Học thuyết luật tự nhiên và một số vấn đề trong công tác đào tạo cán bộ pháp luật trong giai đoạn hiện nay

1. Sự hình thành và phát triển của học thuyết luật tự nhiên trên thế giới

Từ thời kỳ Hy Lạp cổ đại, các tư tưởng triết học đã nhấn mạnh sự tương phản giữa những quy luật bất biến và vĩnh cửu, tồn tại khách quan và độc lập với các luật lệ, quy ước, tập quán được đặt ra bởi một trật tự chính trị, xã hội hay một quốc gia. Các nhà triết học trong giai đoạn này chính là những người đầu tiên soạn thảo các vấn đề cơ bản, mấu chốt của học thuyết luật tự nhiên với những quan điểm tiến bộ như “mọi người đều bình đẳng”, “tự nhiên không sinh ra ai để làm nô lệ”, “luật pháp của nhà nước là một thứ chuyên chế nếu chúng buộc con người phải hành động trái với bản tính của mình”… Những tư tưởng về luật tự nhiên đã đã tiếp tục phát triển bởi Socrates và các học trò của ông là Plato và Aristotle. Aristotle là triết gia có khuynh hướng đặt đạo đức học phải phục vụ pháp luật, từ đó đã đặt cơ sở đạo đức học cho pháp luật. Lý thuyết về luật tự nhiên của ông cho rằng trong tự nhiên đã có sẵn những quy luật, luật lệ, đạo lý và công lý, con người tốt nhất là phải soạn thảo những luật lệ dựa trên cơ sở những luân lý, đạo lý của tự nhiên. Đến thời La mã cổ đại, Ciceron đã tiếp tục phát triển học thuyết luật tự nhiên, theo ông, luật tự nhiên phải là những chuẩn mực được dùng để đánh giá tính công lý hoặc bất công đối với luật thực định, là phương tiện để đánh giá các đạo luật do nhà nước ban hành có công bằng và đúng đắn hay không.

Trong giai đoạn phong kiến, các cuộc đấu tranh chống lại nền quân chủ chuyên chế, giới quý tộc và nhà thờ đã thúc đẩy các nhà tư tưởng tư sản tiếp tục phát triển học thuyết luật tự nhiên, sử dụng luật tự nhiên như một công cụ đấu tranh nhằm tách vấn đề nhà nước và pháp quyền ra khỏi tôn giáo, từ đó, vứt bỏ vòng hào quang thiêng liêng bao trùm lên chế độ phong kiến. Dưới ánh sáng của luật tự nhiên, nhà nước và pháp luật không còn phải do chúa sáng lập, mà do sự thoả thuận xã hội giữa mọi người phù hợp với các quy luật của lý trí con người. Chính những đòi hỏi của lý trí con người, xuất phát từ bản tính con người đã tạo nên những quy phạm của luật tự nhiên. Pháp luật thực định phải phù hợp với luật tự nhiên, tức là các đạo luật do nhà nước quy định phải phù hợp với quyền tự nhiên vốn có của con người. Có thể nói, học thuyết luật tự nhiên đã đóng vai trò tiến bộ trong việc phát triển tư tưởng chính trị giai đoạn cuối phong kiến, từ đó đã góp phần giải thoát học thuyết nhà nước và pháp luật khỏi sự bảo hộ của thần học bằng cách phê phán một cách sâu sắc chế độ phong kiến. Như C.Mác đã nhận xét học thuyết luật tự nhiên đã xem xét nhà nước bằng đôi mắt người, là vũ khí phê phán pháp luật phong kiến hiện tồn là trái với bản tính con người, đưa khoa học về nhà nước và pháp quyền ra khỏi vòng tay chặt chẽ của tôn giáo bằng cách tuyên bố chủ nghĩa phong kiến là phản tự nhiên, là phi lý, từ đó đã tạo ra nền tảng tư tưởng cho các cuộc cách mạng tư sản sau này.[1]

Vào thế kỷ 19, ảnh hưởng của luật tự nhiên đã ngày càng suy yếu do sự phát triển mạnh mẽ của thuyết thực chứng về luật pháp và những nghi ngờ về tính đúng đắn của nhận thức khoa học đối với luật tự nhiên. Bước vào thế kỷ 20, luật tự nhiên đã thực sự hồi sinh mạnh mẽ thông qua nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc tế, thường xuyên được nhắc tới như mục sư Martin Luther King đã viện dẫn luật tự nhiên khi ông tuyên bố rằng mọi luật về phân biệt chủng tộc đều không phải là luật thực sự vì chúng không phù hợp với đạo đức và luân lý của luật tự nhiên, hay các phiên toà xét xử Nuremberg đã kết án những kẻ cầm đầu Đảng Quốc xã sau Thế chiến thứ hai do đã tuân thủ những luật thực định phi lý và không công bằng.

Trong nền khoa học pháp lý hiện đại, có nhiều học thuyết, nhiều cách tiếp cận khác nhau về luật tự nhiên. Cách tiếp cận truyền thống cho rằng luật tự nhiên là một hệ thống những qui tắc “muôn đời và bất biến” có giá trị cao hơn luật thực định. Đây chính là luật lý tưởng bởi nó bao gồm những nguyên tắc cao nhất về đạo đức mà loài người hướng tới. Tuy có nhiều học thuyết luật tự nhiên khác nhau nhưng chúng đều có những điểm chung: Đó là những chuẩn mực cơ bản của đạo đức và chính trị được bắt nguồn từ bản chất của các sự vật, đặc biệt là bản chất con người và do đó chúng mang tính phổ quát, áp dụng cho tất cả mọi người vào mọi thời điểm, chúng có thể được nhận thức bởi  những phương tiện hợp lý thông thường.[2]

Căn cứ vào cách tiếp cận về nguồn gốc của luật tự nhiên, các nhà nghiên cứu chia luật tự nhiên thành ba trường phái:

- Luật tự nhiên tôn giáo (Religious natural law): Đại diện là Thomas Aquinas (1225-1274), ông cho rằng luật tự nhiên có nguồn gốc từ tôn giáo. Theo ông, có 04 loại luật: luật vĩnh cửu, luật tự nhiên, luật thiêng liêng và nhân luật (luật thực định). Luật tự nhiên chính là phương tiện cho loài người có lý tính kết nối luật vĩnh cửu và luật thực định, giúp con người có thể phân biệt điều tốt, kẻ xấu dưới ánh sáng của lẽ phải. Chính lý trí và lẽ phải đã giúp con người chuyển hoá luật tự nhiên thành luật thực định, do đó, luật thực định phải được điều chỉnh cho phù hợp với luật tự nhiên. Nếu không đáp ứng  đầy đủ qui tắc này, những quy tắc do con người ban hành sẽ không phải là luật thực sự mà chỉ là sự bóp méo của pháp luật.  

- Luật tự nhiên thế tục (Secular natural law): Đại diện là Hugo Grotius (1583-1645), người thành lập luật công pháp quốc tế trên cơ sở luật tự nhiên. Hugo Grotius cho rằng luật tự nhiên cũng có vai trò hình thành nên hệ thống pháp luật giữa các quốc gia. Theo ông, luật tự nhiên được mọi người ủng hộ do tính hợp lý của nó. Nhưng trái với Aquinas, ông cho rằng luật tự nhiên sẽ tồn tại dù Chúa có tồn tại hay không. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh vai trò bảo vệ cá nhân của luật tự nhiên. Luật tự nhiên là những nguyên tắc được hình thành từ tự nhiên bởi con người không thể làm gì phá hủy cuộc sống của họ. Theo đó, luật tự nhiên phải được xã hội áp dụng để bảo vệ cho cuộc sống con người

- Luật tự nhiên về thủ tục chặt chẽ (Procedural natural law): Đại diện là Lon Fuller (1902-1978), theo ông, luật pháp phải chứa đựng những yếu tố đạo đức nội tại, những đạo lý tiềm ản, các đạo luật phải đảm bảo sự công bằng về thủ tục mới có có đủ phẩm chất để trở thành pháp luật. Nếu một hệ thống các quy tắc vi phạm những nguyên tắc thủ tục cơ bản của công lý và công bằng thì hệ thống quy tắc đó không thể được coi là hệ thống pháp luật. Các quy tắc này bao gồm các quy định về tính minh bạch, tính không hồi tố, tính không mâu thuẫn và khả năng thực thi… Ông lên án hệ thống pháp luật vô đạo đức như các đạo luật của Đảng Quốc xã trong thế chiến thứ 2 do đã vi phạm hàng loạt các quy định về thủ tục như quy định hồi tố, tính công khai nên các quy định này không không hội đủ các yếu tố để trở thành pháp luật.

2. Yêu cầu đổi mới tư duy pháp lý và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN: Tiền đề du nhập học thuyết luật tự nhiên vào Việt Nam

Chỉ một vài năm sau khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới (1986), tiến trình dân chủ hóa đã được triển khai cả về bề rộng và chiều sâu, tính công khai, dân chủ, ý thức về pháp quyền, công lý, công bằng xã hội đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ trong toàn xã hội. Với tư tưởng chủ đạo “lấy dân làm gốc”, làm cho người dân thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xí nghiệp, hợp tác xã của mình và yêu cầu nhà nước phải quản lý toàn bộ đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật, một số quan điểm về nhà nước và pháp luật truyền thống đã được áp dụng trong nhiều thập kỷ của thời kỳ kế hoạch hoá, tập trung quan liêu bao cấp đã không còn thực sự phù hợp, từ đó đã tạo ra một “chiếc áo pháp lý” chật hẹp, gò bó, thiếu tính linh hoạt và không còn đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn đổi mới. Có thể nói, đổi mới tư duy kinh tế đã đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải khẩn trương, tích cực, quyết liệt và kiên trì đổi mới tư duy pháp lý nhằm góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Trọng tâm của đổi mới tư duy pháp lý trong thời kỳ đầu của giai đoạn đổi mới chính là yêu cầu nâng cao vai trò điều chỉnh xã hội của pháp luật, pháp luật phải là một “phương tiện hùng mạnh” để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, là công cụ đấu tranh chống tiêu cực và bảo vệ nền dân chủ XHCN. Pháp luật cần phải được quan niệm lại, theo đó, nó không chỉ thuần tuý tồn tại với ý nghĩa là một sức mạnh cưỡng chế mà còn phải là một công cụ giáo dục tích cực nhằm khắc phục những tàn dư tư tưởng, những thành kiến coi thường pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác trong cán bộ và nhân dân.[3] 

Trong bối cảnh đó, trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm xây dựng nhà nước, xây dựng pháp luật và quản lý xã hội đã có, thực hiện đổi mới tư duy pháp lý, Đảng ta đã mạnh dạn, sáng suốt lựa chọn và phát triển hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là một mô hình nhà nước được đánh giá là phương thức tổ chức quyền lực hợp lý, có điều kiện phát huy đầy đủ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng, có khả năng tạo môi trường và điều kiện cần thiết để người dân thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Quan điểm này đã được đồng chí Đỗ Mười sớm đưa ra từ năm 1989 và gợi ý các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và  phát triển.[4] Đến năm 1994, khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN lần đầu tiên được Đảng ta chính thức sử dụng tại Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII. Đến năm 2001, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã chính thức định danh “Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” tại Điều 2 Hiến pháp. Tuy nhiên, cho đến nay, những nội dung đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vẫn đang trong quá trình định hình, cần tiếp tục tìm tòi và hoàn thiện.   

Trên con đường đổi mới tư duy pháp lý, từng bước nhận thức khoa học về những nội dung đặc trưng của nhà nước pháp quyền XHCN, học thuyết luật tự nhiên đã được nghiên cứu, giới thiệu, du nhập và từng bước khẳng định vị thế của mình tại Việt Nam. Trong thực tế nghiên cứu và ứng dụng, luật tự nhiên đã được vận dụng như một học thuyết, một công cụ, một phương pháp tiếp cận để các nhà nghiên cứu khoa học tại Việt Nam từng bước làm sáng tỏ một số đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN, các lĩnh vực ứng dụng của học thuyết luật tự nhiên khá phong phú, bao gồm: Đổi mới tư duy lập pháp (Lập pháp hướng tới pháp quyền của Bùi Ngọc Sơn, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 1 năm 2005, Thế sự - Một góc nhìn của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nxb. Tri thức năm 2007, Pháp luật được “đặt ra” hay “tìm ra”? của TS. Huỳnh Văn Thới, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số ngày 31 tháng 01 năm 2010…), cải cách và đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN (Chế ước quyền lực nhà nước của PGS.TS Nguyễn Đăng Dung, Nxb. Đà Nẵng năm 2008, Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân - Lý luận và thực tiễn của GS.VS. Nguyễn Duy Quý và PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Nxb. Chính trị quốc gia năm 2010, Một số vấn đề về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của GS.TS. Trần Ngọc Đường, Nxb. Chính trị quốc gia năm 2011…), bảo vệ và đảm bảo thực thi quyền con người (Quyền con người, quyền công dân trong nhà nước pháp quyền XHCN của GS.TS. Trần Ngọc Đường, Nxb. Chính trị quốc gia năm 2011, Nhà nước pháp quyền trong việc nâng đỡ, thực thi và bảo vệ quyền con người của Ths. Nguyễn Xuân Tùng, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 4 năm 2011…), đổi mới nhận thức về pháp luật trong nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ pháp luật (Quan niệm về pháp luật: Một vài suy nghĩ của PGS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, tháng 6 năm 2006, Luật tự nhiên trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Ths.Nguyễn Xuân Tùng, Tạp chí Luật học số 3 năm 2010…). Các nghiên cứu ứng dụng này đã phần nào cho thấy trong nền khoa học pháp lý thế giới, luật thực định chỉ là một bộ phận của pháp luật, khái niệm pháp luật có nội hàm mở rộng và phong phú hơn. Tuy định nghĩa pháp luật truyền thống tại Việt Nam vẫn đúng, không sai nhưng cũng đã đến lúc cần tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung, làm sáng tỏ hơn những giá trị nhân đạo, dân chủ, công bằng và các giá trị xã hội tiến bộ khác để phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội đương đại.

Có thể nói, học thuyết luật tự nhiên là một học thuyết chứa đựng những giá trị nhân văn, nhân đạo, dân chủ, công bằng và pháp quyền sâu sắc, có ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử văn minh nhân loại nói chung và trong nền khoa học pháp lý nói riêng. Đổi mới tư duy pháp lý và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam đã tạo ra những tiền đề căn bản và quan trọng cho việc nghiên cứu, giới thiệu, du nhập và ứng dụng học thuyết luật tự nhiên tại Việt Nam. Vai trò của luật tự nhiên trong nghiên cứu và ứng dụng thời gian qua là khá đa dạng, bước đầu đã góp phần làm sáng tỏ một số nội dung đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN. Từ đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo pháp lý tại Việt Nam cũng đã có một cái nhìn thân thiện và cởi mở hơn, từng bước nhìn nhận và tiếp thu những giá trị nhân văn của học thuyết này.

3. Một số vấn đề về giảng dạy luật tự nhiên trong công tác đào tạo cán bộ pháp luật tại Việt Nam

Trong một thời gian dài, giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật - cuốn cẩm nang vào đời của các sinh viên luật theo hệ thống pháp luật XHCN tại Việt Nam - luôn giữ một cách tiếp cận truyền thống, tương đối thận trọng và khép kín đối với khái niệm về pháp luật. Dựa trên cơ sở học thuyết Mác - Lênin, các giáo trình luôn khẳng định một quan điểm chính thống: Pháp luật là một hiện tượng lịch sử, chỉ phát sinh tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp. Pháp luật XHCN là một sản phẩm của hành động có ý thức của con người, là biểu hiện tập trung của chính trị và là ý chí của giai cấp thống trị trong một xã hội. Pháp luật luôn có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời với nhà nước và là một loại hoạt động của nhà nước. Pháp luật sẽ vô nghĩa nếu không có bộ máy có đủ sức mạnh thực hiện việc cưỡng chế việc tuân thủ pháp luật. Từ đó, cách tiếp cận truyền thống đã khẳng định không có loại pháp luật nào mang tính trung lập, bản chất của pháp luật thể hiện ở tính giai cấp của nó, do đó, không có “pháp luật tự nhiên” hay pháp luật không mang tính giai cấp.[5]

Trước yêu cầu xây dựng đổi mới tư duy pháp lý, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, từng bước hội nhập với nền khoa học pháp lý trên thế giới, đồng thời cung cấp đầy đủ và rõ nét cho sinh viên các phương pháp tiếp cận trong nền khoa học pháp lý của thế giới đương đại, giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật năm 2010 của Trường Đại học Luật Hà Nội đã dành một chương (Chương IV - từ trang 53 đến trang 60) giới thiệu về nhà nước pháp quyền và một chương (Chương V - từ trang 71 đến trang 94) về Nhà nước và cá nhân. Giáo trình cũng đã dành Chương VI - Nguồn gốc, bản chất, chức năng, kiểu, hình thức pháp luật  (từ trang 95 đến trang 124) để giới thiệu quan niệm về pháp luật từ góc độ phân định luật tự nhiên và luật thực định. Theo đó, pháp luật tự nhiên là tất các các quy tắc mà con người cũng như các sự vật, hiện tượng tự nhiên phải có và tồn tại bất biến như thuộc tính con người, sự vật và hiện tượng. Đó là thứ pháp luật lý tưởng bao hàm những quy tắc, tiêu chuẩn mà nhân loại phải noi theo. Pháp luật thực định ra đời muộn hơn, là tổng thể các quy tắc hiện hữu trên thực tế được đặt ra với mục đích chi phối, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Mặc dù tiếp tục khẳng định “Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo mục tiêu, định hướng cụ thể” nhưng giáo trình cũng đã gợi mở về hướng tiếp cận nội hàm của khái niệm pháp luật theo hướng mở rộng hơn. Theo đó, pháp luật không đơn thuần chỉ là sự hiện hữu bằng hệ thống quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung mà cần được quan niệm bao gồm nhiều yếu tố khác như: các nguyên tắc pháp luật, khung pháp luật, chính sách pháp luật, các học thuyết pháp lý.

Trước yêu cầu đổi mới tư duy pháp lý và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, quan niệm truyền thống về pháp luật từ chỗ chỉ chấp nhận hệ thống quy tắc xử sự hiện hữu có tính bắt buộc chung đến việc giới thiệu, gợi mở về hệ thống luật tự nhiên như một hệ thống giá trị của nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, học thuyết luật tự nhiên là một nội dung mới được chính thức giới thiệu và đưa vào giảng dạy trong các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu, giới thiệu và giảng dạy luật tự nhiên đối với sinh viên luật, các cơ sở đào tạo luật cần lưu ý một số nội dung sau:

1. Học thuyết luật tự nhiên là một học thuyết có ảnh hưởng sâu sắc trong lịch sử phát triển của nền khoa học pháp lý trên thế giới với những giá trị nhân văn phản ánh khát vọng của loài người về tự do, nhân phẩm, pháp quyền, công bằng, công lý và các quyền con người. Ngày nay, luật tự nhiên vẫn có những ảnh hưởng hết sức sâu rộng tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có hệ thống luật án lệ. Tại các quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển, luật tự nhiên là một trong những nội dung của môn Triết học pháp luật (Philosophy of law) hoặc môn học các lý thuyết về pháp luật trong chương trình đào tạo cử nhân luật, thạc sỹ luật. Tại Việt Nam, luật tự nhiên bước đầu đã khẳng định được vai trò của mình trong đổi mới tư duy lập pháp, pháp huy dân chủ, bảo vệ và thực thi các quyền con người. Trước yêu cầu đổi mới tư duy pháp lý và đẩy mạnh nhà nước pháp quyền XHCN, việc giới thiệu và du nhập học thuyết luật tự nhiên tại Việt Nam là hoàn toàn phù hợp, giúp sinh viên có thêm phương tiện, công cụ tiếp cận trong nghiên cứu khoa học pháp lý. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã khẳng định quan điểm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam là phải “xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; kết hợp hài hoà bản sắc văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tính hiện đại của hệ thống pháp luật”.

2. Ở Việt Nam, luật tự nhiên được hiểu là khái niệm tư tưởng chính trị và pháp quyền về một hệ thống pháp luật lí tưởng, dường như xuất phát từ bản tính con người, lấy lí trí con người làm nền tảng, không phụ thuộc vào nhà nước và các điều kiện xã hội.[6] Tuy nhiên, trong nền khoa học pháp lý hiện đại, có nhiều học thuyết, nhiều cách tiếp cận khác nhau về luật tự nhiên. Cần phải nhấn mạnh rằng các học thuyết về luật tự nhiên là nhiều, rất đa dạng và phong phú chứ không phải đơn lẻ duy nhất và hoàn toàn thống nhất. Các học thuyết đạo đức của Plato và Aristotle, học thuyết của các nhà triết học khắc kỷ, hay học thuyết của Thomas, Hobbes và Locke, Grotius và Pufendorf, Kant và Hegel đều mang đầy đủ các yếu tố của học thuyết luật tự nhiên.

Bên cạnh đó, cũng cần khẳng định rằng luật tự nhiên không phải là một loại “luật” thực sự. Nhiều quan điểm cho rằng luật tự nhiên chưa từng là một học thuyết pháp lý mà thực chất là một học thuyết đạo đức, luân lý, hoặc có lẽ có nhiệm vụ làm cầu nối giữa đạo đức và chính trị bằng cách đặt chính trị dưới sự kiểm soát chặt chẽ của những luân lý đạo đức hoặc ngược lại. “Tự nhiên” trong cụm từ luật tự nhiên được hiểu là phù hợp với lý trí, là lẽ phải, thuộc về lẽ phải. Luật tự nhiên, được hiểu là có những nguyên tắc đạo đức bất biến, chung cho hết thảy loài người, vì đức hạnh là cái thuộc về bản tính tự nhiên của con người. Luật tự nhiên chính là quy tắc hạnh kiểm được xem là đặt cơ sở trên sự hợp lý vốn cố hữu trong mọi sự.[7]

Trong quan hệ với luật thực định, luật tự nhiên được xác định là luật cao hơn so với luật thực định, mọi luật thực định trái với luật tự nhiên là vô hiệu. Tuy nhiên, cần hiểu rõ “cao hơn” và “vô hiệu” ở đây không có nghĩa thông thường theo nghĩa hiến định mà có nghĩa là luật tự nhiên bao gồm những chuẩn mực, đạo lý, luân lý được dùng để đánh giá luật thực định.

Luật tự nhiên (natural law) cũng cần được phân biệt với các định luật của thiên nhiên (laws of nature), định luật của thiên nhiên vốn được thành lập do bởi quan sát và xét nghiệm mối tương quan của các hiện tượng tự nhiên.

3. Trong quá trình giới thiệu, nghiên cứu, giảng dạy, các cơ sở đào tạo cũng cần làm rõ một số hạn chế lịch sử của luật tự nhiên. Đây là học thuyết này thể hiện chủ nghĩa duy tâm và tính chất siêu hình, không nhìn nhận tính lịch sử và tính giai cấp đối với các quyền của con người, không phản ánh mối liên quan của chúng với sự phát triển những điều kiện vật chất của đời sống xã hội. Những quy luật lý trí được các nhà lý luận rút ra không phải từ các điều kiện xã hội mà từ những quy luật “muôn đời và bất biến” của tự nhiên.

Luật tự nhiên là một hệ thống giá trị liên quan đến niềm tin. Trong lịch sử, luật tự nhiên đã được sử dụng cho cả mục đích cách mạng (ví dụ chấp nhận quyền của người dân được lật đổ chế độ độc tài) và mục đích phản cách mạng (ví dụ bảo vệ chế độ nô lệ). Cũng cần tránh nguy cơ của chủ nghĩa tự nhiên với quan điểm siêu hình rằng tất cả các chân lý cơ bản đều là các chân lý của tự nhiên mà loại bỏ vai trò quyết định của nhân dân lao động. Nhà lý luận thuyết thực chứng về pháp lý Jeremy Bentham đã từng mạnh mẽ phê bình những hấp dẫn rất nguy hiểm của luật tự nhiên như những “ý kiến riêng tư trá hình” hoặc “chỉ là ý kiến của những kẻ tự chỉ định mình vào các cơ quan lập pháp”.[8]

4. Trong quá trình giới thiệu, giảng dạy, các cơ sở đào tạo luật cũng cần làm rõ tính thích ứng của luật tự nhiên trong hệ thống pháp luật XHCN. Tuy nhiên, có lẽ cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học toàn diện, sâu sắc và đầy đủ về học thuyết luật tự nhiên, giá trị của luật tự nhiên và ứng dụng của luật tự nhiên trong hệ thống pháp luật XHCN tại Việt Nam.   

Theo cách tiếp cận truyền thống, hệ thống pháp luật XHCN là hệ thống pháp luật thiên về luật thực định, khẳng định pháp luật là hiện tượng lịch sử mang tính giai cấp, được ban hành bởi nhà nước và đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Từ cách tiếp cận này, có thể nói luật tự nhiên không được coi là một loại “luật” thực thụ trong hệ thống pháp luật XHCN. Trong cuốn luật so sánh, Mary Ann Glendon đã quan sát và khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lê nin không cho rằng luật tự nhiên có giá trị cao hơn luật của con người. Không một luật nào đứng trên luật thực định. Chủ quyền tối cao ban hành luật không bị chi phối bởi bất cứ thế lực siêu nhiên nào và cũng không bị bất cứ giới hạn nào bởi luật không thực tế tồn tại.[9]

Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho rằng học thuyết Mác - Lê nin về pháp luật cũng bao hàm cách lý giải về mối quan hệ giữa luật thực định và luật tự nhiên. Luật thực định là yếu tố của kiến trúc thượng tầng được quyết định bởi các hình thái kinh tế xã hội mà nó tồn tại. Pháp luật không thể cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hoá của xã hội, pháp luật là sự biểu hiện của lợi ích và nhu cầu chung của xã hội do phương thức sản xuất nhất định sinh ra. Phương pháp luận chỉ đạo các nguyên tắc hoạt động sáng tạo pháp luật trong hệ thống pháp luật XHCN được thể hiện rõ nét nhất qua nhận xét của Mác về tầm quan trọng của “những quy luật nội tại của những mối quan hệ tinh thần” như những quy luật khách quan mà luật thực định phải phản ánh và cụ thể hoá: “Nhà lập pháp phải coi mình như là khoa học tự nhiên. Ông ta không làm ra luật, ông ta không phát minh ra chúng mà chỉ nêu chúng lên; ông ta biểu hiện những quy luật nội tại của những mối quan hệ tinh thần thành những đạo luật thành văn có ý thức. Chúng ta sẽ phải chê trách nhà làm luật là vô cùng tuỳ tiện, nếu như ông ta thay thế bản chất của sự vật bằng nhiều điều bịa đặt của mình”.[10]

Từ cách tiếp cận này, một số nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đã khẳng định vai trò của luật tự nhiên tại Việt Nam và phê bình nhận thức truyền thống coi pháp luật chỉ thuần tuý là tập hợp một cách có hệ thống những khuôn thước hành xử do cơ quan công quyền công bố. Đây là một lối tư duy khá hẹp, đánh đồng pháp luật với hoạt động làm luật, từ đó nhấn mạnh yếu tố quyền lực và coi pháp luật chỉ là phương tiện đặc hữu của nhà nước, hoạt động sáng tạo pháp luật là lĩnh vực độc quyền nhà nước, nhấn mạnh tính cưỡng chế hơn là huy động sự đồng thuận, thuyết phục, giáo dục và khơi dậy ý thức tự giác trong xã hội. Trong thực tế xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, pháp luật không chỉ đơn thuần là sản phẩm “độc quyền” của nhà nước mà trước hết là sự kết tinh thiêng liêng những giá trị cao quý trong xã hội, dựa trên nền tảng dân chủ, nhân bản và đạo lý mà không một ai bác bỏ được để trở thành lẽ phải đương nhiên như tự do, bình đẳng, công lý, công minh… Bên cạnh hệ thống quy tắc xử sự do nhà nước ban hành, còn có sự hiện hữu của pháp luật tự nhiên. Ở Việt Nam, luật tự nhiên không là gì xa lạ mà nó đã hoá thân thành những quan niệm giản dị mà sâu sắc của xã hội: bên cạnh pháp lý có đạo lý, có lương tri, cùng với phép vua có lệ làng, sức dân như sức nước.[11]

Trong cuốn “Người Việt-Phẩm chất và thói hư tật xấu”, tác giả Đinh Thế Hưng trong bài “Thiếu ý thức pháp luật” đã đi tìm lời giải cho thói xấu bất tuân pháp luật của người dân là do dân ta phải sống quá lâu trong chế độ đô hộ, phong kiến, thực dân. Pháp luật do đó được quan niệm là công cụ của kẻ thống trị, của ngoại bang trấn áp, trừng trị và phục vụ cho thiểu số người cai trị. Người dân Việt Nam không tìm thấy trong pháp luật trước đây những giá trị phản ánh lợi ích của mình nên đã hình thành nên một phản xạ là luôn đặt pháp luật ở vị trí đối lập.

“Pháp luật là của Nhà nước, Nhà nước không phải của dân. Còn người dân thì quay về cố thủ sau luỹ tre làng và bằng lòng với những lệ làng, hương ước tuy giản dị đơn sơ và có phần hoang dã nhưng lại phản ánh được ý chí của họ…”

Từ đó, tác giả nhận định:

Để người dân không còn bất tuân pháp luật, cần khẳng định đó là kiểu pháp luật gì. Tôi nghĩ rằng người Việt mình sẽ không có truyền thống bất tuân pháp luật khi họ nhận thấy cái pháp luật hiện hữu là kiểu pháp luật phù hợp với quy luật khách quan, khi nó “vang vọng tiếng dân” chứ không phải là sự áp đặt của thiểu số người trong xã hội…”[12]

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 của Đảng ta đã khẳng định yêu cầu đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và tiếp tục mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Học thuyết luật tự nhiên là học thuyết phản ánh khát vọng của loài người về tự do, nhân phẩm, pháp quyền, dân chủ, công bằng, công lý và các quyền con người. Trước yêu cầu đổi mới tư duy pháp lý, xây dựng và phát huy dân chủ XHCN, việc giới thiệu và ứng dụng những thuộc tính phù hợp của luật tự nhiên trong hệ thống pháp luật XHCN hứa hẹn những triển vọng đóng góp tích cực trong quá trình nhận thức, xây dựng và phát triển một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch theo định hướng phát triển mà Đảng ta đã đề ra.

Nguyễn Xuân Tùng - Thạc sỹ luật so sánh, Trưởng phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB


[1] Lịch sử các học thuyết chính trị trên thế giới (bản dịch của Lưu Kiếm Thanh và Phạm Hồng Thái), Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin năm 2001, tr. 242-243.

[2] John R.Carnes: Whether there is a natural law, Ethics, Vol. 77 No 2 (Jan., 1967), pp. 122-129.

[3] Diễn văn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VIII, phần nói về đổi mới tư duy pháp lý. Xem: Bộ Tư pháp: Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng - Nhà xuất bản Tư pháp, năm 2005, tr. 134.

[4] Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Mười, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại Hội nghị Tư pháp năm 1989. Xem: Bộ Tư pháp: Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng - Nhà xuất bản Tư pháp, năm 2005, tr. 154.

[5] Trường Đại Học Luật Hà Nội: Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật,  Nhà xuất bản Công an nhân dân, năm 2008, tr. 63.

[6] Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 3), Nhà xuất bản từ điển bách khoa năm 2003, tr. 421.

[7] Nguyễn Ước: Đại cương Triết học Tây phương – Nhà xuất bản tri thức năm 2009, tr. 235-240.

[8] Xem them: Raymond Wacks: Triết học luật pháp, Nhà xuất bản tri thức năm 2011, tr.29 (bản dịch của Phạm Kiều Tùng).

[9] Mary Ann Glendon, Comparative Legal Traditions (1985) 691.

[10] C.Mác và Ph.Angghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1995, t 1, tr. 232.

[11] TS. Huỳnh Văn Thới, Pháp luật được “đặt ra” hay “tìm ra”?, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số ngày 31 tháng 01 năm 2010.

[12] Nhiều tác giả: Người Việt - Phẩm chất và thói hư tật xấu, NXb. Thanh niên - Báo Tiền phong, năm 2008.