Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Theo Nghị định, ngoài các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền, cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng sẽ bị xử phạt theo các hình thức bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp về một hoặc một số hoạt động, dịch vụ ngân hàng và một số hoạt động kinh doanh khác thuộc lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng hoặc đình chỉ có thời hạn đối với một hoặc một số hoạt động ngân hàng và một số hoạt động kinh doanh khác được Ngân hàng Nhà nước Việt nam cấp phép có vi phạm quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dung để vi phạm hành chính.
Nghị định quy định, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng.
Theo đó, phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi nhận tiền gửi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng quy định của pháp luật; phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân không được phép nhận tiền gửi.
Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như phát hành giấy tờ có giá không đúng một trong các nội dung tại văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền; không thực hiện đúng quy định về đối tượng được mua giấy tờ có giá, điều kiện phát hành giấy tờ có giá, điều kiện chuyển đổi đối với trái phiếu chuyển đổi.
Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi phát hành giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ để huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng quy định, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: không niêm yết công khai lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ theo quy định; niêm yết lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng; thu các loại phí cung ứng dịch vụ không đúng quy định pháp luật trừ trường hợp quy định tại Nghị định này. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi áp dụng lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ cao hơn mức đã niêm yết. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn; kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh về lãi suất, tiền tệ và tài sản tài chính khác, trừ hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này.
Đối với hành vi vi phạm quy định về nhận ủy thác và ủy thác, Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi nhận ủy thác, ủy thác không đúng đối tượng theo quy định của pháp luật; lập hợp đồng ủy thác không đúng theo quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 100.000.00 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi nhận ủy thác, ủy thác không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: thu thập thông tin tín dụng không thuộc phạm vi theo quy định của pháp luật; Thu thập thông tin tín dụng của khách hàng vay khi chưa được sự đồng ý của khách hàng, trừ trường hợp thu thập thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi cố ý làm sai lệch nội dung thông tin tín dụng. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi thu thập trái phép các thông tin thuộc phạm vi, danh mục bí mật của Nhà nước.
Đối với hành vi vi phạm quy định về quy trình quản lý rủi ro các giao dịch liên quan tới công nghệ mới, Nghị định quy định, phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không ban hành quy trình quản lý rủi ro các giao dịch liên quan tới công nghệ mới theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong cá hành vi vi phạm: không cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; Không thực hiện khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn thông tin của Ngân hàng Nhà nước; Không báo cáo, giải trình đối với khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 12 năm 2014 và thay thế Nghị định số 22/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2011 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 22/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.