“Sử dụng hồ sơ buộc tội để gỡ tội”
Trong TTHS, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) là buộc tội thì LS phải tìm cách gỡ tội. Giữa hai bên “lửa” - “nước” ấy, cơ quan điều tra sẽ là bên cung cấp chứng cứ một cách khách quan để VKSND, LS căn cứ thực hiện chức năng của mình và Hội đồng xét xử xem xét, giải quyết vụ án theo đúng pháp luật. LS.Ngô Ngọc Thủy thấy rằng, quy định về quyền chứng minh của LS đã có nhưng cơ chế vận hành và kết quả sử dụng chứng cứ do LS thu thập lại không đơn giản.
Hồ sơ vụ án hình sự được xây dựng phần lớn dựa trên lời khai của bị can và chủ yếu theo hướng buộc tội. Muốn bào chữa cho thân chủ, LS phải thu thập được các chứng cứ gỡ tội. Trong khi các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần có công văn, yêu cầu là được cung cấp thông tin, thì LS lại luôn gặp khó khăn để nhận được hợp tác của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thông tin liên quan. Cá biệt, có những trường hợp LS được các cơ quan tiến hành tố tụng cho “chạy lòng vòng” khi đề nghị tiếp cận hồ sơ vụ án.
Bởi lẽ đơn giản là trong Bộ luật TTHS 2003 không có quy định nào cho áp dụng chế tài trong những trường hợp các bên có chứng cứ từ chối cung cấp cho LS khiến LS chỉ có nước… khóc và phải “sử dụng hồ sơ buộc tội để gỡ tội” với việc tìm ra các kẽ hở để bào chữa cho thân chủ và “kêu gọi lòng nhân đạo của Tòa án, của pháp luật” đối với bị can, bị cáo. Trong các vụ án oan, sai chủ yếu do chứng cứ nên LS.Hà Đăng nhận định, “nếu cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp với LS thì sẽ có một hồ sơ hoàn chỉnh, cả chứng cứ gỡ tội và buộc tội”.
Đánh giá cao vai trò quan trọng của LS trong thu thập chứng cứ, Thẩm phán Vũ Phi Long (Tòa Hình sự TAND TP.HCM) thấy rằng, LS sẽ phát hiện ra những chứng cứ gỡ tội đang ở “góc khuất” nào đó trong vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng vô tình bỏ lọt. Nhưng vấn đề đáng lo ngại là những thông tin, tài liệu do LS thu thập có được coi là chứng cứ hay không lại phụ thuộc vào các cơ quan tiến hành tố tụng.
“Ranh giới mong manh do quy định “đủ để là chứng cứ buộc tội” trong đánh giá chứng cứ theo quy định của Bộ luật TTHS rất nguy hiểm”. Mỗi cơ quan tiến hành tố tụng có thể đánh giá khác nhau về tình tiết, vụ án tùy vào điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Tòa án chỉ cần tuyên bố không chấp nhận chứng cứ của LS mà không cần đưa ra căn cứ vào đâu. Nên khi sửa đổi Bộ luật TTHS 2003 cần luật hóa việc đánh giá chứng cứ, chứ không để “tùy nghi” cho các cơ quan tiến hành tố tụng quyết như hiện nay” - ông Long đề nghị.
Chỉ được hỏi theo ý của điều tra viên
Không những thế, pháp luật TTHS chưa cho LS được quyền gặp riêng thân chủ để thu thập được thông tin gỡ tội. LS muốn tham gia vào giai đoạn nào của quá trình tố tụng thì phải được các cơ quan tiến hành tố tụng cho phép. Bức xúc nhất là trong các buổi thẩm vấn hay lấy lời khai ở giai đoạn điều tra, LS sẽ bị điều tra viên “giám sát” và chỉ được hỏi thân chủ nếu điều tra viên đồng ý khiến LS luôn bị động và không thể thu thập đầy đủ thông tin cho việc gỡ tội của mình.
LS.Đào Ngọc Lý bức xúc, Bộ luật TTHS 2003 không có quy định lập biên bản về những câu hỏi của LS không được điều tra viên đồng ý. Nên khi ra tòa, LS hỏi những câu hỏi đó nhằm gỡ tội nhiều khi khiến lời khai của bị cáo thay đổi và khó được chấp nhận vì “không thống nhất với lời khai ở cơ quan điều tra (!?)”.
Khó cho LS còn do vấn đề tài chính để thực hiện nghĩa vụ chứng minh vì hoạt động thu thập chứng cứ thì rất tốn kém. Các vụ án chỉ định chỉ đủ tài chính để LS có mặt tại giai đoạn xét xử, chứ không thể đáp ứng cả việc thu thập chứng cứ. Điều này hạn chế rất nhiều đến việc thực hiện quyền chứng minh của LS và bảo đảm bản chất khách quan của vụ án.
H.Giang
TS.Nguyễn Ngọc Anh (Bộ Công an): “Quyền của LS được gặp bị can, bị cáo đã được quy định cụ thể trong luật. Nhưng trong nhiều trường hợp cụ thể, thực hiện quyền này của LS có khó khăn do quá trình tác nghiệp, tiếp cận vấn đề. Đây hoàn toàn chỉ là vấn đề nhận thức. Việc LS tham gia vào giai đoạn điều tra còn nhiều trắc trở một phần do không phải ai cũng biết mình có quyền có LS, mà điều tra viên nhiều khi cũng “quên” giải thích, một phần cũng vì yêu cầu bí mật và kịp thời của hoạt động điều tra. Mỗi năm có đến gần 10.000 vụ việc hình sự và hơn 7.000 vụ án hình sự nên cơ quan điều tra không đảm bảo thời hạn cho LS tiếp cận thân chủ”. |