Luật “tiếp tay” cho sự kỳ thị
Vấn đề kết hôn của những người đồng tính và việc thực hiện, bảo vệ các quyền con người của họ đã và đang là vấn đề thực tiễn ở Việt Nam. Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, trong thời gian qua, nhiều người đồng tính đã ở tình trạng bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bạo lực gia đình.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) thì kỳ thị với người đồng tính còn phổ biến, đặc biệt là qua lời nói. 95% người đồng tính nam được hỏi cho biết đã từng nghe người khác nói người đồng tính là không bình thường. Khi bị phát hiện, 20% người đồng tính bị mất bạn, 15% bị gia đình chửi mắng hoặc đánh đập. Nghiêm trọng hơn, 4,5% đã từng bị tấn công vì là người đồng tính, 1,5% nói bị đuổi học, 4,1% đã từng bị đuổi ra khỏi chỗ ở và 6,5% bị mất việc vì là người đồng tính.
Trong khi đó, pháp luật Việt Nam nói chung và Luật Hôn nhân và gia đình nói riêng chưa có quy định rõ ràng về bảo vệ quyền của người đồng tính. Khoản 5 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình là “Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú”. Quy định có tính liệt kê ở nguyên tắc này vô hình chung đã loại trừ việc kỳ thị, phân biệt đối xử với con là người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới (LGBT) không thuộc nội dung của nguyên tắc này.
Mặc dù vậy, khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình lại quy định cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính. Trên thực tế, một số cơ quan thi hành pháp luật ở một số địa phương và một bộ phận xã hội đã lấy quy định tại khoản 5 Điều 10 để giải thích cho những ứng xử có tính chất kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến người đồng tính trong hôn nhân và gia đình.
Có biết, nhưng e ngại
Thực tế như thế, nhưng sửa luật ra sao là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi. Một luồng ý kiến cho rằng, quyền con người của người đồng tính phải được nhà nước, xã hội và gia đình tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Do đó, cần nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị đối với nhóm yếu thế này. Những người theo quan điểm này cho rằng quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính cần được bãi bỏ. Tuy nhiên, việc thừa nhận hôn nhân đồng tính ở thời điểm này là chưa phù hợp do tập quán, văn hóa gia đình Việt Nam chưa kịp thích ứng với những thay đổi này. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến người đồng tính và đến xã hội, những người theo phương án này đề nghị Luật bổ sung quy định tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết hậu quả về nhân thân, tài sản và con cái (nếu có) từ việc chung sống giữa những người đồng tính.
Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, cần chấp nhận hôn nhân đồng tính vì đồng tính luyến ái đối với những người bẩm sinh là một nhu cầu thực tế, cũng như bảo đảm quyền con người cơ bản của họ. Việc cấm kết hôn có thể tiếp tục dẫn tới sự kỳ thị, người đồng tính dễ tìm tới những quyết định tiêu cực cho chính bản thân họ, gia đình và xã hội.
Cũng có một luồng quan điểm cho rằng quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định hiện hành.
Để “dung hòa” các luồng quan điểm này, hiện Ban Soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đang đưa ra 3 phương án. Phương án 1: không quy định theo hướng cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành mà quy định theo hướng không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính. Phương án 2: thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính và Phương án 3: Giữ nguyên như quy định hiện hành.
Mặc dù đưa ra 3 phương án nhưng Ban Soạn thảo cũng đưa ra nhiều nhận định nghiêng về phương án 1. Đó là, theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, quan hệ vợ chồng phải thể hiện quan hệ tình cảm giữa hai người nam và nữ (khác giới tính) có mục đích xây dựng gia đình, sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Do đó, rất khó chấp nhận hôn nhân giữa hai người cùng giới tính. Thêm nữa, truyền thống lập pháp về hôn nhân và gia đình từ trước đến nay ở Việt Nam đều coi kết hôn là sự liên kết giữa hai người khác giới nhằm xây dựng gia đình. Cũng theo Ban Soạn thảo, “vấn đề hôn nhân đồng giới là vấn đề nhạy cảm nên phải có sự nghiên cứu đầy đủ, nghiêm túc, cân nhắc mọi khía cạnh, hậu quả phát sinh và đặc biệt phải có lộ trình, bước đi phù hợp”.
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình khẳng định: “hướng đi phù hợp của pháp luật Việt Nam là không cấm và không can thiệp hành chính vào quan hệ chung sống của những người cùng giới tính, đồng thời có quy định về việc giải quyết về hậu quả pháp lý phát sinh từ việc chung sống này”.
Lan Phương
Chưa nước nào ở Châu Á thừa nhận hôn nhân đồng giới Tuyệt đại đa số các nước trên thế giới chưa thừa nhận hôn nhân của hai người đồng giới. Hiện nay, chỉ có hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép kết hôn giữa hai người cùng giới tính. Riêng ở Châu Á, chưa có nước nào thừa nhận hôn nhân đồng giới. |