Theo đó, Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Người có thẩm quyền xử phạt; Cá nhân, tổ chức khác có liên quan. Theo Nghị định, mức xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông như sau: Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng; Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; Điều khiển xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe; Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn; Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế; Điều khiển xe không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật; Điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định; Sử dụng Giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp; Điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với biển số đăng ký ghi trong Giấy đăng ký xe; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Điều khiển xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép; Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe máy chuyên dùng, Nghị định quy định như sau: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Người điều khiển xe máy chuyên dùng không đúng độ tuổi hoặc tuổi không phù hợp với ngành nghề theo quy định; Người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; Người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo Giấy đăng ký xe; Người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định). Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng không có bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định mức xử phạt nhân viên phục vụ trên xe buýt, xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không hỗ trợ, giúp đỡ hành khách đi xe là người cao tuổi, trẻ em không tự lên xuống xe được, người khuyết tật vận động hoặc khuyết tật thị giác; Không mặc đồng phục, không đeo thẻ tên của nhân viên phục vụ trên xe theo quy định. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với nhân viên phục vụ trên xe buýt thực hiện hành vi: Thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách; thu tiền vé cao hơn quy định. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với nhân viên phục vụ trên xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định thực hiện hành vi: Thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách; thu tiền vé cao hơn quy định. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sang nhượng hành khách dọc đường cho xe khác mà không được hành khách đồng ý; đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; Xuống khách để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của người có thẩm quyền. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hành hung hành khách. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, thay thế các Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nghị định số 44/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt; Nghị định số 156/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt.