Theo báo cáo của Trung tâm LLTP quốc gia (Bộ Tư pháp), tính đến ngày 30/9, Trung tâm đã nhận được 14.775 thông tin LLTP về án tích, bao gồm 11.256 thông tin LLTP do một số Sở Tư pháp cung cấp, 331 thông tin LLTP do VKSNDTC cung cấp, 1.832 Giấy chứng nhân chấp hành xong hình phạt tù do 13 trại giam và 26 trại tạm giam cung cấp. Ngoài ra, Trung tâm còn nhận được 320 Quyết định thay đổi cải chính hộ tịch, 1.416 Giấy chứng tử của một số huyện, xã.
Tổng hợp từ các địa phương cho thấy, một số Sở Tư pháp đã chủ động thực hiện việc tiếp nhận thông tin LLTP, lập LLTP, tổ chức lưu trữ hồ sơ của những người bị kết án và cung cấp thông tin LLTP cho Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp khác. Các cơ quan Tòa án tại một số địa phương cũng chủ động cung cấp thông tin LLTP cho Sở Tư pháp theo đúng quy định của Luật LLTP. Cơ quan Công an các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp trong việc tra cứu thông tin, phục vụ việc cấp Phiếu LLTP.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc triển khai xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu LLTP đang có những tồn tại nhất định. Đáng kể nhất là việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn chậm, chưa bảo đảm đúng tiến độ, chưa giải quyết dứt điểm tình trạng Luật chờ Nghị định, Thông tư. Chẳng hạn như Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, cung cấp, trao đổi thông tin LLTP đã được soạn thảo từ lâu song đến nay chưa được ban hành. Nhiều địa phương cho rằng, đây là một lĩnh vực công việc mới, mang tính chuyên môn sâu, phức tạp mà các Bộ, ngành trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể nên địa phương rất khó triển khai.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái Nguyễn Ngọc Sơn phản ánh: “Cách đây gần 4 tháng, tôi đã tham dự một cuộc hội thảo góp ý xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, cung cấp thông tin LLTP mà đến nay vẫn chưa có là quá chậm. Văn bản cấp Trung ương chưa có, địa phương làm sao thực hiện”. Ông Sơn cho rằng, việc “đi tắt đón đầu” của địa phương có thể là chưa đúng bởi Yên Bái đã từng có văn bản bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy (trước khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) nhưng bị phản đối gay gắt, rồi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phải “vào cuộc” nên đã buộc phải dừng lại.
Tương tự, một đại biểu đến từ Tòa án Quân sự Trung ương cũng nêu, theo Luật LLTP thì Bộ Quốc phòng không có cơ quan chuyên trách phụ trách việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP. Vì vậy, hiện Bộ Quốc phòng đang “chờ” Thông tư liên tịch trên để có căn cứ pháp lý thành lập Trung tâm LLTP của Bộ Quốc phòng, đồng thời khi đó sẽ cùng với Bộ Tư pháp xây dựng cơ chế phối hợp để cung cấp thông tin LLTP.
Bên cạnh đó, các địa phương còn rất lo lắng về kinh phí để thực hiện nhiệm vụ mới này. Có địa phương đang lấy kinh phí của công tác hộ tịch để phục vụ lĩnh vực LLTP và lãnh đạo Sở chủ yếu là “động viên anh em” hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng không thể “động viên mãi được” nếu hoạt động này chỉ dựa vào phần trăm được trích lại từ khoản thu từ cấp Phiếu LLTP, nhất là đối với các tỉnh miền núi.
Riêng đối với nguồn lực con người, Quyết định số 2369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu biên chế công chức làm công tác LLTP tối thiểu là 2 người/địa phương. Song trên thực tế đều chưa được bảo đảm, đa phần các cán bộ làm công tác LLTP tại các địa phương thường kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn Lương Văn Kích chia sẻ: “Hiện HĐND đã quyết định cấp 3 biên chế cán bộ làm công tác LLTP cho Sở, đang trình lên Trung ương nhưng chúng tôi rất lo lắng vì chưa chắc Trung ương đã thông qua”. Vì vậy, ông Kích đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành trung ương nhanh chóng tháo gỡ, trước hết là khó khăn về con người.
Cẩm Vân