Theo đó, các vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản bao gồm: Vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; về khai thác thủy sản; về quản lý tàu cá và quản lý thuyền viên tàu cá; về nuôi trồng thủy sản, sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; về thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, mua bán, nhập khẩu thủy sản…
Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa trong hoạt động thủy sản áp dụng đối với cá nhân là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức là 200.000.000 đồng.
Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại rạn san hô, thảm cỏ biển, thảm rong biển. Mức phạt tiền đối với hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển san hô được quy định như sau: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu khối lượng san hô dưới 10 kg; phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu khối lượng san hô từ 10kg đến dưới 50kg; phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu khối lượng san hô từ 50kg đến dưới 100kg; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu khối lượng san hô từ 100 kg trở lên.
Về mức phạt đối với hành vi sử dụng giấy phép khai thác thủy sản đã quá hạn vào hoạt động khai thác thủy sản (áp dụng đối với tàu cá có tổng công suất máy chính đến dưới 90 sức ngựa) như sau: Cảnh cáo đối với trường hợp giấy phép khai thác thủy sản đã quá hạn dưới 15 ngày; Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy phép khai thác thủy sản quá hạn từ 15 ngày trở lên đến dưới 30 ngày; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy phép khai thác thủy sản quá hạn từ 30 ngày trở lên đến dưới 60 ngày; đối với trường hợp sử dụng giấy phép khai thác thủy sản quá hạn từ 60 ngày trở lên được quy định cụ thể tại khoản 3, Điều 10 Nghị định này;
Nghị định còn quy định phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng có hành vi cố ý đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác. Đối với quy định về quản lý khai thác của tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam, mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không có sổ nhật ký khai thác, không ghi nhật ký khai thác, không thực hiện chế độ báo cáo khai thác hoặc không báo cáo hoạt động của tàu cá theo quy định của pháp luật Việt Nam; Không tiếp nhận và trả giám sát viên theo đúng địa điểm được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho giám sát viên Việt Nam theo tiêu chuẩn sĩ quan trên tàu cá; Không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết việc đưa tàu cá vào Việt Nam để khai thác thủy sản…
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam mà giấy phép hoạt động thủy sản hết hạn; Tàu cá nước ngoài có giấy phép hoạt động thủy sản nhưng hoạt động sai vùng cho phép; Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động khai thác thủy san trong vùng biển Việt Nam mà không có giấy phép hoạt động thủy sản…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2013, thay thế Nghị định số 31/2010/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vưc thủy sản./.
Minh Loan