1.Vị trí vai trò và tầm quan trọng của tài nguyên rừng Rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự sống của loài người, rừng có vai trò cân bằng hệ sinh thái, ổn định và điều hòa khí hậu, điều tiết nước giúp sự sống trên trái đất được duy trì bền vững. Không những thế, rừng còn có giá trị cao về kinh tế, về khoa học đồng thời là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, là nguồn cung cấp nguyên liệu, vật liệu, dược liệu quí hiếm phục vụ cho các ngành khoa học như: y học, sinh học, hóa chất và cả cho ngành công nghiệp, ngành du lịch sinh thái đang có chiều hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Hơn thế nữa, rừng còn có tầm quan trọng chiến lược trong việc tạo phòng tuyến trấn thủ vững chắc trong lĩnh vực an ninh quốc phòng của đất Nước. 2. Sự cần thiết qui định các tội phạm xâm hại đến tài nguyên rừng trong pháp luật hình sự Việt nam: Trước thực trạng tài nguyên rừng đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng như đã nêu trên và để bảo vệ nguồn tài nguyên rừng tránh khỏi sự tàn phá bởi hành vi trái pháp luật của con người. Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương biện pháp, nhiều nhà nghiên cứu khoa học cũng đã chú tâm nghiên cứu vấn đề này, với mục đích tìm ra những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ tài nguyên rừng. Song thực tiễn cho thấy, tuy có sự nghiên cứu và áp dụng nhiều đề tài vào thực tiễn để bảo vệ tài nguyên rừng. Đồng thời các cấp các ngành và chính quyền địa phương ở nhiều nơi trong thời gian qua đã có sự quan tâm, nhưng chưa đúng mức. Vì lẽ đó cho nên tình trạng rừng bị hủy hoại, tàn phá vẫn không được giải quyết triệt để như mong muốn, mà ngược lại ngày càng bị tàn phá, huỷ hoại một cách phổ biến trên phạm vi cả nước, hành vi ngày càng tinh vi xảo quyệt, hậu quả gây ra cho xã hội ngày càng nghiêm trọng. Trước tình hình diễn biến phức tạp và nguy hiểm của các loại tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên rừng, đồng thời xuất phát từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm trong những năm qua cho thấy, áp dụng các biện pháp giáo dục thuyết phục và chế tài hành chính đã bộc lộ sự kém hiệu quả, điều này được chứng minh qua tình hình tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên rừng trong những năm gần đây và thực trạng chất lượng tài nguyên rừng đang bị suy giảm ngày càng nghiêm trọng bởi sự tàn phá trái pháp luật của con người. Trước tình hình đó Nhà nước ta xác định cần phải có một “liều thuốc đặc trị” đủ mạnh để “điều trị căn bệnh” này và đó chính là biện pháp chế tài hình sự. Chỉ có chế tài hình sự với bản chất nghiêm khắc nhất trong số các loại chế tài của pháp luật thì mới có thể đảm bảo tính răn đe, giáo dục phòng ngừa. Tuy nhiên, chế tài đó phải đủ mạnh và sử dụng đúng lúc, thì mới phát huy tác dụng trong việc bảo vệ tài nguyên rừng đạt hiệu quả tốt nhất. Xuất phát từ cơ sở lý luận đó, nên Nhà nước ta đã qui định các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng là tội phạm hình sự được qui định trong Bộ luật hình sự Việt nam, để răn đe trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật. Thông qua đó nhằm duy trì trật tự quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, góp phần cải thiện môi trường sống, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng tránh sự tàn phá nghiêm trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế phát triển toàn diện và bền vững. Đồng thời tạo thế phòng thủ chiến lược trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. 3.Lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật hình sự nước ta về các tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên rừng: Ngay sau khi nước Việt nam dân chủ cộng hòa được thành lập (Ngày 02 tháng 9 năm 1945) nước ta lúc bấy giờ chưa có Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, Nhà nước cũng đã quan tâm đến việc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, nhằm ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân. Do hoàn cảnh lịch sử, nên nhiệm vụ trọng tâm lúc bấy giờ tập trung vào việc củng cố chính quyền cách mạng còn non trẻ vừa mới được thành lập, nên việc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm tuy được Nhà nước quan tâm, nhưng chủ yếu ở các loại tội phạm xâm hại về an ninh chính trị và các loại tội đặc biệt nghiêm trọng khác như: giết người, cướp của, hiếp dâm…Vào thời điểm đó, tài nguyên rừng của nước ta rất phong phú, diện tích rừng tự nhiên khoảng 14.300.000 ha, độ che phủ đạt 43%. Nhu cầu sử dụng tài nguyên rừng phục vụ trong sinh hoạt đời sống của nhân dân tuy có nhu cầu, song không đáng kể so với những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mà đặc biệt là sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) thời kỳ xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường. Do đó, các qui định của pháp luật hình sự về bảo vệ tài nguyên rừng giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1954 chủ yếu được qui định trong các sắc luật, mà cụ thể là: - Sắc lệnh số 26/SL ngày 25 tháng 2 năm 1946, về các tội phá hoại công sản; - Sắc lệnh số 247/SL ngày 15 tháng 6 năm 1946, về âm mưu và hành động phá hoại tài sản của nhà nước, hợp tác xã và của nhân dân làm cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch Nhà nước; - Thông tư số 1303 BCN/VN ngày 28 tháng 6 năm 1946 của liên Bộ nội vụ - Bộ canh nông, qui định điều chỉnh những hành vi xâm hại đến rừng; Tại thông tư này cố đoạn qui định: “ Ai vi phạm các lệnh chặt, phá cây rừng sẽ bị phạt tù, phạt tiền theo thể lệ đã được ấn định trước…”. - Sắc lệnh số 142/SL ngày 21 tháng 12 năm 1949, qui định về việc lập biên bản các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Ngày 07 tháng 5 năm 1954) thực dân pháp bị thất bại trên toàn mặt trận và buộc Pháp phải ngồi vào bàn hội nghị Giơ-ne -vơ. Đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền. miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn chìm trong khói lửa của chiến tranh. Pháp luật thời kỳ này được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chú trọng, bởi nó là công cụ sắc bén không thể thiếu của chính quyền cách mạng. Do đó, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội và quản lý đất nước, trong đó có nhiều văn bản liên quan trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên rừng, cụ thể là: - Hiến pháp năm 1959 của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (Điều 12 và Điều 40)“Để bảo vệ rừng và phát triển tài nguyên phong phú của rừng, phát huy tác dụng to lớn của rừng trong việc giữ nguồn nước và điều tiết nước, giữ đất, chống xói mòn, chống cát bay, điều hoà khí hậu, hạn chế tác hại của gió, bão, lũ, lụt, hạn hán, nhằm phục vụ công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, củng cố quốc phòng và nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần làm cho nước nhà giàu mạnh; Để phát huy tinh thần làm chủ tập thể của cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội và nhân dân, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, động viên toàn dân ra sức đấu tranh chống mọi hành động làm thiệt hại đến rừng”. - Nghị định số 221-CP ngày 29/01/1961 của Hội đồng Chính phủ về việc phòng cháy và chữa cháy rừng; - Pháp lệnh (Không số) ngày 27 tháng 7 năm 1961 qui định về quản lý nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy; - Nghị định số 220/CP ngày 28.12.1961 của Chính phủ, qui định về quản lý của nhà nước đối với công tác phòng cháy chữa cháy. -Pháp lệnh số 17/LCT ngày 05.4.1963 qui định về phòng cháy chữa cháy; - Nghị định số 39/CP ngày 5/4/1963 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về săn bắn, bắt chim, thú rừng; -Pháp lệnh (Không số) ngày 23.3.1966 Qui định về phòng cháy chữa cháy; -Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21/10/1970; - Pháp lệnh (Không số) ngày 6/9/1972 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc bảo vệ rừng, nêu rõ: “ Rừng là một bộ phận của môi trường sống, là tài sản quý báu của nước ta, có giá trị lớn đối với nền kinh tế quốc dân và văn hoá công cộng.Việc bảo vệ rừng phải do Nhà nước và toàn dân cùng làm”. Nghị định số 155/CP ngày 03/10/1973 của Hội đồng Chính phủ về việc thi hành pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng. -Giai đoạn từ năm 1975 đến trước năm 1985: Do hoàn cảnh và điều kiện lịch sử Nước ta vừa giải phóng, nhiệm vụ trọng tâm của Nước ta thời kỳ này chủ yếu tập trung cho việc tái thiết đất nước và cũng cố chính quyền cách mạng, nên chưa kịp thời xây dựng Bộ luật hình sự với đúng nghĩa của nó và cũng chưa có các văn bản pháp luật cụ thể để xử lý các tội phạm xâm hại đến tài nguyên rừng. Vì vậy, pháp luật thời kỳ này vẫn duy trì các qui định của pháp luật trước đây. Đồng thời chủ yếu là áp dụng tiền lệ pháp để xử lý hành vi phạm tội nói chung, phạm tội trong lĩnh vực tài nguyên rừng nói riêng. Đến năm 1985, nền kinh tế nước ta đã có sự phát triển nhất định, nhu cầu của xã hội về sử dụng tài nguyên rừng đã tăng lên đáng kể, dẫn đến việc khai thác rừng tràn lan không kiểm soát được, không những làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất Nước mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Nhận thức rõ điều đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương biện pháp để quản lý và bảo về tài nguyên rừng được tốt hơn, mà cụ thể là qui định trong Bộ luật hình sự Việt nam năm 1985 về loại tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên rừng. Điều 181 bộ luật hình sự năm 1985 “Tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng” qui định: “1- Người nào khai thác trái phép cây rừng, săn bắt trái phép chim, thú hoặc có những hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bi xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 2- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.” Liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên rừng bằng chế tài hình sự, tại điều 194 BLHS 1985 qui định: “Tội vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng”. Đến năm 1999, nền kinh tế nước ta có nhiều biến chuyển tích cực, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá được đẩy mạnh, nhu cầu sử dụng đất rừng, tài nguyên rừng vào sản xuất, phát triển kinh tế và phục vụ cho sinh hoạt của người dân được tăng cao đột biến. Điều này kéo theo tình hình tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên rừng ngày càng diễn biếp phức tạp. Tài nguyên rừng đặc biệt là rừng tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng và có nguy cơ bị thu hẹp trên bản đồ lâm nghiệp Việt Nam. Đồng thời Đảng và Nhà nước đã đánh giá đúng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tài nguyên rừng đối với sự sống còn của loài người và sự phát triển bền vũng của nền kinh tế - xã hội. Nên đã quyết tâm bảo vệ tài nguyên rừng bằng nhiều biện pháp, trong đó biện pháp sử dụng pháp luật hình sự được đặc biệt chú trọng. Chính vì lẽ đó mà trong lần sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999, Nhà nước đã có sự quan tâm sửa đổi bổ sung các điều luật liên quan trong lĩnh vực tài nguyên rừng, Từ chỗ chỉ có 1 điều luật qui định liên quan đến tài nguyên rừng, (Điều 194 BLHS năm 1985) Bộ luật hình sự năm 1999 qui định tăng lên 6 điều luật, cụ thể: - Điều 175 Bộ luật hình sự “Tội vi phạm các qui định về khai thác và bảo vệ rừng”. - Điều 176 Bộ luật hình sự “ Tội vi phạm qui định về quản lý rừng”. - Điều 189 Bộ luật hình sự, Tội “hủy hoại rừng”. - Điều 190 Bộ luật hình sự, Tội“vi phạm các qui định về bảo vệ động vật hoang dã quí hiếm”. - Điều 191 Bộ luật hình sự, Tội “Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên”. -Điều 240 Bộ luật hình sự, Tội “Vi phạm các qui định về phòng cháy chữa cháy”. Việc qui định các điều luật cụ thể nêu trên không chỉ thể hiện sự quyết tâm, của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, mà còn thể hiện tính khoa học trong qui trình lập pháp, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế phát triển bền vững. Đối với hành vi vô ý làm cháy rừng (Tài nguyên rừng), Tuy Bộ luật hình sự năm 1999 không qui định là một điều luật độc lập, song hành vi đó được nhà làm luật gộp chung vào hành vi “vi phạm qui định về phòng cháy, chữa cháy”. Sau hơn 8 năm thực tiễn áp dụng các điều luật nêu trên vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên rừng, Nhà nước ta nhận thấy loại tội phạm trong lĩnh vực này diễn biến khá phức tạp theo chiều hướng xấu, tình hình tài nguyên rừng bị tàn phá, huỷ hoại ngày càng nghiêm trọng, trong khi đó nếu chỉ căn cứ vào các điều luật qui định trong bộ luật hình sự năm 1999 là khó có thể vận dụng để xử lý từng hành vi cụ thể. Trước tình hình đó, Nhà nước ta chủ trương ban hành thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT – BTP – BCA – KSNDTC -TANDTC ngày 08 tháng 3 năm 2007 của liên ngành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ tư pháp - Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Đến năm 2009, sau mười năm thi hành Bộ luật hình sự năm 1999, Tuy tình hình kinh tế xã hội đã có nhiều biến chuyển theo chiều hướng tích cực. Song Nhà nước ta nhận thấy, tuy các qui định của Bộ luật hình sự năm 1999 liên quan trong lĩnh vực tài nguyên rừng đã phát huy được tác dụng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, nhưng có một số vấn đề cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Như hành vi nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép các bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật hoang dã, qúi hiếm theo qui định của Nhà nước, trước đây không được qui định là tội phạm, thì trong lần sửa đổi năm 2009 các hành vi này được qui định là hành vi phạm tội (Điều 190 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009). Mặt khác, về chế tài trong điều luật nêu trên cũng có sự điều chỉnh theo hướng tăng nặng khung hình phạt tiền lên gấp 10 lần “…Phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng…” và tại khoản 3 điều 190 Bộ luật hình sự được điều chỉnh theo hướng tăng qui định mức phạt tiền lên gấp 5 lần so với qui định của điều luật tương ứng trước đó “…Có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng…”. Vì vậy, Nhà nước bổ sung 1 số qui định tại điều 190 BLHS; Cụ thể là bổ sung: Tội vi phạm các qui định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài động vật nguy cấp, quí, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 190 BLHS). Các điều luật còn lại liên quan đến tài nguyên rừng được giữ nguyên không có sự điều chỉnh cả về nội dung và khung hình phạt. 4.Thực trạng vi phạm pháp luật và những giải pháp hình sự về bảo vệ tài nguyên rừng: Kể từ thời điểm nhà nước ta sửa đổi bổ sung bộ luật hình sự lần sau cùng vào năm 2009 đến nay, pháp luật hình sự đã phát huy được tác dụng trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên rừng nói riêng. Song kết quả đạt được còn nhiều hạn chế, nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu là xuất phát từ qui định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên rừng chưa sát thực tiễn, chế tài hình phạt còn quá nhẹ không tương xứng với hành vi phạm tội. Mặt khác, nhiều qui định trong một số điều luật trong lĩnh vực tài nguyên rừng còn mang tính chung chung không rõ ràng, dẫn đến việc nhận thức và áp dụng pháp luật không thống nhất. Việc xử lý hành vi phạm tội chưa nghiêm, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình mới, dẫn đến thực trạng tài nguyên rừng vẫn đang ngày càng bị tàn phá, huỷ hoại nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê của cục kiểm lâm cho thấy: Năm 2009, tổng diện tích rừng của nước ta bị phá, hủy hoại là: 2.072,88 ha. Đã phát hiện 40.841 vụ vi phạm Luật bảo vệ rừng và phát triển rừng. Các cơ quan chức năng đã xử lý 34.327 vụ, trong đó: - xử phạt hành chính 34.004 vụ, - xử lý hình sự 323 vụ, với 207 bị can; số vụ đưa ra xét xử 47 vụ, với 52 bị cáo. Năm 2010, tổng diện tích rừng của nước ta bị phá, hủy hoại là: 1.747,15 ha. Đã phát hiện đã phát hiện 31.769 vụ vi phạm Luật bảo vệ rừng và phát triển rừng. Các cơ quan chức năng đã xử lý 28.888 vụ,; Trong đó: - xử phạt hành chính 28.496 vụ; - xử lý hình sự 392 vụ, với 180 bị cáo; số vụ đưa ra xét xử 44 vụ, với 46 bị cáo. Năm 2011, tổng diện tích rừng của nước ta bị phá, hủy hoại là: 2.186,67 ha. Đã phát hiện đã phát hiện 29.551 vụ vi phạm Luật bảo vệ rừng và phát triển rừng. Các cơ quan chức năng đã xử lý 25.644 vụ; Trong đó: - xử phạt hành chính 25.344 vụ; - xử lý hình sự 300 vụ, với 227 bị cáo; số vụ đưa ra xét xử 61 vụ, với 62 bị cáo. Năm 2012, tổng diện tích rừng của nước ta bị phá, hủy hoại là: 1.164,33 ha. Đã phát hiện 28.565 vụ vi phạm Luật bảo vệ rừng và phát triển rừng. Các cơ quan chức năng đã xử lý 24.882 vụ. Trong đó: -xử phạt hành chính 24.438 vụ; -xử lý hình sự 344 vụ, với 304 bị cáo; số vụ đưa ra xét xử 50 vụ, với 52 bị cáo. Sáu tháng đầu năm 2013, tổng diện tích rừng của nước ta bị phá, hủy hoại là: 481,22 ha. Đã phát hiện 13.612 vụ vi phạm Luật bảo vệ rừng và phát triển rừng. Các cơ quan chức năng đã xử lý 11.464 vụ. Trong đó: -xử phạt hành chính 11.331 vụ; - xử lý hình sự 133 vụ, với 109 bị cáo; số vụ đưa ra xét xử 16 vụ, với 19 bị cáo (*). Từ số liệu thống kê về tình hình diện tích rừng bị tàn phá huỷ hoại như đã nêu trên, cho thấy hằng năm rừng của nước ta bị tàn phá với diện tích khá lớn, các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến tài nguyên rừng ngày càng tăng, nhưng trong thực tiễn các cơ quan chức năng chủ yếu chỉ xử lý hành chính. Số vụ xử lý hình sự chiếm tỷ lệ rất ít, hầu như không có năm nào tỷ lệ xử lý hình sự đạt 1% so với tổng số vụ vi phạm mà các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Đây là một thực trạng mà các cơ quan chức năng cần nghiên cứu lại, nếu không kịp thời tìm ra giả pháp hữu hiệu và không xử lý nghiêm minh kẻ phạm tội thì sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường và tài nguyên rừng của nước ta khó có thể được bảo vệ một cách tốt nhất. 5.Một số đề xuất nhằm hoàn thiện các qui định của pháp luật hình sự về bảo vệ tài nguyên rừng: Qua tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam về bảo vệ tài nguyên rừng và thực tiễn tình hình tài nguyên rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng như hiện nay, đòi hỏi Nhà nước cần sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu để đấu tranh phòng chống tội phạm nhằm bảo vệ tài nguyên rừng tránh khỏi sự tàn phá bởi hành vi trái pháp luật của con người. Một trong những giải pháp đó là cần tăng cường sử dụng pháp luật hình sự để bảo về tài nguyên rừng, nhà nước ta cần sửa đổi bổ sung một số qui định của Bộ luật hình sự cho phù hợp thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, theo hướng: -Tăng mức phạt tiền từ mức 5 triệu đến năm mươi triệu đồng lên mức 10 triệu đến 100 triệu đồng ở điều 175 và điều 190 Bộ luật hình sự. Vì qui định này từ năm 2000 đến nay tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều biến đổi, nên cần tính toán sự trượt giá của đồng tiền Việt Nam cho phù hợp, đồng thời đảm bảo được tính răn đe giáo dục phòng ngừa. -Thu hẹp biên độ giao động của khung hình phạt qui định tại khoản 2 điều 175 theo hướng từ 4 năm đến mười năm là phù hợp (Hiện hành là 2 năm đến mười năm). Vì biên độ giao động lớn dễ dẫn đến sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật. -Tăng mức khởi điểm của khoản 3 điều 189 lên mức 7 năm đến 20 năm tù, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. -Bổ sung tình tiết “Chặt phá các loại thực vật rừng quí hiếm thuộc danh mục qui định của chính phủ” bổ sung tình tiết này vào khoản 3 điều 189 BLHS. Vì khoản 2 điều 189 BLHS nêu hành vi này, nên khoản 3 của điều luật cần qui định nếu chặt phá số lượng lớn thì cần phải xử lý nặng hơn. - Cần thiết phải chuyên biệt hóa Hành vi vô ý làm cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng tách ra khỏi điều 240 BLHS “tội vi phạm qui định về phòng cháy, chữa cháy” thành 1 điều luật riêng biệt ở chương các tội phạm về môi trường, có khung hình phạt và chế tài nghiêm khắc hơn, nhằm bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên rừng, đồng thời đảm bảo tính răn đe giáo dục phòng ngừa; Cụ thể: 1. Người nào vô ý làm cháy rừng với diện tích từ 2ha đến 5ha, hoặc vô ý làm cháy rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên với diện tích từ 1000 m2 đến dưới 10.000 m2 hoặc hoặc đã bị xử lý hành hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội phạm này và các tội qui định tại các điều 175, 176, 189, 190 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. 2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến mười năm: a. Gây hậu quả nghiêm trọng; b.Gây cháy rừng với diện tích từ trên 5ha đến 20ha. c.Gây cháy rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên với diện tích từ trên 1 ha đến 5 ha. 3.Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 7 năm đến mười lăm năm. Qui định nêu trên không những nhằm đảm bảo tính răn đe giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ tài nguyên rừng và tạo thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm. Tóm lại, thông qua việc nghiên cứu tìm hiểu các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm xâm hại đến tài nguyên rừng từ năm 1945 đến nay, giúp ta thấy rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của pháp luật hình sự trong việc đấu tranh phòng chống các tội phạm xâm hại đến tài nguyên rừng, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ tài nguyên rừng tránh khỏi sự tàn phá, hủy hoại bởi hành vi trái pháp luật của con người. Đồng thời, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển một cách toàn diện và bền vững. Bạch Xuân Hòa - Viện Kiểm sát nhân dân An Nhơn, Bình Định (*)Tài liệu tham khảo: 1.Cục kiểm lâm Việt Nam (2009), Thống kê đối tượng vi phạm lâm luật 2009, Hà Nội. 2.Cục kiểm lâm Việt Nam (2009), Thống kê hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2009, Hà Nội. 3. Cục kiểm lâm Việt Nam (2010), Thống kê đối tượng vi phạm lâm luật 2010, Hà Nội. 4. Cục kiểm lâm Việt Nam (2010), Thống kê hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2010, Hà Nội. 5. Cục kiểm lâm Việt Nam (2011), Thống kê đối tượng vi phạm lâm luật 2011, Hà Nội. 6. Cục kiểm lâm Việt Nam (2011), Thống kê hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2011, Hà Nội. 7. Cục kiểm lâm Việt Nam (2012), Thống kê đối tượng vi phạm lâm luật 2012, Hà Nội. 8. Cục kiểm lâm Việt Nam (2012), Thống kê hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2012, Hà Nội. 9. Cục kiểm lâm Việt Nam (6 tháng đầu 2013), Thống kê đối tượng vi phạm lâm luật 6 tháng đầu năm 2013, Hà Nội. 10. Cục kiểm lâm Việt Nam (6 tháng đầu 2013), Thống kê hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng 6 tháng đầu năm 2013, Hà Nội.Tuy điều luật nêu trên không qui định cụ thể là làm cháy tài nguyên rừng, song về khách thể được bảo vệ trong điều luật này là tính mạng, sức khoẻ của con người và tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân. Tài nguyên rừng là loại tài sản đặc biệt. Vì vậy, mọi hành vi phạm tội nêu trên làm cháy tài sản nói chung, cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng nói riêng đều bị xử lý theo điều 240 Bộ luật hình sự năm 1985.
Việc qui định trong bộ luật hình sự các điều luật liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên rừng ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với tài nguyên rừng, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này bằng pháp luật hình sự được tốt hơn.
Đến năm 1997 trước yêu cầu đặt ra của tình hình mới, mặt khác nhiều hành vi vi phạm pháp luật phát sinh trong đời sống xã hội trước đây chưa được Nhà nước qui định là tội phạm nay do yêu cầu của tình hình mới, nên Nhà nước có sự điều chỉnh bổ sung nhiều điều luật và qui định thêm 1 số tội phạm mới. Tuy nhiên các tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên rừng vẫn được giữ nguyên không sửa đổi, bổ sung.