Sự phát triển của Bộ luật Dân sự Pháp và một số chế định pháp lý cơ bản trong BLDS Pháp, kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình sửa đổi BLDS năm 2005

I. Lịch sử ra đời và sự phát triển của BLDS Pháp

BLDS Pháp ra đời năm 1804 và sau đó đã có những cải cách nhất định. Trước đây, miền nam nước Pháp chịu ảnh hưởng của luật La tinh, miền bắc thì chịu ảnh hưởng của luật truyền thống. Do đó, Pháp muốn thống nhất tất cả các luật rời rạc lại thành một bộ luật thống nhất và năm 1790 Pháp đã quyết định xây dựng một bộ luật dân sự thống nhất. Từ 1790  - 1804 đã có 3 dự thảo được đưa ra. Dự thảo đầu tiên có 695 điều chia 2 phần: con người và tài sản. Dự thảo 3 có 3 phần: con người, tài sản và nghĩa vụ. Tuy nhiên, cả hai dự thảo này không được thông qua. Đến năm 1804 Hoàng đế Napoleon thành lập Ban soạn thảo gồm 4 luật gia: 2 người từ miền bắc và 2 người từ miền nam. Ủy ban này đã soạn thảo và đã thống nhất các vấn đề mà lâu nay còn nhiều tranh luận. Năm 1804 BLDS Pháp đã ra đời, gồm có 2281 điều khoản gồm: con người, tài sản, sở hữu và được thông qua vào ngày 21-3-1804. Sau năm 1804 thì một số luật như Luật thủ tục tố tụng, Luật thương mại… cũng ra đời.

Đến thời kỳ công nghiệp hoá, BLDS Pháp đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội nữa, ví dụ như phần về hợp đồng chỉ có 2 điều nói về hợp đồng lao động nhưng có nhiều điều quy định về cho thuê gia súc; hoặc là Bộ luật chủ yếu quy định về bất động sản (BĐS) mà ít nói về động sản (ĐS); phần về sở hữu (SH) chỉ có 2 điều nói về quyền SH và tự do giao kết hợp đồng (HĐ). Xã hội Pháp đã có nhiều thay đổi kể từ năm 1880 và người ta nhận thấy bộ luật không còn phù hợp nữa. Như vậy sự tiến triển trong xã hội đã dẫn đến sự thay đổi về pháp luật, ví dụ như quy định về trách nhiệm dân sự mà không cần có yếu tố lỗi nhằm để đảm bảo người bị thiệt hại vẫn được bồi thường dù không ai có lỗi. Ngoài ra, còn có sự thay đổi về vấn đề sở hữu, trong luật cũ quyền sở hữu là quyền tuyệt đối nhưng sau đó quyền này không còn tuyệt đối mà có thể bị hạn chế bởi các chế định khác như quốc hữu hóa; chủ sở hữu của nhà cho thuê cũng bị hạn chế vì luật bảo vệ người đi thuê. Điểm thứ 3 về sự tiến triển là các quy định về gia đình: các quy định về ly hôn mà trước đây đã bị bỏ đi nay được quy định lại trong luật; con ngoài giá thú có quyền tìm và nhận lại bố mẹ mình. Năm 1938 Pháp cho phép phụ nữ đã kết hôn không cần có sự bảo trợ của người chồng nữa. Giai đoạn này Thẩm phán và tòa án cũng có quyền đưa ra phán quyết của mình nhất là về các vấn đề về trách nhiệm dân sự.

Sau năm 1945 Pháp có trào lưu cải tổ BLDS và năm 1964 đã có cải tổ lớn về Luật gia đình như vấn đề bảo trợ và người có quyền quyết định trong gia đình, chế độ hôn  nhân, nhận con nuôi, quyền hạn của cha mẹ... Năm 1975 Pháp đã ban hành Luật về ly hôn. Giai đoạn này là giai đoạn tiến triển lặng lẽ và yên ả của BLDS. Từ năm 2000 đến nay Pháp đang thực hiện cải tổ BLDS về các vấn đề như bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hợp đồng; tài sản và trách nhiệm.

Nhân dịp kỷ niệm 200 năm BLDS ra đời, năm 2004 Pháp đã quyết định cải tổ Bộ luật, trong đó có cải tổ về phần trái quyền. Việc sửa đổi bộ luật đã có sự hợp tác giữa các giảng viên, thẩm phán, các nhà làm việc chuyên môn. Năm 2005 những người này đã đưa ra một Dự thảo cho Bộ Tư pháp Pháp để giúp BTP soạn thảo phần về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để trình lên Quốc hội. Luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là quyển thứ 4 của  BLDS Pháp, gồm có 2 phần: phần 1 là bảo đảm đối nhân, quy định nhiều nhất về bảo lãnh; phần 2 là bảo đảm đối vật dựa trên tài sản.

Những cải tổ lớn về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ:

Bảo đảm bằng vật chia ra 2 loại gồm bảo đảm bằng động sản (ĐS) và bảo đảm bằng bất động sản (BĐS). Sự cải tổ này cho phép đưa vào luật các án lệ mà trước đây đã đưa ra, ví dụ quyền giữ lại vật bảo đảm, thế chấp chừng nào người đi vay chưa thanh toán được. Các quy định này đầu tiên là do tòa án đưa ra sau đó được luật hóa. Sau đó có 1 điểm mới về sở hữu (SH), ví dụ việc chuyển giao quyền SH chỉ được thực hiện khi người mua đã thanh toán hoàn toàn các khoản tiền. Dù đã đi bảo đảm nhưng trong một số trường hợp người đi vay vẫn được giữ vật đó. Như vậy, thêm hình thức không cần nộp tài sản bảo đảm khi vay. Sau đó có 1 điều khoản được đưa vào Bộ luật đó là thỏa thuận về quyền SH: sau một thời gian mà bên vay không trả được thì bên nhận vật bảo đảm trở thành chủ SH của vật đó. Như vậy quyển 4 là văn bản đầu tiên thực hiện dự án hiện đại hóa BLDS.

Những cải tổ lớn về HĐ và trách nhiệm dân sự:

Pháp đã có ý định luật hóa những nguyên tắc mà lâu nay chỉ được sử dụng ở tòa án, ví dụ quy tắc soạn thảo tiền HĐ chưa được thể hiện trong luật mà chỉ trong án lệ. Ngoài ra, Luật của Châu âu cũng được tiếp thu và đưa vào BLDS Pháp. Năm 2003 Uỷ ban châu âu quyết định phát triển luật về HĐ và Chính phủ Pháp cho rằng luật về HĐ của Pháp cũng cần phải được hiện đại hóa. Một trong những điểm đầu tiên là Luật về đăng ký năm 2010. Theo cải tổ thì thời hạn đăng ký rút từ 30 năm xuống 5 năm. Thời hạn khiếu kiện là 5 năm trừ những thiệt hại về cơ thể thì có thể đến 10 năm, cho phép hai bên trong HĐ được quyết định tăng hoặc giảm thời hiệu này, tuy nhiên, không được tăng hoặc giảm nếu liên quan đến pháp luật về tiêu dùng.

Dựa vào các báo cáo của các giáo sư đưa lên, Bộ trưởng BTP sẽ đưa dự thảo ra thăm dò ý kiến trước khi quyết định và tham khảo ý kiến của những người làm chuyên môn. Sau khi tập hợp ý kiến, BTP sẽ soạn thảo những luật mới liên quan đến HĐ, cụ thể gồm các vấn đề như:

- Hợp nhất những nguyên tắc mà đã được án lệ đưa ra, ví dụ trước đây giá phải do 2 bên thỏa thuận và cố định trong cả quá trình thực hiện HĐ, nhưng nay luật sẽ quy định về những trường hợp mà vấn đề về giá có thể thay đổi ngay cả khi các bên đã giao kết hợp đồng;

- Nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ: nếu 1 bên không cung cấp đầy đủ thì bên kia có quyền khiếu kiện;

- Có thể thay đổi HĐ trong những trường hợp bất khả kháng;

- Những vi phạm về kinh tế: cho phép 1 bên hủy HĐ nếu chứng minh được bên kia lợi dụng thế mạnh để ép buộc mình;

- Có 1 khái niệm "nguyên nhân của HĐ” sẽ được bỏ đi. Trước đây, khi 1 HĐ được xây dựng phải nêu rõ lí do của HĐ là gì. Điều này gây nên nhiều tranh cãi nên cần phải bỏ.

Pháp luôn quan tâm đến quyền lợi của chủ nợ được đảm bảo như thế nào khi người đi vay không trả nợ được. Người cho vay được sử dụng công cụ gì để thu nợ, BL hiện hành chưa quy định cụ thể. Nếu 1 bên muốn hủy thì phải thông báo qua thẩm phán, điểm mới là chỉ cần gửi trực tiếp cho bên kia mà không cần qua thẩm phán.

Trách nhiệm dân sự cũng đang được cải tổ. Hiện nay Bộ luật chỉ có một số rất ít điều quy định về vấn đề này còn lại là theo án lệ. Những người học luật sẽ gặp khó khăn vì phải đọc nhiều án lệ và quyết định của tòa án. Các giảng viên cũng đang làm báo cáo để làm luật về vấn đề này. Thay vì 10 điều luật thì dự án đưa ra 70 điều mới có thể luật hóa được các án lệ mà lâu nay đã được đưa ra. Một số điểm chính là: trách nhiệm dân sự của tổ chức, cá nhân; trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho cả cộng đồng, ví dụ ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra còn có trách nhiệm của công ty mẹ với các công ty con. Các vấn đề đã nêu ra chỉ là trong báo cáo của các trường đại học chứ chưa phải của BTP. Các vấn đề về trách nhiệm đối với cộng đồng còn gặp nhiều tranh cãi, nhất là tranh cãi của các doanh nghiệp vì cần phải cân bằng quyền lợi của người bị thiệt hại và của các công ty bảo hiểm.

Những cải tổ về sở hữu (SH) và tài sản:

Các quy định về SH và tài sản là cổ nhất trong Bộ luật vì từ trước tới nay hầu như chưa sửa đổi gì. Phần SH trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với thế kỷ 21 (những cải cách về phần tài sản và sở hữu sẽ được phân tích cụ thể hơn ở phần sau). 

Tinh thần của luật cũ là chỉ chú ý đến quyền SH cá nhân, một người SH một tài sản chứ không chú ý đến việc tách một phần nhỏ ra cho một tổ chức hoặc cá nhân khác SH. Đây là vấn đề trao quyền đối với tài sản. Năm 2007 Pháp đã đưa ra quy định về vấn đề này, theo đó, một người có thể ủy thác một phần TS của mình cho người khác. Người được ủy thác phải quản lý tài sản cho người uỷ thác, sau một thời gian phải trả lại TS cho người ủy thác hoặc trao cho người thứ 3. Đây là công cụ rất hữu ích cho phần TS bảo bảm hoặc ủy thác quản lý TS.

II. Một số chế định cơ bản của BLDS Pháp

1. Trách nhiệm dân sự và trách nhiệm chứng minh lỗi, trách nhiệm bảo trợ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trách nhiệm chứng minh lỗi

Theo pháp luật Pháp thì nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh là mình bị gây thiệt hại. Thẩm phán phải thu thập chứng cứ ở tòa sơ thẩm còn tòa phá án (Court of Cassation) sẽ xem xét các chứng cứ, các tình tiết cụ thể, trách nhiệm do luật định, xem xét ý định cố tình và cả tính bất cẩn, xem xét cả những người liên đới chịu trách nhiệm, ví dụ người có trách nhiệm sửa đê nhưng không sửa gây ra thiệt hại thì cũng sẽ bị xem xét không chỉ việc không sửa đê mà cả các trách nhiệm gây ra thiệt hại. Nếu người phụ trách đê không xây dựng, bảo quản đê gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm thì đây có thể là trách nhiệm cá nhân hoặc nhà nước tuỳ thuộc vào đó là loại đê gì. Nếu người gây thiệt hại sở hữu một cái hồ mà không xây đê nên đã gây ra thiệt hại cho người khác thì đấy là trách nhiệm cá nhân, còn nếu người quản lý đê là công chức nhà nước thì đó là việc của tòa hành chính.

Trách nhiệm bảo trợ

Điều 1384 BLDS Pháp quy định trách nhiệm đối với người mà mình phải bảo trợ, ví dụ: trách nhiệm của bố mẹ với con, người chủ với người làm, giáo viên đối với học viên... Những người này chỉ được miễn trách nhiệm nếu chứng minh được việc gây ra thiệt hại là do nguyên nhân bất khả kháng. Việc chứng minh phải bao gồm các yếu tố: nguyên nhân từ bên ngoài, không lường trước được, không chống lại được. Đã có những bước tiến xa của pháp luật trong việc quy định trách nhiệm của bố mẹ đối với con. Nếu con cái là vị thành niên và sống chung với bố mẹ thì chỉ cần chứng minh được con cái đã gây ra thiệt hại thì bố mẹ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do con cái họ gây ra. Nếu con cái không sống cùng mà đã giao cho 1 tổ chức nuôi dưỡng thì tổ chức đó phải chịu trách nhiệm. Khi nhân viên gây thiệt hại thì người chủ được miễn nếu chứng minh được rằng anh ta không thực hiện đúng công việc và không được phép của chủ, không thực hiện theo đúng tính chất công việc. Khi xem xét thì xem xét cả địa điểm và thời gian gây ra thiệt hại, ví dụ người gác cổng gây ra thiệt hại cho khách hàng thì người chủ phải liên đới chịu trách nhiệm vì người gác cổng đang làm đúng công việc của mình, tại đúng địa điểm và thời gian làm việc. Khi học sinh vi phạm pháp luật tại địa điểm trường học thì cơ sở giáo dục đó cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Theo Điều 1385: con vật gây hại thì chủ phải chịu trách nhiệm, Điều 1386: tòa nhà gây thiệt hại thì chủ nhà cũng phải chịu trách nhiệm.

BLDS Pháp không quy định về trách nhiệm đối với tai nạn giao thông vì có luật riêng điều chỉnh thiệt hại bị gây ra do tai nạn giao thông. Khi có tai nạn người ta xem xét ai gây ra tai nạn và vật nào gây ra tai nạn. Khi xe ôtô gây ra tai nạn thì không chỉ chủ phải chịu mà cả cái xe đó (nhà bảo hiểm) cũng phải chịu trách nhiệm. Khi 2 xe đâm nhau và gây ra thiệt hại cho người khác thì bảo hiểm sẽ bồi thường, còn những người trên xe đó chỉ được bồi thường khi người bên kia có lỗi. Tòa phá án chỉ xem xét các vụ việc gây thiệt hại cho người thứ 3. Pháp có Quỹ bảo đảm do các công ty đóng góp để bồi thường cho người bị thiệt hại. Ví dụ như trường hợp người chủ không có lỗi vì xe bị lấy đi và người lái xe gây thiệt hại thì cơ quan bảo hiểm luôn phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu chủ xe đã mua bảo hiểm thì công ty bảo hiểm trả, nếu chưa mua thì có quỹ bảo đảm trả trước rồi sau đó chủ xe phải hoàn trả. Mục đích là người bị thiệt hại luôn được bồi thường.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trách nhiệm dân sự luôn liên quan đến những thiệt hại, điểm mấu chốt là khắc phục và bồi thường như thế nào. Pháp luật thường quy định trách nhiệm cho người gây thiệt hại hoặc trách nhiệm của công ty bảo hiểm… Các văn bản luật của Pháp đề cập rất ít đến vấn đề này, từ điều 1382-1386 BLDS và một số quy định trong các văn bản khác. Trách nhiệm dân sự tập trung vào việc xác định thiệt hại, về mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quả. Khi có thiệt hại phải xác định người bị thiệt hại và người gây thiệt hại. Nếu đó là HĐ thì dễ xác định, nếu không có HĐ thì phải xem xét các quy định về trách nhiệm ngoài HĐ.

Điểm khác nhau giữa trách nhiệm trong HĐ và ngoài HĐ là: trong HĐ đã xác định trách nhiệm của các bên còn ngoài HĐ thì khó hơn, cho nên người bị thiệt hại phải chứng minh thiệt hại của mình và nêu ra mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại của mình và nguyên nhân gây ra thiệt hại đó. Điều 1382 có nêu: bất cứ người nào gây thiệt hại cho người khác thì người đó phải chịu trách nhiệm dân sự. Điều quan trọng nhất là phải tìm ra lỗi, nhưng luật không quy định thế nào là lỗi, nên phải tìm ra thiệt hại rồi tìm ra nguyên nhân để nêu lên mối quan hệ nhân quả để quy trách nhiệm.

Phạm vi của trách nhiệm dân sự là rất rộng: giữa hàng xóm với nhau, giữa các bên đang thương thảo HĐ, giữa các doanh nghiệp với nhau… BLDS và Bộ luật hình sự đều có các quy định hạn chế trách nhiệm này như phòng vệ chính đáng hoặc có sự đồng thuận của nạn nhân hoặc nạn nhân có sự chấp nhận trước như trong một số môn thể thao như đấm bốc: người gây thương tích không phải chịu trách nhiệm dân sự. Điều 1382 nói về trách nhiệm ngoài HĐ do người gây ra thì điều 1384 nói về trách nhiệm do vật gây ra khi nó là tài sản của 1 người. Nếu vật mà mình SH gây ra thiệt hại thì người chủ SH phải bồi thường thiệt hại mặc dù anh ta không hề có lỗi.

Điều 1385 nói về trách nhiệm của người chủ của những con vật nuôi (vật nuôi được coi là vật). Điều 1386 quy định: chủ tòa nhà, công trình XD phải chịu trách nhiệm khi nó gây thiệt hại. Từ Điều 1384-1386 không bao phủ hết các trường hợp mà đã được quy định trong các luật khác như luật về giao thông, luật của EU về sản phẩm có khuyết tật. Đối với trách nhiệm của người SH thì pháp luật không nhất thiết yêu cầu người có trách nhiệm phải là chủ SH của vật đó mà có thể là người quản lý, sử dụng, điều khiển, kiểm tra, kiểm soát. Như vậy trách nhiệm dân sự là trách nhiệm tổng thể, toàn bộ trừ trường hợp bất khả kháng hoặc nạn nhân đồng thuận, chấp nhận (đã nói ở trên).

Điều 1384 Khoản 1 nêu: một người chịu trách nhiệm dân sự do vật mà mình quản lý và người mà mình bảo trợ gây nên. Những trường hợp cụ thể từ các án lệ đã mở rộng trách nhiệm được quy định tại điều 1384 ví dụ như trách nhiệm của người làm nghề y tế, của câu lạc bộ thể thao… Nghị định 1991 nêu ra: khi một người trực tiếp gây thiệt hại hoặc dùng vật gây thiệt hại thì những người ở bên trên như người chủ lao động cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Những người chủ lao động chỉ tránh được trách nhiệm khi người lao động không thực hiện công việc được giao, không cho phép làm nhưng anh ta vẫn làm hoặc thực hiện việc đó ngoài địa điểm làm việc. Sự liên đới chịu trách nhiệm xuất phát từ nguyên tắc xã hội hóa việc đền bù thiệt hại. Điều này được giải thích là người bị thiệt hại đòi bồi thường từ người chủ doanh nghiệp hoặc công ty bảo hiểm dễ hơn so với việc đòi người lao động là người đã  gây ra thiệt hại.

Luật của Pháp đề cập đến việc sữa chữa, bồi thường thiệt hại về cơ thể, tinh thần, làm cho người ta mất cơ hội... theo đó, nguyên tắc bồi thường là bồi thường toàn bộ thiệt hại và chỉ bồi thường các thiệt hại, trong khi đó, luật Anh – Mỹ quy định ngoài bồi thường thiệt hại, bên gây thiệt hại còn có thể phải chịu một khoản phạt. Pháp đang xem xét xem có nên đưa điều đó vào luật không.

2. Các quy định liên quan đến sở hữu (SH) và tài sản

Điều 544 BLDS Pháp quy định quyền SH là quyền hưởng dụng và định đoạt tài sản một cách tuyệt đối nhất, miễn là không sử dụng tài sản vào những việc pháp luật cấm. Đây là quyền quan trọng được quy định trong hiến pháp (Điều 2 và Điều 7), xác định đây là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Theo Công ước Châu âu thì tất cả thể nhân và pháp nhân đều có quyền SH và quyền này được tôn trọng. Quyền hưởng dụng là hưởng dụng lợi tức, hoa màu. Quyền định đoạt bao gồm quyền bán, cho, phá hủy… Hội đồng Hiến pháp dựa trên tuyên bố về nhân quyền đưa ra hạn chế: người SH phải sử dụng tài sản theo quy định của hiến pháp và tôn trọng cộng đồng. Tuy nhiên, quyền SH không có nghĩa là tuyệt đối.

- Quyền địa dịch gồm có các loại địa dịch do luật định:

+ Vị trí miếng đất và việc thoát nước: miếng đất thấp phía dưới phải tôn trọng quyền này của miếng đất phía trên.

+ Lối đi: một miếng đất không có lối đi ra thì có quyền tiếp cận với miếng đất để có lối đi ra đường. Vấn đề này thường có nhiều tranh chấp.

+ Tầm nhìn: nếu có bức tường chung giữa 2 nhà thì không được mở cửa sổ trừ khi có khoảng trống.

+ Trồng cây: phải có khoảng cách giữa các cây của 2 nhà.

Ngoài địa dịch do luật định còn có địa dịch do thỏa thuận (hợp đồng), địa dịch hành chính…

Quyền địa dịch chính là sự hạn chế của quyền SH. Ngoài ra còn có hạn chế khác đó là sự lạm dụng khi sử dụng TS của mình không tốt và gây hại cho người khác, ví dụ như khi xây dựng hoặc phá dỡ công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến người khác. Người chủ SH không có ý định gây phiền nhiễu cho hàng xóm nhưng cách thực hiện của anh ta gây phiền nhiễu thì vẫn phải bồi thường. Thẩm phán là người đưa ra quyết định là anh ta có gây thiệt hại không và phải ngừng việc sử dụng và phải bồi thường. Thẩm phán ở tòa sơ thẩm hoàn toàn có quyền đưa ra quyết định và tòa phá án không can thiệp điều đó. Quyết định bồi thường bao nhiêu, như thế nào là hoàn toàn công việc của tòa sơ thẩm, tòa phá án chỉ xem xét xem tòa sơ thẩm đã làm đúng thủ tục chưa. Đây là vụ việc khó vì người chủ đó không có lỗi, chỉ đánh giá xem việc sử dụng có gây phiền nhiễu không. Ví dụ như xem xét xem tiếng ồn có vượt quá mức cho phép không, điều này còn phụ thuộc vào vị trí đó là ở nông thôn hay thành phố.

- Cách thức có được quyền SH thông qua việc đăng ký mà có quyền SH (không phải thông qua HĐ):

Một người đã SH nhưng không có giấy tờ nào chứng minh thì nếu anh ta đã chiếm hữu 30 năm đối với bất động sản hoặc 10 năm đối với động sản thì có thể đăng ký. Anh ta phải có vật đó  một cách liên tục, hòa bình, không tranh chấp. Ví dụ nếu anh ta đã sử dụng, khai thác mảnh đất trong một thời gian dài thì có thể đăng ký để có được quyền SH.

Ở Pháp không có chứng cứ chứng minh SH, không có sổ địa bạ như ở Đức. Pháp có công bố về SH đất đai nhưng chỉ có tác dụng đối kháng với người thứ 3 chứ không phải là giấy chứng nhận SH có giá trị chứng minh. Theo hệ thống của Pháp thì không có giấy chứng nhận đó vì nếu muốn có thì phải chứng minh được rằng những người trước đó mà đã trao cho mình mảnh đất cũng phải có quyền SH. Một người đến sống và khai khác mảnh đất không có nghĩa vụ phải chứng minh mà chỉ cần không có ai tranh chấp, đòi lại. Việc xem xét quyền SH thường chỉ xảy ra khi có tranh chấp, thông thường là các tranh chấp về ranh giới của 2 mảnh đất. Việc này sẽ do tòa sơ thẩm giải quyết.

Khi thực hiện quyền địa dịch mà bên được quyền địa dịch gây thiệt hại cho bên kia thì anh ta phải trả một khoản tiền và tiền đó do 2 bên thỏa thuận, nếu không thống nhất được thì thẩm phán sẽ mời thẩm định viên thẩm định giá trị và thẩm phán sẽ quyết định. Việc thực hiện quyền địa dịch phải hạn chế tối thiểu quyền của bên nhường địa dịch.

- Cơ quan đăng ký và trình tự, thủ tục đăng ký đối với trường hợp chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai đối với BĐS trên 30 năm

Pháp không có giấy chứng nhận quyền SH. Khi người nào muốn đăng ký thì họ chỉ cần đến phòng công chứng để làm thủ tục, tuy nhiên, việc công chứng không có giá trị như giấy chứng nhận (sổ đỏ) của VN hay của Đức. Sau khi có đăng ký mà có người đến tranh chấp thì sẽ phát sinh một vụ việc và tòa án sẽ giải quyết.

Cải cách pháp luật về tài sản và sở hữu

Lí do tại sao cần có cải cách pháp luật về tài sản đó là kể từ khi ra đời năm 1804 BLDS Pháp chưa có cải cách lần nào. Có 2 lí do chính để cải cách bao gồm: các quy định của BLDS Pháp về tài sản từ năm 1804 đã kế thừa các quy định từ trước đó rất lâu; do sự phát triển kinh tế - xã hội cho nên các hình thức tài sản không còn như cũ mà đã thay đổi, có thêm nhiều hình thức mới. Chính vì thế mà Pháp đã lập ra Ban cải cách bao gồm các công chứng viên, luật sư, các giáo sư ở các trường ĐH… Trong vòng 1,5 năm đã làm việc rất tích cực để đi đến những văn bản cuối cùng vào năm 2009. Những điểm quan trọng của việc cải cách bao gồm:

- Ban cải cách đã viết lại toàn bộ phần liên quan đến TS. Cách thức thực hiện không phải là thêm các điều mà là viết lại cho đơn giản hơn. Thay vì 200 điều thì nay chỉ còn 150 điều. Mặc dù viết lại nhưng chỉ là làm cho nó phù hợp hơn và dựa vào những điều quen thuộc từ trước đây để áp dụng cho dễ dàng. Điểm mới là đưa vào danh sách các tài sản vô hình, nhấn mạnh các tài sản vô hình. Những TS này ngày càng phát triển và ngày càng nhiều như phát minh sáng chế, bằng sở hữu công nghiệp, chứng khoán… Không đưa vào BL tất cả các tài sản vô hình mà chỉ nêu các khái niệm còn các quy định cụ thể thì để ở các phần luật chuyên ngành. Vẫn giữ lại giá trị chung, quyền chung như quyền sử dụng, hưởng dụng…

Phần SH vẫn để lại mô hình SH trong các luật chuyên ngành. Ban cải cách đưa ra vật quyền đặc định, đó là quyền hưởng dụng đặc biệt. Số lượng vật quyền có sự hạn chế trong luật cũ nên muốn mở rộng hơn các quyền này. Một điểm mới nữa là các quy định về bằng chứng về sở hữu và lạm dụng quyền sở hữu. Trong phần chiếm hữu có điểm mới là xóa bỏ tình trạng chiếm hữu. Pháp thấy rằng có thể quy định về cách thức chiếm hữu mới có hiệu quả hơn. Điểm mới nữa là liên quan đến quyền hưởng hoa lợi, trước đây liên quan đến thừa kế nhưng nay liên quan đến cả thương mại. Điểm mới ở đây là hưởng hoa lợi trong 1 khoảng thời gian nhất định, ví dụ là 30 năm, nếu người đó chết đi thì quyền này vẫn tiếp tục. Quy định mới này thuận lợi hơn cho những người thiết lập ra các công ty. Điểm mới nữa là không phân tách quyền hưởng hoa lợi và quyền sở hữu. Hiện nay theo PL Pháp người hưởng hoa lợi không có quyền yêu cầu chủ SH sửa chữa những tài sản mà họ đang hưởng hoa lợi trên đó. Theo quy định mới người hưởng hoa lợi không cần phải đợi chủ sửa chữa, nâng cấp mà họ có thể tự làm trước rồi yêu cầu chủ thanh toán lại. Người sử dụng được tự mình bỏ chi phí để sửa chữa tài sản mà mình đang hưởng dụng, sử dụng nhưng không được làm thay đổi cơ bản, bản chất của tài sản được giao.

Lí do bổ sung quyền hưởng dụng đặc biệt đó là trên thực tế BLDS cũ có số lượng vật quyền rất hạn chế, nếu trong luật không có vật quyền trong danh sách đó thì nó không tồn tại, cần phải mở rộng ra như vật quyền hưởng dụng đặc biệt gồm có quyền săn bắn, quyền câu cá... Nó cũng đồng thời là quyền đối nhân vì phải có sự cho phép của người khác. Những vật quyền này có thể có thời hạn hoặc không có thời hạn. Dự thảo cũng xóa bỏ thủ tục rút gọn trong các vụ kiện liên quan đến tình trạng chiếm hữu bởi vì thực tế chỉ có khoảng 400 trường hợp 1 năm, đây là con số không lớn nên không cần thiết phải quy định.

Ngoài quyền SH ra thì có những loại vật quyền khác như quyền hưởng hoa lợi, quyền sử dụng để ở; địa dịch, quyền thuê đất để XD, thuê địa điểm kinh doanh, vật quyền đối với khu vực công; quyền liên quan đến TS bảo đảm (nằm trong luật). Ngoài ra còn các quyền nằm trong án lệ như quyền sử dụng một diện tích chung, ví dụ căn hộ của một người nằm sát 1 mảnh vườn thì người đó có quyền sử dụng mảnh vườn đó.

3. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, hợp đồng uỷ thác quản lý tài sản và bảo đảm bằng bất động sản

Pháp luật về giao dịch bảo đảm (GDBĐ) đã được soạn thảo từ 5 năm nay. Mục đích của Ban soạn thảo là làm sao cho phần GDBD có thể dễ tra cứu, có tính hiệu quả và cân bằng. Năm 2006 Chính phủ Pháp muốn văn bản luật phải được truy cập, tra cứu dễ dàng kể cả các khái niệm, định nghĩa. Để dễ tra cứu và dễ hiểu, Pháp quyết định dành một quyển thứ 4 cho GDBĐ. Quyển thứ 4 là luật chung về GDBĐ, trên thực tế cũng có một số vấn đề được quy định trong luật chuyên ngành như quy định về cổ phiếu, trái phiếu.

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong BLDS Pháp gồm có 2 loại: bảo đảm đối nhân và bảo đảm đối vật.

+ Bảo đảm đối nhân gồm có bảo lãnh (một người đứng ra cam kết trả nợ cho người khác), bảo lãnh độc lập hay còn gọi là bảo đảm tự chủ (tự bỏ tiền ra để bảo đảm) và thư bảo trợ hay còn gọi là thư bày tỏ ý định bảo đảm (thư của công ty mẹ đứng ra bảo đảm cho các công ty con).

+ Bảo đảm đối vật gồm có bảo đảm bằng động sản (các quyền ưu tiên đối với động sản, cầm cố động sản hữu hình, cầm cố động sản vô hình, quyền sở hữu được bảo lưu hoặc chuyển giao để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ) và bảo đảm bằng bất động sản (các quyền ưu tiên đối với bất động sản, cầm cố bất động sản, thế chấp, quyền sở hữu được chuyển giao để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hay còn gọi là hợp đồng uỷ thác quản lý tài sản).

HĐ ủy thác quản lý TS

Khi soạn thảo các quy định về HĐ uỷ thác quản lý TS, Pháp đã rất chú trọng đến tính hiệu quả và tính cân bằng của các điều luật, cụ thể đó là:

- Về tính hiệu quả: để bảo đảm tính tự chủ, không thể thay đổi thì HĐ có bảo đảm tự chủ không được tuyên vô hiệu, người được bảo đảm luôn được hưởng khoản tiền bảo đảm. Về giao dịch đối vật: trước kia người mang vật ra bảo đảm không được giữ vật đó, ngày nay điểm mới là người đó vẫn được giữ để sử dụng vật. Danh sách vật bảo đảm được mở rộng, kể cả vật được hình thành trong tương lai, ví dụ tổng các xe hơi sẽ được sản xuất trong thời gian tới. Hình thức ủy thác quản lý TS như là hình thức bảo đảm được sử dụng nhiều, có thể là ĐS hoặc BĐS, có thể là toàn bộ TS, tương ứng với chế định Trust trong hệ thống luật án lệ (common law). Ngày nay danh sách này được mở rộng, có thể bảo đảm cho cả TS hình thành trong tương lai. Từ năm 2006-009 pháp luật Pháp đã có những điểm mới là: TS không cần phải giữ, TS ủy thác được lăp lại để bảo đảm cho nghĩa vụ trong một thời hạn. Trước đây những vật bảo đảm phải được bán đấu giá nếu con nợ không trả được nợ nhưng ngày nay thẩm phán có thể tuyên luôn đó là TS thuộc về chủ nợ mà không cần phải bán đấu giá.

- Về tính cân bằng: để cân bằng quyền lợi của chủ nợ và con nợ thì chính thức tự người bảo lãnh phải viết ra "… tôi đứng ra bảo lãnh trả nợ thay cho… trong thời hạn bao lâu, số tiền... trong thời gian bao lâu…" để trình bày chính thức ý chí của mình sẽ bảo lãnh cho người khác. Điều này là để bảo vệ chủ nợ. Để bảo vệ người đi vay thì chủ nợ có trách nhiệm trả lại tiền chênh giữa tiền bán TS và tiền vay.

Bảo đảm bằng bất động sản

Đối với bảo đảm bằng bất động sản, nhìn chung, người nhận bảo đảm không có quyền sử dụng vật được mang đi bảo đảm mà chỉ có quyền thu hồi nếu người vay không trả được nợ. Người vay tiền mang vật ra để bảo đảm cho khoản vay của mình thì người cho vay có quyền ưu tiên đối với vật bảo đảm so với người khác. Một vật bảo đảm có thể bảo đảm cho nhiều khoản vay. Luật đưa ra thứ tự ưu tiên. Tùy từng trường hợp cụ thể, ví dụ ở Pháp người làm công ăn lương được ưu tiên hoặc con cái được ưu tiên trong việc lấy tiền cấp dưỡng hoặc Nhà nước được ưu tiên lấy tiền thuế. Vật bảo đảm là ĐS hoặc BĐS (thường được làm dưới hình thức thế chấp). Người cho vay thường đi đăng ký thế chấp, văn bản này phải được công chứng. Tất cả vật bảo đảm thường được nhận thế chấp thông qua văn bản công chứng. Ngày giao dịch được công nhận là ngày đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.

Vật bảo đảm phải là một vật cụ thể như miếng đất, nhà… và phải tương ứng với khoản vay. Tài sản mang đi bảo đảm phải thuộc quyền SH của người đi vay. Đối với khoản vay có kỳ hạn thì tài sản bảo đảm chỉ được giữ tối đa một năm, trong mọi trường hợp thì không quá 50 năm. Đối với khoản vay không có kỳ hạn thì thời hạn giữ TS tối đa là 10 năm, người đó có thể dùng tài sản đó để tiếp tục bảo đảm. Nếu khoản vay đã được thanh toán thì phải trả lại TS cho người vay. Nếu tịch thu tài sản thì người cho vay được ưu tiên trả trước. Nếu tịch thu thì thường được bán thông qua đấu giá.

Nếu tài sản được thế chấp theo luật định thì ngày có giá trị không phải ngày đi đăng ký mà là ngày có văn bản công chứng. Ưu tiên thanh toán thuộc về bên cho vay tiền. Nếu thế chấp là thế chấp tư pháp thì khi có quyết định bồi thường về tiền, người có quyết định đó có thể mang đi thế chấp. Một tài sản có thể bảo đảm cho nhiều khoản vay khác nhau ở các ngân hàng khác nhau vì hệ thống đăng ký là hệ thống chung cho nên ai cũng có thể truy cập, tìm hiểu thông tin về tài sản đó. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm là cơ quan của Bộ Kinh tế- tài chính. Những người thực hiện thế chấp làm giấy tờ tại văn phòng công chứng và công chứng viên là người phải làm thủ tục đăng ký.

4. Pháp luật về hợp đồng (HĐ)

Trước đây BLDS Pháp có một số điều về HĐ nhưng hiện nay nhiều loại HĐ này đã được phát triển và quy định trong một số luật riêng ví dụ như Luật lao động, Luật tiêu dùng... Pháp luật Pháp có sự phân biệt giữa HĐ dân sự và HĐ thương mại, tiêu dùng… Những HĐ về tiêu dùng là HĐ đặc biệt giữa cá nhân và những nhà chuyên môn - người cung cấp sản phẩm. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải có 2 loại HĐ: HĐ với các đối tác khác và HĐ đối với người tiêu dùng.

Để bảo vệ người tiêu dùng – người yếu thế, pháp luật quy định doanh nghiệp phải thông báo đầy đủ về sản phẩm, điều nên làm và không nên làm. Pháp luật cấm không được quy định trong HĐ là không nên lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp. Vấn đề bảo hành cũng phải được quy định cụ thể. Nhà nước kiểm tra chặt chẽ các HĐ mẫu và có một ủy ban luôn xem xét các HĐ mẫu.

Giao kết HĐ

Hợp đồng là ý chí, là mong muốn, thể hiện sự tự do bày tỏ ý chí, khi hai ý chí gặp nhau thì tạo nên mối quan hệ. Trong mối quan hệ này cả hai bên bày tỏ mong muốn giao kết HĐ. HĐ là sợi dây liên kết hai bên với nhau, một bên muốn bán, một bên muốn mua. Phải là mối liên hệ cùng lúc và tổng thể, phải thể hiện ý chí về cung hay cầu, phải được thể hiện rõ ràng, chắc chắn, không gây hiểu nhầm, phải thể hiện ý chí rõ ràng thông qua HĐ. HĐ tạo ra mối liên hệ pháp lý, xuất phát từ động từ “trói chặt”, trói hai bên vào những quyền lợi và nghĩa vụ, nên HĐ thường có tính song vụ. Đối với người thứ 3 thì không có sự gắn kết với những bên trong HĐ. HĐ tạo nên ranh giới giữa 2 giai đoạn: trước khi đặt bút ký các bên không có nghĩa vụ với nhau nhưng sau khi ký thì phát sinh trách nhiệm đối với nhau. Việc giao kết HĐ thường được chia làm các giai đoạn như:

+ Giai đoạn tiền HĐ: là giai đoạn khó, gọi là giai đoạn "màu xám". Luật không tạo điều kiện thuận lợi nhiều cho giai đoạn này nên luật sư phải dựa vào các tài liệu mà hệ thống luật án lệ thường sử dụng để xác định sự thống nhất của 2 bên. Ở giai đoạn này người ta thường chuẩn bị các tài liệu, công việc để đàm phán HĐ.

HĐ chính là văn bản tạo ra các quy định cho hai bên, nó là sự sáng tạo, tổ chức, sắp xếp công việc cho hai bên, bày tỏ ý chí của hai bên nhưng vẫn phải tính đến quyền lực của bên thứ 3 đó là ý chí của người làm luật.

Mặc dù nói rằng luật của Pháp là tự do nhưng ý chí của các bên trong HĐ không được đi ngược lại với trật tự công, ví dụ HĐ không được vi phạm luật cạnh tranh của cả Pháp và cộng đồng châu âu.

+ Giai đoạn giao kết HĐ: việc bày tỏ ý chí của các bên phải kèm theo việc muốn làm và có khả năng làm được. Ví dụ: pháp nhân (PN) ký HĐ nhưng không phải PN đó ký mà phải có người có thẩm quyền ký và người đó phải có trách nhiệm thực hiện HĐ. Khi có giao kết HĐ giữa PN công và PN tư, HĐ thường thực hiện lâu, kéo dài, phải tính đến tính giá trị của người thay mặt PN công đứng ra ký HĐ.

Tất cả HĐ phải tuân theo quy định về việc xác lập HĐ. Khi HĐ đã được giao kết thì bước tiếp theo là hai bên phải thực hiện các cam kết mà mình đã đưa ra. HĐ là văn bản tạo ra luật cho hai bên nên phải thực hiện nghiêm túc, nếu không thì là vi phạm và phải chịu chế tài xử phạt. Chế tài xử phạt trong HĐ có hai loại: khiếu kiện ra tòa án để bắt bên kia bồi thường hoặc là trong HĐ đã đề ra chế tài xử phạt khi cam kết không được thực hiện.

5. Một số vấn đề liên quan đến công chứng

Hệ thống công chứng của Pháp theo hệ thống latinh (công chứng cả hình thức và nội dung) trong khi trên thế giới vẫn tồn tại cả hệ thống công chứng theo hệ thống luật án lệ. Sự khác nhau của 2 hệ thống công chứng bắt nguồn từ sự khác nhau về văn hóa. BLDS Pháp có sự phát triển lâu đời từ thời Napoleon, đó là các chế định cho các mối quan hệ tư trong xã hội. Để BLDS có tính ổn định, lâu dài thì phải có sự thay đổi so với sự phát triển của xã hội. Hiện nay xã hội đang có nhiều thay đổi, ví dụ như các HĐ ngày càng có tính quốc tế, hình thức hợp đồng liên quan đến yếu tố điện tử… do đó cần phải có sự thay đổi. Từ 1854 đến nay Pháp cũng đã có những cải cách về pháp luật dân sự nhằm phù hợp với tình hình mới của xã hội nhưng những ý tưởng chính thì vẫn được giữ nguyên, cụ thể là:

Công chứng HĐ tiêu dùng

Có sự khác nhau giữa 2 hệ thống pháp luật về thời hạn rút bỏ HĐ đối với HĐ tiêu dùng. Ví dụ HĐ mua bán BĐS: khi người mua đã đọc thông tin chào bán thì sẽ ký một văn bản gọi là tiền HĐ và có quyền rút lại trong vòng 7 ngày. Đây là bước cải tiến nhằm bảo vệ người tiêu dùng vì họ thường là bên yếu thế. Năm 1979 Pháp có quy định về vay tiền để mua BĐS. Người vay có 11 ngày để suy nghĩ xem có vay tiền để mua BĐS hay không. Trong giai đoạn tiền HĐ người mua phải tự tay mình viết, ví dụ cam kết nếu số tiền vay ngân hàng lớn hơn số tiền mua nhà thì anh ta không được hưởng quyền của mình.

Liên quan đến mua bán BĐS: có 1 loạt các chế định liên quan đến HĐ mua bán BĐS. Ngoài ra còn xác định điều kiện của BĐS như thiết bị lắp đặt điện, gas, diện tích các phần, sự tiêu thụ điện năng… tất cả các thông tin đó đều phải cung cấp chính xác cho người mua. Để đánh giá các phần này thì phải có các nhà chuyên môn. Hiện nay Pháp có nhiều văn phòng làm việc này và có nhiều văn bản quy định về các vấn đề này.

 Như vậy, giai đoạn từ giai đoạn tiền HĐ đến HĐ chính thức là rất quan trọng vì nó cho phép người ta kiểm tra tính an toàn của BĐS xem có trong quy hoạch không, xem có đúng SH của người mua không. Trong khi công chứng viên của Pháp phải kiểm tra rất cẩn thận về các điều khoản của HĐ trước khi công chứng thì theo hệ thống common law, Công chứng viên không cần phải thực hiện các công việc này, nếu sau khi mua mà có vấn đề thì đó là việc của luật sư, tòa án.

Thời điểm chuyển giao quyền SH:

Các giao dịch về BĐS luôn có sự tham gia của công chứng viên (CCV). Khi HĐ đã được ký và đã được công chứng thì người bán không còn quyền đối với TS nữa. Từ thời điểm HĐ được ký và công chứng thì người mua có quyền SH đối với TS đó, có quyền mang đi thế chấp hoặc bán TS. HĐ bán đó không phải là giấy xác nhận quyền SH nhưng là bằng chứng rằng anh ta có quyền SH BĐS. Sau khi HĐ được ký kết thì CCV làm các thủ tục khác để người mua chính thức trở thành chủ SH.  CCV còn thay mặt nhà nước thu các loại thuế, tất cả những HĐ mua bán được lưu vào trong hộp phiếu được cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm quản lý. Sau khi kí vào HĐ mua bán CCV sẽ tiến hành nộp thuế và báo cáo thay đổi chủ SH tại cơ quan giao dịch bảo đảm. Sau đó có sự kiểm tra xem tên của người mua đã có trong hồ sơ cơ quan giao dịch bảo đảm hay chưa, sau đó mới có giấy chính thức và trao cho người mua. Hiện nay thời hạn này đươc giảm đi nhiều do hệ thống tin học đã giúp công chứng làm việc một cách nhanh chóng. Kể từ ngày 1/12/2011 để làm tất cả các thủ tục này phải mất khoảng 01 tháng.

Trách nhiệm của CCV là làm việc như công chức nhà nước (NN), được BTP bổ nhiệm, thực hiện dịch vụ công của nhà nước. CCV có trách nhiệm đề nghị bên mua ngay lập tức trả tiền cho CCV để nộp cho NN. Nếu người mua không chịu nộp hoặc vì lí do nào đó mà không thu được thì CCV phải nộp. Cách đây vài năm NN còn yêu cầu thu thuế từ người bán nếu như họ có giá trị thặng dư từ việc bán đó. Thuế đó chính là thuế lợi nhuận. Từ 10 năm nay CCV có nhiệm vụ thu cả khoản thuế thu nhập này cho NN. EU có 21 nước theo hệ thống latinh, còn 6 nước theo hệ thống common law (Anh, Đan mạch, Phần lan…).

Tính ưu việt của việc xác định quyền SH từ thời điểm HĐ công chứng so với thời điểm đăng ký đó là: CCV do Bộ trưởng BTP bổ nhiệm và hoạt động như công chức nên khi CCV đã đặt tay vào công chứng thì văn bản đó hoàn toàn có giá trị và hoàn toàn đúng. Cho nên NN thấy rằng thời điểm có hiệu lực nên là thời điểm công chứng, còn thời điểm đi đăng ký là thời điểm nhiều khi khó xác định, không rõ ràng. Việc chuyển giao quyền SH cũng đồng thời là chuyển giao trách nhiệm như trách nhiệm nộp thuế… nếu là thời điểm đi đăng ký thì không rõ là thời điểm nào để xác định việc nộp thuế.

Những VB buộc phải công chứng

Đây là những HĐ quan trọng. Nguyên tắc khi có chuyển giao TS lớn, quan trọng thì cần phải có sự làm chứng của người vô tư, công tâm cho nên cần phải có công chứng. Các HĐ như nhận con nuôi, kết hôn cũng cần phải có công chứng. Ngoài ra còn các sự kiện mang tính trang trọng đối  với một người thì phải do chính bản thân CCV chính của VP công chứng thực hiện. Những văn bản này là HĐ hôn nhân; di chúc (phải có 2 CCV xác nhận hoặc 1 CCV và 2 người làm chứng); cho tặng TS hoặc người bố chuyển giao tài sản cho con. Các VB liên quan đến địa dịch cũng luôn phải được công chứng.

Những vấn đề CCV cần phải kiểm tra trong HĐ

Công chứng viên thường phải kiểm tra những vấn đề liên quan đến nhân thân và tài sản của người ký HĐ như năng lực hành vi, nhân thân, tư cách chủ SH... (khi một người là chủ SH từ lâu rồi nhưng sau đó anh ta đã kết hôn thì vợ anh ta cũng trở thành đồng chủ SH); kiểm tra tài sản xem đất có bị quy hoạch không, tài sản đó có thuộc sở hữu của người bán không hay đã cho người khác, đã mang đi thế chấp, kiểm tra địa dịch của mảnh đất, có thể xây dựng trên mảnh đất mua hay không… Nếu có quy hoạch thì NN có quyền ưu tiên mua; kiểm tra xem khoản nợ mà chủ SH phải trả khi anh ta đã mang đi thế chấp, xem khoản tiền còn lại là bao nhiêu…

Trách nhiệm dân sự nghề nghiệp của công chứng viên

Hồi đồng công chứng (HĐCC) vùng có hội đồng kỷ luật vùng, HĐCC tỉnh có HĐ kỷ luật tỉnh và có chức năng kiểm tra chéo nhau, luôn làm việc với BTP và cơ quan công tố trong việc kiểm tra kỷ luật của CCV. Để duy trì kỷ luật mỗi VPCC bị thanh tra, kiểm tra hằng năm bởi CCV và kiểm toán viên của VPCC khác. Thông qua việc kiểm tra nếu thấy sự bất thường sẽ báo cáo HĐCC vùng. Mục đích của việc kiểm tra là kiểm tra cả về mặt pháp lý và cả về mặt kế toán, kiểm tra các con số. Kiểm tra về kế toán là quan trọng vì giao dịch liên quan đến tiền là rất lớn vì người mua phải rót tiền vào phòng công chứng để trả tiền thuế cho NN. Công việc thanh tra được tiến hành 2 lần: bất ngờ, phong tỏa tài khoản rồi thanh tra mọi giấy tờ kế toán, tài chính, kiểm tra bất kỳ 20 văn bản công chứng để kiểm tra xem có hợp pháp không. Sau đó người kiểm tra lập báo cáo gửi lên chủ tịch HĐCC vùng. Chủ tịch HĐCC vùng làm báo cáo gửi Viện trưởng Viện công tố về VP nào làm tốt, VP nào vi phạm cần kỷ luật. Việc theo dõi thường xuyên thuộc về VPCC cấp tỉnh. Khi có đơn khiếu nại HĐCC cấp vùng sẽ tiến hành kiểm tra. Hàng tháng VPCC tư phải có báo cáo tài chính lên HĐCC cấp tỉnh xem hoạt động có tốt không, có thực hiện công chứng cho khách hàng không, có đủ tiền để trả cho NN không. Nếu có CCV nào vi phạm pháp luật thì sẽ bị kỷ luật ở 2 mức: HĐCC cấp vùng và nếu có lỗi nặng hơn thì sẽ chuyển sang tòa án. Mức nhẹ nhất là cảnh cáo, mức nặng hơn là truất quyền hành nghề. Bởi vì các CCV được coi như công chức nên trong ứng xử hàng ngày cũng phải tốt, HĐCC theo dõi cả ứng xử hàng ngày, ngay cả việc liên quan đến cuộc sống cá nhân, ví dụ, lái xe khi không có bằng lái xe cũng bị kỷ luật. Như vậy mọi ứng xử hàng ngày cũng bị xem xét chứ không phải chỉ xem xét việc hành nghề của anh ta. Về trách nhiệm của CCV còn có trách nhiệm dân sự nghề nghiệp, phải mua bảo hiểm (do HĐCC tối cao mua). Nếu họ bị phạt thì họ sẽ được bảo hiểm trợ giúp, nhưng không được trả 100% mà CCV vẫn phải bỏ 1 phần tiền của mình ra trả. Chỉ bồi thường cho CCV khi họ hành nghề hợp pháp. Đối với những sai phạm của họ trong khi hành nghề hoặc hoạt động không đúng thì tiền bồi thường này là từ Quỹ tương hỗ do tất cả CCV đóng, đó là Quỹ bảo đảm. Ví dụ có CCV biển thủ tiền của khách hàng thì bảo hiểm không trả vì đó là lỗi của CCV nhưng Quỹ bảo đảm sẽ xuất tiền để trả cho khách hàng sau đó đòi CCV đó trả lại, có quyền đối với tài sản cá nhân của CCV, có quyền tịch thu tài sản bán để lấy tiền trả cho Quỹ. Với sự liên kết chặt chẽ như vậy thì chủ tịch HĐCC tối cao và 950 CCV và 4000 cộng sự sẽ thực hiện công việc này liên đới như 1 đội quân. Vì vậy sẽ tìm cách để loại bỏ người có lỗi để không ảnh hưởng đến đội quân. Ngoài ra đội ngũ công chứng còn phải cạnh tranh với những người khác đó là đội ngũ luật sư, 9500 CCV đối với 50,000 luật sư.

Việc thành lập các văn phòng công chứng (VPCC) mới

Chính sách của Pháp là tăng số lượng CCV và tăng số lượng các VPCC cho nên đề nghị HĐCC vùng và các tỉnh xem xét, khuyến khích các VPCC lớn nhận thêm các CCV để trong tương lai có thể tăng số lượng CCV lên 15,000. Hiện nay Pháp đang chú ý đến các CCV làm thuê cho các VPCC chứ không nhất thiết phải là CCV hợp danh hay góp vốn. Khi bổ nhiệm 1 CCV nào đó thì Bộ trưởng BTP bổ nhiệm luôn CCV đó sẽ làm việc ở VP nào, ở địa điểm nào.

Khi VPCC một thành viên muốn chuyển đổi thành VPCC hợp danh thì thủ tục chuyển đổi giống như chuyển đổi công ty thương mại. Một người có vốn sau đó bán lại cho người khác thì sẽ chuyển thành doanh nghiệp nhiều thành viên và phải có sự cho phép của BTP. Thẩm quyền công chứng được phép hoạt động trên phạm vi toàn quốc, nhưng chỉ ở Pháp chứ không được ở nước khác, kể cả ở đại sứ quán Pháp ở các nước khác.

Th.S  Nguyễn Thị Hạnh, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế