Tư tưởng “đoàn kết thật sự” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, công chức ngành Tư pháp

1- Tư tưởng “Đoàn kết thật sự” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Tư pháp:

   Trong tâm trí mỗi cán bộ, công chức làm công tác pháp luật ngày hôm nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người truyền bá và đặt nền tảng tư tưởng pháp quyền hiện đại tại Việt Nam thông qua cuộc đấu tranh thức tỉnh người dân xứ thuộc địa, lên án chế độ phi pháp quyền, hệ thống pháp luật phi nhân tính của thực dân Pháp, là người đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà với Bản Tuyên ngôn độc lập chất chứa triết lý nhân sinh - pháp lý sâu sắc về các quyền cơ bản của một dân tộc, một con người và Bản Hiến pháp mang tính dân chủ đầu tiên trong toàn cõi Á Đông. Với nền tảng kiến thức sâu rộng về chính trị, pháp luật, dân chủ, dân tộc và quyền con người, ngay từ trong những ngày đầu thành lập và xây dựng chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp một tình cảm vô cùng sâu sắc của một vị Chủ tịch nước, một người Cha, một người Bạn đồng hành với nhiều tâm sự, trăn trở cho sự phát triển của ngành. Với công tác tư pháp, Người suy tư: Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ”. Từ đó, Người khẳng định: “Lẽ tất nhiên, các bạn phải nêu cao cái gương phụng công, thủ pháp, chí công vô tư để nhân dân noi theo”. Nhưng thế chưa đủ, Người vẫn trăn trở về việc định hình một nền tư pháp nhân dân phục vụ cho cách mạng:“Cán bộ, công chức tư pháp chỉ công bằng, liêm khiết, trong sạch thôi là chưa đủ, cán bộ tư pháp cần phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

   Khi đất nước ta đang tiến hành cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra muôn vàn khó khăn, thách thức mà ngành Tư pháp phải đối mặt và vượt qua để tích cực cùng đất nước hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng. Người khẳng định, ngành Tư pháp là một cơ quan trọng yếu “góp phần mình thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Đồng thời, ngăn ngừa, trừng trị những kẻ âm mưu, phá hoại chế độ, phá hoại lợi ích của nhân dân”. Từ đó, người căn dặn ngành Tư pháp: Ngoài những khó khăn về thể chế chưa ổn định, phù hợp, công việc nhiều và mới, đội ngũ cán bộ còn ít, công tác học tập, nâng cao trình độ, tư tưởng còn chưa được thực hiện một cách thường xuyên thì ngành Tư pháp cần vượt qua khó khăn bằng một tinh thần “đoàn kết thật sự”.

   Như vậy, “đoàn kết thật sự” là gì? Từ năm 1948, tinh thần “đoàn kết thật sự” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến trong Thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc. Trong thư, Người đã yêu cầu cơ quan Tư pháp cần ‘tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với cơ quan khác, tránh xích mích lẫn nhau, không vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến những quyền lợi to và chung”. Đến năm 1957, tại Hội nghị tư pháp toàn quốc, tinh thần “đoàn kết thật sự” lại được nhắc đến khi Người căn dặn đội ngũ công chức tư pháp cần “nội bộ đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm gương cho nhân dân”. Người nhấn mạnh “Đoàn kết là lực lượng của chúng ta. Lúc mới kháng chiến, lực lượng ta yếu hơn địch, nhưng ta thắng lợi vì ta đoàn kết”. Vì vậy, ngành Tư pháp muốn khắc phục khó khăn thì phải “đoàn kết nhất trí thật sự’. Người giải thích, muốn “đoàn kết thật sự” thì phải “dựa trên lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình, tự phê bình”.

   2- Nhận thức về tư tưởng “Đoàn kết thật sự” đối với cán bộ, công chức ngành Tư pháp:

 Có thể nói, đoàn kết thống nhất là truyền thống và sức mạnh của Đảng và nhân dân ta, giúp Đảng và nhân dân ta giành chính quyền, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng một xã hội đồng thuận, dân tộc đoàn kết hướng tới mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Chính vì vậy, tại Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên ngay từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

   Trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp một lần nữa lại được nhìn lại, thể nghiệm và nhận thức đầy đủ hơn tư tưởng “đoàn kết thật sự” của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu đã thấm đẫm và lan toả trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngành Tư pháp. Từ lời nhắc nhở của Người, chúng ta thấy rõ hai nội dung sâu sắc nhất, triết lý nhất của tinh thần “đoàn kết thật sự”, đó chính là “tính Đảng” của đoàn kết và yêu cầu “tự phê bình, phê bình” giúp đỡ nhau sửa chữa sai lầm, cùng nhau tiến bộ với một tinh thần đồng chí trong sáng và một tấm lòng nhân ái rộng mở.

2.1. Tính Đảng - điều kiện tiên quyết của “đoàn kết thật sự”:

Đoàn kết thống nhất là một truyền thống, một nguyên tắc quan trọng nhằm tạo dựng, củng cố, phát huy sức mạnh của Đảng, giúp Đảng trở thành một khối thống nhất cả về ý chí, tư tưởng và hành động. Để thực hiện nguyên tắc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đoàn kết thống nhất trong Đảng phải dựa trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, phải dựa trên cương lĩnh, điều lệ Đảng, đường lối quan điểm của Đảng; nghị quyết của tổ chức Đảng các cấp, và phải vì lợi ích của tổ chức, của nhân dân. Như vậy, “tính Đảng” phải là điều kiện tiên quyết để nhận định một tập thể, một đơn vị có “đoàn kết thật sự” hay không.

Từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định để hoàn thành nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên cần phải thường xuyên rèn luyện tính Đảng. Theo Người, tính Đảng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, lên trước hết. Từ đó, Người khẳng định: Muốn đoàn kết, thống nhất, phải thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng, nghiêm túc phê bình và tự phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân hoặc bè phái để thống nhất ý chí và hành động.

Như vậy, nếu thiếu “tính Đảng”, không vì lợi ích của Đảng, của nhân dân, mọi sự liên kết, lôi kéo vì mục đích, động cơ của một cá nhân, hay một nhóm người đều không chân chính, không trong sáng và trở thành mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cơ hội, bè phái, kết bè kéo cánh, tham vọng quyền lực cá nhân. “Tính Đảng” ở đây đòi hỏi phải đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lên trên hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đã khẳng định Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài, là tấm hộ chiếu mở đường thăng tiến của những kẻ cơ hội, và người cán bộ cách mạng không phải là những ông quan cách mạng mà phải là những công bộc của dân.

Từ thực tiễn công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra tác hại của “đoàn kết không thật sự” từ căn bệnh “kéo bè kéo cánh”: “Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng, nó làm hại đến sự thống nhất của Đảng, nó làm Đảng bớt mất nhân tài, nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí.”

  Trong những năm gần đây, tinh thần “đoàn kết thống nhất’ còn bị lợi dụng với nhiều biến tướng với nhiều lớp vỏ nguỵ trang “tinh tế” hơn. Điển hình nhất của loại biến tướng này là “đoàn kết của người quân tử”, theo đó người quân tử phải là người biết thuật trung dung, biết hoà hiếu, không làm mất lòng người khác. Đây chính là mảnh đất dung dưỡng cho hiện tượng “đoàn kết một chiều”, “đoàn kết hình thức”, “đoàn kết thủ tiêu đấu tranh”, đoàn kết theo kiểu “dĩ hoà vi quý”, “dễ người dễ ta”, “gió chiều nào theo chiều đấy” không dám trình bày chính kiến, ngại va chạm, ngại phê bình. Có thể nói, loại đoàn kết này còn nguy hiểm hơn nhiều lần kiểu đoàn kết bè phái hay mất đoàn kết vì nó diễn ra vô hình, ngấm ngầm, làm vô hiệu quá, làm mất sức chiến đấu của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp, tính Đảng của “đoàn kết thật sự” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một ý nghĩa về nhận thức chính trị vô cùng sâu sắc, giúp mỗi cán bộ, đảng viên có một tấm lòng trong sáng, một niềm tin chân chính, vững chắc vào tổ chức, đoàn thể. Nhận thức đầy đủ về tính Đảng của “đoàn kết thật sự” còn giúp chúng ta loại bỏ những hiện tượng của đoàn kết bè phái, đoàn kết một chiều, đoàn kết hình thức và các biến tướng khác của nó. Có thể nói, “đoàn kết thật sự” chính là một biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, sức mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

2.2. Tự phê bình và phê bình - yếu tố cốt tuỷ của “đoàn kết thật sự”:

Theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, công tác tự phê bình và phê bình là biện pháp căn bản để xây dựng Đảng đoàn kết thành một khối thống nhất cả về ý chí và hành động. Xuất phát từ nền tảng lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều công sức cho công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt từ góc độ coi tự phê bình và phê bình là biện pháp cơ bản để tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tại bài nói chuyện trong buổi lễ bế mạc hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu năm 1949, Người bộc bạch: Đồng chí ta, tuy có khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là những người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết chung sướng chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết. Muốn đi tới mục đích, không phải chỉ tổ chức là đủ, phải chân thành trong tư tưởng nữa. Người khẳng định, có hai cách để thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là: thiết thực phê bình và tự phê bình. Từ trên xuống dưới, ai nấy đều phải dùng nó để ngày càng đoàn kết, tiến bộ.

Với một tinh thần nhân văn sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phê bình và tự phê bình không phải là “bới lông tìm vết”, là thiếu tôn trọng đồng chí, là công kích, hạ thấp uy tín, hạ bệ lẫn nhau, là phương tiện để chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, mà cốt lõi là giúp đỡ nhau cùng tiến bộ với một tinh thần trong sáng, thẳng thắn, trung thực, chân thành xây dựng, một tấm lòng nhân ái rộng mở của người đồng chí. Theo Người, mục đích của phê bình và tự phê bình không phải là để kỷ luật mà là để giúp cho mọi người học ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm. Người khẳng định “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau cùng tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Người cũng phê bình những căn bệnh trầm kha của một số cán bộ thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm, và thiếu nhận thức về công tác phê bình và tự phê bình. Đó là những cán bộ “ai có ưu điểm cũng không chịu học, ai có khuyết điểm cũng không dám phê bình, nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh không biện bác” và những cán bộ “khi phê bình không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”.

Có thể nói, “đoàn kết thật sự” theo lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh thần đoàn kết được xây dựng và đứng vững trên nền tảng của yêu cầu tự phê bình và phê bình của mỗi đảng viên, mỗi chi bộ. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức của ngành Tư pháp, tinh thần “đoàn kết thật sự” đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có một tinh thần trách nhiệm cao, một bản lĩnh chính trị vững vàng, một tinh thần cầu thị, tự giác tiếp thu phê bình và một tấm lòng nhân ái rộng mở với đồng chí, đồng nghiệp.

2.3. Cán bộ, công chức ngành Tư pháp với tư tưởng “đoàn kết thật sự”:

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định “Cán bộ chính là dây chuyền của bộ máy Đảng, Nhà nước và Đoàn thể nhân dân, là người đem chính sách của Đảng, Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng”. Chính vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.

Sau hơn 50 năm, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp vẫn còn mang tính thời sự, giữ nguyên giá trị và trở thành kim chỉ nam hành động cho mỗi cán bộ, đảng viên. Tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp ngày hôm nay đã được ổn định, củng cố từ Trung ương đến địa phương. Nhiều chức năng, nhiệm vụ phục vụ quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước đã được Đảng và Nhà nước tín nhiệm giao cho ngành. Đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp vẫn đang từng ngày trưởng thành và phát triển. Với một tinh thần “đoàn kết thật sự”, nhận thức được vị trí và vai trò của mình trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp sẽ tiếp tục thật sự đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh toàn ngành, góp phần tích cực trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Nguyễn Xuân Tùng

Tài liệu tham khảo:

1. Xây dựng Hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng - Nhà xuất bản Tư pháp (năm 2005).

2. Bàn về Nhà nước và Pháp luật - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (năm 2005).