Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành ở Quảng Bình, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đã bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế; một số cơ quan đã xây dựng tổ chức pháp chế của cơ quan mình theo mô hình Tổ pháp chế, Phòng Thanh tra - Pháp chế, Phòng Tổng hợp - Pháp chế. Các đầu mối được phân công đảm nhiệm công tác pháp chế là: Phòng Thanh tra, Phòng Hành chính - Tổng hợp, Văn phòng Sở, Phòng Tổng hợp - Pháp chế… Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ đảm nhận công tác pháp chế có trình độ đại học trở lên, một số có trình độ Đại học Luật; đa số cán bộ pháp chế giữ chức vụ từ Phó Trưởng phòng cấp Sở trở lên, phần lớn đã được tham dự các lớp bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế do Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tổ chức. Bằng kết quả hoạt động trong thực tiễn, cán bộ pháp chế đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, qua đó góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, tổ chức pháp chế vẫn chưa được kiện toàn đúng theo yêu cầu của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc xây dựng mô hình tổ chức pháp chế, bố trí cán bộ pháp chế chưa có sự đồng thuận giữa các cơ quan chuyên môn, chưa thể hiện theo đặc thù của từng cơ quan; cán bộ pháp chế hầu hết là kiêm nhiệm nên thời gian và công sức đầu tư cho hoạt động pháp chế còn hạn chế, một số cơ quan bộ trí cán bộ pháp chế không ổn định, thường xuyên thay đổi (theo thống kê số lượng cán bộ pháp chế năm 2007 là 75 cán bộ nhưng đến cuối 2008 là 45 cán bộ và đến nay có 42 cán bộ); nhiều cơ quan bố trí cán bộ pháp chế là những công chức mới được tuyển dụng vào ngành, chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động pháp chế cũng như trong lĩnh vực chuyên môn của ngành nên khó khăn trong việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ. Đó là chưa nói đến việc triển khai thực hiện đúng và tốt yêu cầu nhiệm vụ mà Nghị định số 122/2004/NĐ-CP đã đặt ra…. Sự bất cập của tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh thể hiện cụ thể như sau: Thứ nhất, về mô hình phòng đảm nhận công tác pháp chế Mô hình phòng đảm nhận công tác pháp chế được xây dựng theo 2 mô hình, đó là Thanh tra - Pháp chế ở Sở Tài Nguyên - Môi trường; Phòng Tổng hợp - Pháp chế ở Thanh tra tỉnh. Theo mô hình này công tác pháp chế được giao cho một số cán bộ làm kiêm nhiệm công tác pháp chế tại tổ chức Thanh tra của các cơ quan này. Ngoài 06 cán bộ pháp chế kiêm nhiệm được bố trí tại Thanh tra Sở, Sở Tài nguyên và Môi trường, cán bộ kiêm nhiệm công tác pháp chế còn là 05 cán bộ Lãnh đạo Sở và 06 cán bộ là Trưởng các phòng nghiệp vụ, đơn vị thuộc. Tại Thanh tra tỉnh hiện nay đã được thành lập Phòng Tổng hợp - Pháp chế với 04 biên chế trong đó có 01 cán bộ chuyên trách công tác pháp chế. Thứ hai, về mô hình Tổ pháp chế Hiện tại trên địa bàn mô hình Tổ pháp chế được xây dựng ở Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính. Trong đó, Tổ pháp chế của Sở Giáo dục và Đào tạo có 05 cán bộ, trong đó có 01 cán bộ là lãnh đạo Sở; Sở Tài chính gồm 04 cán bộ bao gồm 03 cán bộ trong Ban lãnh đạo Sở và Chánh Văn phòng Sở. Thứ ba, về bố trí cán bộ chuyên trách công tác pháp chế Việc bố trí cán bộ chuyên trách công tác pháp chế được thực hiện tại Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình. Ở cơ quan này đã bố trí 02 cán bộ chuyên trách công tác pháp chế. Thứ tư, về bố trí cán bộ kiêm nhiệm công tác pháp chế Ngoài các cơ quan nói trên, các Sở, ngành còn lại mỗi cơ quan đều bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm công tác pháp chế tại cơ quan, đơn vị mình. Sự bất cập trên xuất phát từ những nguyên nhân sau: Một là: về nhận thức, một số người đứng đầu các cơ quan chuyên môn chưa nhận thức đúng vị trí chức năng của công tác pháp chế theo quy định của pháp luật nên chưa quan tâm việc xây dựng Tổ chức pháp chế, cho rằng không cần thiết phải xây dựng đội ngũ này tại các cơ quan mình. Cũng có ý kiến cho rằng, theo quy định của các thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ và các Bộ chuyên ngành, thì trong cơ cấu tố chức các cơ quan chuyên môn không có Phòng Pháp chế, vì vậy không nhất thiết phải thành lập thêm tổ chức này. Hai là: do thiếu biên chế. Khi triển khai thực hiện Nghị định 122/2004/NĐ-CP, việc thành lập Tổ chức pháp chế cần phải có biên chế, tuy nhiên hiện nay hầu hết các cơ quan chuyên môn đều chưa được bố trí biên chế chuyên trách công tác pháp chế nên để triển khai thực hiện nhiệm vụ này, các cơ quan chuyên môn chỉ bố trí kiêm nhiệm nên hiệu quả công việc còn thấp, chưa đáp ứng nhiệm vụ đặt ra. Ba: xuất phát từ bản thân của cán bộ pháp chế, từ nhận thức cho rằng hoạt động pháp chế chỉ kiêm nhiệm không phải là hoạt động chuyên môn chính của ngành mình đảm nhiệm nên chỉ làm lấy lệ. Bốn là, về chế độ chính sách. Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác pháp chế, nên chưa kích thích lòng hăng say và nhiệt tình của cán bộ pháp chế đối với công tác này. Thực tế qua hơn 5 năm triển khai Nghị định 122/2004/NĐ-CP cho thấy: do chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng Tổ chức pháp chế, nên chất lượng hoạt động của tổ chức này chất lượng chưa cao, nhất là việc tham mưu các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh và HĐND tỉnh. Một số văn bản sau khi ban hành chưa đảm bảo các yêu cầu về thể thức và kỹ thuật trình bày. Một số cơ quan trong quá trình tham mưu dự thảo văn bản QPPL chưa tuân thủ đúng quy trình về trình tự, thủ tục ban hành văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; hồ sơ gửi thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật. Ngoài ra cũng có quan điểm cho rằng đã có cơ quan Tư pháp thẩm định nên đã dẫn đến tình trạng một số văn bản tham mưu, soạn thảo có nội dung và hình thức chưa phù hợp với quy định của pháp luật, chất lượng văn bản soạn thảo chưa cao. Việc dự thảo văn bản, việc rà soát văn bản QPPL do tỉnh ban hành liên quan đến lĩnh vực, ngành mình phụ trách chưa được các cơ quan chuyên môn chú trọng thực hiện, cho rằng đây là công việc của riêng ngành Tư pháp... Từ thực tế trên cho thấy, đã đến lúc các cấp, các ngành cần phải quan tâm hơn nữa đến việc thành lập, củng cố, phát triển Tổ chức pháp chế. UBND tỉnh và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cả về vật chất, phương tiện làm việc và con người làm công tác pháp chế, lựa chọn những cán bộ pháp chế thực sự có năng lực, tâm huyết để thực thi nhiệm vụ đáp ứng tốt yêu cầu của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Hiện nay, trước yêu cầu của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, thì vị trí, vai trò của cán bộ pháp chế ngày càng được nâng cao; chức năng, nhiệm vụ ngày càng được mở rộng, với yêu cầu càng cao về chất lượng và tiến độ giải quyết công việc. Do đó, việc tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, cơ cấu tổ chức bộ máy, tăng cường đội ngũ cán bộ pháp chế là hết sức cần thiết. Đồng thời, Chính phủ cần nghiên cứu để sửa đổi Nghị định 122/2004/NĐ-CP theo hướng: quy định bắt buộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phải thành lập Tổ chức pháp chế tại cơ quan mình để bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật được thông suốt từ Trung ương đến địa phương; tăng cường hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn trực thuộc; có cơ chế chính sách khuyến khích đội ngũ làm công tác pháp chế… có như vậy, công tác pháp chế trên địa bàn sẽ được đẩy mạnh hơn và đạt kết quả cao hơn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay./. Tuyết Hà - Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình