Hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 về quyền bào chữa: Bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp

Được đánh giá là đem lại nhiều tiến bộ cho hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) gần 8 năm qua, song trước sự phát triển của giai đoạn đang thực hiện cải cách tư pháp và xây dựng NNPQ XHCN, Bộ luật TTHS năm 2003 đang đứng trước yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung, nhất là những bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về quyền của LS/người bào chữa khi tham gia TTHS để đóng góp vào quá trình làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tình nghi phạm tội.

Luật “ngáng chân”

Từ “kinh nghiệm xương máu” của nhiều LS phản ánh thực trạng thi hành các quy định trong Bộ luật TTHS về bảo đảm quyền bào chữa còn nhiều bất cập, vướng mắc. Trong một hành lang pháp lý chưa thực sự “coi trọng” người bào chữa và quyền bào chữa, LS phải vật lộn với bao rào cản để hành nghề, khiến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nhiều khi bị vi phạm trắng trợn, mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, khả năng tiếp cận công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp.

Khi “mổ xẻ” các quy định của Bộ luật TTHS hiện hành, giới LS và cả những người tiến hành tố tụng và người dân đều nhận ra “trùng trùng lớp lớp” những quy định đang khiến quyền bào chữa vốn là quyền Hiến định lại trở thành một quyền phái sinh, mà để thực hiện được thì LS đa phần phải “lụy” các cơ quan tiến hành tố tụng. Khi tham gia hoạt động tố tụng, nhất là ở giai đoạn điều tra, người bào chữa/LS gần như không được chủ động hành nghề, bị ngăn cản từ nhiều phía, ngay cả các quy định pháp luật về… quyền bào chữa.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm quyền của người bào chữa cũng gặp không ít trở ngại. Quyền bào chữa gắn chặt với chức năng gỡ tội, có mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với chức năng gỡ tội và xét xử trong TTHS. Song trên thực tế, việc khởi tố, điều tra và đề nghị truy tố đều do cơ quan điều tra được nắm quyền chủ động, Viện Kiểm sát phần lớn lại chỉ thụ động chờ vào kết luận điều tra để thực hiện quyền truy tố còn Tòa án cũng bị “đổi vai” từ trọng tài khách quan thành “chủ thể buộc tội” khiến người bào chữa/LS trở thành một lực lượng đơn độc trước thế “kiềng 3 chân” vững chãi và đầy quyền lực của các cơ quan tiến hành tố tụng…

Nhận thức “cản”

Hạn chế quyền hành nghề của LS một phần từ những quy định trong Bộ luật TTHS 2003 và một phần còn do quan niệm, thái độ hợp tác của các cơ quan tiến hành tố tụng” - LS. Phan Thanh Bình nhận xét. Đó cũng là một biểu hiện của việc nhận thức chưa đúng về quá trình dân chủ hóa hoạt động TTHS, ảnh hưởng đến việc tạo ra cơ chế pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy các cơ quan tiến hành tố tụng tự hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình trước sự đối trọng, phản biện tích cực của bên bào chữa.

Thậm chí, LS. Trương Xuân Tám (Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn LSVN) còn cho rằng, quyền bào chữa nói riêng và quyền tham gia TTHS nói chung của LS vẫn hình thức bởi Bộ luật TTHS chưa được “thiết kế” theo tinh thần để LS chủ động tham gia TTHS. Hơn nữa, “có vẻ các cơ quan tiến hành tố tụng “ngại” mở rộng quyền của LS nên lập tức quy định thêm nhiều điều kiện không cần thiết hoặc giải quyết các yêu cầu của LS một cách lấp lửng để LS phải “chạy vòng vòng” trong vòng quay của các cơ quan tiến hành tố tụng nếu muốn hành nghề”….

 Những quy định bất cập của Bộ luật TTHS 2003 về quyền bào chữa cần nhanh chóng được sửa đổi để “chỗ dựa pháp lý” của người dân là LS có công cụ hữu hiệu để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Qua đó, đem lại niềm tin vào hệ thống pháp luật và tố tụng trong việc bảo vệ công lý, quyền con người./.

Hương Giang

LS. Phan Trung Hoài (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi của LS - LĐLSVN): “Việc sửa đổi Bộ luật TTHS phải làm thế nào để LS tham gia tố tụng có thực chất, quan trọng là phải có quy định và cơ chế bảo đảm LS tham gia tố tụng một cách độc lập để thực hiện các quyền của người bào chữa mà không ai được ngăn cản. Tùy vào điều kiện mỗi nước mà quy định pháp luật nói chung và pháp luật TTHS nói riêng được xây dựng cho phù hợp, nhưng không thể tránh nguyên tắc “ở đâu có buộc tội thì ở đó có gỡ tội”. Nên việc quy định LS là người tiến hành tố tụng hay người tham gia tố tụng, thoạt nhìn tưởng chỉ là vấn đề câu chữ, nhưng thực ra vấn đề này rất quan trọng vì nó xác định vị trí pháp lý của LS trong quá trình tố tụng, kéo theo việc thực hiện các quyền bào chữa hiệu quả nhất theo đúng pháp luật”./.

 

PGS.TS.Trần Văn Độ (TANDTC): Nếu luật TTHS đi theo hướng tăng cường quyền, khả năng chứng minh của LS và bảo đảm pháp lý là tăng cường khả năng tranh tụng, tính chính xác, khách quan của quá trình tố tụng. Nhờ đó, Tòa án sẽ yên tâm hơn khi xét xử, không làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm. Đây là quá trình lâu dài khi LS ở Việt Nam còn quá ít (gần 10.000 LS) nên luật cần quy định tương thích với thực tế. Nếu quy định cao quá, không thực hiện được sẽ thành luật “chết”.

 

KSV. Hoàng Ngọc Cẩn (Trưởng phòng Xét xử phúc thẩm - VKSNDTC): bảo đảm quyền bào chữa, quyền hành nghề của LS là nội dung được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm tổ chức khi thực hiện pháp luật. Nếu nói do vướng mắc của luật thì cũng chưa hẳn vì các quy định của Bộ luật TTHS thực ra rất tiến bộ, không quá kém so với các nước. Vấn đề là cơ chế tổ chức thực hiện chưa tốt. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có ý nghĩa tương đối quyết định đến hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan, tổ chức. Nếu người đứng đầu cơ quan tiến hành tố tụng thực sự áp dụng, chỉ đạo các cấp thực hiện nghiêm túc thì những hạn chế, vướng mắc từ các cơ quan tiến hành tố tụng mà các LS đang “phàn nàn” sẽ giảm rất nhiều.

Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng và LS phải tôn trọng và hợp tác với nhau trên tinh thần thực thi pháp luật sẽ rất hiệu quả. LS đang phàn nàn vì bị “cản trở” từ các cơ quan tiến hành tố tụng theo tôi do nhiều yếu tố như xã hội đang trong sự giao thoa, chuyển biến, tác động đến tư duy người thực hiện. Khách quan mà nói kể cả TA, VKS, LS đều chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp nên cần phải có chuyển biến trong nhận thức, đặt lợi ích, quyền lợi cơ bản của người dân lên trên thì sẽ tốt hơn, bảo đảm dân chủ và tranh luận tốt thì vai trò của chủ tọa phiên tòa rất quan trọng và quyết định đến chất lượng phiên tranh luận.

 

LS.Trương Xuân Tám (Ủy viên Ban thường vụ LĐLSVN): Quyền tham gia TTHS của LS vẫn hình thức do Bộ luật TTHS 2003 chưa được “thiết kế” theo tinh thần để LS chủ động tham gia TTHS. Có vẻ các cơ quan tiến hành tố tụng “ngại” mở rộng quyền tham gia TTHS của LS nên quy định thêm nhiều điều kiện không cần thiết bên cạnh các quy định của pháp luật, không thực sự tạo điều kiện cho LS hành nghề, nhất là ở giai đoạn điều tra.