Theo đó, người nộp phí là tổ chức, cá nhân được cơ quan Đăng kiểm Việt Nam thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng đối với linh kiện, xe cơ giới và các loại thiết bị, xe máy chuyên dùng trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, cải tạo và đang lưu hành; kiểm định các thiết bị kiểm tra xe cơ giới phải nộp phí kiểm định theo quy định tại Thông tư. Mức thu phí kiểm định thực hiện theo Biểu phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng linh kiện, xe cơ giới và các loại thiết bị, xe máy chuyên dùng, ban hành kèm theo Thông tư. Mức thu phí đã gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không bao gồm lệ phí cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với linh kiện, xe cơ giới, thiết bị, xe máy chuyên dùng. Cơ quan Đăng kiểm Việt Nam tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng linh kiện, xe cơ giới và các loại thiết bị, xe máy chuyên dùng theo quy định tại Thông tư. Phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng linh kiện, xe cơ giới và các loại thiết bị, xe máy chuyên dùng là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Cơ quan thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền thu phí sau khi đã nộp thuế theo quy định. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2013. Bãi bỏ Quyết định số 10/2003/QĐ-BTC ngày 24/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành mức thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng xe cơ giới và các loại thiết bị, xe máy chuyên dùng; Quyết định số 13/2004/QĐ-BTC ngày 14/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2003/QĐ-BTC ngày 24/01/2003; Quyết định số 101/2008/QĐ-BTC ngày 11/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2003/QĐ-BTC ngày 24/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành mức thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng xe cơ giới và các loại thiết bị, xe máy chuyên dùng.