Dự thảo Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động

Theo Dự thảo Luật đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài vừa được Ban Pháp luật - Văn phòng Chính phủ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, sẽ có một số quy định đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này như: cơ chế cấp phép, ký quỹ, không cho phép liên doanh, liên kết với nước ngoài.

Đưa ra "rào cản" để hạn chế

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết một trong những vấn đề bất cập của các chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực này là chưa quy định chặt chẽ các điều kiện để doanh nghiệp được hoạt động xuất khẩu lao động, vì vậy chưa hạn chế được số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu trách nhiệm đối với NLĐ. Quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động này cũng chưa được quy định cụ thể, đặc biệt là các quy định liên quan đến các loại phí của doanh nghiệp, chi phí của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài còn cao.

Trên thực tế nhiều doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của NLĐ, liên doanh liên kết trái phép với cá nhân, cò mồi môi giới trong nước thu thêm các khoản tiền bất chính song khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, thanh tra vào cuộc thì phần lớn các doanh nghiệp này chỉ phải chịu một chế tài không mấy nghiêm khắc là: Đình chỉ hoạt động từ 3 đến 6 tháng.

Các quy định của pháp luật chưa cụ thể nên mặc dù dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (bao gồm cả tuyển dụng, đào tạo đưa ra nước ngoài làm việc) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (chỉ được hoạt động khi Luật cho phép) thế nhưng thời gian qua tại một số địa phương - đặc biệt ở tỉnh Nghệ An "mọc" lên hàng chục công ty TNHH không có giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn công khai tuyển, tư vấn lao động sau đó "bán lại" cho các doanh nghiệp có chức năng mà thậm chí vẫn được cấp đăng ký kinh doanh.

Tại Dự thảo Luật lần này quy định về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài gồm 19 điều (từ Điều 7 đến Điều 25). Theo Ban soạn thảo thì do đây là một loại hình dịch vụ nhạy cảm, có đối tượng tác động trực tiếp là NLĐ nên Dự thảo Luật quy định chặt chẽ các điều kiện để doanh nghiệp được phép hoạt động thông qua cơ chế cấp phép trong đó có điều kiện về ký quỹ. Thông tin bên lề cho biết hiện mức ký quỹ theo quy định là 500 triệu đồng, song có thể theo quy định mới của Luật thì mức tiền ký quỹ có thể lên tới khoảng 2 tỷ đồng. Với mức ký quỹ cao như vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng bất hợp lý song theo Ban soạn thảo thì mức ký quỹ cao sẽ "lọc" bớt những doanh nghiệp không có năng lực thực hiện giấy phép.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Lương Trào nhấn mạnh: "Số lượng doanh nghiệp sẽ phát triển tùy theo sự phát triển của thị trường, tuy nhiên các quy định của Luật sẽ hạn chế các doanh nghiệp hám lợi, vô trách nhiệm với NLĐ xin giấy phép để hy vọng "đánh quả". Với nguyên tắc này, các quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp khi hoạt động dịch vụ này lợi nhuận ít đi, rào cản hành chính nhiều lên và trách nhiệm của doanh nghiệp cũng rất nặng nề. Dự thảo Luật cũng không cho phép doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này được liên doanh, liên kết với nước ngoài (100% vốn trong nước).

Đây là quan điểm đúng bởi nếu như cho phép liên doanh, liên kết sẽ xuất hiện tình trạng công ty môi giới nước ngoài núp bóng công ty Việt Nam để hoạt động, nảy sinh tình trạng "cho thuê giấy phép" như đã phát sinh trong thời gian qua, đặc biệt ở thị trường Đài Loan.

Sự tham gia của tổ chức sự nghiệp của Nhà nước: Cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp?

Một điểm đặc biệt mới Dự thảo Luật đưa ra đó là quy định điều kiện để tổ chức sự nghiệp của Nhà nước đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đây là hình thức đang được làm thí điểm trong hơn một năm qua mà cụ thể là Trung tâm việc làm ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong chương trình đưa lao động đi Hàn Quốc theo Luật cấp phép mới và tới đây là đưa tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Điểm mạnh của các đơn vị này được phân tích là có thể đưa các chuyên gia có tay nghề cao đi làm việc ở nước ngoài với nguyên tắc phi lợi nhuận (chi phí của NLĐ có thể thấp hơn khi đi qua dịch vụ của các doanh nghiệp).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu như cho phép các đơn vị sự nghiệp "lấn sân" quá sâu vào hoạt động trong lĩnh vực này sẽ xảy ra cạnh tranh bất bình đẳng với doanh nghiệp. Đặc biệt có ý kiến cho rằng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội "lấn sân" các bộ, đơn vị khác với quy định tổ chức sự nghiệp khi đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải đăng ký, thực hiện chế độ báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Mặt khác. nếu như chỉ thực hiện đưa chuyên gia, lao động kỹ thuật cao đi các nước theo hiệp định nhà nước thì hợp lý còn nếu như các tổ chức này thực hiện luôn cả các hợp đồng ký trực tiếp với các công ty môi giới, chủ sử dụng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thì là bất hợp lý. Đặc biệt sẽ làm bộ máy hành chính sự nghiệp cũng như "dư lợi" trong lĩnh vực này "phình" ra.

Một ý kiến rất quan trọng từ Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho thấy Dự thảo Luật chưa đề cập đến vấn đề "hậu XKLĐ" trong khi chính vì nguyên nhân này nhiều lao động trốn ở lại nước ngoài khi hết hạn hợp đồng, ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường. Thiết nghĩ, đây là vấn đề nếu như các tổ chức sự nghiệp tham gia XKLĐ đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải lưu tâm tới đầu tiên.

Pháp luật Việt Nam