Phòng, chống oan, sai trong tố tụng hình sự: Điểm đến của cải cách tư pháp

Điều 1 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003 xác định một trong những mục đích của Bộ luật là xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đó cũng chính là điểm đích mà công cuộc cải cách tư pháp hướng tới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp để bảo vệ quyền con người và công lý.

Oan, sai do chính con người

“Việc làm oan người vô tội luôn luôn là hệ quả của hành vi trái (sai) pháp luật, còn sai được hiểu là tính chất của hoạt động hoặc chất lượng giải quyết vụ án hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng”. Như vậy, “oan” và “sai” trong TTHS là hai khái niệm, phạm trù, hiện tượng hoàn toàn khác nhau lại có mối liên hệ với nhau. TS.Hồ Sỹ Sơn (Viện Nhà nước và Pháp luật) nhấn mạnh, “oan sai trong TTHS dù ở mức độ nào cũng đều dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với cá nhân và gia đình của họ, đối với xã hội, đối với Nhà nước, không đảm bảo công lý, công bằng xã hội và phòng ngừa tội phạm”.

Qua các vụ án oan, sai một đặc điểm chung rất dễ nhận thấy là luôn có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình tiến hành tố tụng, kết luận vụ án luôn là kết quả của sự truy xét qua áp đặt chủ quan của người tiến hành tố tụng, có dấu hiệu mớm cung, bức cung trong quá trình điều tra (song hầu như không chứng minh được hoặc không được Hội đồng xét xử xem xét) như các vụ án Vườn Điều ở Bình Thuận, vụ trộm cắp cổ vật ở Bắc Ninh, vụ Phạm Đình Tiếng ở Hà Nội, vụ án “Lá trúc đào” ở Quảng Ninh….

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến oan, sai trong TTHS. Thực tiễn vận hành hệ thống tư pháp hình sự thời gian qua cho thấy hệ thống pháp luật và việc thực thi pháp luật còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển của đất nước. Với những quy định chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ và chưa hoàn thiện, pháp luật TTHS, nhất là Bộ luật TTHS 2003 luôn bị “kết tội” là “nguyên nhân hàng đầu, cơ bản đầu tiên dẫn đến tình trạng oan, sai trong TTHS”. Bởi theo phân tích của TS.Trịnh Tiến Việt (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu những chủ thể tiến hành tố tụng cố ý “lách luật”, lợi dụng những kẽ hở trong pháp luật TTHS để bỏ lọt tội phạm hay làm oan người vô tội sẽ “rất khó phát hiện”. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình tội phạm ẩn và tiềm ẩn tăng lên đáng kể, nhiều tội phạm “lọt lưới luật pháp” và cũng nhiều người vô tội phải “vô phúc đáo tụng đình”.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, thì không ít nguyên nhân chủ quan từ chính những người tiến hành tố tụng. Chỉ ra nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc oan, sai trong TTHS, TS.Phạm Minh Tuyên (TAND tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, nhiều Thẩm phán chưa thực sự có trách nhiệm, không chịu cập nhật kiến thức pháp luật để trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiên cứu vụ án hình sự còn sơ sài hoặc do chịu những tác động “tế nhị” dẫn đến tình trạng “quên” áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ…, thậm chí áp dụng điều luật không đúng, quyết định hình phạt tùy tiện, chưa thống nhất.

Từ “ghế” LS và những người tham dự phiên tòa, sẽ không khó để thấy tình trạng, tại nhiều phiên tòa, không chỉ ở cấp huyện, Hội đồng xét xử “hoàn toàn dựa dẫm” vào kết luận điều tra của cơ quan điều tra và cáo trạng của Viện Kiểm sát, bỏ qua những “lỗi sờ sờ” của quá trình điều tra và truy tố như hồ sơ thiếu bút lục, vật chứng không niêm phong, thiếu vật chứng..., không coi trọng những thông tin mới qua quá trình tranh luận, không chú trọng thu thập chứng cứ mới tại phiên tòa… khiến vụ án chỉ được xét xử theo đúng hướng mà cơ quan điều tra xác định mà không có sự thẩm định của Hội đồng xét xử.

Đặc biệt, nhiều người đã thực tế tham gia tiến hành tố tụng nhìn nhận một thực tế là chính vì vai trò của LS trong quá trình tố tụng còn quá mờ nhạt, LS cơ bản chỉ được coi như “diễn viên phụ” trong quá trình “đi tìm công lý”, góp phần đem lại “tính dân chủ” cho quá trình tố tụng đã khiến những khả năng oan, sai vốn tiềm ẩn trong quá trình tố tụng được dịp “thành hiện thực”.

Do vậy, phòng, chống oan sai trong TTHS luôn là mục tiêu hàng đầu trong các giải pháp, biện pháp, chương trình, kế hoạch được thực hiện khi tiến hành cải cách tư pháp.

Có “gậy thần” nhưng chưa thể hết oan, sai

Nghị quyết 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường oan sai trong hoạt động TTHS, và gần đây nhất là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự cho người bị bắt giam, xét xử oan sai trong các vụ án hình sự là được coi là “cây gậy thần” không chỉ khẳng định về quyết tâm “chống oan, sai trong TTHS”, mà còn là lời nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng khi định đoạt số phận pháp lý của con người.

Cùng với đó, Toà án được đặt vào vị trí "trung tâm" của cải cách tư pháp trong hoạt động TTHS khi TAND cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm khoảng 84% tổng số khung hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự. Còn TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm trên dưới 16% tổng số khung hình phạt. Đánh giá sơ bộ, bà Nguyễn Thị Thuỷ (Viện Khoa học kiểm sát - VKSNDTC) cho rằng, “thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự thời gian qua cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cơ quan và người tiến hành tố tụng. Trách nhiệm của các cán bộ tư pháp được nâng cao. Việc khởi tố, truy tố, kết tội oan giảm cơ bản”.

Song, không phải cứ có luật là mọi chuyện “xuôi chèo mát mái”. Thực tế thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã bắt đầu “vướng” nên số người bị oan, bị làm sai trong quá trình TTHS được bồi thường theo Luật cũng chưa đáng là bao so với số đơn yêu cầu được bồi thường mà Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) nhận được.

Để góp phần hạn chế tới mức tối thiểu và khắc phục hoàn toàn tình trạng oan sai và bỏ lọt tội phạm, theo TS. Đỗ Thị Ngọc Tuyết (Học viện Tư pháp) biện pháp hiệu quả là đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, trong đó LS phải thực sự được coi là nhân tố “đối trọng” với cơ quan điều tra và kiểm sát trong hoạt động TTHS. Nhưng đây có lẽ sẽ là “nhiệm vụ bất khả thi” nếu bản thân những người tiến hành tố tụng chưa tự có chuyển biến. TS. Nguyễn Văn Điệp (Học viện Tư pháp) nhận xét: “Thực tế cho thấy vai trò của LS đặc biệt bị hạn chế trong giai đoạn điều tra, vấn đề tranh tụng tại phiên toà cũng chưa chuyển biến rõ nét, đây là những vấn đề bức xúc”.

Nhấn mạnh đến vai trò của LS trong phát huy hiệu quả tranh tụng – yếu tố quan trọng để phòng, chống oan sai, TS. Phạm Minh Tuyên (TAND tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung những bất cập hiện nay trong các quy định của Bộ luật TTHS theo hướng không nên quy định người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân là người bào chữa tại các phiên tòa hình sự như hiện nay để nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa. Đồng thời, mở rộng nâng cao vai trò, quyền và nghĩa vụ của LS, có những quy định cụ thể mang tính bắt buộc để các LS được tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

Tuy khẳng định, các điều tra viên rất cần sự hợp tác của các cơ quan có liên quan trong quá trình điều tra, đặc biệt là LS nhưng, đại diện của C15 (Bộ Công an) cho rằng, việc mở rộng quyền của LS trong tất cả mọi ngõ ngách của giai đoạn điều tra là không cần thiết vì mỗi bên đều có chức năng, nhiệm vụ riêng, có quyền hạn cụ thể theo từng giai đoạn giải quyết vụ việc. ‘Nếu mỗi lần hỏi cung lại chờ LS thì cơ quan điều tra rất khó làm việc vì cơ quan điều tra phải giải quyết rất nhiều vụ việc. Không phải cứ có LS thì điều tra viên mới làm đúng mà không có LS thì điều tra viên làm bậy. Sự ràng buộc trách nhiệm giữa các cơ quan chính là sự ràng buộc về luật pháp”.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật TTHS hiện hành, qua những vụ án oan, sai thì nâng cao năng lực chuyên môn, nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, bản lĩnh chính trị và đạo đức của những cán bộ tư pháp, đặc biệt là những người tiến hành tố tụng, xử lý nghiêm minh và kịp thời mọi hành vi lôi kéo, mua chuộc, gây ảnh hưởng phía đương sự, người bị xét xử đối với người tiến hành tố tụng, nghiêm trị những người tiến hành tố tụng sai phạm… có lẽ chính là việc cần làm ngay để phòng, chống oan sai trong TTHS và thực hiện được các mục tiêu của cải cách tư pháp./.

H.Giang

LS. Nguyễn Văn Chiến (Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam): “Bộ luật TTHS 2003 cần được sửa đổi, bổ sung để đưa những điều luật “chết” trong Bộ luật TTHS hiện hành về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa “sống lại”, tạo thêm “đất” cho người bào chữa trong việc bảo vệ pháp chế và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Bà Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội): “Những vướng mắc hiện nay trong việc thi hành Bộ luật TTHS 2003 thể hiện ở 3 điểm: một là mắc ở luật, thứ hai mắc ở Thông tư; thứ ba là mắc ở người thực hành. Vì vậy, trước hết, LS cần khẳng định vị thế, vai trò của mình nhiều hơn nữa trong hoạt động tố tụng. Sau đó, cần cả hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng các quy định của Bộ luật TTHS thì sẽ đảm bảo mục tiêu của việc thực thi văn bản này là bảo đảm tính nhân văn của pháp luật hình sự nước ta một cách toàn diện.

Ông Hồ Trọng Ngũ (Văn phòng Quốc hội): “Một trong những nguyên nhân dẫn đến oan, sai trong TTHS là một số ít cán bộ của bộ máy tư pháp, trước những lợi ích thiển cận, đã chà đạp lên công lý, đổi trắng thay đen, coi thường các giá trị về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản và các quyền, lợi ích khác của công dân”.