Đặt vấn đề
Trong bối cảnh đất nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thuật ngữ “công lý” đã được ghi nhận tại nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Để có nhận thức đầy đủ hơn về những giá trị cơ bản của công lý trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bài viết này sẽ tập trung hệ thống, phân tích và làm rõ hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý. Theo đó, công lý được khẳng định là một bộ phận quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân.[1]
1. Tư tưởng về công lý trong nền văn minh nhân loại
Từ buổi bình minh của văn minh nhân loại, công lý đã xuất hiện như một khát vọng cháy bỏng về tự do, công bằng, chính nghĩa, lẽ phải, lòng nhân ái và những phẩm hạnh cao quý trong mỗi con người, mỗi xã hội. Ước nguyện về những giá trị công lý chân chính trong giai đoạn này được khắc họa rõ nét tại nhiều tác phẩm nổi tiếng thời cổ đại. Bộ luật Hammurabi, bộ luật thành văn cổ xưa nhất của nhân loại (ra đời khoảng từ 1792 - 1750 TCN) đã coi công lý và chính nghĩa là cơ sở của nền cai trị nhân từ, công bằng nhằm đem lại sự thái bình và hạnh phúc chân chính cho người dân.[2] Thần thoại Hy Lạp (ra đời khoảng từ 2000 - 1100 TCN) đã khắc họa hình ảnh nữ thần công lý Thésmis một tay cầm cân, một tay cầm thanh kiếm, mắt bịt một băng vải để chứng tỏ sự vô tư, không thiên vị, đem lại sự ổn định và phát triển hài hòa của thế gian[3]. Trong Sáng thế ký của Kinh Thánh (khoảng từ 1400-400 TCN), câu chuyện Vườn địa đàng không chỉ thuần tuý là câu chuyện tôn giáo, mà còn là sự khởi đầu cho một tư duy pháp lý mang tính chất tiên nghiệm có ý nghĩa khoa học và nhân văn sâu sắc. Đó chính là nguyên tắc, là nghĩa vụ phải hành động một cách công bằng, công chính, dù người đó là bất cứ ai, từ Thiên chúa hay là mỗi con người bình thường trong xã hội.[4] Công lý còn hóa thân trong vở kịch Antigone của kịch gia Sophocle (496-406 TCN), vở kịch được xếp hàng đầu, xưa nhất, đặc sắc nhất sân khấu Hy Lạp và thế giới với hình tượng bất hạnh của nàng Antigone vì tình thương, lẽ phải và đạo lý đã chống lại đạo luật cường quyền của vua Creon khi mệnh lệnh đó không vang vọng những giá trị cao cả, bất diệt của lương tri, đạo lý và công lý.[5]
Các tư tưởng về công lý được tiếp tục phát triển bởi các nhà nghiên cứu nổi tiếng như Plato, Aristotle, Cicero, David Hume, J.S. Mill, John Ralws, Robert Nozick, F.A.von Hayek, Karl Marx, Steven Lukes… Về cơ bản, các nghiên cứu cho rằng công lý bắt nguồn từ nhu cầu về trật tự xã hội, một xã hội ổn định, có trật tự sẽ thúc đẩy sự phát triển của công lý và ngược lại, một nền công lý mạnh mẽ sẽ thúc đẩy một xã hội trật tự, ổn định. Plato, nhà triết học Hy Lạp xuất sắc đã đặt những luận giải của mình về công lý chủ yếu trong các tranh luận về vấn đề đạo đức. Theo Plato, công lý là một khái niệm thể hiện phẩm hạnh và sự hài hoà của cộng đồng. Còn theo Aristotle, một trong những người thầy có ảnh hưởng nhất đối với bộ môn triết học chính trị thì công lý cốt ở việc đối xử bình đẳng với những người ngang nhau và bất bình đẳng với những người không ngang hàng, tương xứng với sự khác nhau về địa vị của họ. Theo ông, công lý được chia thành “công lý cải tạo” - nơi mà toà án sửa chữa lỗi lầm do một bên phạm đối với bên khác và “công lý phân phối” - cách thức, nỗ lực cố gắng để công bằng với mỗi người, đúng theo những gì mà người đó xứng đáng. Cicero, nhà lý luận chính trị La Mã cho rằng công lý là một phẩm hạnh quan trọng nhằm giữ xã hội thắt chặt bên nhau, nó cho phép chúng ta theo đuổi những điều tốt đẹp chung vì sự tồn tại của xã hội. Theo ông, chức năng đầu tiên của công lý là giữ cho mỗi người khỏi làm những điều ác, có hại cho người khác.
Công lý còn được coi là phẩm hạnh mang “tính thể chế”, “tính chính trị” nhất của mỗi xã hội. Tính chính đáng, chính nghĩa của một chính quyền thường được đánh giá thông qua việc nhà nước đó có thừa nhận, bảo vệ và bảo đảm việc thực thi công lý hay không. St.Augustine, nhà triết học có ảnh hưởng lớn đầu tiên thời trung cổ cho rằng công lý cao hơn nhà nước và là vĩnh cửu. Ông coi công lý là điểm tựa chính trị, đạo lý trong mỗi thể chế: Nếu không có công lý, nhà nước chỉ là một băng cướp có tổ chức mà thôi (Take away justice and what is a state but a large robber band?).
Trong truyền thống pháp luật tự nhiên, công lý được hiểu là yêu cầu, đòi hỏi mỗi cá nhân hoặc nhóm được hưởng những gì mà họ xứng đáng. Công lý là quyền mà tạo hoá ban cho con người. Không có công lý thì sẽ không có những đạo luật khách quan và hệ quả là các cá nhân sẽ phải lệ thuộc vào kẻ cai trị. Thomas Aquinas, nhà triết học và thần học Italia theo truyền thống kinh viện chủ nghĩa cho rằng trong thực tế những đạo luật nhân/thực định (positive/human law) có thể công bằng hay không công bằng nhưng chính những giá trị của công lý cung cấp những tiêu chí quan trọng và cơ bản để đánh giá hiệu lực của các đạo luật thực định. Công lý tự nhiên cao hơn luật pháp, luật pháp không công bằng thì không phải là luật pháp (Unjust laws are not laws).
Những lý luận về tự do và công lý này đã tiếp tục được hấp thụ và phản ánh một cách mạnh mẽ, có hệ thống tại các học thuyết pháp quyền trong trào lưu tư tưởng Ánh sáng từ giữa thế kỷ XVIII, thế kỷ chuẩn bị về tư tưởng tiến bộ cho sự hình thành một chế độ xã hội mới thông qua cuộc cách mạng tư sản với các đại biểu ưu tú như Montesquieu (1689-1755), Voltaire (1694-1778), Jean Jacques Rousseau (1712-1778), Thomas Jefferson (1743-1826)...[6] Những tư tưởng tiến bộ này đã có những ảnh hưởng nhất định đến Nguyễn Ái Quốc trong quá trình Người tìm tòi, chắt lọc và khảo nghiệm về con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
2. Quá trình hình thành, các văn bản, tư liệu và tình hình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý
Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước khi đất nhà đặt dưới sự nô dịch của thực dân Pháp, Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến thời kỳ khó khăn nhất của các phong trào cứu nước cũng như sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trước nhiệm vụ lịch sử giải phóng dân tộc. Trên bình diện quốc tế, chủ nghĩa tư bản lúc này đã chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa đế quốc và xác lập sự thống trị của chúng trên phạm vi thế giới. Nhận thức được con đường cứu nước của cha anh không mang lại kết quả, Nguyễn Tất Thành thấy rằng cần phải trang bị cho mình những hiểu biết sâu sắc về thuộc địa và bản chất chung của chủ nghĩa đế quốc, từ đó tìm ra một con đường cứu nước mới phù hợp với các điều kiện cụ thể của thời đại và dân tộc. Trên con đường bôn ba gần 30 nước, Nguyễn Tất Thành đã có điều kiện tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây, tìm tòi và khảo nghiệm những tư tưởng tự do, dân chủ để từ đó hình thành lên những hiểu biết, niềm tin và tình yêu công lý. Sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh có thể chia thành 05 giai đoạn chính: Giai đoạn hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng (1890-1911), Giai đoạn tìm tòi, khảo nghiệm (1911-1920), Giai đoạn hình thành cơ bản tư tưởng về con đường cách mạng Việt Nam (1921-1930), Giai đoạn vượt qua thử thách, kiên trì con đường đã xác định cho cách mạng Việt Nam (1930-1941), Giai đoạn phát triển và thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh (1941-1969).[7]
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý đã sớm hình thành và phát triển từ giai đoạn Người tìm tòi và khảo nghiệm về con đường giải phóng dân tộc Việt Nam, ngay tại “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Vecxây (1919). Khát vọng về công lý và hòa bình đã tiếp tục phát triển xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cho đến những năm cuối đời của Người. Hai văn bản sau cùng của Người có đề cập đến công lý là Thư chúc mừng năm mới (1969) và Thư gửi Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận yêu nước Lào (1969). Về mặt số lượng văn bản, tư liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công lý, theo thống kê có khoảng trên 50 văn bản, tư liệu liên quan, trong đó giai đoạn trước năm 1945, có trên 30 văn bản, tư liệu; giai đoạn sau năm 1945 có trên 20 văn bản, tư liệu.[8]
Về loại hình tác phẩm, tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý được thể hiện rất phong phú với nhiều loại hình khác nhau, bao gồm:
- Yêu sách: Yêu sách của nhân dân An nam (năm 1919),
- Văn vần tuyên truyền:Việt Nam yêu cầu ca, An nam nhân dân thỉnh nguyện thư (năm 1919),
- Phát biểu: Lời phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp (năm 1921), Phát biểu tại Phiên họp thứ 25 Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản (năm 1924),
- Báo chí: Vấn đề dân bản xứ (Báo L’Humanité năm 1919), Kẻ bại trận ở Đông Dương (Báo La Vie Ouvrière năm 1921), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (Báo L’Humanité năm 1922), Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp (Báo Le Paria năm 1922), Thư gửi Khải Định (Báo Le Journal du Peuple năm 1922), Phòng Kiểm duyệt ở Đông Dương (Báo L’Humanité năm 1922), Lời kêu gọi tham gia hội hợp tác xuất bản báo Le Paria (Báo Le Paria năm 1922), Nhân đạo thực dân (Báo Le Paria năm 1922), Về câu chuyện Xiki (Báo Le Paria năm 1922), Những người bản xứ được ưa chuộng (Báo Le Paria năm 1923), Chủ nghĩa quân phiệt thực dân (Báo La vie Ouvrière), Diễn đàn Đông Dương (Báo Le Paria năm 1923), Trò Méclanh (Báo Le Paria năm 1923), Chủ nghĩa đế quốc Pháp dám làm những gì (Tập san Inprekorr năm 1924), Những cái tốt đẹp của nền văn minh Pháp (Tập san Inprekorr năm 1924), Hành hình kiểu Linsơ (Tập san Inprekorr năm 1924), Thống chế Liotây và Bản tuyên ngôn nhân quyền (Tập san Inprekorr năm 1924), Bản án chế độ thực dân Pháp (Tập san Inprekorr năm 1925-1926), Trò đùa dai của Rudơven tiên sinh (Cứu vong nhật báo Trung Quốc năm 1940), Cách mạng tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc (Báo Nhân dân năm 1967).
- Thơ: Nhật ký trong tù viết năm 1942-1943, bài Vấn thoại.
- Thư: Thư ngỏ gửi ông Lêông Ácsimbô (1923) Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (năm 1945), Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Biếcnơ (năm 1945), Thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp đầu năm mới (năm 1947), Thư gửi tướng Lơcléc (năm 1947), Thư gửi Chính phủ và Nhân dân Pháp (năm 1947), Gửi Chính phủ Pháp đề nghị chấm dứt chiến tranh (năm 1948), Thư gửi nhân dân Pháp sau cuộc hội kiến với Pôn Muýt, Đại diện Cao ủy Pháp Bôlae (năm 1947), Thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc (năm 1948), Thư trả lời một công dân Mỹ (năm 1966), Thư gửi các người bạn Mỹ chống chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam (năm 1968), Thư chúc mừng năm mới (năm 1969).
- Điện: Điện văn gửi các ông Ăngđrê Grômưcô - Đại diện Liên Xô, Giêm Biếcnơ - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Bác sỹ Cố Duy Quân - Đại diện Trung Quốc tại Hội đồng Liên hợp quốc (năm 1946), Điện gửi nhân dân Pháp nhân ngày 19-12-1948, Điện gửi cụ Béctơrăng Rútxen (năm 1966), Điện gửi cụ Béctơrăng Rútxen và ông Giăng Pôn Xáctơ rơ (năm 1967), Điện ủng hộ nước cộng hòa Ả rập thống nhất (năm 1967).
- Lời kêu gọi: Lời kêu gọi (Báo Le Paria năm 1923), Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ (năm 1945), Lời kêu gọi việc tàu bay địch tàn sát đồng bào Nam Bộ (năm 1946), Lời kêu gọi nhân ngày 20 tháng 7 (Báo Nhân dân năm 1968),
- Diễn văn: Diễn văn đọc trong “Ngày Kháng chiến toàn quốc” (năm 1945), Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1946) tổ chức tại Paris,
- Văn bản pháp lý: Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 13 ngày 24 tháng 01 năm 1946 về tổ chức các tòa án và các ngạch thẩm phán.
- Huấn thị: Chính phủ là công bộc của dân (Báo Cứu quốc năm 1945).
Trong thời gian qua, các công trình tìm hiểu, nghiên cứu một cách đầy đủ, chuyên sâu và toàn diện về tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý còn chưa nhiều và thiếu tính tập trung. Các công trình nghiên cứu được kể đến bao gồm cuốn “Đây “công lý” của thực dân Pháp ở Đông Dương” do Nhà xuất bản Sự thật thực hiện năm 1962, trong đó tập hợp một số bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm 1921-1926; Bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Hồ Chủ tịch tại Câu lạc bộ Đoàn kết Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 1970 với nhan đề “Công lý và pháp lý theo tinh thần “Chí công vô tư” của Hồ Chủ tịch” của đồng chí Vũ Đình Hòe, được xuất bản trong cuốn Hồi ký Vũ Đình Hòe, Nhà xuất bản Hội Nhà văn thực hiện năm 2004; Bài “Suy nghĩ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Luật sư Vũ Trọng Khánh trong Tập Hồi ký (bản viết tay, năm 1994), Cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tái bản năm 2008 với Lời giới thiệu tác phẩm xuất bản năm 1975 của Giáo sư-Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội.
3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý
Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển. Trong giai đoạn đầu, Người đã thể hiện niềm tin và khát vọng mãnh liệt về một nền công lý đích thực và chân chính cho nhân dân Việt Nam. Trong giai đoạn tiếp theo, Người lên án mạnh nền công lý thực dân giả tạo, hà khắc, tàn bạo, phi nhân tính của thực dân Pháp tại các nước thuộc địa, từ đó thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân ta, dân tộc ta. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý đã góp phần tạo nên niềm tin của nhân dân vào tính chính đáng, chính nghĩa của chính quyền cách mạng. Khát vọng và tình yêu công lý đó đã tiếp tục được thắp sáng thành ý nguyện của dân tộc ta, của nhân dân ta, góp phần lên án các cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, kêu gọi hòa bình, tự do, công bằng và quyền cơ bản của con người, từ đó làm sáng rạng những phẩm giá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Tình yêu và khát vọng về một nền công lý chân chính của Nguyễn Ái Quốc được thể hiện ngay tại bản “Yêu sách nhân dân An Nam”, văn bản do Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam gửi đến trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Vécxây (Pháp) năm 1919. Đây là một văn bản đánh dấu một bước trưởng thành mạnh mẽ về nhận thức của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình tìm tòi, khảo nghiệm con đường giải phóng dân tộc. Yêu sách thể hiện một niềm tin chân chính rằng tiền đồ một thời đại công lý và chính nghĩa nhất định phải đến với các dân tộc bị lệ thuộc. Nhân dân An Nam trông cậy vào chính nghĩa và công lý, mong muốn được thừa nhận và hiện thực hóa quyền tự quyết thiêng liêng của dân tộc, bảo đảm cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu Châu. Ở thể văn vần, “Việt Nam yêu cầu ca” cũng đặc biệt trân trọng những giá trị đích thực của công lý: Cậy rằng các nước Đồng minh/Đem gương công lý giết hình dã man”, “Những tòa đặc biệt bất công/Giám xin bỏ dứt rộng dung dân lành”, hay “Hòa bình may gặp hội này/Tôn sùng công lý, đọa đày dã man”. Mặc dù sử dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động hết sức ôn hòa để đòi các quyền tự do, dân chủ tối thiểu cho dân tộc, cho nhân dân nhưng yêu sách đó đã không được chấp nhận, qua đó, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra sự giả dối của chính sách thực dân và rút ra bài học: Để dân tộc được giải phóng, để nhân dân được tự do, cần phải trông cậy vào chính bản thân mình.
Để tố cáo và vạch trần nền công lý giả tạo, hà khắc, phi nhân tính của thực dân Pháp tại các nước thuộc địa, đồng thời tiếp tục thể hiện khát vọng tự do của dân tộc, nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã có hàng loạt bài viết và truyện ký như: “Tâm địa thực dân”, “Vấn đề dân bản xứ”, “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”, “Thư gửi Khải Định”, “Chủ nghĩa quân phiệt thực dân”, “Diễn đàn Đông Dương”, “Cuộc kháng chiến”, “Hành hình kiểu Linsơ”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”… Đồng thời Người cũng mạnh mẽ lên án sự tàn bạo của cái gọi là “công lý Đông Dương” tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp năm 1921 và Phiên họp thứ 25 Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản. Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý trong giai đoạn này đã được định hình ngày càng sâu sắc và rõ nét hơn.
Bằng ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra một hình ảnh về một nền công lý giả tạo, một chế độ phi pháp quyền, vô nhân đạo và phản tiến hoá mà người Pháp áp đặt tại Việt Nam. Trong bài viết “Tâm địa thực dân”, Người đã vạch trần nền công lý thuộc địa: “Còn công lý, đối với người bản xứ, nó tồn tại như thế này đây: người Âu nào đã giết chết, tàn sát hoặc cưỡng dâm người bản xứ, thì trong trường hợp vụ án không thể được ỉm hoàn toàn, anh ta chắc mẩm rằng mình được toà án tha bổng, mình ra toà chẳng qua là chuyện hình thức. Đó là việc áp dụng nguyên tắc nhằm bảo tồn bằng mọi cách uy tín của người da trắng trước bọn da vàng”. Người chua chát nhận định: “Ấy là công lý bị bán đứt cho kẻ nào mua đắt nhất, trả giá hời nhất. Xưa kia, người bản xứ bao giờ cũng có thể kêu lên đến tận Triều đình nhà vua; nhưng nay thì anh chàng "annamít" khốn khổ chẳng biết có thánh nhân nào để dựa, và còn lại cho anh ta, chỉ là công lý của Chúa trời”. Trong bài viết “Những tội ác của chủ nghĩa quân phiệt thực dân”, Nguyễn Ái Quốc so sánh sự bất công ngay trong nội tại của nền công lý mẫu quốc: “Trước hết, chúng ta thấy ngay một sự bất bình đẳng nổi bật: người Pháp chỉ phục vụ trong quân đội hai năm, còn người bản xứ thì phải phục vụ ba năm. Sau khi bỏ ra 36 tháng tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình để bảo vệ tự do và công lý (?), người dân bản xứ được giải ngũ lại chịu sự tác động của đạo luật về người bản xứ trong đó không có tự do và công lý!”.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc cũng đã thẳng thắn vạch trần bản chất phản động của nền công lý thuộc địa: “Trong vài phút, tôi không thể vạch được hết những sự tàn bạo mà bọn tư bản ăn cướp đã gây ra ở Đông Dương. Nhà tù nhiều hơn trường học, lúc nào cũng mở cửa và chật ních người. Bất kỳ người bản xứ nào có tư tưởng xã hội chủ nghĩa cũng đều bị bắt và đôi khi bị giết mà không cần xét xử. Cái gọi là công lý Đông Dương là thế đấy!”. Bằng sự phân tích sâu sắc trên cơ sở cứ liệu lịch sử chính xác, Người châm biếm sự giả tạo của nền công lý thuộc địa trong bài “Những cái tốt đẹp của nền văn minh Pháp”: “Từ năm 1913, mỗi năm nông dân Marốc bị cướp mất 12.500 ha ruộng đất cày cấy. Từ khi Pháp thắng trong cuộc chiến tranh "vì công lý", con số đó tăng lên tới 14.540 ha”.
Tại “Bản án chế độ thực dân Pháp”, bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp tục vạch trần nền công lý thực dân giả tạo: “Ở Đông Dương có hai thứ công lý. Một thứ cho người Pháp, một thứ cho người bản xứ. Người Pháp thì được xử như ở Pháp. Người An Nam thì không có hội đồng bồi thẩm, cũng không có luật sư người An Nam. Thường thường người ta xử án và tuyên án theo giấy tờ, vắng mặt người bị cáo. Nếu có vụ kiện cáo giữa người An Nam và người Pháp thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả mặc dù tên này ăn cướp hay giết người…”. Người mỉa mai nền công lý thuộc địa qua hình ảnh của nữ thần công lý Themis: “Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội”.
Từ việc lên án nền công lý giả tạo của thực dân Pháp tại thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc tiến tới làm rõ bản chất của nền công lý đó. Trong “Diễn đàn Đông Dương”, Người nhận định: “Bao giờ người ta cũng vì uy tín chủng tộc, mà xá tội cho lũ "vô lại khả ố". Bao giờ người ta cũng nhân danh nhân dân Pháp mà bắt công lý làm đĩ bợm”. Trong bài “Thống chế Liôtay và bản tuyên ngôn nhân quyền”, Người chỉ rõ bản chất méo mó của nền công lý thực dân: “Trong cuộc chiến tranh vì "công lý" - không phải công lý cho Con người và cho Công dân, mà công lý cho bọn Diều hâu và Cá mập…”
Quay trở lại với dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc bày tỏ lòng tự hào và lòng yêu mến nền văn hiến ngàn năm, mà trong nền văn hiến đó vẫn sáng ngời những giá trị của công lý và luật pháp. Ở nước Việt Nam thời đó, “Luật pháp, cổ phong, tôn giáo, văn học, tất cả đều đã hoàn chỉnh và hoà hợp với nhau, trải qua bao nhiêu thế kỷ, đã được điều hoà và ngày càng hoàn hảo thêm. Những vết tích man rợ đã mất đi từ lâu, dân tộc này đã sống trong một xã hội thuần thục có tổ chức trong khi những người phương Tây còn ở tình trạng bán khai. Yêu mến quê hương, quyến luyến gia đình, tôn kính tổ tiên, yêu chuộng công lý, tôn trọng chính nghĩa, ham thích khoa học, coi trọng lời nói thánh hiền, thương yêu nòi giống, tôn kính lẽ phải; ghét xa hoa, không hám tiền tài, khinh ghét vũ lực, không sợ gian khổ, hy sinh; đó là những đức tính răn dạy trong sách thánh hiền, lưu lại trong cổ phong và ghi thành luật pháp; hiện nay đó cũng là những đặc điểm về bản tính của người An Nam hình thành từ bao thế hệ, những thế hệ luôn luôn cố gắng thực hiện đạo đức ấy một cách thành kính". Vậy mà khi người Pháp áp đặt ách nô dịch tại Việt Nam thì “Khắp nơi, người ta vi phạm luật lệ của người An Nam, coi thường phong tục, cướp bóc tài sản; mượn cớ đi trấn áp, nên quân lính "được thể" lại tha hồ cướp phá, giết chóc; thú tính xấu xa nhất lại hoành hành; đến cái vẻ công lý cũng không còn" (bài Nước An Nam dưới con mắt người Pháp).
Từ truyền thống đáng tự hào của dân tộc, từ lòng yêu nước thương dân, Nguyễn Ái Quốc đã kêu gọi, giục giã dân tộc, nhân dân đứng lên đòi độc lập, tự do và công lý: “Chúng tôi mong rằng dư luận nước Pháp thông cảm với những nỗi đau khổ của các anh em và sẽ đấu tranh đòi cho Công lý được thực hiện" (Vụ âm mưu ở Đông Dương) hay "Hãy nhìn Triều Tiên, Ai Cập và Ấn Độ, tất cả các nước đó đều đang đứng lên đòi hỏi quyền lợi, công lý và tự do! (Lời than vãn của Bà Trưng Trắc). Trong “Thư gửi Khải Định”, Người mỉa mai: “Ngài có thấy được nguyện vọng thiết tha mong muốn công lý, tự do và lao động của quần chúng rộng rãi của dân tộc Pháp này không? Ngài có thấy được tình cảm cao cả yêu chuộng hoà bình và hữu nghị đang làm rung động trái tim của quần chúng đó, - số quần chúng mà, qua những cuộc cách mạng giải phóng, giờ đây đã giải phóng mình khỏi ách của bọn vua chúa, để trở thành kẻ tự mình làm chủ mình đó không?”
Trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian từ 29/8/1942 đến 10/9/1943 là một trong những giai đoạn khó khăn nhất khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ. Trong tù, Người đã viết “Nhật ký trong tù” với 133 bài. Vấn thoại (Hỏi cung) là bài thứ 10 trong tập thơ với tinh thần lạc quan, trào phúng và hóm hỉnh. Nội dung của bài thơ miêu tả vị quan tòa tính không lành mà nói là tính lành, không giả bộ ác mà nói là giả bộ ác, muốn khép tội người mà vờ giả ý ân cần, do tính tráo trở đó, Người kết luận, ở giữa hai cực quan tòa và phạm nhân phải có thần công lý để xét xử:
“Ở giữa hai cực đó,
Công lý đứng làm thần.”
Cũng trong thời gian bị giam giữ, khi bị giải khắp mười ba huyện tỉnh Quảng Tây, phải ở qua 18 nhà lao, rồi đến Phòng chính trị chiến khu IV đóng tại Liễu Tây, một trung tâm chỉ huy quân sự của chính quyền Trung Hoa dân quốc lúc bấy giờ, Người cũng đã quắc mắt chất vấn công lý và lẽ phải:
“Phạm tội gì đây ta thử hỏi,
Tội trung với nước, với dân à?”
Với nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công lý, ngay sau khi thành lập nhà nước cách mạng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến nhiệm vụ của chính quyền nhân dân trong việc bảo vệ và thực thi công lý. Có thể nói, công lý và bảo vệ công lý đã trở thành vũ khí tư tưởng, chính trị, pháp lý sắc bén ngay từ những ngày đầu của Nhà nước cách mạng nhân dân. Điều 47 Sắc lệnh số 13 của Chủ tịch nước ngày 24 tháng 01 năm 1946 quy định cách tổ chức toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã khẳng định “Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý”. Điều 25 Sắc lệnh này quy định: Khi các Phụ thẩm nhậm chức, tại phiên toà đầu, ông Chánh án sẽ mời các Phụ thẩm tuyên thệ, nội dung lời tuyên thệ là “Tôi thề trước Công lý và nhân dân rằng tôi sẽ suy xét cẩn thận những án đem ra xử, không hề ăn hối lộ, vị nể, vì sợ hãi hay vì tư lợi hay thù oán riêng mà bênh vực hay làm hại một bị can nào. Tôi sẽ cứ công bằng mà xét định mọi việc…”. Trong huấn thị “Chính phủ là công bộc của dân”, Người nhắc nhở: “Uỷ ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý..”.
Trong các hoạt động vận động quốc tế ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, thông qua các giá trị về công lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi quốc tế công nhận nền độc lập của đất nước Việt Nam. Trong Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn và vì sự tôn trọng sự thực và công lý”. Cũng trong Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Biếcnơ (11/1945), một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân Việt Nam tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ bởi nhân dân Mỹ là những người có “những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế”. Trong Điện văn gửi các ông Ăngđrê Grômưcô - Đại diện Liên Xô, Giêm Biếcnơ - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Bác sỹ Cố Duy Quân - Đại diện Trung Quốc tại Hội đồng Liên hợp quốc (1/1946), Người bày tỏ “hy vọng vào sự thắng lợi cuối cùng của công lý và hoà bình” tại Việt Nam. Trong Thư gửi Tổng thống hợp chủng quốc Hoa Kỳ (2/1946), Người thiết tha yêu cầu: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi, sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Vì vậy, Việt Nam yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi”.
Tuy nhiên, từ năm 1946, với dã tâm xâm lược đất nước ta một lần nữa, thực dân Pháp mỗi lúc một điên cuồng lấn tới. Là hiện thân của ý chí hòa bình Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình để tránh một cuộc chiến tranh đổ máu giữa hai dân tộc thông qua việc kêu gọi hòa bình, công lý và nhân phẩm. Tại Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm quốc khánh đầu tiên của Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1946) tổ chức tại Pari, Người nhấn mạnh: “Chúng ta là hai dân tộc yêu chuộng công lý và tự do, quan tâm đến văn hoá, đến sự nảy nở của những tư tưởng đạo lý. Việc có chung những tình cảm trên làm hài hoà mối quan hệ của chúng ta, lý tưởng và lợi ích của chúng ta, tất cả đều khiến chúng ta xích lại gần nhau”. Trong Thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp đầu năm mới (1/1947), Người khẳng định: “Ở Việt Nam cũng như ở Pháp, có rất nhiều người Pháp đàn ông và đàn bà yêu chuộng công lý và tự do”. Trong Thư gửi tướng Lơcléc (1/1947) và Thư Gửi Chính phủ Pháp đề nghị chấm dứt chiến tranh (1/1947), Người thể hiện khát vọng của nhân dân Việt Nam về một nền hòa bình hợp công lý: “Chúng tôi vẫn mong ước hoà bình, một nền hòa bình hợp công lý và xứng đáng đối với nước Pháp cũng như đối với nước Việt Nam”.
Tuy nhiên, trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đại diện cho tinh thần yêu nước và đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam đã kêu gọi quốc dân đồng bào quyết tâm giữ gìn nền độc lập non trẻ. Trong Lời Kêu gọi đồng bào Nam Bộ, Người khẳng định: “Vì công lý, cuộc kháng chiến tự vệ của dân tộc ta phải toàn thắng”, còn trong Diễn văn đọc trong “Ngày toàn quốc kháng chiến” (5/11/1945), Người kêu gọi: “Vì chính nghĩa, công lý của thế giới, vì đất nước giống nòi của Việt Nam, mà toàn quốc đồng bào ta nổi lên tranh đấu quyết giữ vững nền độc lập của ta”. Trong thư gửi nhân dân Pháp sau cuộc hội kiến với Pôn Muýt, Đại diện Cao ủy Pháp Bôlae, Người khẳng định quyết tâm: “Thà chết không làm nô lệ. Chúng tôi chiến đấu vì công lý. Chúng tôi sẽ tồn tại; chúng tôi sẽ chiến thắng”. Trong Điện gửi nhân dân Pháp nhân ngày 19-12-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích với nhân dân Pháp về tính chính nghĩa của của kháng chiến bảo vệ nền độc lập: “Dân tộc chúng tôi đã chiến đấu "không chút sờn lòng, không điều ân hận" vì chúng tôi chiến đấu cho tự do, cho độc lập, và đối với nhân dân Pháp chúng tôi không thù hằn gì. Chúng tôi đã tỏ rằng chân lý, công lý, lịch sử và tương lai ở về phe chúng tôi”. Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến, nhân dân Việt Nam không được vì lòng công phẫn mà đi sai con đường chính trị, không được rơi vào vòng quay của công lý báo thù. Tại Lời kêu gọi sau việc tàu bay địch tàn sát đồng bào Nam Bộ, với lòng nhân văn sâu sắc, Người kêu gọi nhân dân: “Đối với người Pháp chúng ta phải tỏ rằng: Chúng ta là một dân tộc yêu chuộng hoà bình, công lý, nhân đạo. Gặp hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải bình tĩnh, giữ trật tự, giữ kỷ luật. Chúng ta phải khoan hồng và bảo vệ tính mệnh, tài sản cho họ”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy những giá trị bền vững của công lý để khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến. Trong Thư trả lời một công dân Mỹ (1966), Người nói: “Nhân dân Mỹ có truyền thống yêu chuộng công lý, tự do và hoà bình. Nhân dân Việt Nam rất quý trọng nhân dân Mỹ, muốn đoàn kết với nhân dân Mỹ đang đấu tranh cho các quyền dân chủ và chống chiến tranh xâm lược Việt Nam”. Còn tại Điện gửi cụ Béctơrăng Rútxen và ông Giăng Pôn Xáctơ rơ (năm 1967), Người khẳng định: “Việc Toà án quốc tế trịnh trọng lên án những tội ác của bọn xâm lược Mỹ đó sẽ dấy lên sự căm phẫn mạnh mẽ trên thế giới và đẩy mạnh phong trào phản đối của nhân dân các nước đòi Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh đầy tội ác của chúng tại Việt Nam. Sự lên án đó có tầm quan trọng quốc tế về mặt bảo vệ công lý và quyền tự quyết của các dân tộc. Toà án sẽ góp phần thức tỉnh lương tri của nhân dân các nước …”. Tại Lời kêu gọi nhân ngày 20 tháng 7, Người khẳng định: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hoà bình nhưng phải có độc lập, tự do thật sự thì mới có hoà bình chân chính. Lập trường của ta rất chính đáng, rõ ràng: ngày nào đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược nước ta, chấm dứt ném bom, bắn phá miền Bắc, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, để dân ta tự do giải quyết công việc nội bộ của mình, thì ngày đó hoà bình sẽ lập lại ngay. Đó là nguyện vọng của nhân dân ta, mà cũng là nguyện vọng của nhân dân tiến bộ Mỹ và nhân dân yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới”.
Thư chúc mừng năm mới năm 1969, bài thơ chúc tết cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những nỗi niềm và nhắn gửi, Người nói: “Thay mặt nhân dân cả nước ta, tôi nhiệt liệt chúc mừng và cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bầu bạn và nhân dân yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam”.[9]
4. Thay cho lời kết
Từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6-1991), Đảng ta đã ghi nhận một cách trân trọng những giá trị mang tính chất nền tảng, định hướng của tư tưởng Hồ Chí Minh tại những văn bản quan trọng nhất của mình là Cương lĩnh và Điều lệ. Đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã tiếp tục khẳng định giá trị chân chính của tư tưởng Hồ Chí Minh: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
Cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Nguyên lý này cũng đã được hiến định tại Điều 4 Hiến pháp năm 1992. Với những ý nghĩa và tầm quan trọng đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý cần được khẳng định là một bộ phận quan trọng, gắn liền với tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân./.
Nguyễn Xuân Tùng
[1] Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về các văn kiện tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX)
[2] Lương Ninh (Chủ biên): Lịch sử thế giới cổ đại, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2012.
[3] Nguyễn Văn Khỏa (biên soạn): Thần thoại Hy Lạp, Nhà xuất bản Văn học, năm 2012.
[4] Selina Hastings: Câu chuyện Kinh thánh (Bản dịch của Minh Vi), Nhà xuất bản Tôn giáo, năm 2007.
[5] Hoàng Hữu Đản: Bi kịch Hy Lạp, Nhà xuất bản giáo dục, năm 2007.
[6] Alan Ryan: Justice, Oxford University Press, 1993.
[7] Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2011.
[8] Số liệu thống kê theo nghiên cứu của tác giả.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2000, tập 1-12.