Ngày 30/11/2012, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 209/2012/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước (Thông tư liên tịch số 209) thay thế Thông tư liên tịch số 81/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 25/9/2008 hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan TGPL nhà nước (Thông tư liên tịch số 81). Trong quá trình xây dựng Thông tư liên tịch số 209 Bộ Tài chính đề nghị để kịp thời áp dụng mức bồi dưỡng mới cho địa phương thì nội dung hướng dẫn về thời gian làm việc của cộng tác viên, thủ tục thanh toán, hồ sơ thanh toán nên được ban hành ở một văn bản riêng. Thông tư liên tịch số 209 đã quy định Bộ Tư pháp ban hành văn bản quy định cụ thể về thời gian làm việc của cộng tác viên để được thanh toán chế độ bồi dưỡng (thời gian tham gia tố tụng, thời gian tham gia đại diện ngoài tố tụng, thời gian tham gia tư vấn pháp luật); hồ sơ đề nghị thanh toán chế độ bồi dưỡng vụ việc trợ giúp pháp lý.
Vì vậy, việc ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc TGPL là rất cần thiết, khắc phục những điểm bất cập của Thông tư liên tịch số 81 về cách tính thời gian thực hiện vụ việc, phân định rõ hồ sơ nghiệp vụ TGPL và hồ sơ thanh toán chế độ bồi dưỡng vụ việc, kịp thời hướng dẫn các Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện chế độ chi trả chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho cộng tác viên, Trợ giúp viên pháp lý.
Để có cơ sở pháp lý xây dựng Thông tư, Cục Trợ giúp pháp lý đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá xác định những điểm hợp lý cũng như những bất cập về cách xác định thời gian, hồ sơ thanh toán và những vấn đề có liên quan đến chế độ bồi dưỡng vụ việc đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 81. Đồng thời, tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan có liên quan.
Thông tư được xây dựng theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên TGPL trong việc thanh toán chi phí thực hiện vụ việc TGPL. Đồng thời, bảo đảm việc sử dụng kinh phí phục vụ cho hoạt động TGPL được tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng nguyên tắc tài chính. Việc tính thời gian thực hiện vụ việc TGPL của cộng tác viên và Trợ giúp viên pháp lý bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý nhằm động viên, khuyến khích, huy động nguồn lực tham gia thực hiện TGPL.
Thông tư gồm 07 Điều, cụ thể như sau:
Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Để tạo điều kiện thuận lợi cộng tác viên trong việc thanh toán các chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý và hướng dẫn áp dụng thống nhất thủ tục này trong toàn quốc, Thông tư hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc TGPL, áp dụng đối với cộng tác viên TGPL, Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm TGPL và Chi nhánh của Trung tâm.
Điều 2 quy định nguyên tắc thực hiện
Thông tư quy định 04 nguyên tắc để duyệt thanh toán chi phí thực hiện vụ việc TGPL, bao gồm:
Nguyên tắc thứ nhất: Phù hợp với tính chất phức tạp của từng vụ việc theo quy định tại Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; tạo điều kiện cho Trung tâm, Chi nhánh, Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong việc thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
Nguyên tắc thứ hai: Khi duyệt thanh toán bồi dưỡng vụ việc TGPL, Giám đốc Trung tâm phải chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hợp pháp của việc phê duyệt.
Nguyên tắc thứ ba: Khi kê khai thời gian thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý người thực hiện trợ giúp pháp lý chịu trách nhiệm về tính xác thực của việc kê khai.
Nguyên tắc thứ tư: Khi xác nhận thời gian làm việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý, người xác nhận chịu trách nhiệm về tính xác thực của việc xác nhận.
Điều 3 quy định thời gian tư vấn pháp luật
Thời gian tư vấn pháp luật bằng miệng (được tính bằng giờ) bao gồm: Thời gian trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với người được TGPL hoặc thân nhân của họ; Thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ việc TGPL; thời gian chuẩn bị tài liệu phục vụ việc tư vấn pháp luật; thời gian xác minh, làm việc với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến vụ việc TGPL
Việc xác định thời gian tư vấn do người được TGPL, thân nhân của họ, có quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Trung tâm hoặc Chi nhánh xác nhận.
Đối với vụ việc tư vấn pháp luật bằng văn bản thì thanh toán tiền bồi dưỡng theo quy định về tư vấn pháp luật bằng văn bản (50.000 đồng đến 100.000 đồng/01 văn bản).
Điều 4 quy định thời gian tham gia tố tụng
Việc xác định thời gian được quy định theo hướng liệt kê toàn bộ thời gian người thực hiện TGPL sử dụng để thực hiện vụ việc TGPL, bảo đảm quyền lợi cho người thực hiện TGPL. Người có trách nhiệm xác nhận thời gian làm việc của cộng tác viên, Trợ giúp viên pháp lý gồm cán bộ Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, người trực tiếp giải quyết vụ án của cơ quan tố tụng (Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Điều tra viên, Kiểm sát viên), người được TGPL, những người có liên quan đến vụ việc, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã trực tiếp làm việc với người thực hiện TGPL xác nhận hoặc do Trung tâm, Chi nhánh xác nhận.
Điều 5 quy định thời gian tham gia đại diện ngoài tố tụng
Điều 5 Thông tư liệt kê thời gian tham gia tố tụng bao gồm toàn bộ thời gian người thực hiện TGPL tiến hành các hoạt động nghiệp vụ cụ thể để thực hiện việc đại diện như thời gian gặp gỡ người được TGPL, thời gian xác minh thu thập chứng cứ, tài liệu.v.v…. Thời gian tham gia đại diện ngoài tố tụng do người được TGPL, cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi người thực hiện TGPL đến làm việc xác nhận hoặc do Trung tâm, Chi nhánh xác nhận.
Điều 6 quy định thủ tục đề nghị thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý
Thông tư quy định sau khi hoàn thành vụ việc trợ giúp pháp lý người thực hiện trợ giúp pháp lý lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý gửi Trung tâm hoặc Chi nhánh. Mẫu các bảng kê chi phí và thời gian thực hiện được ban hành kèm theo Thông tư.
Điều 7 quy định Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 10/01/2014.