Tổ chức công đoàn – bất khả xâm phạm
Trước hết, ngay ở các điều khoản khái niệm, Luật Công đoàn Trung Quốc đã khẳng định nhiệm vụ và chức năng cơ bản của công đoàn là bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và đoàn viên. Để thực hiện chức năng này, một trong những nhiệm vụ của công đoàn là tổ chức cho người lao động và đoàn viên tham gia vào việc ra quyết định dân chủ và quản lý, giám sát dân chủ đối với các đơn vị của họ.
Khi thực hiện nhiệm vụ và chức năng của mình, không thể tránh có trường hợp tổ chức công đoàn, người đứng đầu tổ chức công đoàn có những quyết định trái chiều với đơn vị sử dụng lao động. Ở những quốc gia mà pháp luật công đoàn không có được cơ chế bảo vệ hữu hiệu thì trong trường hợp này tổ chức công đoàn và những người đứng đầu tổ chức công đoàn thường phải chịu thiệt thòi (bị hạn chế hoạt động, bị thuyên chuyển công tác...). Lường trước được những tình huống này, Luật Công đoàn Trung Quốc đã quy định người đứng đầu đơn vị không được tùy tiện thuyên chuyển Chủ tịch công đoàn hay Phó Chủ tịch công đoàn sang đơn vị khác trước khi họ kết thúc nhiệm kỳ công đoàn của mình. Nếu việc thuyên chuyển xuất phát từ nhu cầu công việc thì cần phải có sự đồng ý của Ban Chấp hành công đoàn cấp tương ứng và công đoàn cấp trên trực tiếp. Mặt khác, việc triệu hồi Chủ tịch hay Phó Chủ tịch công đoàn phải được đưa ra thảo luận tại các hội nghị hay Đại hội công đoàn và không được đưa ra bất kỳ một lệnh triệu hồi nào nếu không có sự phê chuẩn của hơn một nửa số đoàn viên tại hội nghị hay đại hội.
Để đảm bảo cho thời gian nhiệm kỳ của một Chủ tịch hay Phó Chủ tịch công đoàn không bị đứt đoạn, Luật Công đoàn Trung Quốc đã quy định thời gian của hợp đồng lao động đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch hay cán bộ chuyên trách của công đoàn cơ sở sẽ tự động gia hạn kể từ ngày họ đảm nhận vị trí đó và thời gian gia hạn bằng đúng nhiệm kỳ của họ. Nếu như thời gian của hợp đồng lao động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch hay cán bộ chuyên trách ngắn hơn thời gian nhiệm kỳ kể từ ngày họ đảm nhận vị trí đó thì thời gian hợp đồng lao động sẽ được tự động gia hạn cho đến hết nhiệm kỳ trừ khi họ gây ra những sai lầm nghiêm trọng trong thời gian nhiệm kỳ hay đến tuổi nghỉ hưu theo Luật định.
Nếu một doanh nghiệp hay tổ chức có hành động can thiệp vào hệ thống đại hội của người lao động và đoàn viên hay các hệ thống quản lý dân chủ khác, công đoàn sẽ có quyền yêu cầu họ chỉnh lý lại để đảm bảo cho người lao động và đaòn viên được thực hiện quyền tham gia quản lý dân chủ theo đúng quy định của pháp luật.
Công đoàn – nhân tố quan trọng giúp ổn định sản xuất
Bên cạnh các quyền, tổ chức công đoàn cũng có trách nhiệm giúp cho việc lao động sản xuất trong đơn vị luôn được vận hành trơn tru thông qua việc sát cánh cùng người lao động, kịp thời giải quyết những vấn đề của họ.
Ví dụ, trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động có thương tật, tử vong để đại diện quyền lợi cũng như trấn an người lao động, tổ chức công đoàn có quyền tham gia vào cuộc điều tra nguyên nhân và giải quyết hậu quả của vụ tai nạn. Với việc tham gia của mình, công đoàn sẽ đề xuất giải pháp với các đơn vị liên quan và có quyền yêu cầu truy cứu trách nhiệm đối với người phụ trách trực tiếp và những người có trách nhiệm khác. Những đề xuất của công đoàn phải được xem xét và trả lời ngay.
Trong trường hợp có đình công không làm việc hay làm chậm tiến độ công việc trong một doanh nghiệp hay tổ chức, công đoàn sẽ thay mặt cho người lao động và đoàn viên tổ chức tham khảo ý kiến với doanh nghiệp hay tổ chức với các bên liên quan nhằm đưa ra những ý kiến và yêu sách của người lao động cũng như những đề xuất, giải pháp. Đối với những yêu sách hợp lý, doanh nghiệp phải cố gắng đáp ứng và lúc này công đoàn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vấn đề một cách hợp lý để giúp ổn định lại sản xuất và các công việc khác trong thời gian sớm nhất
Xây dựng Luật Công đoàn Việt Nam – ra tay bảo vệ cán bộ công đoàn
Sau 19 năm thực hiện, Luật Công đoàn Việt Nam cho thấy hoạt động công đoàn ở khu vực ngoài quốc doanh đã và đang rất kém hiệu quả. Và nguyên nhân sâu xa là do cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay là người đang sống giữa hai “làn đạn”. Vì một mặt, họ phải chịu sự chi phối rất lớn từ phía chủ DN bởi họ trực tiếp là người vừa phải ký hợp đồng lao động với chủ DN để thực hiện nhiệm vụ của chủ DN giao, ăn lương chủ DN trả... Mặt khác, cán bộ công đoàn cũng lại chịu áp lực từ phía người lao động, bởi họ được người lao động giao phó đảm trách công tác công đoàn, đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Mỗi khi có tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ sử dụng lao động và người lao động tăng cao, công đoàn ở giữa bị dồn nén từ hai phía, trong bối cảnh đó vai trò của công đoàn bị lu mờ là điều khó tránh khỏi.
Ở Việt Nam, khi xây dựng Luật Công đoàn cách đây 19 năm, các nhà làm luật hẳn chưa tính đến tình huống này. Vì thế, trong luật không hệ có một điều khoản nào nhắc tới cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở và trong thực tế công tác công đoàn ở nhiều nơi không thể khởi sắc cũng vì nguyên do này. Từ bức xúc thực tiễn cũng như tiếp thu đóng góp của các công đoàn cơ sở, dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đã dành hẳn một điều quy định về cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn. Theo đó, người lao động làm công tác công đoàn không những được đảm bảo việc ký kết hợp đồng lao động phù hợp với nhiệm kỳ tham gia ban chấp hành, đảm bảo không bị chủ sử dụng lao động hạ lương, sa thải nếu không có sự chấp thuận của công đoàn cơ sở hai cấp, mà còn được hỗ trợ một khoản phụ cấp nhằm ổn định cuộc sống trong thời gian người lao động làm công tác công đoàn bị gián đoạn việc làm.
Xuân Hoa
Về vấn đề bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở, Luật Công đoàn Trung quốc đã đưa ra các quy định khá cứng rắn như: việc trù dập những cán bộ công đoàn đang làm nhiệm vụ bằng cách thuyên chuyển công tác sẽ bị cơ quan hành chính về lao động yêu cầu điều chỉnh và khôi phục lại vị trí và yêu cầu bồi thường nếu có, việc xâm phạm thân thể, danh dự cán bộ công đoàn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự... Theo Luật Công đoàn Trung Quốc, khi doanh nghiệp chậm trễ hay từ chối đóng góp quỹ cho công đoàn mà không có lý do chính xác, thì công đoàn cơ sở hay công đoàn cấp trên có thể nộp đơn lên Tòa án nhân dân địa phương để ra lệnh nộp. Nếu họ không tuân thủ lệnh của Tòa án địa phương, công đoàn có thể nộp đơn lên Tòa án nhân dân để có biện pháp cưỡng chế. |