Theo đó, có 02 loại dịch vụ trung gian thanh toán như sau: Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử, gồm: Dịch vụ chuyển mạch tài chính; Dịch vụ bù trừ điện tử; Dịch vụ cổng thanh toán điện tử. Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, gồm: Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; Dịch vụ Ví điện tử.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện cấp, thu hồi và cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Tổ chức không phải là ngân hàng được xin cấp Giấy phép thực hiện một hoặc một số dịch vụ trung gian thanh toán quy định tại Thông tư này trên cơ sở đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP và các quy định về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật như sau: Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, tổ chức cung ứng dịch vụ phải được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan; Đối với dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán cho khách hàng có tài khoản tại nhiều ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ phải kết nối với một tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử.
Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải xây dựng và thực hiện quy định nội bộ và tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải tuân thủ các quy định về việc lập, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.
Tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán để đảm bảo cho việc cung ứng các dịch vụ này. Số dư trên tài khoản đảm bảo thanh toán phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số tiền đã nhận của khách hàng mà chưa thực hiện thanh toán cho đơn vị chấp nhận thanh toán (đối với dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ) hoặc tổng số dư của tất cả các Ví điện tử của các khách hàng (đối với dịch vụ Ví điện tử) tại cùng một thời điểm. Tài khoản đảm bảo thanh toán chỉ được sử dụng vào việc thanh toán tiền cho các đơn vị chấp nhận thanh toán và hoàn trả tiền cho khách hàng sử dụng dịch vụ khi có yêu cầu.
Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được phép: Phát hành hơn 01 Ví điện tử cho một tài khoản thanh toán của khách hàng tại một ngân hàng; Cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử. Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải có công cụ để Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát theo thời gian thực tổng số tiền của khách hàng trên các Ví điện tử và tổng số tiền trên tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử tại các ngân hàng.
Tổ chức cung ứng dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử có quyền quy định điều kiện sử dụng dịch vụ; yêu cầu khách hàng cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin có liên quan khi sử dụng dịch vụ và trong quá trình sử dụng dịch vụ; từ chối cung cấp dịch vụ khi khách hàng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để sử dụng dịch vụ, không tuân thủ quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ hoặc vi phạm các thỏa thuận khác; Quy định các biện pháp đảm bảo an toàn cho việc sử dụng dịch vụ; Quy định loại phí và mức phí sử dụng dịch vụ phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; Lựa chọn ngân hàng, các tổ chức khác làm đối tác để ký kết hợp đồng cung ứng, phát triển dịch vụ trên cơ sở đảm bảo an toàn, hiệu quả và phù hợp với nội dung Giấy phép và quy định của pháp luật và các quyền khác theo hợp đồng với ngân hàng, khách hàng và đối tác phù hợp với quy định của pháp luật.
Tổ chức cung ứng dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử có trách nhiệm hướng dẫn khách hàng cách thức sử dụng dịch vụ; Giải quyết hoặc trả lời các khiếu nại, yêu cầu tra soát của khách hàng; Bồi thường thiệt hại cho khách hàng do lỗi kỹ thuật của hệ thống, lỗi để lộ thông tin khách hàng và các lỗi khác của tổ chức cung ứng dịch vụ; Phối hợp với khách hàng thực hiện kiểm tra, đối soát dữ liệu giao dịch hàng ngày; Cung cấp đầy đủ thông tin định kỳ, đột xuất về các giao dịch thông qua hệ thống của tổ chức cung ứng dịch vụ khi có yêu cầu của khách hàng; Công bố các loại phí và mức phí cho khách hàng trước khi khách hàng sử dụng dịch vụ.
Ngân hàng có quyền lựa chọn tổ chức không phải là ngân hàng để hợp tác, thử nghiệm kỹ thuật một hoặc một số dịch vụ trung gian thanh toán; Ký kết hợp đồng sử dụng dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử và/hoặc hợp tác triển khai cung cấp dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Được yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến các giao dịch thanh toán thông qua dịch vụ trung gian thanh toán và các quyền khác theo hợp đồng và các thỏa thuận cung cấp dịch vụ cho tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2015.
Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các tổ chức không phải là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện thí điểm cung ứng một hoặc một số dịch vụ trung gian thanh toán được quy định tại Điều 2 Thông tư này có trách nhiệm hoàn thiện thủ tục và gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 5 Thông tư này đến Ngân hàng Nhà nước để xem xét cấp Giấy phép.
Sau 09 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép các tổ chức không phải là ngân hàng thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán sẽ hết hiệu lực.