Quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện công tác phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn

Ngày 17/ 11, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 175/2014/TT-BTC quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện công tác phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.

 

Thông tư này quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện công tác phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn bao gồm rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

Kinh phí thực hiện quy định tại Thông tư này gồm nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn thu hợp pháp khác.

Chi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn khác. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 14 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP ngày 13 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Nội dung chi cho công tác phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn gồm: 1. Chi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn khác; 2. Chi tổ chức hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; 3. Chi tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ y tế, cán bộ công tác xã hội về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; 4. Chi kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; 5. Chi khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn theo quyết định của cấp có thẩm quyền; 6. Chi nghiên cứu khoa học liên quan đến phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đối với sức khỏe; 7. Chi thống kê, đánh giá thực trạng sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn; 8. Chi tạo lập và duy trì hệ thống thu thập và phân tích thông tin, dữ liệu có liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác nhằm cung cấp bằng chứng để xây dựng chính sách, pháp luật; 9. Chi hỗ trợ điều trị cai nghiện, chống tái nghiện đồ uống có cồn; 10. Chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo quốc gia, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Chỉ đạo và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (nếu có) về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015./.