Quy định về ủy thác và nhận ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 30/2014/TT-NHNN ngày 06 tháng 11 năm 2014 Quy định về ủy thác và nhận ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

 

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện ủy thác, nhận ủy thác theo quy định tại Thông tư này đối với các hoạt động sau đây: Cho vay; Cho thuê tài chính; Góp vốn, mua cổ phần; Đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh và Mua trái phiếu doanh nghiệp.

Tổ chức tín dụng được áp dụng theo Thông tư này gồm: Ngân hàng thương mại; Ngân hàng chính sách; Ngân hàng hợp tác xã; Công ty tài chính; Công ty cho thuê tài chính; Tổ chức tài chính vi mô; Quỹ tín dụng nhân dân. Ngoài ra, Thông tư còn áp dụng đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, cá nhân là người cư trú, người không cư trú có liên quan đến hoạt động ủy thác, nhận ủy thác quy định tại Thông tư này.

Thônng  tư quy định nguyên tắc ủy thác như sau: Ủy thác phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan; Bên ủy thác chỉ được ủy thác cho bên nhận ủy thác thực hiện những nội dung ủy thác mà bên ủy thác được thực hiện và được ủy thác theo quy định của pháp luật; bên nhận ủy thác chỉ được nhận ủy thác đối với những nội dung ủy thác mà bên nhận ủy thác được thực hiện và được nhận ủy thác theo quy định của pháp luật; Bên nhận ủy thác không được ủy thác lại cho bên thứ ba; Việc giao vốn ủy thác phải phù hợp với tiến độ thực hiện nội dung ủy thác; Bên nhận ủy thác không được sử dụng vốn ủy thác trái với mục đích, nội dung ủy thác được quy định tại hợp đồng ủy thác; Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức khác phải tính số dư các khoản ủy thác trong các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;Chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác của ngân hàng mẹ, chi nhánh của ngân hàng mẹ ở nước ngoài để cho vay, mua trái phiếu thực hiện theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài, quản lý ngoại hối và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Các khoản ủy thác bằng ngoại tệ phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và các quy định của pháp luật có liên quan; Bên ủy thác là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với số dư ủy thác. Bên nhận ủy thác là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với số dư nhận ủy thác;. Đối với việc ủy thác ra nước ngoài, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được ủy thác cho ngân hàng, công ty quản lý quỹ ở nước ngoài thực hiện một số hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này trong phạm vi hoạt động ngoại hối trên thị trường quốc tế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng theo Thông tư, Hợp đồng ủy thác phải có tối thiểu các nội dung sau: Tên, địa chỉ của bên ủy thác và bên nhận ủy thác; Đối tượng ủy thác; Mục đích ủy thác; Phạm vi, nội dung ủy thác; Thời hạn ủy thác; Phí ủy thác; Vốn ủy thác; thời gian giao vốn ủy thác; Đồng tiền thực hiện ủy thác (nếu có); Quyền, nghĩa vụ của bên ủy thác, bên nhận ủy thác, trong đó phải quy định rõ bên ủy thác chịu mọi rủi ro và hưởng mọi lợi ích từ hoạt động ủy thác, bên nhận ủy thác được hưởng phí ủy thác; Chấm dứt hợp đồng trước hạn; Xử lý tranh chấp.

Ngoài ra, hợp đồng ủy thác có thể có các nội dung khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

Bên ủy thác có quyền yêu cầu bên nhận ủy thác cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh bên nhận ủy thác được phép thực hiện hoạt động ủy thác, nhận ủy thác theo quy định của pháp luật; Yêu cầu bên nhận ủy thác báo cáo, cung cấp tài liệu, thông tin về tình hình, kết quả thực hiện hợp đồng ủy thác; Giám sát, kiểm tra việc bên nhận ủy thác thực hiện nội dung, phạm vi được ủy thác quy định tại hợp đồng ủy thác; Các quyền khác theo quy định tại hợp đồng ủy thác, phù hợp với quy định của pháp luật.

Bên nhận ủy thác có quyền từ chối các yêu cầu của bên ủy thác liên quan đến phạm vi và nội dung ủy thác, đối tượng ủy thác không được quy định tại hợp đồng ủy thác hoặc không đúng quy định pháp luật; Được nhận phí ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác; Yêu cầu bên ủy thác cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác và các quyền khác theo quy định tại hợp đồng ủy thác, phù hợp với quy định của pháp luật.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện ủy thác, nhận ủy thác khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Hoạt động ủy thác, nhận ủy thác phải được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động; Có quy định nội bộ về quản lý hoạt động ủy thác và nhận ủy thác, trong đó có nội dung về nhận dạng, đo lường và quản lý các rủi ro của hoạt động ủy thác và nhận ủy thác phù hợp với tính chất, quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Hoạt động ủy thác và nhận ủy thác phải được quản lý rủi ro bởi một bộ phận quản lý rủi ro; Bên nhận ủy thác có cơ sở vật chất, mạng lưới và đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật để đảm bảo thực hiện nội dung ủy thác; Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân để thực hiện đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh, cho thuê tài chính, cho vay, ngoài các điều kiện quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này phải đảm bảo tại thời điểm ủy thác, bên ủy thác là tổ chức, cá nhân không có dư nợ vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015./.