Văn bản pháp luật và vấn đề "hủy bỏ" và "bãi bỏ" văn bản pháp luật khiếm khuyết

Hiện còn nhiều khái niệm, quan điểm khác nhau khi bàn về khái niệm văn bản pháp luật, tuy nhiên, theo quan niệm được thừa nhận khá rộng rãi hiện nay thì văn bản pháp luật bao gồm: Văn bản quy phạm pháp luật, Văn bản áp dụng pháp luật và Văn bản hành chính

 

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 hoặc trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành năm 2004, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Theo quy định tại các luật trên, văn bản quy phạm pháp luật có:

1. Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

2. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

4. Nghị định của Chính phủ.

5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

7. Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

8. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

9. Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

10. Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

11. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

12. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

Văn bản áp dụng pháp luật là văn bản được ban hành nhằm áp dụng các quy phạm pháp luật vào thực tiễn, tức là “hiện thực hóa” các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật vào thực tiễn. Có thể kể một số văn bản áp dụng pháp luật như: Quyết định, hướng dẫn, bản án.

Văn bản hành chính là văn bản do các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành nhằm giải quyết một công việc cụ thể hay ghi nhận sự kiện thực tế đã xảy ra hoặc xác nhận tình trạng thực tế của cá nhân, tổ chức nào đó. Có thể kể đến một số văn bản hành chính như: Giấy mời, thông báo, các văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận (bằng tốt nghiệp đại học, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký kết hôn…).

Dù là văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật hay văn bản hành chính thì việc ban hành chúng đều phải đảm bảo các nguyên tắc và yêu cầu đó là: ban hành đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp; tính hợp lý, tính khoa học, tính khả thi. Để các yêu cầu này được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh thì những việc quan trọng cần quan tâm trong quá trình ban hành và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật đó là giám sát, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, phát hiện và xử lý các văn bản pháp luật “khiếm khuyết” là hết sức cần thiết.

Khi khi kiểm tra, giám sát, rà soát mà phát hiện văn bản có khiếm khuyết, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền sẽ tùy vào tính chất, mức độ khiếm khuyết của văn bản pháp luật và tính chất của mỗi biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để lựa chọn một trong rất nhiều các biện pháp xử lý như: Hủy bỏ, bãi bỏ, thay thế, đình chỉ thi hành, tạm đình chỉ thi hành, sửa đổi.

Trong các hình thức xử lý nêu trên thì hình thức “hủy bỏ” và “bãi bỏ”, mặc dù đã được quy định trong trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 hoặc trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành năm 2004; Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật cũng như một số văn bản có liên quan khác. Tuy nhiên, các quy định của Luật cũng như văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn khá chung chung, dễ gây nhầm lẫn trong quá trình vận dụng. Đối với cơ quan nhà nước khi xử lý văn bản nhiều khi tùy nghi lựa chọn một trong hai biện pháp này, thậm trí xử dụng không nhất quán trong những thời điểm, tình huống và đối tượng khác nhau.

Để góp phần giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hai khái niệm này, trong phần tiếp theo của bài viết, chúng tôi xin phép đi vào phân tích, so sánh một cách khái quát nhất để bạn đọc có thể thấy những điểm giống và khác nhau giữa hai khái niệm “hủy bỏ” và “bãi bỏ” văn bản pháp luật khiếm khuyết.

1. Hủy bỏ

Hủy bỏ là biện pháp xử lý văn bản pháp luật có khiếm khuyết được áp dụng đối với cả văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính khi các văn bản này có vi phạm nghiêm trọng như: Nội dung văn bản bất hợp pháp, ban hành trái thẩm quyền nội dung; sai phạm về thủ tục ban hành dẫn đến làm mất cơ sở pháp lý của việc giải quyết công việc phát sinh và một số vi phạm nghiêm trọng khác.

Hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ là văn bản pháp luật sẽ hết hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm văn bản này được ban hành. Điều đó có nghĩa là phủ nhận giá trị pháp lý của văn bản bị hủy bỏ ngay từ khi nó được ban hành. Tức là việc cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để làm mất hiệu lực của văn bản bị hủy bỏ kể cả trở về trước. Bên cạnh đó, nếu văn bản bị hủy bỏ là văn bản áp dụng pháp luật thì đây còn là cơ sở để xem xét và giải quyết trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm hoàn trả của chủ thể ban hành văn bản.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nếu văn bản bị hủy bỏ là văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính thì khi bị hủy bỏ, chủ thể ban hành văn bản đó không phải bồi thường. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, biện pháp hủy bỏ chỉ được/nên áp dụng đối với văn bản áp dụng pháp luật mà thôi.

2. Bãi bỏ

Theo cách hiểu tương đối thống nhất hiện nay thì bãi bỏ là “bỏ đi, không thực hiện nữa”. Trong ban hành văn bản pháp luật, đối tượng áp dụng biện pháp bãi bỏ là các văn bản quy phạm pháp luật có một trong những khiếm khuyết như: Nội dung văn bản không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng; nội dung văn bản không phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành; phần lớn nội dung không đảm bảo quyền lợi chính đáng của đối tượng chịu sự tác động của văn bản hoặc không phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội là đối tượng mà văn bản điều chỉnh; hay phần lớn nội dung văn bản không phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập…

Như vậy, khác với hủy bỏ, dấu hiệu vi phạm pháp luật không phải là dấu hiệu duy nhất để xem xét áp dụng bãi bỏ. Đồng thời văn bản bị bãi bỏ chỉ mất hiệu lực kể từ thời điểm văn bản xử lý nó (văn bản bãi bỏ) có hiệu lực pháp luật. Do vậy, biện pháp bãi bỏ không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn của chủ thể ban hành văn bản bị bãi bỏ đó.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả về một số vấn đề liên quan đến khái niệm văn bản pháp luật cũng như vấn đề “hủy bỏ” và “bãi bỏ” văn bản pháp luật. Đây là những vấn đề mang tính khoa học chuyên sâu và là vấn đề còn có nhiều cách tiếp cận, cách hiểu khác nhau. Do vậy, chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến góp ý, trao đổi của bạn đọc.

Ths. Vũ Hoài Nam – NXB Tư pháp – Bộ Tư pháp