Xã hội dân sự trong quá trình đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam 

 

Những nghiên cứu về xã hội dân sự tại Việt Nam đã được các nhà khoa học nghiên cứu khá kỹ lưỡng, toàn diện và cụ thể trong những năm gần đây. Các công trình chuyên sâu trong lĩnh vực này cần phải kể đến bao gồm: Đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay của TS. Thang Văn Phúc, TS. Nguyễn Minh Phương (Đồng chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia (năm 2007), Xã hội dân sự - Một số vấn đề chọn lọc của Vũ Duy Phú (chủ biên), Đặng Ngọc Dinh, Trần Chí Đức, Nguyễn Vi Khải, Nxb. Tri thức (năm 2008), Xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam của GS.TS. Dương Xuân Ngọc, Nxb. Chính trị - Hành chính (năm 2009), Đổi mới quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở Việt Nam của GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, PGS.TS. Bùi Đình Bôn (Đồng chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia (năm 2008), Phản biện xã hội và phát huy dân chủ pháp quyền (Sách tham khảo) của TS. Hồ Bá Thâm - CN. Nguyễn Tôn Thị Tường Vân (Đồng chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia (năm 2009), Về quá trình dân chủ hoá XHCN ở Việt Nam (Sách chuyên khảo) của PGS.TS. Lê Minh Quân, Nxb. Chính trị quốc gia (năm 2011), Đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay của PGS.TS. Lê Minh Thông, Nxb. Chính trị quốc gia (năm 2011). Trên cơ sở những luận cứ khoa học về xây dựng và phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam đã được công bố, bài viết này chỉ tập trung phân tích đặc thù của xã hội dân sự, mối quan hệ giữa pháp luật và xã hội dân sự và vai trò quản lý của Chính phủ đối với các tổ chức xã hội dân sự khi đất nước ta đang tiếp tục hoàn thiện nền dân chủ XHCN và đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

1. Nhận thức về xã hội dân sự

Xã hội dân sự (Civil society) được hiểu là một cơ chế bao gồm các loại tổ chức trung gian giữa nhà nước và cá nhân, giúp cho các cá nhân có thể cùng tham gia vào các hoạt động, hành động tập thể. Như vậy, xã hội dân sự có hai yếu tố cơ bản: Thứ nhất là vai trò cộng đồng: Đó chính là sự cố kết, liên kết bền vững về mặt đoàn thể. Thứ hai là vai trò của các cá nhân: Đó là sự bảo đảm cho tự do cá nhân. Tại tất các quốc gia trên thế giới, sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự đều phụ thuộc phần lớn vào thái độ và mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự. Có thể nói, trong khi nhà nước là địa hạt của sức mạnh cưỡng chế, của mệnh lệnh và sự tuân phục thì xã hội dân sự lại thuộc lĩnh vực của những hiệp hội tự quản, tự lực, tự nguyện, đồng thuận và cố kết bền vững. Về mặt lịch sử, “cuộc ly hôn” giữa nhà nước và xã hội dân sự khởi nguồn từ ước vọng tách bạch giữa quyền lực nhà nướcquyền lực xã hội từ kỷ nguyên Khai sáng. Từ đó cho đến nay, mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự luôn là điểm nhấn quan trọng trong nền chính trị thế giới.

Trong thực tiễn, mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự được thể hiện một cách biện chứng, qua lại. Thứ nhất, xã hội dân sự tồn tại và phát triển do sự quan ngại về nguy cơ xói mòn, suy yếu và lụi tàn của tinh thần cộng đồng (public spirit) trong một xã hội. Rõ ràng, sự cô lập, tách biệt, rời rạc của các cá nhân đơn lẻ với những suy nghĩ riêng rẽ, đơn độc sẽ là nguy cơ tiềm ẩn làm xói mòn, suy yếu sự cố kết, đoàn kết của xã hội. Vì vậy, bằng tính sinh động và sự mạnh mẽ của tinh thần cộng đồng và năng lực của các tổ chức xã hội dân sự, xã hội dân sự được nhận định là có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo những giá trị dân chủ, ngăn chặn nguy cơ độc đoán, chuyên quyền trong một xã hội. Xét về bản chất, cơ chế hoạt động của xã hội dân sự là cơ chế tương hỗ, qua lại giữa các cá nhân và chia sẻ ý thức, trách nhiệm cộng đồng cùng giúp đỡ lẫn nhau. Về mặt lý thuyết, nếu xã hội dân sự xây dựng được một hệ thống những quy định tự quản chặt chẽ, có hiệu lực và hiệu quả thì nhà nước không thể có quyền can thiệp một cách thô bạo vào cơ chế tự quản đó. Tuy nhiên, sự tương phản lại được thể hiện ở khía cạnh thứ hai, khía cạnh ủng hộ cho những quy định quản lý chặt chẽ của nhà nước. Đạo lý của khía cạnh này bắt nguồn từ quan ngại cho rằng cơ chế tự do, tự quản của xã hội dân sự sẽ tiềm ẩn dẫn đến sự tự tê liệt và xung đột. Trong thực tế, các lý do này không nói với chúng ta rằng nhà nước và xã hội dân sự là đối lập mà thực sự, chúng vừa giúp nhau phát triển, vừa nương tựa nhau, vừa chế ước lẫn nhau.

Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội dân sự phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của nhà nước đối với vai trò của xã hội dân sự trong xã hội. Những người theo trường phái tự do lập luận rằng xã hội dân sự cần phải được tự do khỏi sự can thiệp của nhà nước bởi đây là biểu hiện của những quyền cơ bản của con người như quyền tự do lập hội hay quyền tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến. Các tổ chức dân sự nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước thì rõ ràng đó là sự kiểm soát chính trị. Các tổ chức dân sự dựa dẫm vào sự kiểm soát của nhà nước thì sẽ biến tổ chức đó thành một cơ chế kiểm tra chính trị đối với xã hội. Tuy nhiên, có thể nói, một trong những giá trị của xã hội dân sự đó là sự tìm kiếm và đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm giải trình của nhà nước. Xã hội dân sự về cơ bản là địa hạt của của những tranh luận mà trong đó các phong trào xã hội có thể tận dụng, lợi dụng những tranh luận về các quyền để chống lại nhà nước. Mặc dù mục tiêu của xã hội dân sự không phải là tìm kiếm quyền lực của nhà nước nhưng những những bài học lịch sự về sự cố gắng của các tổ chức xã hội dân sự trong kiểm soát nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước đã làm cho các nhà nước luôn có thái độ cảnh giác, coi xã hội dân sự như một mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Trong thế giới hiện đại ngày nay, vẫn tồn tại hiện tượng một số lực lượng khai thác mặt đối lập chính quyền của xã hội dân sự để tạo ra những xu thế mất ổn định. Rõ ràng, nếu trong một xã hội mà Nhà nước quá mạnh thì sẽ dẫn đến một xã hội độc đoán, thiếu tính năng động sáng tạo. Ngược lại, nếu xã hội dân sự quá mạnh thì sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ. Chính vì vậy, trong các xã hội hiện đại, việc quản lý xã hội dân sự cần phải được thể chế hoá bằng pháp luật. Xã hội dân sự không thể tồn tại đâu đó ngoài pháp luật. Luật pháp của Nhà nước có hai chức năng chính là quản lý xã hội và tự chế ước. Bằng pháp luật, nhà nước có thể quyết định số lượng, hình thức của các tổ chức xã hội dân sự mà một xã hội cụ thể cần có, mức độ tự quản và những hoạt động, biện pháp của chính phủ để kiểm soát cũng như thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự. Bằng pháp luật, nhà nước không thể can thiệp một cách tuỳ tiện vào những lĩnh vực hoạt động đoàn thể mang tính chất tự nguyện, tự quản của xã hội dân sự. Pháp luật sẽ chính là trọng tài giữa nhà nước và xã hội dân sự. Trong thực tế, chính sách pháp luật có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát, quản lý, thậm chí là đàn áp, ủng hộ, hay khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự. Các nước trên thế giới thường tập trung chính sách pháp luật vào các điểm mấu chốt như Thủ tục đăng ký và địa vị pháp lý, Các vấn đề về mục đích tồn tại của tổ chức xã hội dân sự, Giải thể, quản lý, Chế độ tài chính, Huy động nguồn lực và hình thành nguồn vốn, Quản lý và trách nhiệm giải trình.

2. Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và định hướng quản lý xã hội dân sự tại Việt Nam

Kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự được xác định là ba cột trụ chính cho việc xây dựng và phát triển xã hội dân chủ tại Việt Nam. Trong lý luận về xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN được đánh giá là phương thức tổ chức quyền lực hợp lý, có điều kiện phát huy đầy đủ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng, có khả năng tạo môi trường và điều kiện cần thiết để người dân thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Nhà nước pháp quyền XHCN là phương thức tổ chức và vận hành quyền lực của nhân dân dưới hai hình thức chủ yếu là nhà nước và pháp luật theo nguyên tắc dân chủ nhằm bảo đảm các quyền và tự do của công dân. Một trong những nội dung đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN là Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN; Hiến pháp và các đạo luật có vị trí tối cao trong việc điều chỉnh các quan hệ thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc trưng nổi bật này thể hiện sự thay đổi căn bản mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật, theo đó, tuy pháp luật do nhà nước ban hành nhưng pháp luật lại có vai trò thống trị đối với chính nhà nước đã ban hành ra nó. Ngoài ra, Nhà nước pháp quyền XHCN phải giữ vai trò góp phần tạo dựng một không gian chính trị - pháp lý nhằm đảm bảo và phát huy các quyền cơ bản của con người. Nhà nước pháp quyền là Nhà nước phải phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.         

Tại Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự đã phát triển khá mạnh mẽ kể từ những năm 1990 sau khi Đảng ta thực hiện chính sách đổi đổi mới với trọng tâm là dân chủ hoá mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và xã hội hoá hoạt động cung cấp dịch vụ công. Các hành động tập thể mà các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam hướng tới bao gồm: bảo thọ, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, khuyến học, đền ơn đáp nghĩa, hiến máu nhân đạo, ngày vì người nghèo, người tốt việc tốt, thanh niên lập nghiệp, toàn dân xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc… Hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam được đánh giá là có nhiều đóng góp tích cực trong việc cố kết và động viên các thành viên trong xã hội cùng với Nhà nước thực hiện có hiệu quả một số định hướng lớn của đất nước trong một số lĩnh vực quan trọng như xoá đói giảm nghèo, xoá mù chữ, phòng chống HIV... Tuy nhiên, theo đánh giá chung, xã hội dân sự tại Việt Nam có cấu trúc rộng nhưng không sâu, người dân thường là thành viên một tổ chức nào đó của xã hội dân sự (phụ nữ, thanh niên, đoàn viên…) nhưng tính tự nguyện còn thấp. Môi trường để xã hội dân sự hoạt động đã được thúc đẩy nhưng còn chưa thực sự khích lệ, phát huy sự tham gia của xã hội dân sự. Ngoài ra, do truyền thống nhiều năm chống giặc ngoại xâm, nên tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam còn mang màu sắc đoàn thể cách mạng, được hỗ trợ một cách đặc biệt từ phía chính quyền và có xu hướng bị hành chính hoá, vì vậy tính độc lập chưa cao. Năng lực và tính khách quan trong phản biện xã hội đối với chủ trương, chính sách và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và đội ngũ công chức hành chính chưa cao. Định hướng đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi việc xây dựng và phát triển xã hội dân sự Việt Nam cần phải vượt qua những rào cản về nhận thức, có sự phân biệt rạch ròi giữa các tổ chức xã hội dân sự hiện đại với các tổ chức đoàn thể cách mạng truyền thống, loại bỏ tư duy coi các tổ chức xã hội dân sự là “cánh tay nối dài” của chính quyền, tiếp tục khắc phục tàn dư của tâm lý bao cấp, hành chính hoá còn khá nặng nề đối với các tổ chức xã hội dân sự hiện nay.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN cũng đòi hỏi phải phân biệt hệ thống chính trị với xã hội dân sự, xác lập quan hệ dân chủ giữa hệ thống chính trị và xã hội dân sự. Đời sống dân chủ trong nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi phải đa dạng hoá các hình thức tổ chức tập hợp quần chúng, đa dạng hoá các hình thức thực hành dân chủ của người dân. Các tầng lớp nhân dân không chỉ thuần tuý thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua nhà nước và các tổ chức của hệ thống chính trị mà còn có thể thực hiện các quyền dân chủ của mình thông qua các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, hội đoàn, tôn giáo, cộng đồng. Do đó, hệ thống chính trị phải đổi mới quan hệ và phương thức tác động của mình lên xã hội dân sự; tạo điều kiện để xã hội dân sự hình thành và phát triển.

3. Một vài kiến nghị

1. Cùng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xã hội dân sự được xác định là một trong những động lực chính đảm bảo sự ổn định của xã hội và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, xã hội dân sự và vai trò tham gia quản lý xã hội của các tổ chức xã hội dân sự lại chưa được coi là một môn học trong các chương trình đào tạo cử nhân tại các cơ sở đào tạo luật học tại Việt Nam. Vì vậy, để trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản về cơ chế vận hành, hoạt động và quản lý của một xã hội phát triển, môn học “luật pháp và xã hội dân sự” cần được nghiên cứu, bổ sung vào chương trình đào tạo cử nhân luật học tại các cơ sở đào tạo tại Việt Nam.

2. Trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đòi hỏi cần phải thay đổi căn bản nhận thức về các tổ chức xã hội dân sự, từng bước đổi mới quan hệ và phương thức tác động của hệ thống chính trị đối với các tổ chức xã hội dân sự, coi xã hội dân sự thực sự là bạn đồng hành, là đối tác bình đẳng trong quan hệ với Nhà nước, từng bước loại bỏ tư duy bao cấp, hành chính hoá. Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, pháp luật phải là trọng tài giữa nhà nước và xã hội dân sự, pháp luật phải tạo dựng khuôn khổ pháp lý ổn định cho các hoạt động tự quản của các tổ chức xã hội dân sự, đồng thời pháp luật cũng phải là công cụ quan trọng để biểu đạt thái độ, định hướng của nhà nước đối với nhu cầu của xã hội đối với các tổ chức xã hội dân sự. Trong bối cảnh đó, để thể hiện tính dân chủ và pháp quyền trong quản lý các tổ chức xã hội dân sự, từng bước loại bỏ tâm lý bao cấp, hành chính hoá đối với các tổ chức xã hội dân sự, Nhà nước ta cần cân nhắc nghiên cứu, giao nhiệm vụ nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về xã hội dân sự, hoạt động thực hiện đăng ký và quản lý hoạt động của các hội và đoàn thể quần chúng về Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan của Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật và theo dõi chung tình hình thi hành Hiến pháp và pháp luật trong phạm vi cả nước.

Nguyễn Xuân Tùng - Thạc sỹ luật so sánh, Trưởng phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB

Tài liệu tham khảo:

1. Một phần bài viết được trích từ bài thi tốt nghiệp môn Luật pháp và Xã hội dân sự trong Chương trình đào tạo thạc sỹ luật so sánh của tác giả tại Khoa Luật Đại học Melbourne Australia với sự giảng dạy, hướng dẫn của Giáo sư Mark Sidel Đại học Wisconsin Hoa Kỳ.

2. Vũ Duy Phú (chủ biên), Đặng Ngọc Dinh, Trần Chí Đức, Nguyễn Vi Khải: Xã hội dân sự - Một số vấn đề chọn lọc, Nxb. Tri thức, năm 2008.

3. GS.TS. Dương Xuân Ngọc: Xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam, Nxb. Chính trị - Hành chính, năm 2009.

4. GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, PGS.TS. Bùi Đình Bôn (Đồng chủ biên): Đổi mới quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2008.

5. TS. Thang Văn Phúc, TS. Nguyễn Minh Phương (Đồng chủ biên): Đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay.

6. TS. Hồ Bá Thâm - CN. Nguyễn Tôn Thị Tường Vân (Đồng chủ biên): Phản biện xã hội và phát huy dân chủ pháp quyền (Sách tham khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, 2009.

7. PGS.TS. Lê Minh Quân: Về quá trình dân chủ hoá XHCN ở Việt Nam (Sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2011.

8. PGS.TS. Lê Minh Thông: Đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2011.