Mô hình nào cho việc xây dựng Bộ luật Xử lý vi phạm hành chính

Nhằm xây dựng một bộ luật Xử lý vi phạm hành chính trong tương lai, mới đây Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng mô hình Bộ luật Xử lý vi phạm hành chính”, cuộc tọa đàm mang tính chất “mở màn”, trong đó có rất nhiều các vấn đề trọng tâm đã được đưa ra bàn thảo.

Người Việt Nam thực hiện VPHC ở nước ngoài có thể bị xử phạt!

Trong bất cứ văn bản pháp luật nào thì vấn đề mấu chốt mang tính quyết định là đối tượng, phạm vi điều chỉnh. Bộ luật XLVPHC cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đây cũng là vấn đề thu hút nhiều nhất ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này trong cuộc tọa đàm nói trên do Bộ Tư pháp tổ chức.

Theo thuyết trình của Ban chủ nhiệm đề tài, đối tượng điều chỉnh của Bộ luật XLVPHC được thiết kế theo hướng xử phạt VPHC được áp dụng đối với công dân Việt Nam, người nước ngoài ở Việt Nam và một điểm rất mới đó là áp dụng cả cho những người Việt Nam ở nước ngoài nhưng vi phạm pháp luật Việt Nam (thí dụ những người đi xuất khẩu lao động rồi bỏ trốn, hoặc ở lại bất hợp pháp... Pháp lệnh XLVPHC hiện hành không xử lý được vì chưa có quy định điều chỉnh). Một số chuyên gia pháp luật đồng ý với quan điểm này vì cho rằng để bảo đảm tính công bằng của pháp luật thì mọi vi phạm đều phải bị xử lý.

Tuy nhiên, theo TS. Đặng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an thì không nên đặt vấn đề xử lý người Việt Nam vi phạm ở nước ngoài, mà nên theo luật của nước sở tại. Ông Đặng Anh lập luận nếu xử phạt thì ai sẽ là người xử phạt, phải chăng là sứ quán? Nhưng sứ quán thì không đủ con người cũng như thời gian để làm việc này. Hơn nữa nhiều nơi sứ quán đặt theo khu vực, 4-5 nước mới có sứ quán, chả lẽ di chuyển từ nơi này sang nơi khác để xử phạt?

Không cùng quan điểm với ông Đặng Anh, TS. Trần Văn Trung - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kiểm sát - VKSNDTC cho rằng nên xử phạt cả đối tượng là công dân nước ngoài tại Việt Nam và công dân Việt Nam ở nước ngoài, vì hành vi đó là do các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam xử phạt chứ không phải do Đại sứ quán. Tòa án hiện nay còn được phép xử vắng mặt thì xử phạt hành chính cũng có thể xử phạt khi không có mặt người vi phạm. Còn việc họ không chấp hành mà phải thực hiện cưỡng chế lại là việc khác, kể cả trường hợp cố tình không chấp hành thì phải xem xét trách nhiệm hình sự. Một ý kiến khác nêu vấn đề nếu xử phạt người Việt Nam ở nước ngoài thì thực hiện việc tống đạt quyết định xử phạt ra sao? Nếu quy định như vậy thì có  khả thi hay không? Cái gì mà không thực hiện được thì không nên đưa vào luật.

Bộ luật chỉ quy định về trình tự, thủ tục?

Giống như lĩnh vực hình sự có BLHS và BLTTHS (luật nội dung và luật hình thức), Bộ luật XLVPHC có nên xây dựng theo mô hình tương tự như vậy hay không? PGS.TS Bùi Xuân Đức - Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, Bộ luật phải quy định tất cả các vấn đề liên quan đến xử phạt VPHC từ việc quy định cấu thành VPHC, hệ thống chế tài, các nguyên tắc xử phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm đến việc quy định các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với các hành vi đó trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng, Bộ luật nên có hai phần, phần chung và phần cụ thể các vi phạm (nhưng không quy định theo hướng liệt kê vì nếu liệt kê phải có hàng nghìn, và thực tế liên tục phát sinh những hành vi mới mà nên quy định theo nhóm hành vi và định cho nó một cái khung, Chính phủ sẽ quy định chi tiết.

Vấn đề này, TS.Trần Văn Trung lại có quan điểm khác: Bộ luật chỉ nên quy định về trình tự thủ tục, còn hành vi để Chính phủ quy định chi tiết. Nếu quy định theo nhóm hành vi thì cũng không thể bao quát hết và sau đó lại phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành... Nên quy định hai loại thủ tục cho các loại hành vi khác nhau (tạm hiểu loại đơn giản và phức tạp. Thí dụ hành vi trộm cắp dưới 500 nghìn, kinh doanh trái phép, trốn thuế... khi giải quyết phải có hồ sơ, trình tự, thậm chí phải tranh tụng đòi hỏi loại thủ tục chặt chẽ. Còn hành vi như vứt rác ra đường thì phạt ngay mà không cần đến các trình tự như loại thứ nhất).

Không nên phân chia các hình thức xử phạt!

Pháp lệnh XLVPHC hiện hành về hình thức xử phạt VPHC phân chia thành hình phạt chính, hình phạt bổ sung, và biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, đối với mỗi hành vi VPHC thì phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền), tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung. Theo ông Nguyễn Quốc Việt thì không nên đặt ra như vậy. Như trường hợp bắt được "cửu vạn" chở hàng lậu qua biên giới, cứ theo quy định hiện hành thì phải phạt tiền trước rồi mới tịch thu hàng mà lẽ ra là nên tịch thu luôn (áp dụng hình phạt bổ sung). Như vậy các cơ quan có thẩm quyền xử phạt tự nhiên làm khó cho mình. Nên quy định theo hướng được quyền lựa chọn mà không phân biệt hình phạt chính hay phạt bổ sung. Ý kiến của ông Việt cũng được nhiều đại biểu nhất trí.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn: Có được áp dụng nhiều hình thức xử phạt cho một hành vi vi phạm không? Nếu một hành vi chỉ được áp dụng một hình phạt chính thì có được đưa hình phạt bổ sung lên thành hình phạt chính?

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Thương mại nêu ý kiến: nên chia thành hai loại là các biện pháp xử phạt (chính, bổ sung) và các biện pháp hành chính khác. Cũng theo ông này, khái niệm "tang vật được sử dụng để VPHC" hiện chưa rõ ràng. Sản xuất ra một mặt hàng nhái, bị phát hiện thì tang vật bị tịch thu là riêng lô hàng đó hay cả dây chuyền sản xuất, nguyên liệu, nhãn mác? Không có hướng dẫn nên mỗi nơi hiểu và áp dụng một kiểu...

Theo Báo Pháp luật Việt Nam