sâu về tình huống pháp luật thường gặp sẽ được dựng thành chương trình truyền hình phát sóng rộng rãi. |