Theo đó, Nghị định này quy định về quản lý hoạt động hợp tác quốc tế của các cơ quan, tổ chức Việt Nam với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế trong công tác xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm về pháp luật trong khuôn khổ chương trình, dự án hoặc viện trợ phi dự án.
Nguyên tắc thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật; Bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực và không trùng lặp; Đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan chủ quản bảo đảm đúng pháp luật, hiệu quả trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong hợp tác quốc tế về pháp luật; Việc xây dựng, phê duyệt, quản lý và thực hiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật phải tuân theo các quy định của Nghị định này, các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi Chính phủ nước ngoài và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Nghị định nêu rõ, khuyến khích các cơ quan, tổ chức vận động ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài phù hợp với quy định pháp luật. Việc vận động ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong hợp tác quốc tế về pháp luật được thực hiện trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp, chiến lược quốc gia về nợ công và nợ nước ngoài; Định hướng thu hút, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và định hướng vận động viện trợ phi Chính phủ nước ngoài; Các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.
Nội dung thẩm định, cho ý kiến đối với văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật bao gồm: Tính hợp hiến, hợp pháp của chương trình, dự án hợp tác pháp luật; sự phù hợp của chương trình, dự án hợp tác pháp luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Tính không trùng lặp với chương trình, dự án hợp tác pháp luật khác; Sự cần thiết, tính khả thi của nội dung hợp tác pháp luật trong chương trình, dự án; Sự phù hợp của mục tiêu, nội dung của chương trình, dự án với chức năng, nhiệm vụ và năng lực thực hiện dự án của cơ quan chủ quản.
Việc trình, phê duyệt văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan chủ quản gửi Bộ Tư pháp quyết định phê duyệt kèm theo văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật đã được phê duyệt.
Trong trường hợp việc sửa đổi, bổ sung văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật không dẫn đến thay đổi Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ thì cơ quan chủ quản có trách nhiệm lấy ý kiến Bộ Tư pháp trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các nội dung thay đổi trong văn kiện chương trình, dự án theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài. Việc sửa đổi, bổ sung văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật dẫn đến thay đổi Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi Chính phủ nước ngoài và Nghị định này.
Chủ chương trình, dự án xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hàng năm theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài. Chủ chương trình, dự án thông qua cơ quan chủ quản có trách nhiệm gửi phần nội dung hợp tác pháp luật trong Kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hàng năm cho Bộ Tư pháp trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày Kế hoạch được phê duyệt để tổng hợp, theo dõi.
Hợp tác xây dựng pháp luật được thực hiện thông qua các hình thức cung cấp chuyên gia, hỗ trợ thông tin và tài liệu, tổ chức khảo sát phục vụ việc xây dựng pháp luật, tổ chức hội nghị, hội thảo về xây dựng pháp luật có sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, viện trợ phi Chính phủ nước ngoài. Việc tổ chức các hội nghị, hội thảo về xây dựng pháp luật được thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Sau khi kết thúc hoạt động, cơ quan chủ quản có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu kết quả đầu ra và thực hiện việc chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật theo quy định.
Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật được thực hiện thông qua các hình thức: Cung cấp chuyên gia tư vấn thực hiện các nghiên cứu liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật; Trao đổi giảng viên và Tổ chức khảo sát kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về pháp luật.
Hồ sơ xin ý kiến tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật bao gồm: Văn bản đề nghị cho ý kiến; Kế hoạch hoặc Đề án tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật theo quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và Các văn bản giải trình khác (nếu có).
Cơ quan chủ quản gửi kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật cho Bộ Tư pháp để tổng hợp, cập nhật vào cơ sở dữ liệu hợp tác quốc tế về pháp luật, đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và chia sẻ thông tin theo một trong các hình thức sau đây: Đăng tải thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức mình; In ấn, phát hành các ấn phẩm về kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật; Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Việc chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ngoài ra, Nghị định quy định, Bộ Tư pháp có trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật, có các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể sau đây: Chủ trì soạn thảo, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về hợp tác quốc tế về pháp luật; Thiết lập và duy trì hoạt động của Nhóm quan hệ đối tác pháp luật; Thẩm định, cho ý kiến đối với dự thảo văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hợp tác quốc tế về pháp luật; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật; chủ trì tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật; Hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật trong phạm vi cả nước và Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2015 và thay thế Nghị định số 78/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật.
Ngọc Mai