Theo đó, Nghị định này quy định về chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh được giao của doanh nghiệp nhà nước. Chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước phải do cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại các Điều 8, Điều 9, Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Nghị định áp dụng đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người đại diện theo ủy quyền tại doanh nghiệp; Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con đầu tư vào doanh nghiệp mà công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp nhà nước.
Theo Nghị định, báo cáo tình hình thực hiện chiến lược gồm có các nội dung chính như: Đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh được giao trong chiến lược; Tiến độ và mức độ thực hiện các giải pháp nêu trong chiến lược bao gồm cả biện pháp tổ chức thực hiện chiến lược; Đánh giá những hạn chế, sai phạm, nguyên nhân của việc không thực hiện hoặc thực hiện không tốt chiến lược; Trách nhiệm của các đối tượng được nêu trên trong việc tổ chức thực hiện chiến lược; Xây dựng giải pháp tiếp theo để hoàn thành mục tiêu trong chiến lược;
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch có nội dung chính như: Tình hình thực hiện các mục tiêu chính của kế hoạch: doanh thu; lợi nhuận; nộp ngân sách; sản lượng sản phẩm chủ yếu (áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất); Tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao: nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công ích; Tình hình thực hiện các ngành, nghề kinh doanh được giao; Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển trong kế hoạch 05 năm và hằng năm; Tình hình thực hiện các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch; Hạn chế, nguyên nhân của việc không thực hiện hoặc thực hiện không tốt kế hoạch; Các giải pháp tiếp theo để hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch hoặc đề xuất bổ sung, điều chỉnh kế hoạch hằng năm so với kế hoạch 5 năm đã được phê duyệt (nếu cần thiết);
Nghị định cũng quy định các nội dung kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp bao gồm: Việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; ngành, nghề kinh doanh trong chiến lược và kế hoạch; Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển trong kế hoạch 05 năm và hằng năm; Tiến độ và mức độ thực hiện các giải pháp nêu trong chiến lược, kế hoạch bao gồm cả biện pháp tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch; Những sai phạm, yếu kém trong thực hiện chiến lược và kế hoạch; Kết quả thực hiện chiến lược và kế hoạch; những hạn chế, nguyên nhân của việc không thực hiện hoặc thực hiện không tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong tổ chức thực hiện chiến lược và kế hoạch (bao gồm trách nhiệm của cơ quan thực hiện chiến lược, kế hoạch và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan); Đánh giá sự phù hợp của chiến lược, kế hoạch so với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành tại thời điểm kiểm tra.
Kiểm tra thông qua báo cáo được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra. Nội dung báo cáo và thời hạn gửi báo cáo phải bảo đảm đúng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra. Cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra xem xét báo cáo, xử lý thông tin, yêu cầu thẩm định thông tin và có kết luận kiểm tra. Thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị báo cáo ít nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra. Trong trường hợp đặc biệt, thời gian cho doanh nghiệp được kiểm tra chuẩn bị báo cáo do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra quyết định.
Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp để tiến hành kiểm tra như sau: Doanh nghiệp thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt được quy định tại Điều 10 Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước (ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ); Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc điều tiết thị trường, đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước; Doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát tình hình thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh, hoặc báo cáo không đầy đủ, không chính xác nội dung theo quy định.
Kiểm tra thông qua thành lập đoàn kiểm tra được ghi vào kế hoạch kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất. Đoàn kiểm tra được thành lập trên cơ sở quyết định của cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra, đồng thời gửi quyết định và nội dung kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra ít nhất là 10 ngày làm việc trước ngày kiểm tra. Trường hợp kiểm tra đột xuất, đoàn kiểm tra phải có trách nhiệm thông báo thời gian, nội dung kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày kiểm tra.
Đoàn kiểm tra hoạt động theo kế hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đoàn kiểm tra có quyền làm việc trực tiếp với đối tượng được kiểm tra; yêu cầu đối tượng được kiểm tra báo cáo và cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm tra. Thời gian hoạt động của đoàn kiểm tra do người ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra.
Ngay sau khi kết thúc kiểm tra, đoàn kiểm tra phải lập báo cáo về kết quả kiểm tra. Thời gian lập báo cáo kết quả kiểm tra tối đa là 10 ngày làm việc. Nội dung báo cáo bao gồm các vấn đề Căn cứ tiến hành kiểm tra; Thời gian, địa điểm kiểm tra; Thành phần đoàn tham gia kiểm tra; Nội dung kiểm tra; Kết quả đạt được và những sai phạm, yếu kém trong thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu và nhiệm vụ được giao; Ý kiến của các cơ quan tham gia kiểm tra và đề xuất của cơ quan chủ trì về xử lý kết quả kiểm tra; Kiến nghị của doanh nghiệp được kiểm tra về việc sửa đổi, bổ sung chiến lược, kế hoạch không phù hợp; Kết luận xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền việc xử lý, khắc phục những sai trái, yếu kém trong thực hiện, cũng như việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ chiến lược, kế hoạch không phù hợp. Dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra phải được gửi lấy ý kiến của các cơ quan tham gia kiểm tra, trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định. Báo cáo kết quả kiểm tra được gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu và nhiệm vụ được giao của các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2015.