1. Lý thuyết về vật quyền bảo đảm
Vật quyền bảo đảm là một khái niệm của hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa (Civil law), được dùng để chỉ quyền trực tiếp và ngay tức khắc của bên nhận bảo đảm trên một tài sản. Quan hệ vật quyền bảo đảm được xác lập trên nguyên tắc giải quyết mối quan hệ giữa hai yếu tố: (i) chủ thể của quyền (con người) và (ii) đối tượng của quyền (tài sản). Theo đó, quan hệ vật quyền bảo đảm cho phép chủ thể có quyền “áp đặt” quyền của mình lên tài sản, mà không cần đến sự đồng ý hoặc không đồng ý của chủ thể khác. Đây chính là sự khác biệt cơ bản giữa vật quyền bảo đảm nói riêng và vật quyền nói chung với quan hệ trái quyền (trong quan hệ trái quyền thì quyền của chủ thế này, đồng thời là nghĩa vụ của chủ thể khác). Với cách tiếp cận nêu trên, chúng ta nhận thấy vật quyền bảo đảm có những đặc điểm nổi bật sau đây:
Thứ nhất, về khía cạnh kỹ thuật lập pháp thì vật quyền bảo đảm phải được quy định trong văn bản Luật. Đây không chỉ là nguyên tắc đơn thuần xuất phát từ kỹ thuật lập pháp, mà “đường sau” nguyên tắc này là một triết lý đã được pháp luật nhiều nước thừa nhận, đó là: Do vật quyền bảo đảm “chống” lại các quyền của chủ thể khác, trong đó có quyền của chủ sở hữu tài sản nên để bảo vệ quyền sở hữu, hạn chế sự “tùy tiện” của các bên trong thỏa thuận áp dụng vật quyền bảo đảm thì những loại quyền nào được xác định là vật quyền bảo đảm phải được Nghị viện (Quốc hội) thông qua trong văn bản có giá trị pháp lý cao nhất (văn bản Luật). Như vậy, nếu như tự do thỏa thuận, thể hiện ý chí là nguyên tắc áp dụng trong các quan hệ trái quyền, thì vật quyền bảo đảm lại được “hạn chế” bởi các quy định của pháp luật.
Thứ hai, vật quyền bảo đảm cho phép chủ thể thực hiện quyền của mình đối với tài sản ngay cả khi tài sản đó đang thuộc sự chiếm hữu của chủ thể khác (tạm gọi là quyền theo đuổi). Như vậy, giống như các vật quyền khác, vật quyền bảo đảm cho phép người có quyền đối vật được phép thực hiện quyền của mình trên vật bất kể vật đang nằm trong tay ai. Ví dụ: Bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu người mua, người nhận tặng cho tài sản thế chấp… phải giao tài sản cho mình để xử lý thu hồi nợ. Nguyên tắc này không chỉ bảo vệ người có quyền đối vật, mà còn khuyến khích tài sản bảo đảm tham gia các giao dịch dân sự, thương mại, cũng như xác định cơ chế pháp lý ràng buộc trách nhiệm của người mua, người nhận tặng cho tài sản…
Thứ ba, vật quyền bảo đảm cho phép người có quyền thực hiện quyền của mình đối với tài sản bảo đảm trước những chủ thể khác đã xác lập vật quyền bảo đảm sau mình (tạm gọi là quyền ưu tiên). Điều này có nghĩa, trong trường hợp nhiều người có quyền đối vật cùng loại trên cùng một tài sản, thì người có quyền đối vật được xác lập trước có quyền ưu tiên so với những người có quyền đối vật được xác lập sau.
Thứ tư, vật quyền bảo đảm cho phép bên có quyền “chống lại” các chủ thể khác có liên quan đến tài sản bảo đảm (tạm gọi là quyền đối kháng). Điều này có nghĩa, khi vật quyền bảo đảm đã được công khai với bên thứ ba (thông qua cơ chế đăng ký hoặc chiếm giữ tài sản) thì quyền ưu tiên chính thức được xác lập lên tài sản, mà không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể nhận bảo đảm sau. Như vậy, khi vật quyền đã được xác lập hợp pháp thì tất cả các chủ thể, dù với tư cách nào cũng phải tôn trọng quyền năng của người có vật quyền đã được xác lập hợp pháp, phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định.
Thứ năm, pháp luật các nước thường quy định về vật quyền bảo đảm mang tính truyền thống là: cầm cố và thế chấp. Ngoài ra, pháp luật một số nước cũng có những quy định đặc thù đối với vật quyền bảo đảm, như Bộ luật Dân sự của Cộng hòa Liên bang Đức quy định về “nợ điền địa” như một loại vật quyền bảo đảm.
2. Một số hạn chế trong các quy định của pháp luật khi đối chiếu với các nguyên lý về vật quyền bảo đảm
Ở Việt Nam, khi quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự trong Bộ luật Dân sự, các nhà làm luật đã bước đầu tiếp thu những đặc điểm cơ bản của vật quyền bảo đảm, song các quy định đó lại được nhìn nhận và xây dựng trên cơ sở kết hợp với nguyên lý về trái quyền. Do vậy, một số quy định của Bộ luật Dân sự tuy đã mang “dáng dấp” của vật quyền bảo đảm (ví dụ như: thứ tự ưu tiên thanh toán, giá trị pháp lý đối với người thứ ba), song lại chưa thực sự triệt để, toàn diện. Qua nghiên cứu, so sánh với nguyên lý về vật quyền bảo đảm, chúng tôi nhận thấy, pháp luật hiện hành (đặc biệt là Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005) bộc lộ một số hạn chế chủ yếu sau đây:
2.1. Chưa triệt để thừa nhận các nguyên tắc của vật quyền bảo đảm
Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, do Bộ luật Dân sự Việt Nam tiếp cận vật quyền bảo đảm từ giác độ hợp đồng (trái vụ) nên các nguyên tắc pháp lý gắn liền vật quyền bảo đảm (ví dụ như: quyền theo đuổi hoặc quyền ưu tiên) chưa được quy định cụ thể và đầy đủ. Đánh giá khách quan thì quy định như Bộ luật Dân sự hiện hành có ưu điểm là dễ hiểu, dễ áp dụng trong đời sống, nhưng điểm hạn chế nhất là hiệu quả thực thi các quy định về bảo vệ bên cho vay có bảo đảm còn thấp, thiếu triệt để. Kết quả rà soát cho thấy, quyền của bên cho vay có bảo đảm (chủ thể có quyền trong quan hệ vật quyền) phụ thuộc nhiều vào ý chí, trách nhiệm của bên vay (chủ sở hữu tài sản). Thực tiễn giải quyết tranh chấp của Tòa án thời gian qua cho thấy, pháp luật nội dung (Bộ luật Dân sự) với các quy định về biện pháp bảo đảm mới chỉ đề cập đến những vấn đề cơ bản về quyền, nghĩa vụ của các bên được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm, còn những vấn đề có tính xuyên suốt, quan trọng về vật quyền bảo đảm vẫn chưa được quy định để làm nền tảng cho sự vận hành của chế định vật quyền bảo đảm như Bộ luật Dân sự của một số quốc gia thuộc hệ thống luật Civil law.
2.2. Chưa tạo hành lang pháp lý an toàn để khai thác tối đa giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm
Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì bên thế chấp tài sản có quyền “bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý” (khoản 4 Điều 349). Do vậy, việc chuyển dịch tài sản thế chấp phải được sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Quy định nêu trên là một giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của bên nhận thế chấp, song trên thực tế khi bên thế chấp chuyển dịch quyền sở hữu tài sản thế chấp thì bên nhận thế chấp khó có thể “truy đòi” tài sản thế chấp do pháp luật thiếu cơ chế pháp lý để thực thi hiệu quả. Trong khi đó, quy định có tính chất “điều kiện” của Bộ luật Dân sự rất dễ dẫn đến một hệ quả không mong muốn là đã hạn chế khả năng khai thác giá trị kinh tế của tài sản. Pháp luật các nước trên cơ sở tôn trọng quyền theo đuổi của chủ thể có quyền đối vật đã giải quyết triệt để vấn đề nêu trên khi quy định cho phép chủ sở hữu tài sản được quyền chuyển dịch tài sản cho người thứ ba, song trong trường hợp bên thế chấp không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo đảm thì bên nhận thế chấp vẫn được quyền tiếp cận, thu hồi và xử lý tài sản đó, trừ trường hợp giữa các bên có thỏa thuận khác.
2.3. Vướng mắc trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận cầm cố tài sản (bên nhận thế chấp tài sản) với bên nhận bảo lãnh và quan hệ giữa bên nhận bảo đảm với các chủ thể khác
Theo quy định tại khoản 2 Điều 325 Bộ luật dân sự năm 2005 thì “trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu tiên thanh toán”. Nhìn từ giác độ khoa học pháp lý thì quan hệ bảo lãnh phải được hiểu là quan hệ trái quyền và không thuộc đối tượng đăng ký như các vật quyền bảo đảm khác. Tuy nhiên, do Bộ luật dân sự Việt Nam xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa giao dịch bảo đảm bằng tài sản (ví dụ như: cầm cố, thế chấp) với bảo lãnh theo tiêu chí “đăng ký”, trong khi hợp đồng bảo lãnh không thuộc diện đăng ký nên chưa giải quyết triệt để thứ tự ưu tiên giữa bên nhận bảo lãnh với bên nhận thế chấp (nhận cầm cố).
Mặt khác, Điều 325 Bộ luật Dân sự năm 2005 mới chỉ giải quyết vấn đề thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các giao dịch bảo đảm, chưa giải quyết vấn đề xác định thứ tự ưu tiên thanh toán từ số tiền thu được do xử lý tài sản bảo đảm giữa bên nhận bảo đảm với chủ thể khác có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản bảo đảm, (ví dụ: người được thi hành án, Nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp nợ thuế) hay với các quyền ưu tiên khác liên quan đến tài sản bảo đảm (ví dụ: quyền của người lao động trong doanh nghiệp; quyền của người cho vay tiền mua tài sản…). Đồng thời, Điều 325 Bộ luật dân sự năm 2005 mới chỉ đề cập đến thuật ngữ “thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các giao dịch bảo đảm”. Theo chúng tôi, thuật ngữ nêu trên chưa phù hợp, vì nội hàm của khái niệm “thứ tự ưu tiên thanh toán” thường chỉ nhằm xác định giữa các bên cùng nhận bảo đảm bằng một tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm, mà chưa bao hàm đầy đủ và toàn diện như khái niệm “quyền ưu tiên” hiện đang được pháp luật nhiều nước quy định.
2.4. Vướng mắc trong các quy định về xác định thời điểm phát sinh giá trị pháp lý đối với người thứ ba của hợp đồng cầm cố tài sản và đối tượng của hợp đồng cầm cố tài sản
Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “việc cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố” (Điều 328), nhưng hợp đồng cầm cố nếu chưa đăng ký thì chưa phát sinh giá trị pháp lý đối với người thứ ba. Vấn đề đặt ra là khi đã “chuyển giao” vật thì có cần thiết phải “đăng ký” để phát sinh giá trị pháp lý đối với người thứ ba không? Về nguyên lý, nếu “đăng ký” mới phát sinh giá trị pháp lý đối với người thứ ba thì việc chuyển giao với ý nghĩa, mục đích là nhằm công khai hóa thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản đối với người thứ ba sẽ phần nào bị giảm ý nghĩa pháp lý. Tuy nhiên, nếu không quy định về đăng ký cầm cố thì giải quyết thứ tự ưu tiên như thế nào trong trường hợp tài sản vừa được dùng để cầm cố, vừa được dùng để thế chấp. Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 thì tài sản được dùng để cầm cố có thể là động sản hoặc bất động sản, nhưng phải là “vật”. Điều này có nghĩa các bên không được cầm cố quyền tài sản. Tuy nhiên, tham khảo Điều 362 Bộ luật Dân sự Nhật Bản thì “quyền tài sản có thể trở thành đối tượng của cầm cố”. Quy định của Bộ luật dân sự Nhật Bản liệu có phù hợp với bản chất “chuyển giao” trong biện pháp cầm cố không? Cơ chế nào để công khai hóa thông tin với người thứ ba trong trường hợp tài sản bảo đảm là “quyền tài sản”?
2.5. Vướng mắc trong quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất
Luật Đất đai 2003 không có quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, mà vấn đề này được quy định trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Theo quy định của khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, thì: “…hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.” Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật dân sự, thời điểm đăng ký được tính là thời điểm chuyển quyền sử dụng đất (khoản 1 Điều 168, khoản 2 Điều 439 và Điều 692), còn thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xác định là thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 405). Việc Nghị định số 181/2004/NĐ-CP quy định hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực từ thời điểm đăng ký có thể được xem là trường hợp pháp luật có quy định khác quy định tại Điều 405 Bộ luật dân sự 2005. Tuy nhiên, với quy định hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực từ thời điểm đăng ký, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP đã đồng nhất thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo đảm với thời điểm có hiệu lực của vật quyền bảo đảm (thời điểm đăng ký). Điều này chưa phù hợp với lý thuyết về đăng ký vật quyền và lý thuyết về trái quyền, cũng như thực tiễn ký kết và thực hiện hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất tại Việt Nam.
2.6. Chưa đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể (bao gồm cả Nhà nước) khi giải quyết những lợi ích liên quan đến tài sản bảo đảm
Bộ luật dân sự năm 2005 đã có những quy định nhằm xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, cụ thể là căn cứ vào thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm (đối với trường hợp giao dịch bảo đảm có đăng ký) hoặc thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm (đối với trường hợp giao dịch bảo đảm không có đăng ký)[1]. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp quyền và lợi ích của bên nhận bảo đảm vẫn chưa được bảo vệ thỏa đáng, ví dụ như: tài sản bảo đảm bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có cần phải tìm hiểu thông tin hoặc đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm để công khai hóa các thông tin liên quan đến tài sản đó không? Nếu không đăng ký để công khai hóa thì người dân sẽ không có đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ cho việc thiết lập và thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản. Theo chúng tôi, tính minh bạch về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm càng rõ ràng thì càng phục vụ cho sự vận động an toàn của các giao dịch trên thị trường. Ngoài ra, “bên thứ ba” có bao gồm cả các cơ quan công quyền không? Nếu xác định “bên thứ ba” bao gồm cả các cơ quan công quyền thì thứ tự thanh toán giữa nhà nước và các tổ chức, cá nhân phải được giải quyết trên cơ sở bình đẳng về mặt lợi ích liên quan đến tài sản bảo đảm. Về vấn đề này, pháp luật một số nước trên thế giới mà chúng tôi được nghiên cứu quy định bên thứ ba được hiểu bao gồm cả Nhà nước và lợi ích của Nhà nước liên quan đến tài sản bảo đảm chỉ được bảo vệ tuyệt đối trong trường hợp tài sản bị tịch thu sung công quỹ do hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người có quyền sở hữu, chiếm hữu và sử dụng hợp pháp tài sản.
Với việc pháp luật quy định rõ ràng, chính xác và công bằng quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể (bao gồm cả Nhà nước) có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang từng bước thiết lập một xã hội dân sự.
2.7. Chưa thực sự tạo cơ chế thuận lợi cho chủ nợ (bên cho vay) có bảo đảm thực thi tốt nhất quyền năng trên thực tế
Thực tiễn cho thấy, trong trường hợp bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm trong thời gian nhanh nhất, ít tốn kém nhất nhưng vẫn phải khách quan, trung thực. Ngoài ra, cần phải có sự thay đổi về quan điểm lập pháp khi điều chỉnh hành vi của các bên ký kết hợp đồng bảo đảm, đó là: áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đối với những tranh chấp liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm; tăng cường cơ chế, biện pháp để bên nhận bảo đảm dễ dàng tiếp cận và xử lý tài sản bảo đảm hoặc chỉ cần chứng minh 02 chứng cứ là: (i) hợp đồng bảo đảm hợp pháp và (ii) bên vay không có khả năng trả nợ theo đúng cam kết, thì bên cho vay có bảo đảm hoàn toàn có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo như thoả thuận hoặc theo pháp luật quy định. Hiện nay, “có 56 nước áp dụng quy trình tố tụng giản lược này, nhờ đó thời gian để tiến hành xử lý tài sản thế chấp ở những nước này ít hơn 50% so với những nước dùng các biện pháp xét xử khác”[2].
3. Giải quyết một số vụ việc phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật
3.1. Theo phản ánh tại Công văn số 224/NHPT.PYE-KTT thì Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Phú Yên (nay là Chi nhánh Ngân hàng phát triển Phú Yên) và Chi nhánh Ngân hàng đầu tư và Phát triển Bình Định cùng cho vay và nhận thế chấp bằng tài sản là động sản của Công ty TNHH Phương Lan. Trong đó, hợp đồng bảo đảm số 04/HĐBĐTV ngày 25 tháng 4 năm 2005 giữa Công ty TNHH Phương Lan và Chi nhánh Ngân hàng phát triển Phú Yên đã được đăng ký tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản tại TP Đà Nẵng (Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tài sản thể hiện: thời điểm đăng ký là 13h56’ phút ngày 14 tháng 4 năm 2006), còn Hợp đồng bảo đảm số 02/2007/HĐ ngày 31 tháng 5 năm 2007 giữa Công ty TNHH Phương Lan và Chi nhánh Ngân hàng đầu tư và Phát triển Bình Định cũng được đăng ký tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản tại TP Đà Nẵng với thời điểm đăng ký thể hiện trên đơn yêu cầu đăng ký là 15h21’ ngày 04 tháng 6 năm 2007. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm số 05/2010/KDTM-ST ngày 9/7/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên khi xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa Chi nhánh Ngân hàng phát triển Phú Yên và Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Định cho rằng, do Chi nhánh Ngân hàng phát triển Phú Yên “không cầm, nắm giữ cơ sở pháp lý gốc của tài sản trùng lắp” nên không thể phát mãi tài sản trùng lắp giữa hai Ngân hàng để bảo đảm việc thanh toán nợ cho Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Phú Yên.
Về vấn đề này, theo quy định tại khoản 1 Điều 324 BLDS 2005 thì “Một tài sản có thể bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác pháp luật có quy định khác”. Trong trường hợp một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ và đều thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm thì thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được pháp luật quy định như sau: “Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo quy định tại Điều 325 Bộ luật dân sự” (khoản 1 Điều 6 Nghị định sô 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm) và“Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký” (khoản 1 Điều 325 BLDS 2005). Ngoài ra, khoản 1 Điều 11 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định: “Giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Thời điểm đăng ký được xác định theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm” và theo quy định tại khoản 1 Điều 350 Bộ luật Dân sự 2005 thì việc “nắm, cầm, giữ” giấy tờ về tài sản thế chấp hoàn toàn do các bên thoả thuận (giấy tờ có thế do bên thế chấp hoặc bên nhận thế chấp giữ). Như vậy, việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm phải căn cứ vào thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm (không căn cứ vào việc cầm, giữ giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu đối với tài sản bảo đảm). Do đó, nếu áp dụng các quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán trong việc giải quyết vụ việc nêu trên thì tài sản bảo đảm khi xử lý phải được ưu tiên thanh toán cho Chi nhánh Ngân hàng phát triển tỉnh Phú Yên trước khi thanh toán cho Chi nhánh Ngân hàng đầu tư và Phát triển tỉnh Bình Định.
3.2. Theo phán ảnh tại Công văn số 124/NHGL ngày 25/3/2011 của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Gia Lâm thì Công ty TNHH My Quý và Công ty cổ phần Quỳ Leather là khách hàng vay từ năm 2008. Hiện tại, những hợp đồng tín dụng mà 2 Công ty nêu trên vay của Ngân hàng đã bị quá hạn. Tuy nhiên, quá trình xử lý tài sản bảo đảm của Ngân hàng gặp phải một số khó khăn sau đây: (i) Bên thứ ba dùng tài sản của mình để thế chấp tại Ngân hàng cho 02 công ty nêu trên vay vốn đã không đồng ý để Ngân hàng được xử lý tài sản thuộc sở hữu của mình; (ii) Ông Lê Bá Quý (Giám đốc Công ty TNHH My Quý kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty cổ phần Quỳ Leather) đã bán 02 xe ô tô (Lesux và BMW) là tài sản thế chấp cho người khác, sau đó lại cầm đồ 02 xe ô tô đó tại cửa hàng cầm đồ vào tháng 12/2009.
Về vấn đề nêu trên, theo chúng tôi nếu áp dụng quy định tại Điều 355 Bộ luật Dân sự năm 2005 và khoản 1 Điều 58 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 163/2006/NĐ-CP) thì Ngân hàng có quyền lựa chọn một trong các phương thức xử lý tài sản tài sản thế chấp đã được thỏa thuận trong Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba để thu hồi nợ. Việc xử lý tài sản bảo đảm của Ngân hàng trong Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba chỉ không được thực hiện trong trường hợp Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện của bên thế chấp và quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 4 Điều 349 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì bên thế chấp không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, nếu không được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc nếu tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, việc mua bán xe ô tô giữa ông Quỳ và bà Lan Hương được thực hiện dưới hình thức viết tay, mà chưa thực hiện thủ tục sang tên trước bạ theo quy định của pháp luật và chưa có sự đồng ý của Ngân hàng. Do đó, hợp đồng mua bán 02 xe ô tô nêu trên giữa ông Quỳ và bà Lan Hương là không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật dân sự và hành chính. Đối với trường hợp cầm đồ 2 xe ô tô (Lesux và BMW) sau khi thế chấp tại ngân hàng thì việc cầm đồ được thực hiện theo các quy định tại các điều từ Điều 326 đến Điều 340 của Bộ luật Dân sự về cầm cố tài sản (Điều 341 Bộ luật Dân sự năm 2005). Áp dụng các quy định nêu trên vào vụ việc của Ngân hàng NN&PTNT Gia Lâm thì Ngân hàng được ưu tiên thanh toán trước so với bên nhận cầm đồ, vì lý do: Ngân hàng và ông Lê Bá Quỳ đã ký kết hợp đồng thế chấp và thực hiện đăng ký hợp đồng thế chấp đó tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Hà Nội từ tháng 03/2009, trong khi hợp đồng cầm đồ (giấy biên nhận cầm đồ) được ông Lê Bá Quỳ và hiệu cầm đồ ký kết vào tháng 12/2009.
4. Kiến nghị
4.1. Nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện kết cấu trong Bộ luật Dân sự khi quy định về vật quyền bảo đảm
Tham khảo kỹ thuật lập pháp của một số nước thuộc hệ thống pháp luật Civil law (ví dụ: Cộng hòa Pháp, CHLB Đức), chúng tôi cho rằng có thể nghiên cứu để kết cấu chế định về vật quyền bảo đảm trong Bộ luật Dân sự theo hướng: (i) Quy định chung về vật quyền, trong đó có vật quyền bảo đảm và (ii) Quy định cụ thể về những vấn đề đặc biệt, có tính riêng biệt của vật quyền bảo đảm, trong đó tập trung vào các vấn đề như:
- Cách thức xác lập vật quyền bảo đảm;
- Nội dung, phạm vi của vật quyền bảo đảm;
- Các nguyên lý được áp dụng đối với vật quyền bảo đảm;
- Căn cứ chấm dứt vật quyền bảo đảm.
4.2. Bộ luật Dân sự cần khẳng định rõ các nguyên tắc pháp lý phản ánh bản chất của vật quyền bảo đảm, cụ thể là:
- Quyền theo đuổi: Nghĩa là người có quyền đối vật (trong đó bao gồm cả vật quyền bảo đảm) được phép thực hiện quyền của mình trên vật, mà không phụ thuộc vào chủ thể chiếm hữu tài sản.
- Quyền ưu tiên: Nghĩa là nười có quyền đối vật được ưu tiên thực hiện quyền của mình trên vật trước tất cả những người khác. Trong trường hợp nhiều người có quyền đối vật cùng loại trên cùng một tài sản, thì người có quyền đối vật được xác lập trước có quyền ưu tiên so với những người có quyền đối vật được xác lập sau.
Để quyền theo đuổi và quyền ưu tiên được thực hiện một cách có hiệu quả thì hệ thống đăng ký tài sản phải được thiết lập để công khai hóa, cung cấp thông tin về các quyền đối với tài sản cho người thứ ba.
4.3. Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định chưa phù hợp của Bộ luật Dân sự hiện hành về các vấn đề như: tăng cường khai thác giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm; mở rộng phạm vi tài sản là đối tượng của quyền cầm cố; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và thời điểm xác lập quyền thế chấp; xác định “bên thứ ba” trong mối quan hệ với hai bên trong quan hệ vật quyền bảo đảm; tăng cường hiệu lực thực thi các quy định về xử lý tài sản bảo đảm (quyền của bên nhận bảo đảm; thủ tục xét xử các vụ án tranh chấp về tài sản bảo đảm)./.
Hồ Quang Huy