Đội ngũ tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động chưa hiệu quả, nguyên nhân do đâu?

Tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là một bộ phận thuộc mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Để đánh giá thực trạng và nắm bắt kiến nghị, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ này trong thời gian tới, ngày 19/7, tại Hà Nội, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo do đồng chí Cục trưởng Lê Vệ Quốc và đồng chí Phó Cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa đồng chủ trì.

Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc cho biết, Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị[2] và Nghị quyết số 66 của Chính phủ[3] đề ra nhiều mục tiêu với chỉ số cụ thể, rõ ràng về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Hiện nay cả nước có khoảng 900.000 doanh nghiệp thì có đến 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Với  số lượng này, chắc chắn nhu cầu hỗ trợ nói chung và nhu cầu hỗ trợ pháp lý nói riêng của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh phát triển công nghệ số, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng như hiện nay. Việc phát sinh những vấn đề liên quan đến pháp luật, những vụ việc và vướng mắc pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp không thể tránh khỏi, thậm chí có thể phức tạp hơn, khó lường hơn, có tính rủi ro cao hơn. Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ta thì năng lực cạnh tranh còn chưa đáp ứng, kiến thức pháp luật, nhất là việc thực thi pháp luật còn hạn chế. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, đề án về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có hoạt động tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý.
Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc và Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa đồng chủ trì Hội thảo.

Tổng quát về hoạt động của mạng lưới tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua, Phó Cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa đánh giá, mặc dù cả nước hiện đang có hơn 18.000 luật sư, 5.300 tổ chức hành nghề luật sư và khoảng 200 trung tâm tư vấn pháp luật, nhưng số lượng tổ chức hành nghề luật sư, luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký tham gia làm tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn rất ít. Qua thống kê sơ bộ, chỉ có 02 bộ[4] đã có danh sách tư vấn viên pháp luật. Tuy nhiên thực tế hoạt động chưa hiệu quả, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng chưa có vụ việc nào được doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đến từ các công ty luật, văn phòng luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế của hoạt động tư vấn pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế thì các luật sư, văn phòng luật, trung tâm tư vấn pháp luật đã hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các đại biểu tỏ ra băn khoăn khi pháp luật quy định phạm vi và đối tượng tham gia tư vấn pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như hiện nay, cần tính tới cơ chế quản lý bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tế hơn, có thể hướng tới phân cấp thẩm quyền cho địa phương thực hiện công bố, quản lý mạng lưới tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương thông qua vai trò, sự phối hợp, thống nhất giữa Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp tỉnh. Ở Trung ương, Bộ Tư pháp với vai trò cơ quan quản lý nhà nước là đầu mối công bố, quản lý đội ngũ tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng dẫn phát triển, duy trì lực lượng này theo từng lĩnh vực tư vấn. Còn đầu mối tiếp nhận, kết nối tư vấn pháp luật đối với các vụ việc, vướng mắc pháp lý cụ thể khi doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu sẽ thông qua Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam … Đồng thời không nên quy định thêm các tiêu chí, điều kiện đối với luật sư khi tham gia tư vấn pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
 
Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa phát biểu tại Hội thảo.

Một trong những nguyên nhân chính được các đại biểu tập trung đưa ra ý kiến, đó là một số bất cập của thể chế, quy định từ Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, đồng thời cả công tác tổ chức thực hiện của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Trên cơ sở gợi ý dự kiến các vấn đề cần sửa đổi Nghị định này, đại biểu kiến nghị giải pháp, sửa đổi một số quy định khắc phục những hạn chế trong hoạt động tư vấn pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
PGS.TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho rằng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là một chính sách có ý nghĩa cần thiết mà hiện nay kể cả những quốc gia phát triển vẫn đang triển khai thực hiện. Ở Việt Nam lại càng cần có chính sách này hơn, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có hỗ trợ pháy lý, xuất phát từ thực tiễn các doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta còn yếu so với các nhóm doanh nghiệp khác. Theo đó, ông Huệ đề xuất hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phải lấy đội ngũ luật sư làm nòng cốt, lực lượng chính thực hiện nhiệm vụ này; Bộ Tư pháp cần đánh giá, tổng kết nghiêm túc tình hình thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, rà soát tổng thể các văn bản có liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần thiết thì sửa đổi căn bản để thúc đẩy và đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý theo yêu cầu của Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ[5].
Luật sư, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp Nguyễn Duy Lãm, nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật phát biểu tại Hội thảo.

Luật sư, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp Nguyễn Duy Lãm, nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đánh giá các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn khi tiếp cận với dịch vụ pháp lý theo cơ chế thị trường. Do đó Nhà nước đã quy định chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với luật sư, tư vấn viên pháp luật và được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí tư vấn. Tuy nhiên có thể do quy định về hỗ trợ doanh nghiệp còn bất cập, rườm rà, gây khó khăn nên doanh nghiệp chưa tìm đến mạng lưới tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần thiết sửa đổi, bổ sung các quy định cho hoạt động của mạng lưới tư vấn viên pháp luật này để bảo đảm hiệu quả, thực chất.

Nhiều đại biểu cũng đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông để không chỉ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cả giới luật sư, tư vấn viên pháp luật biết đến ý nghĩa, mục đích và chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách hỗ trợ chi phí tư vấn cho nhóm doanh nghiệp này, giúp họ tiếp cận với mạng lưới tư vấn viên pháp luật theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Đồng thời có thêm những chính sách nhằm ưu tiên hỗ trợ các doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đổi mới hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số; cần có các biện pháp bảo đảm nguồn kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…. 
Uông Đàm Linh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

[1] Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
[2] Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới
[3] Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới
[4] Bộ Tư pháp có 302 tư vấn viên pháp luật,  Bộ Công thương có 02 tư vấn viên pháp luật
[5] Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới