Cấp dưỡng nuôi con đến tuổi trưởng thành-vấn đề cần xem xét

Trên thực tiễn, có nhiều bản án ly hôn tuyên cấp dưỡng nuôi con đến tuổi trưởng thành.
Xác định thời điểm người được cấp dưỡng khi nào được coi là trưởng thành là một việc vô cùng khó khăn bởi lẽ pháp luật không có thuật ngữ nào giải thích hay quy định tiêu chí xác định trưởng thành.

Có ý kiến cho rằng, người trưởng thành là người có khả năng tự lập về kinh tế, tư tưởng nhận thức v.v...Ý kiến khác đơn giản hơn, người trưởng thành là người từ đủ mười tám tuổi trở lên. Trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng chỉ có khái niệm “Người chưa thành niên” , “Người thành niên” như tại Điều 18 Bộ luật Dân sự 2005: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên.”

Chính vì không xác định được thời điểm coi là người trưởng thành một cách thống nhất nên rất dễ hiểu sai trong áp dụng. Xin đưa ra ví dụ sau: Bản án dân sự sơ thẩm số 17/LHST ngày 12 tháng 8 năm 2001 của Toà án nhân dân thành phố A tuyên: “... Giao cháu Nguyễn Văn B (con chung, sinh ngày 11/6/1988) cho chị Phạm Thị M nuôi. Anh Nguyễn Văn T cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 300.000 đến khi con trưởng thành...”.

Nếu cho rằng B trưởng thành là khi độc lập về kinh tế, tư tưởng v.v... thì không thể xác định chính xác được thời điểm kết thúc, thậm chí không bao giờ kết thúc.

Nếu cho rằng B trưởng thành là khi từ đủ 18 tuổi trở lên thì còn rất nhiều trường hợp phải xem xét.

TH1: B từ đủ 18 tuổi trở lên và có khả năng lao động.

Trong trường hợp này, Nguyễn văn T không phải cấp dưỡng nữa. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 61 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000: “Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động”. Đồng thời cũng phù hợp với Khoản 1, Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000: “Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình...”.

TH 2: B từ đủ 18 tuổi trở lên và không có khả năng lao động.

Căn cứ vào Khoản 1, Điều 61 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 thì thấy Nguyễn Văn T vẫn phải cấp dưỡng. Tuy nhiên, nếu xét trong tổng thể Khoản 1, Điều 92 thì có thể thấy, Nguyễn Văn T được chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng mặc dù B không có khả năng lao động nhưng nếu có tài sản để tự nuôi sống mình (có thể do được thừa kế, được tặng cho, trúng số v.v...). Tuy nhiên, số lượng tài sản đó là bao nhiêu để nuôi sống B đến khi nào? và đến khi B không có tài sản để nuôi sống mình nữa thì Nguyễn Văn T có phải cấp dưỡng lại hay không (???).

TH 3: B chưa đủ 18 tuổi, có thu nhập để tự nuôi sống bản thân.

Trong trường hợp này Nguyễn Văn T có phải cấp dưỡng đến khi B đủ 18 tuổi hay không.

Nếu căn cứ vào Chương VI Cấp dưỡng, Khoản 2, Điều 61 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 thì thấy rằng Nguyễn Văn T được chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng vì rằng: “Người được cấp dưỡng có thu nhập hoặc tài sản để tự nuôi sống mình”. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào Khoản 1, Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 thì người được cấp dưỡng là con chưa thành niên thì lại có hai ý kiến khác nhau:

- Nguyễn Văn T được chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng vì Khoản 1 Điều 92 phải hiểu, nếu người chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi sống mình hoặc người đã thành niên mà bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình thì khi cha mẹ ly hôn sẽ được cấp dưỡng từ người không trực tiếp nuôi dưỡng.

- Nguyễn Văn T vẫn phải cấp dưỡng mặc dù B chưa đủ 18 tuổi nhưng có tài sản để tự nuôi sống bản thân vì cho rằng Khoản 1, Điều 92 chỉ nêu là con chưa thành niên chứ không nêu điều kiện có hay không có tài sản để tự nuôi mình.

Tôi cho rằng, ý kiến thứ nhất là đúng vì mục đích của cấp dưỡng là để giúp đỡ người con sau khi cha mẹ ly hôn nếu người con đó chưa có khả năng nuôi sống bản thân. (“Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác” đoạn cuối Khoản 1, Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000). Nếu người con có khả năng nuôi sống bản thân thì mục đích của cấp dưỡng không cần thiết, do đó pháp luật đã “giải thoát” nghĩa vụ đó cho người phải cấp dưỡng.

TH 4: Nguyễn Văn T không có tài sản để nuôi sống chính bản thân.

Giả sử rằng, B có đủ điều kiện để được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này Nguyễn Văn T có phải cấp dưỡng hay không?

Căn cứ vào quy định tại Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật hôn nhân và Gia đình 2000: “Người có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật Hôn nhân và gia đình là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó.”. Căn cứ vào quy định đó có thể thấy rằng Nguyễn Văn T là người không có thu nhập thường xuyên cũng như không có tài sản. Do đó, trường hợp này Nguyễn Văn T sẽ được chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định: “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” (Điều 61. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng- Luật Hôn nhân và Gia đình 2000).

TH5: B từ chối cấp dưỡng.

Giả sử rằng, B là người có đủ điều kiện để được cấp dưỡng, nhưng B tự nguyện thoả thuận với Nguyễn Văn T từ chối không nhận cấp dưỡng. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn T có được “giải thoát” nghĩa vụ cấp dưỡng?

Có ý kiến cho rằng nếu B là người không có năng lực hành vi dân sự (chưa đủ 6 tuổi) thì phải áp dụng quy định: “Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện” (Điều 21 Bộ luật dân sự 2005). Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này vì ý chí của B trong trường hợp này không thể thể hiện ý chí thực. Mặt khác, việc vẫn buộc Nguyễn Văn T cấp dướng không trái với quy định tại Điều 17. Thoả thuận về việc cấp dưỡng quy định tại Nghị định 70/2001/NĐ-CP.

Có ý kiến cho rằng, nếu B từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì phải áp dụng quy định :

1. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” (Điều 20 Bộ luật dân sự 2005)

Và quy định: “Người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thoả thuận với nhau về việc cấp dưỡng. Thỏa thuận về việc cấp dưỡng có thể bằng miệng hoặc lập thành văn bản, nêu rõ ngày người có nghĩa vụ cấp dưỡng bắt đầu thực hiện nghĩa vụ, mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, các thỏa thuận khác về việc thay đổi mức hoặc phương thức cấp dưỡng.” (Điều 17. Thoả thuận về việc cấp dưỡng- Nghị định 70/2001/NĐ-CP).

Đây là một trường hợp thật phức tạp, nếu coi cấp dưỡng không là một giao dịch thì rõ ràng B và Nguyễn Văn T có thể thoả thuận; Nếu coi cấp dưỡng là một giao dịch thì rõ ràng B và Nguyễn Văn T phải tuân thủ quy định tại Điều 20 Bộ luật dân sự.

Theo tôi, trong mọi trường hợp thoả thuận, Nguyễn Văn T cũng không được giải thoát nghĩa vụ cấp dưỡng vì:

-Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác” (Đoạn cuối Khoản 1, Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000).

- Việc thoả thuận về cấp dưỡng cũng chỉ liên quan đến các vấn đề: ngày người có nghĩa vụ cấp dưỡng bắt đầu thực hiện nghĩa vụ; mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;  các thỏa thuận khác về việc thay đổi mức hoặc phương thức cấp dưỡng. (Xem Điều 17 Nghị định 70/2001/NĐ-CP).

Tóm lại, mặc dù Toà án tuyên Nguyễn Văn T phải cấp dưỡng đến tuổi trưởng thành thì điều đó không có nghĩa là Nguyễn Văn T phải cấp dưỡng đến khi B có kinh tế độc lập hoặc đến khi B là người thành niên. Nghĩa vụ cấp dưỡng có thể kéo dài hoặc chấm dứt trước khi B 18 tuổi.

Trên đây là một số quan điểm của tôi. Kính mong các đồng nghiệp quan tâm trao đổi.

                                                   Luật sư: Vũ Hồng Hiệp