Thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp

1. Chủ trương thí điểm thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý:

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khoá VIII (tháng 10 năm 1997) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã khẳng định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và của chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ-TW năm 1997 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII), tại Kết luận của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, trên cơ sở đánh giá những hạn chế và yếu kém của công tác cán bộ trong nhiều năm qua, Đảng ta đã khẳng định yêu cầu cần phải đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục có kết quả những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Từ những hạn chế, tồn tại của công tác quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo trong thời gian qua, đặc biệt là tình trạng cục bộ, khép kín, lúng túng, bị động trong công tác quy hoạch; tính thiết thực, khả thi của quy hoạch còn thấp, chất lượng đội ngũ cán bộ được quy hoạch chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng ta xác định: Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm sự chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, cần mở rộng việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ vào các chức danh lãnh đạo cấp phòng ở tỉnh, thành phố và cấp vụ ở các bộ, ngành Trung ương. Như vậy, chủ trương thí điểm thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo là một chủ trương mang tính chất thử nghiệm nhằm khắc phục tình trạng nguồn quy hoạch còn bị bó hẹp, khép kín; mở rộng cơ hội, tạo ra một không gian rộng lớn hơn để phát hiện những nhân tố mà tổ chức chưa có điều kiện quy hoạch, khuyến khích dòng chảy tương tác giữa các nguồn nhân lực, từ đó tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch, lành mạnh để tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Ngoài việc khắc phục những hạn chế của khâu quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo với phương thức cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch còn được đánh giá là giải pháp tương lai cho một nền hành chính hiện đại nhằm khắc phục những nhược điểm của của công tác bổ nhiệm hiện nay. Với vai trò là một trong những giải pháp thu hút nhân tài, thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo có ý nghĩa quan trọng trong việc loại bỏ được một số hiện tượng tiêu cực, cố hữu trong công tác cán bộ như bè phái, cục bộ, chạy chức chạy quyền, xoá dần thói quen sử dụng cán bộ theo kiểu “sống lâu lên lão làng”. Thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo là một cơ chế góp phần làm trong sạch, lành mạnh và năng động hoá nền công vụ vốn có xu hướng bảo thủ và khép kín. Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã khẳng định: Hoàn thiện các quy định của pháp luật về thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp Vụ trưởng và tương đương (ở trung ương), Giám đốc Sở và tương đương (ở địa phương) trở xuống.

Mô hình nền công vụ hành chính truyền thống Việt Nam trong nhiều năm qua được thực hiện theo con đường chức nghiệp. Hiểu một cách tương đối, mô hình này là cách thức lựa chọn người và một nghề cụ thể nào đó suốt cả cuộc đời. Sau khi Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về quản lý biên chế hành chính, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức được ban hành, nền công vụ Việt Nam đang dần dịch chuyển hướng quản lý công chức theo mô hình vị trí việc làm. Trên cơ sở định hướng này, mỗi tổ chức, đơn vị phải chia các hệ thống hoạt động của mình thành các công việc cụ thể và mỗi nhân sự được giao một công việc cụ thể trong tổ chức với một mức lương nhất định. Theo nhận định chung, việc thi tuyển công chức lãnh đạo dễ thích ứng trong hệ thống quản lý theo vị trí việc làm hơn so với hệ thống quản lý theo con đường chức nghiệp.

Tại Trung Quốc, việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo được thực hiện theo nguyên tắc “công khai, bình đẳng, cạnh tranh và chọn ưu”, mở rộng tầm nhìn “dùng người” để khuyến khích cán bộ trẻ ưu tú phát triển. Cạnh tranh lên chức đã trở thành phương thức quan trọng trong việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo tại các cơ quan Đảng, chính quyền của Trung Quốc. Theo thống kế đến tháng 4 năm 2000, đã có 179.000 người tham gia cạnh tranh các chức vụ lãnh đạo cấp huyện và cấp phòng.

2. Tình hình triển khai chủ trương thí điểm thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ngành, địa phương:

Từ năm 2005, Bộ Nội vụ đã khởi động chủ trương thí điểm mô hình thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo. Sau khi có chủ trương, một số địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Long An, Bình Dương, Phú Thọ.. đã thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo. Trong thời gian gần đây, một số địa phương khác đang tiếp tục hoàn thiện đề án thí điểm như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang… Bước đầu, dư luận xã hội hết sức đồng tình, ủng hộ việc triển khai thực hiện chủ trương này trong thực tế cuộc sống.

 Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên thực hiện chủ trương thí điểm mở rộng thi tuyển chức danh lãnh đạo. Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện, đã có 102 người tham gia dự thi 30 chức danh lãnh đạo bổ nhiệm cho 11 Sở, Quận, Huyện trên địa bàn, bao gồm Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới thuộc Sở Giao thông Công chính, Trường Phổ thông trung học Phan Châu Trinh, Trường Phổ thông trung học Thái Phiên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo... Quy trình thi tuyển được các cơ quan chức năng thực hiện thông qua các bước cơ bản sau:

(1) Các Sở, ban, ngành địa phương lựa chọn, đề xuất đơn vị sự nghiệp trực thuộc có nhu cầu thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo xây dựng kế hoạch trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt. Các thông tin về thi tuyển được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố. Các cơ quan chức năng tiến hành thu nhận, kiểm tra, thẩm định, xét duyệt hồ sơ người đăng ký dự tuyển.

(2) Người tham gia dự thi là cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế hoặc hợp đồng lao động, kể cả đối tượng được tiếp nhận theo chính sách thu hút nguồn nhân lực của Uỷ ban nhân dân thành phố hiện đang công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài thành phố Đà Nẵng.

Tiêu chuẩn cụ thể: Có phẩm chất đạo đức tốt, lịch sử chính trị rõ ràng, không vi phạm những quy định của Đảng và Nhà nước, có bằng đại học hệ chính quy tập trung với chuyên ngành đào tạo phù hợp, biết sử dụng ngoại ngữ và tin học để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, tuổi đời từ 25 đến 45, riêng đối với cán bộ đương chức thì tuổi không quá 50.

(3) Người dự thi phải thi viết và bảo vệ đề án. Bài thi viết tập trung vào các nội dung: Trình bày chức năng, nhiệm vụ, hệ thống tổ chức, bộ máy của đơn vị có nhu cầu thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo. Mô tả vị trí, chức trách, quyền hạn và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị đó. Dự báo kết quả, hiệu quả hoạt động và tăng trưởng của đơn vị. Nếu bài thi viết đạt yêu cầu, người dự thi sẽ bảo vệ Đề án tổ chức hoạt động và phát triển của đơn vị, trình bày các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển đơn vị trong tương lai.

(4) Hội đồng thi tuyển do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố làm Chủ tịch. Phó Chủ tịch Hội đồng là thủ trưởng đơn vị có nhu cầu tuyển dụng và Giám đốc Sở Nội vụ. Các uỷ viên là đại diện lãnh đạo các Sở: Tài chính, Khoa học và công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên cở các cơ sở đào tạo chuyên ngành.

3. Về chủ trương thí điểm thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo tại các đơn vị Bộ Tư pháp:

Tính đến ngày 15 tháng 6 năm 2012, Bộ Tư pháp có 32 đơn vị, trong đó có  21 đơn vị quản lý giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 11 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Đội ngũ công chức có 527 người, trong đó nam là 207 công chức, nữ là 320 công chức; về cơ cấu về độ tuổi: độ tuổi từ 22-30 là 159 công chức, độ tuổi từ 31 - 50 là 325 công chức; độ tuổi từ 51 – 59 là 43 công chức. Cơ cấu ngạch công chức, viên chức: 51 công chức ngạch chuyên viên cao đẳng và tương đương trở xuống, 356 công chức ngạch chuyên viên, 105 công chức giữ ngạch chuyên viên chính, 15 công chức giữ ngạch chuyên viên cao cấp. Cơ cấu về trình độ chuyên môn: trình độ tiến sỹ: 31 tiến sỹ, 72 thạc sỹ, 376 cử nhân, 11 cử nhân cao đẳng, 32 người tốt nghiệp trung cấp. Về đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, Bộ Tư pháp hiện có 07 công chức lãnh đạo cấp Bộ, 72 công chức lãnh đạo cấp Vụ và 161 công chức lãnh đạo cấp Phòng.

Trong những năm qua, công tác bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp chủ yếu được thực hiện thông qua thủ tục tín nhiệm đối với công chức, viên chức thuộc diện quy hoạch. Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác kiện toàn, phát triển đội ngũ công chức lãnh đạo nhưng công tác bổ nhiệm truyền thống cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Công tác kiểm tra, sát hạch năng lực công chức, viên chức trước khi thực hiện quy trình bổ nhiệm, đề bạt còn chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức. Tại một vài đơn vị. còn xảy ra tình trạng bè phái, mất đoàn kết nội bộ do có hiện tượng thiên vị, thiếu dân chủ, chưa thực sự công tâm và khách quan trong công tác bổ nhiệm. Công chức được xem xét bổ nhiệm thường e dè, nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hoà vi quý… do còn lo ngại ‘mất lòng”, ‘mất phiếu”. Môi trường làm việc thiếu tính cạnh tranh lành mạnh là một trong những nguyên nhân làm giảm động lực và tính thu hút, giữ chân những công chức, viên chức có năng lực và phẩm chất cống hiến, tận tuỵ phục vụ lâu dài tại Bộ. Số công chức có năng lực, có trình độ, đã được đào tạo cơ bản và rèn luyện, thử thách xin thôi việc, xin chuyển công tác trong những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng. Vì vậy, thí điểm và tiến tới thống nhất thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo tại các đơn vị thuộc Bộ có ý nghĩa thực tiễn hết sức sâu sắc trong chiến lược phát triển đội ngũ công chức, viên chức Bộ Tư pháp trong giai đoạn hiện nay.  

Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Tư pháp luôn xác định xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực tốt, có cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển  của Ngành, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và xuyên suốt của Bộ Tư pháp. Cụ thể hóa chủ trương nói trên, ngày 28 tháng 12 năm 2011, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 115-QĐ/BCS ban hành Đề án “Đổi mới cơ chế thu hút, tuyển chọn và đổi mới chế độ, chính sách đối với cán bộ của Bộ Tư pháp đến năm 2015”. Đề án đã xác định rõ cần khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện thí điểm thi tuyển vào các vị trí lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ theo nguyên tắc cạnh tranh, bảo đảm bình đẳng, dân chủ, công khai, khách quan, trung thực, lựa chọn đúng những người có đức, có tài. Xây dựng quy chế thi tuyển vị trí lãnh đạo để mở rộng, áp dụng thống nhất trong cơ quan thuộc ngành Tư pháp.

Có thể nói, thí điểm thi tuyển công chức là chủ trương lớn, mới, quan trọng nhằm hỗ trợ, khắc phục (nhưng không hoàn toàn thay thế) những hạn chế, bất cập của công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo truyền thống. Bản chất của cơ chế thi tuyển lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay là mở ra thêm một con đường mới cho sự thăng tiến, phát triển của mỗi công chức trên con đường chức nghiệp trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh. Tuy đây là một chủ trương mang tính chất thử nghiệm nhưng nó mang đầy đủ dáng dấp của một nền hành chính hiện đại trong tương lai. Cũng cần thẳng thắn xác định rằng, trong giai đoạn đầu triển khai chủ trương này sẽ vấp phải những trở lực nhất định do làm thay đổi những nhận thức và nếp nghĩ truyền thống hay do tính cục bộ từ các đơn vị.

Hiện nay, Vụ Tổ chức cán bộ đang khẩn trương triển khai xây dựng Đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ giai đoạn 2013-2015 để sớm hiện thực hoá chủ trương của Ban cán sự Đảng trong thực tiễn, tạo nguồn động lực mới cho công tác phát triển và kiện toàn đội ngũ công chức của Bộ, Ngành. Tuy nhiên, do chưa có các quy định cụ thể của Chính phủ nên cần có sự khảo sát, đánh giá thận trọng, toàn diện, khoa học về mặt quy trình trước khi đưa vào thực hiện thí điểm tại Bộ Tư pháp. Một số nội dung cơ bản của dự thảo Đề án cần tiếp tục được phân tích, đánh giá một cách sâu sắc và toàn diện để có thể xây dựng một quy trình lựa chọn, sàng lọc, tìm kiếm người lãnh đạo, quản lý một cách khoa học, hợp lý. Một số điểm cần tiếp tục lấy ý kiến bao gồm:

Thứ nhất, xác định tỷ lệ vị trí lãnh đạo tại mỗi đơn vị bắt buộc dành cho việc bổ nhiệm theo quy trình thi tuyển. Trong giai đoạn hiện tại, thi tuyển lãnh đạo là biện pháp mang tính chất hỗ trợ, bổ sung chứ không hoàn toàn thay thế cho công tác bổ nhiệm truyền thống. Vì vậy, tỷ lệ vị trí lãnh đạo dành cho bổ nhiệm theo quy trình thi tuyển cần được xác định một cách hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng tổ chức, đơn vị. Tỷ lệ này có thể xem xét, cân nhắc ở mức độ 35-50% vị trí lãnh đạo hiện có tại mỗi đơn vị.

Thứ hai, xác định đối tượng tham gia thi tuyển lãnh đạo. Có thể nói, đối tượng được xem xét, công nhận đủ điều kiện tham gia thi tuyển lãnh đạo phụ thuộc rất nhiều vào tư duy cởi mở của người đứng đầu mỗi tổ chức, đơn vị. Trong môi trường cạnh tranh tuyệt đối, có thể cân nhắc mở rộng nguồn đối tượng dự thi đến các tổ chức bên ngoài khối hành chính để khuyến khích, thu hút nguồn lực chất xám từ khối này. Ở mức độ hạn chế hơn, đối tượng có thể là những công chức trong quy hoạch cấp Phòng, cấp Vụ của Bộ nói chung và có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí lãnh đạo cần thi tuyển. Ở mức độ hạn hẹp hơn, đối tượng có thể chỉ là những công chức trong quy hoạch cấp Phòng, cấp Vụ của đơn vị đó và có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí lãnh đạo cần thi tuyển.

Thứ ba, thiết kế nội dung và hình thức thi tuyển lãnh đạo. Cần xác định rằng đây không phải là kỳ thi tuyển công chức đối với sinh viên mới tốt nghiệp hay kỳ thi nâng ngạch công chức mà là kỳ thi để lựa chọn, tìm kiếm những người làm công tác lãnh đạo, quản lý trong một đơn vị hành chính. Do đó, nội dung và hình thức thi tuyển phải được nghiên cứu, thiết kế phù hợp với mục tiêu lựa chọn các nhà lãnh đạo. Về nội dung, có thể cân nhắc phương pháp kiểm tra năng lực xây dựng và thuyết trình đề án, năng lực tổ chức, điều hành buồi họp. Về hình thức, cần nhấn mạnh về kiểm tra kỹ năng thực hành trong thực tiễn quản lý, điều hành công việc của thí sinh.

Thứ tư, các bước trong quy trình tổ chức kỳ thi cần được thiết kế một cách khoa học, chặt chẽ, khách quan và hợp lý. Quy trình cần có sự tham gia của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học, có sự thẩm tra chặt chẽ của cấp uỷ và lãnh đạo đơn vị, có sự giám sát nghiêm túc của cơ quan kiểm tra, thanh tra. Các bước trong quy trình cũng cần đảm bảo sự ngắn gọn về thủ tục, tránh gây phiền hà, rườm rà, thời gian xử lý các bước phải minh bạch, chủ động phòng chống tiêu cực, từ đó làm tăng tính thu hút của chủ trương này trong quá trình triển khai thực hiện. 

                                                                          Ths. Nguyễn Xuân Tùng