Người cao tuổi, người già cô đơn và vấn đề trợ giúp pháp lý cho đối tượng này ở Việt Nam

Hiện nay ở Việt Nam, theo quy định chung người cao tuổi là những người từ 60 tuổi trở lên. Pháp lệnh về người cao tuổi của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 28/04/2000 quy định: Người cao tuổi theo quy định của Pháp lệnh này là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 60 tuổi trở lên.

Theo thống kê, hiện cả nước có 7,5 triệu người cao tuổi, trong đó khoảng 200 nghìn người già cô đơn, 500 nghìn người từ 85 tuổi trở lên, trên 3,2 triệu hộ nghèo. Trong số các đối tượng này có khoảng 1,3 triệu đối tượng hưởng chính sách bảo trợ của nhà nước, cộng thêm hàng năm có khoảng 1 triệu người cần cứu trợ đột xuất do thiên tai, 27 nghìn đối tượng đang được nuôi dưỡng tại 317 cơ sở bảo trợ xã hội và hàng trăm mái ấm tình thương có chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.

Người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay, đa số là lớp người đã trải 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là lớp người có nhiều cống hiến cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, tuy nhiên, họ sống qua thời kỳ cơ chế từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa... nên có nhiều tác động đến tâm tư, tình cảm của người cao tuổi từ vật chất đến tinh thần, do vậy nhà nước đã có các chính sách nhằm quan tâm, chăm sóc người cao tuổi một cách chu đáo, họ cần phải được tôn trọng không những trong gia đình mà cả ngoài xã hội. Thái độ ứng xử đối với người cao tuổi là vấn đề phải đặt lên hàng đầu trong giao tiếp. Người cao tuổi thường rất nhạy cảm trước mỗi hành vi xã hội có liên quan đến đời sống tinh thần cũng như các quyền lợi hợp pháp được pháp luật bảo vệ.

Về phương diện xã hội: Cùng với sự phát triển của cơ chế thị trường đã có những ưu điểm nhất định thì bên cạnh đó cũng còn tồn tại những mặt trái của cơ chế này, do vậy phải làm sao xây dựng một môi trường xã hội mà trong đó người cao tuổi nói chung và người già cô đơn nói riêng được tôn trọng, được quan tâm về mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp khác. Đó chính là biểu hiện tích cực của chủ nghĩa nhân văn mà mọi thành viên trong xã hội cần nhận thức rõ trong khi thực hiện các giải pháp đối với người cao tuổi.

Về phương diện chính sách - pháp luật: cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho người cao tuổi có thể tiếp tục phát huy những kinh nghiệm sống đã được tích luỹ suốt mấy chục năm trước, góp phần xây dựng xã hội mới. Tuy nhiên, về pháp luật chúng ta cũng phải đặc biệt quan tâm đến những người cao tuổi khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại, chưa được bảo vệ.

Đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới với xu thế hội nhập mới, nhưng bên cạnh những thành tựu của sự nghiệp đổi mới thì nguy cơ một số giá trị đạo lý, truyền thống có xu hướng bị lãng quên hoặc thiếu sự quan tâm. Một số người bị tha hoá, biến chất, chạy theo những cám dỗ của đồng tiền mà coi nhẹ giá trị đạo lý truyền thống cha ông. Lớp người cao tuổi là lớp người tuy sức khoẻ đã giảm sút nhưng tinh thần giữ gìn truyền thống đạo lý đó rất kiên trì, mạnh mẽ. Người cao tuổi coi truyền thống đạo lý dân tộc là sự kết tinh những tinh hoa trong đời sống văn hoá - đạo đức, tinh thần của dân tộc cần phải bảo vệ, phát huy và truyền lại cho thế hệ trẻ. Để có cơ sở nghiên cứu sâu về thực trạng người cao tuổi trên cơ sở các nhu cầu về trợ giúp pháp lý, chúng ta cần tập trung nghiên cứu một số nội dung sau:

Người cao tuổi ở khu vực nông thôn 

Đời sống người cao tuổi ở khu vực này khép kín trong các cộng đồng, làng, xã và có những đặc thù riêng trong điều kiện kinh tế nhất định và với những mức độ khác nhau nhưng tựu chung vẫn trong tình trạng lạc hậu. Có nhiều gia đình sống chung hai, ba thế hệ khá phổ biến và người già ở nông thôn vẫn giữ vai trò rất quan trọng.

Trong nhiều thập kỷ qua, với những khó khăn lớn do hậu quả của chiến tranh kéo dài và một nền kinh tế lạc hậu, tự cung, tự cấp, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách xã hội để bảo đảm đời sống vật chất của người cao tuổi và đối tượng người nghỉ hưu. Ở nông thôn, chế độ trợ cấp bằng lương thực đã đáp ứng cơ bản điều kiện sống cho người già, cùng với nó là những bảo đảm về y tế và xã hội khác cho dù còn hạn hẹp nhưng đã làm cho người cao tuổi cảm thấy mình đang sống một cách hữu ích cho cháu con và cộng đồng. Họ tỏ ra yên tâm khi đời sống được dần dần cải thiện, nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi sự ràng buộc về kinh tế đối với con cháu khi tuổi thọ của họ ngày một cao và sức lực ngày một giảm sút.

Đối với những người cao tuổi được hưởng chính sách xã hội (gia đình thương binh, liệt sỹ, có công với cách mạng) thì sự bất hợp lý trong việc điều chỉnh chế độ xã hội với việc giá cả tăng cao như hiện nay thì những khoản trợ cấp của họ thật bé nhỏ.

Người cao tuổi ở khu vực nông thôn rất cần gìn giữ gia phong trong quan hệ gia đình, làng, xã và coi đó là chuẩn mực của lối sống có văn hoá nhưng trên thực tế, nhiều gia đình, làng, xã, người cao tuổi vẫn chưa được đối xử công bằng, họ bị thúc ép làm những việc ngoài ý muốn do con cháu có tranh chấp về ruộng vườn, nhà cửa như vấn đề tranh chấp đất đai, chia thừa kế, vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng dân sự, kinh tế - lao động…

Người cao tuổi ở khu vực thành thị

Đa số người cao tuổi vẫn phải tự phục vụ mình cũng do lối sống công nghiệp, theo cơ chế thị trường, trong khi đa phần họ cũng có nhiều con cháu, nhưng do phân công lao động xã hội, con cháu của họ mỗi người có trách nhiệm, vị thế nhất định của mình trong xã hội như làm việc tại các công sở, cơ quan nhà nước, các cháu đang trong độ tuổi đi học nên phải đến trường. Do vậy, vị thế của người cao tuổi là lực lượng quan trọng để hội tụ con cháu xung quanh họ, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trong những thập niên gần đây cho thấy tỷ lệ người già ở khu vực thành thị ngày càng tăng, đang trở thành một vấn đề nan giải trong khi việc đô thị hoá lại diễn ra hết sức nhanh chóng. Cư dân ở nông thôn rời bỏ ruộng vườn ra thành phố kiếm sống tại các thành phố lớn lại rất đông, chưa thể kiểm soát được (trong đó có cả nhóm người già, người cao tuổi).

So với nhóm người cao tuổi sống ở nông thôn, người cao tuổi sinh sống tại các đô thị, thành phố lớn, họ có cuộc sống vật chất khá đầy đủ về các nhu cầu như: ăn, mặc, ở, đi lại cùng các phương tiện thông tin giải trí khác. Qua số liệu khảo sát tại một số thành phố cho thấy, tỷ lệ 70%  người cao tuổi ở thành thị sống trong các khu tập thể, khu trung cư, 30% là sống ở các khu phố trên địa bàn thành phố.

Cùng với sự phát triển của cơ chế mới, tốc độ phát triển nhanh của các khu đô thị trong thời gian gần đây cho thấy những phức tạp của tình hình xã hội, người cao tuổi sinh sống tại các đô thị cũng hình thành một lối sống khác biệt với những đặc trưng như: Đa số người cao tuổi là nhàn rỗi, thừa thông tin, quan hệ láng giềng không gắn bó mật thiết như người già ở khu vực nông thôn. Vì vậy, nhiều người cao tuổi ở nông thôn khi lên thành phố sống với con cháu phần lớn họ không thích nghi với điều kiện sống ở khu vực thành thị, nhiều người trong số họ phải bỏ về quê hương, mặc dù biết rằng chính quê hương mình còn đang thực sự khó khăn.

Đối tượng người cao tuổi là cán bộ, công nhân viên chức ở khu vực này chiếm trên 60%. Sinh hoạt của họ chủ yếu tại các Tổ hưu trí, các Câu lạc bộ dành cho người cao tuổi và Hội người cao tuổi ở xã, phường. Tỷ lệ người già, người cao tuổi phải sống cuộc sống lang thang, không nơi nương tựa chiếm tỷ lệ tương đối cao 13,5%.[1]

Qua khảo sát Trung tâm nuôi dưỡng tại một số thành phố thì số lượng người già là người cao tuổi đến xin được vào các trung tâm ngày một tăng[2], mặc dù trong số họ nhiều người có gia đình, có lương hưu nhưng do bị người thân, con cháu ngược đãi, quyền và lợi ích của họ bị xâm hại nên họ muốn thoát khỏi sự bế tắc bằng cách tìm đến các Trung tâm nuôi dưỡng để mong được sự giúp đỡ từ chính cộng đồng, xã hội.

Thực trạng người cao tuổi ở nước ta hiện nay có khoảng 9 triệu người, chiếm 12% dân số. Thực tế điều tra xã hội học cho thấy người cao tuổi đạt mức 70 tuổi trở lên cao gấp đôi số người dưới 70 tuổi. Do một bộ phận người già còn mù chữ, không biết đọc, biết viết, số người cao tuổi có học vấn cao tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị (70% người già còn phải lao động kiếm sống, trong đó 38% vẫn đóng vai trò chính trong gia đình ở cả khu vực nông thôn và thành thị).

Từ thực trạng trên cho thấy người cao tuổi ở nước ta trong những năm gần đây phát triển ngày càng tăng, trung bình mỗi năm tăng khoảng 5%, chính vì vậy Đảng và Nhà nước ta thực sự quan tâm đến đối tượng này và ngày 28/04/2000 Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về người cao tuổi. Đây là văn bản pháp lý có hiệu lực cao để điều chỉnh toàn diện vấn đề người cao tuổi ở nước ta, bên cạnh đó để điều chỉnh một cách cụ thể các chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/03/2002 Quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh người cao tuổi.

Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp qua 15 năm hình thành và phát triển đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong đời sống xã hội là giúp đỡ pháp luật miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách trong đó có nhóm người cao tuổi khi họ gặp vướng mắc về pháp luật cần được sự trợ giúp từ phía các cơ quan Nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Một số vướng mắc pháp lý mà người cao tuổi thường gặp phải

Với kinh nghiệm trong công tác tiếp dân mà Cục Trợ giúp pháp lý đã trực tiếp giải quyết cho thấy số người cao tuổi có khó khăn, vướng mắc về pháp luật tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực sau:

- Vướng mắc trong lĩnh vực pháp luật dân sự: Cho mượn nhà ở, tranh chấp đất đai, thừa kế…;

- Vướng mắc về chế độ chính sách: Do trình độ hiểu biết còn hạn chế, người cao tuổi không biết được các quy định của Nhà nước đối với họ để được hưởng. Mặt khác, một số cơ quan Nhà nước có nơi việc giải quyết các chế độ chính sách còn chưa đúng hoặc chưa thoả đáng đã phần nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi mà họ đáng lẽ được hưởng;

- Vướng mắc với gia đình, con cháu: Theo đạo lý, khi tuổi cao, sức yếu, người cao tuổi phải được con cái chăm sóc, tạo điều kiện tinh thần để ông bà, cha mẹ có thể yên tâm hưởng tuổi già nhưng thực tế cuộc sống do người cao tuổi đa phần sức khoẻ giảm sút nhưng lại chưa thực sự nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ phía người thân, thậm chí có cụ bị đối xử ngược đãi, từ đó làm phát sinh tranh chấp ngay chính trong gia đình họ.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay đã làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực: đạo đức, lối sống bị sói mòn, phân hoá giàu nghèo càng trở nên sâu sắc. Người cao tuổi cũng một phần chịu ảnh hưởng bởi mặt trái của cơ chế thị trường như quan hệ đạo đức bị xuống cấp, các biểu hiện về thuần phong mỹ tục ở khu vực thành thị có phần giảm sút, cộng với những khó khăn về vật chất cũng như sinh hoạt thường nhật khiến cho một bộ phận người cao tuổi có tâm lý không thoải mái trước xu thế phát triển của xã hội.

Xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong xu thế hội nhập, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội cần có cơ chế để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng người cao tuổi khi họ gặp vướng mắc, thực hiện chức năng tư vấn, đại diện, bào chữa, kết hợp với việc tuyên truyền, hướng dẫn về pháp luật để người cao tuổi hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình.

Một số giải pháp xây dựng Chương trình trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi  ở Việt Nam.

Xuất phát từ quan điểm người cao tuổi là lớp người có nhiều công lao, cống hiến cho xã hội, họ là lớp người đi trước, được lịch sử tôn vinh qua các cuộc kháng chiến của dân tộc. Nhận thức được tầm quan trọng này trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, pháp luật và các giải pháp liên quan đến người cao tuổi.

Giải pháp về kinh tế - xã hội

Với vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, Nhà nước đã tạo tiền đề cho nền kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao dân chí, tạo tiền đề về cơ sở vật chất cho sự phồn vinh của đất nước, giúp cho người cao tuổi có điều kiện tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật và các tinh hoa văn hoá của dân tộc mà chúng ta đã dày công vun đắp. Thực hiện tốt bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội, động viên toàn thể xã hội trong đó có lớp người cao tuổi bằng sức lực và trí sáng tạo của mình, động viên con cháu thực hiện tốt nghĩa vụ công dân và làm tròn trách nhiệm đối gia đình và xã hội.

Giải pháp về Tổ chức  

Bảo đảm tạo tiền đề cho việc thực hiện các chính sách xã hội, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giúp người cao tuổi có thể vượt qua những khó khăn về vật chất, tinh thần và các chế độ đãi ngộ của Nhà nước thông qua các dịch vụ công, không thu phí.

Tiến tới thực hiện xã hội hoá công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giúp đỡ người cao tuổi. Đặc biệt, chú ý một số giải pháp như nâng cao hiệu quả của các Trung tâm bảo trợ xã hội trong cả nước, mở rộng và trang bị các điều kiện cần thiết cho các Trung tâm này ở cả Trung ương và địa phương có đông người cao tuổi. Tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ phải biết quan tâm, kính trọng đến lớp người cao tuổi, đặc biệt người cao tuổi thuộc diện người có công với cách mạng được Nhà nước tôn vinh.

Giải pháp về pháp luật

Bảo đảm tạo môi trường pháp lý để các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân có trách nhiệm giúp đỡ người cao tuổi. Hạn chế các hành vi đối xử ngược đãi của con cái đối với cha mẹ, các hành vi vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp đối với người cao tuổi phải được xử lý theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan thực hiện pháp luật cần có các quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội người cao tuổi ở Trung ương và địa phương để giúp đỡ về pháp lý cho người cao tuổi, bảo đảm cho họ có thể dễ dàng tiếp cận với các thể chế pháp lý, kinh tế…. Đặc biệt quan tâm đến đối tượng người cao tuổi là đối tượng được hưởng sự trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước theo văn bản pháp luật hiện hành.

Đối với các cơ quan Nhà nước cần có các chính sách động viên, khuyến khích các Tổ chức xã hội, Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội người cao tuổi, các Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng người cao tuổi khi họ có vướng mắc về pháp luật, cần được sự trợ giúp của các cơ quan Nhà nước để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khi họ bị xâm hại.

Một số biện pháp trợ giúp pháp lý của các Tổ chức trợ giúp pháp lý

Với sự ra đời của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, để hoạt động trợ giúp pháp lý thực sự đi vào cuộc sống, thông qua các vụ việc trợ giúp pháp lý trực tiếp như tư vấn pháp luật, đại diện, bào chữa cho đối tượng, kiến nghị đã giúp hướng dẫn các quy định cụ thể của pháp luật liên quan đến người cao tuổi, người già cô đơn không nơi nương tựa như: chế độ chính sách đối với người cao tuổi có công với cách mạng, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, việc vay vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình cũng như các vướng mắc pháp luật về các lĩnh vực pháp luật cụ thể. Đây là điều kiện để giúp người cao tuổi, người già cô đơn không nơi nương tựa có cơ hội được tham gia, được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, thông qua các dịch vụ công như:

- Hỗ trợ người cao tuổi được sử dụng hình thức trợ giúp pháp lý ưu tiên (trợ giúp pháp lý lưu động có thể tận nhà, nơi cư trú của người cao tuổi để trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu), hoặc đến các Trung tâm bảo trợ xã hội của Nhà nước nơi người cao tuổi, người già cô đơn đang sinh sống để thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí;

- Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người cao tuổi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức xã hội, Hội người cao tuổi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi hiểu được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trên cơ sở đó để họ tự mình bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp này;

- Các Tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước cũng như của các cấp Hội, giúp người cao tuổi trong việc giải đáp pháp luật, những vướng mắc mà họ đưa ra (có thể đến tận nhà hướng dẫn theo yêu cầu hoặc đến các Trung tâm bảo trợ xã hội tư vấn pháp lý).

Giải đáp những thủ tục cần thiết, giới thiệu đối tượng đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết công việc. Đại diện hoặc tham gia các hoạt động thương lượng, hoà giải (nếu họ yêu cầu).

Kiến nghị hoặc đề xuất với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng trước Toà án khi người cao tuổi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với Hội người cao tuổi trong việc trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi. Phát huy đội ngũ cộng tác viên từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt đối với những cộng tác viên có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực pháp luật để thực hiện việc tư vấn, đại diện, bào chữa đối với các vụ liên quan đến người cao tuổi, người già cô đơn.

Cùng với sự phát triển của xã hội, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì việc quan tâm đến người cao tuổi, ngươig già cô đơn là một yêu cầu tất yếu và là chức năng xã hội của bất kỳ một Nhà nước nào. Do vậy, ngoài việc được Nhà nước chăm sóc, nuôi dưỡng, người cao tuổi phải được đưa vào chương trình trợ giúp pháp lý, tạo cho họ hoà nhập với cộng đồng, giảm bớt khó khăn, đem lại cho họ niềm vui, niềm hạnh phúc trong những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Tổ chức thực hiện và kiến nghị

Các tổ chức trợ giúp pháp lý cần tổ chức các cuộc toạ đàm, hội thảo về trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi, có sự phối hợp của các ban, ngành có liên quan (Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội người cao tuổi Việt Nam, các luật sư, luật gia…) để bàn các phương hướng, giải pháp triển khai trợ giúp pháp lý cho đối tượng này.

Các cơ quan, ban ngành hữu quan cần nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng một số chế định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người cao tuổi, bảo đảm cho người cao tuổi được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí khi họ có vướng mắc về pháp luật. Trước mắt là bổ sung người cao tuổi là đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý của Nhà nước.

Để phát huy thế mạnh của công tác trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, theo chúng tôi cần tập trung làm rõ một số nội dung sau:

- Nâng cao nhận thức về sự cần thiết của hoạt động trợ giúp pháp lý và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người cao tuổi.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi, mở rộng các hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở để đáp ứng tại chỗ và kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý của người cao tuổi. Trước mắt chọn một số Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi, sau đó từng bước rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn quốc. Kết hợp lồng ghép các hoạt động trợ giúp pháp lý với các chương trình hoạt động, phong trào của người cao tuổi như: chương trình sống khoẻ, sống có ích; xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc…

- Khẳng định hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, cần tiếp tục khuyến khích các tổ chức chính trị- xã hội, Hội người cao tuổi…thành lập các văn phòng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi. Đối với những văn phòng, trung tâm đã được thành lập cần có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của các cơ quan chức năng.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về trợ giúp pháp lý, chú trọng đến đối tượng là người cao tuổi, người già cô đơn đặc biệt là người cao tuổi ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để họ biết và tiếp cận với các tổ chức trợ giúp pháp lý khi họ có nhu cầu.

- Trang bị kỹ năng tiếp xúc, làm việc với người cao tuổi, người già cô đơn, nâng cao hiểu biết về đặc điểm tâm lý cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý.

- Biên soạn, phát hành tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật dưới dạng tờ gấp, sách bỏ túi, cẩm nang pháp luật… để phát miễn phí cho người cao tuổi, đồng thời xuất bản các tài liệu cung cấp kiến thức pháp luật, trang bị kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý như sổ tay tuyên truyền viên, sổ tay trợ giúp pháp lý …

- Đầu tư thích hợp về thời gian, kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, nắm bắt nhu cầu trợ giúp pháp lý của người cao tuổi để từ đó tìm ra các biện pháp và cách thức giúp hiệu quả, cải thiện địa vị của người cao tuổi, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để thúc đẩy hoạt động trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi.

 Nhà nước đứng ra tổ chức, hỗ trợ các tổ chức xã hội thành lập các Trung tâm trợ giúp pháp lý để hỗ trợ về pháp lý cho người cao tuổi.

Nhà nước cần có cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người cao tuổi hiểu được chính sách pháp luật của Nhà nước đối với mình và giáo dục thế hệ trẻ có trách nhiệm đối với người cao tuổi trong xã hội nói chung và cha mẹ nói riêng. Mọi hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật./.


[1] Theo Chuyên đề về đời sống tinh thần của người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn về đời sống tinh thần người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay

[2] Theo Tạp chí Dân số & Phát triển (số 5/2006), website Tổng cục Dân số & KHHGĐ. Theo khảo sát do Tổng cục Dân số & KHHGĐ tiến hành vào năm 2006