Những điểm mới về quyền của người khiếu nại trong Luật Khiếu nại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân

Sau nhiều năm thực hiện, đến nay Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong việc khiếu nại - một trong những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm thực hiện. Cụ thể như cơ chế giải quyết khiếu nại chưa đảm bảo đầy đủ tính khách quan, công khai, dân chủ; việc khởi kiện của người dân tại Tòa án còn bị hạn chế; nhiều trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại chưa cụ thể, rõ ràng, vì vậy chưa tạo thuận lợi cho công dân, cơ quan, tổ chức. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, của luật sư và trợ giúp viên pháp lý trong quá trình giải quyết khiếu nại chưa được quy định cụ thể, còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật hiện hành có quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại như pháp luật về đất đai, Luật Tố tụng hành chính còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Khiếu nại, tố cáo, chưa tạo sự thống nhất trong các quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại…

Chính vì vậy Luật Khiếu nại năm 2011 được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 02 thông qua ngày 11/11/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2012 đã đưa ra những quy định mới về quyền của người khiếu nại nhằm khắc phục những nhược điểm này và ngày càng đảm bảo cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đối với việc nhờ Luật sư giúp đỡ trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu như trước đây Luật khiếu nại, tố cáo chỉ quy định người khiếu nại có quyền nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại thì lần này Luật Khiếu nại năm 2011 quy định  người khiếu nại được nhờ Luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đây là một điểm mới, tiến bộ nhằm giúp cho người khiếu nại vốn là bên “yếu thế” ít hiểu biết pháp luật được trợ giúp, tiếp cận những quy định của pháp luật để nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Khi cần thiết họ có thể ủy quyền toàn bộ cho Luật sư thay mặt mình để tham gia giải quyết khiếu nại. Việc quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của Luật sư trong quá trình tham gia tư vấn hoặc trực tiếp vào giải quyết khiếu nại hành chính, nâng cao vai trò của Luật sư trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của công dân theo thủ tục hành chính cũng là một biện pháp để chuyên môn hóa hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính.

Để phù hợp với  những quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, trong trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho Trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đây là quy định thể hiện tính nhân văn sâu sắc của nhà nước ta chăm lo đến các đối tượng chính sách, người nghèo, người già yếu cô đơn, đồng bào dân tộc thiểu số… nhằm giúp họ về mặt pháp lý để bảo vệ quyền hợp pháp của mình.

Đối với quyền được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại, lần này Luật Khiếu nại năm 2011quy định rõ hơn, cụ thể hơn so với Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998. Điều này đã giúp cho người khiếu nại tiếp cận được nguồn thông tin cần thiết để làm căn cứ cho việc khiếu nại của mình. Cụ thể Luật quy định Người khiếu nại cũng được biết, đọc, sao chụp, sao chép và xem các tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, (Trừ thông tin tài liệu thuộc bí mật nhà nước). Việc quy định này sẽ giúp cho người khiếu nại biết được các căn cứ pháp lý, các chứng cứ liên quan mà người giải quyết khiếu nại áp dụng để giải quyết, đồng thời nâng cao tính trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại trong việc cung cấp các hồ sơ tài liệu cho người khiếu nại, và người giải quyết khiếu nại cũng phải thận trọng hơn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật, các chứng cứ thu thập để giải quyết.

Lần đầu tiên Luật Khiếu nại quy định cho người khiếu nại có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại, cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại.(Trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước). Việc quy định trên đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người khiếu nại tiếp cận với những tài liệu chứng cứ liên quan đến việc khiếu nại để làm cơ sở cho việc khiếu nại của mình. Điều này đã xóa bỏ được “cơ chế xin cho” trong việc đề nghị các cơ quan tổ chức cung cấp hồ sơ tài liệu có liên quan, đồng thời giải tỏa được “gánh nặng” của người khiếu nại khi phải đi “xin” tài liệu ở các cơ quan, tổ chức đang lưu giữ. Nếu như trước đây việc người khiếu nại đến các cơ quan nhà nước đề nghị cung cấp hồ sơ tài liệu gặp rất nhiều khó khăn do việc có cung cấp hay không là “quyền” của cơ quan, tổ chức đó, thì nay với quy định này việc cung cấp hồ sơ tài liệu cho người khiếu nại không còn là “quyền” nữa mà là “nghĩa vụ” phải cung cấp trong thời hạn nhất định của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Một quy định mới nữa về quyền của người khiếu nại đó là họ có quyền yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại. Xuất phát từ thực tiễn đã có không ít vụ việc vì thi hành quyết định hành chính sai, để lại hậu quả lớn rất khó khắc phục về sau gây khó khăn cho công dân và các cơ quan nhà nước. Nay với quy định này sẽ giúp làm tránh những thiệt hại không thể khắc phục được do phải thi hành quyết định hành chính có sai trái.

Vấn đề khởi kiện hành chính tại Tòa án cũng được Luật Khiếu nại quy định rõ hơn, cụ thể hơn. Nếu như trước đây, việc khởi kiện hành chính tại Toà án của công dân gặp rất nhiều khó khăn do quy định bất cập của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và Luật Tố tụng hành chính và người dân chỉ có thể khởi kiện ra tòa sau khi đã qua bước giải quyết khiếu nại tại các cơ quan hành chính nhà nước, thì nay Luật Khiếu nại quy định quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Điều đó có nghĩa là người khiếu nại có thể lựa chọn và khởi kiện thẳng ra Tòa án, khiếu nại không còn là thủ tục bắt buộc. Quy định này phù hợp với tinh thần của Luật Tố tụng hành chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong khi thực hiện quyền khiếu kiện của mình.

Có thể nói rằng với những quy định mới về quyền của người khiếu nại trong Luật Khiếu nại năm 2011 không chỉ hướng đến việc mở rộng dân chủ trong việc thực hiện quyền chính trị cơ bản của công dân mà còn góp phần hoàn thiện pháp luật khiếu nại, tố cáo – một trong những yêu cầu của cải cách hành chính và xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay.

Bùi Đăng Vương – Thanh tra Sở Tư pháp Quảng Ngãi