Thông tư này quy định chi tiết một số nội dung về Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển; Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đấu thầu; Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài; Thanh tra chuyên ngành trong việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi chính phủ nước ngoài; Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý và hoạt động đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao và các loại hình khu kinh tế khác; Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh; Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Chế độ thông tin, báo cáo thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, đối với nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển, Thông tư quy định như sau:
Thanh tra việc chấp hành các quy định về lập kế hoạch, giao kế hoạch, bố trí vốn đầu tư phát triển, bao gồm: Việc thực hiện quy định về điều kiện giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển; Việc thực hiện quy trình lập, trình, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển; Việc thực hiện quy định về thời hạn giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển.
Thanh tra việc chấp hành các quy định về phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển, bao gồm: Việc thực hiện quy định trong phân bổ, bố trí vốn đầu tư; Việc giải ngân, thanh toán, quyết toán, nợ đọng vốn đầu tư.
Thanh tra việc chấp hành các quy định về quản lý, thực hiện dự án đầu tư, bao gồm: Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, gồm: lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi; lập dự án đầu tư; thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; quyết định đầu tư; chi phí cho công tác lập, thẩm định dự án đầu tư; điều chỉnh dự án đầu tư (nếu có); Việc thực hiện dự án đầu tư, gồm: lập, thẩm định, thẩm tra và phê duyệt thiết kế, dự toán; chi phí cho công tác tư vấn thiết kế, lập dự toán, thẩm tra; công tác ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng; nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư; Việc kết thúc đầu tư, đưa dự án đầu tư vào khai thác sử dụng, gồm: nghiệm thu, bàn giao dự án đầu tư; quản lý, khai thác và sử dụng dự án đầu tư theo mục tiêu đã đề ra; bảo hành, bảo trì và quyết toán vốn đầu tư; Việc thực hiện quy định về giám sát, đánh giá đầu tư.
Về nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đấu thầu:
Thanh tra việc chấp hành các quy định trong lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, bao gồm: Việc thực hiện quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Việc thực hiện quy định về nội dung của kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; Việc thực hiện quy định về điều chỉnh kế hoạch đấu thầu, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có).
Thanh tra việc chấp hành các quy định trong lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm: Việc thực hiện quy định về lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; Việc thực hiện quy định về đánh giá, thẩm định hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà đầu tư; Việc thực hiện quy định về thời gian thực hiện các gói thầu, dự án theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư đã được phê duyệt.
Nội dung thanh tra chuyên ngành trong việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi chính phủ nước ngoài được quy định chi tiết như sau:
Thanh tra việc chấp hành các quy định trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình, dự án sử dụng ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi chính phủ nước ngoài, bao gồm: Việc thực hiện quy định về hình thức quản lý chương trình, dự án; Việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chủ quản trong quản lý thực hiện các chương trình, dự án; Việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của chủ chương trình, dự án trong quản lý thực hiện các chương trình, dự án; Việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn Ban quản lý dự án; Việc triển khai thực hiện chương trình, dự án; Việc kết thúc chương trình, dự án.
Thanh tra việc chấp hành các quy định trong việc giám sát và đánh giá chương trình, dự án; việc thực hiện chế độ báo cáo và cung cấp thông tin đối với chương trình, dự án sử dụng ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi chính phủ nước ngoài, bao gồm: Việc giám sát và đánh giá chương trình, dự án của cơ quan chủ quản; Việc giám sát và đánh giá chương trình, dự án của chủ chương trình, dự án; Việc theo dõi và đánh giá chương trình, dự án của Ban quản lý dự án; Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của cơ quan chủ quản, chủ chương trình, dự án.
Đối với thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh, Thông tư cũng quy định cụ thể các nội dung như sau:
Thanh tra việc chấp hành các quy định về thành lập, đăng ký kinh doanh các loại hình doanh nghiệp, các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và hộ kinh doanh, bao gồm: Đối với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, cấp huyện, gồm: việc thực hiện quy định trong việc tiếp nhận, thụ lý giải quyết hồ sơ đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Chi nhánh/Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và hộ kinh doanh; việc thực hiện quy định về thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận hoạt động của Chi nhánh/Văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; việc thực hiện quy định về sao lưu hồ sơ, tài liệu; việc cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp; việc tổng hợp báo cáo kết quả đăng ký doanh nghiệp; việc kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, Chi nhánh/Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và hộ kinh doanh; việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận hoạt động của Chi nhánh/Văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; công tác giải quyết khiếu nại, kiến nghị, phản ánh liên quan việc thành lập, đăng ký doanh nghiệp, Chi nhánh/Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và hộ kinh doanh; Đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và Chi nhánh/Văn phòng đại diện, gồm: việc kê khai nội dung đăng ký doanh nghiệp, Chi nhánh/Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và hộ kinh doanh; việc thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Chi nhánh/Văn phòng đại diện (nếu có) theo quy định; việc thực hiện quy định về người đăng ký thành lập doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật; việc thuê Giám đốc doanh nghiệp tư nhân.
Thanh tra việc chấp hành các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với các loại hình doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh, bao gồm: Việc thực hiện các quy định về đăng ký trụ sở chính của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh; Việc thực hiện quy định về treo biển hiệu của doanh nghiệp, Chi nhánh/Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và hộ kinh doanh; Việc thực hiện quy định về đăng ký góp vốn của doanh nghiệp, thời hạn góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp; Việc thực hiện quy định về lập và lưu giữ sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông; Việc thực hiện quy định về tạm ngừng kinh doanh.
Thanh tra việc chấp hành các quy định về tổ chức bộ máy, quản lý, điều hành hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, bao gồm: Việc thực hiện chế độ lưu giữ hồ sơ, tài liệu và con dấu tại trụ sở chính của doanh nghiệp; Việc thành lập và hoạt động của Ban kiểm soát (nếu có); Việc thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành họp Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên; Việc bổ nhiệm người giữ các chức danh quản lý, Giám đốc (Tổng Giám đốc) của doanh nghiệp.
Thanh tra việc chấp hành các quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể các loại hình doanh nghiệp, bao gồm: Đối với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, gồm: việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đối với yêu cầu chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể các loại hình doanh nghiệp; việc thu hồi Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể; Đối với doanh nghiệp, gồm: việc thực hiện các trình tự, thủ tục tiến hành giải thể doanh nghiệp; việc thông báo về việc chấm dứt tồn tại đối với doanh nghiệp bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
Thanh tra việc chấp hành các quy định về cung cấp, công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp, bao gồm: Đối với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, cấp huyện, gồm: việc phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin doanh nghiệp quốc gia, Hệ thống thông tin về hộ kinh doanh trên địa bàn; việc cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi có yêu cầu; Đối với doanh nghiệp, gồm: việc thực hiện quy định về cung cấp thông tin nội dung đăng ký kinh doanh cho Phòng đăng ký kinh doanh theo quy định; việc thực hiện các quy định về công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; việc thực hiện các quy định về tạm ngừng kinh doanh, giải thể doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động đối với chi nhánh, Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; việc thực hiện thông báo khi cho thuê doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2015.